Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KINH TẾ HÀN QUỐC PHỤC HỒI TRONG QUÝ I NĂM 2021

Đăng ngày:

GDP quý 1 vượt mức trước khủng hoảng Covid-19

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết tổng sản phẩm quốc nội GDP của Hàn Quốc trong quý 1 tăng 1,6% so với quý trước, dẫn đầu là sự phục hồi trong xuất khẩu và nhu cầu trong nước. Tiêu dùng cá nhân tăng trở lại 1,1%, trong khi xuất khẩu và đầu tư cơ sở vật chất tăng lần lượt 1,9% và 6,6%. GDP của quốc gia này trong quý 1 vượt qua mức của quý 4 năm 2019, thời điểm ngay trước khi đại dịch bùng phát[1]. Sự phục hồi trong quý 1 năm 2021 của Hàn Quốc nhanh hơn so với triển vọng mà các tổ chức quốc tế và ngân hàng đầu tư toàn cầu đưa ra, khi GDP thực tế đã vượt mức trước khủng hoảng Covid-19.

Biến động GDP

Đơn vị: nghìn tỷ won

KINH TẾ HÀN QUỐC PHỤC HỒI TRONG QUÝ I NĂM 2021

Nguồn: KDI, Economic Bulletin, May 2021

Tăng trưởng hàng năm chuyển biến tích cực sau ba quý liên tiếp giảm cho thấy sự phục hồi nhanh hơn so với các cuộc khủng hoảng khác. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998, phải mất 4 quý để phục hồi và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 phải mất 3 quý[2].

Xuất khẩu, nhu cầu trong nước và tâm lý người tiêu dùng đều được cải thiện với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Xuất khẩu giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020 trước khi cho thấy sự phục hồi đáng kể trong nửa cuối của năm. Trong nửa cuối năm 2020, hàng hóa xuất đi tăng 8% so với nửa đầu năm 2020.

Xuất khẩu tăng 1,9% trong quý 1 của năm 2021, dù tốc độ tăng dường như đã chậm lại, nhưng vẫn đang trong xu hướng tăng sau khi phục hồi ở mức nhất định. Xuất khẩu mạnh mẽ được hỗ trợ bởi hiệu suất mạnh mẽ của chất bán dẫn, sản phẩm công nghệ thông tin, pin xe điện và đóng tàu.Ngoài ra, chi tiêu lớn của chính phủ vào ngành dịch vụ và các doanh nghiệp tự kinh doanh đã giúp ngăn chặn tiêu dùng giảm nhanh chóng.

Hàn Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu để tăng trưởng. Xuất khẩu nước này đã có sự bùng nổ trong 20 năm qua, phần lớn là do sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi trong đó có Trung Quốc. Các công ty Hàn Quốc sản xuất và bán sản phẩm tại các quốc gia mới nổi, có ý nghĩa to lớn đối với Hàn Quốc về cả cơ sở sản xuất và thị trường. Các công ty Hàn Quốc đã sản xuất hàng hóa ở các nước đang phát triển với chi phí nhân công thấp. Tình hình hiện nay không dễ dàng nữa và có thể phải di dời cơ sở sản xuất, và các chi phí phát sinh do quá trình chuyển đổi có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc ở một mức độ nào đó. Thực tế, Hàn Quốc đang vào thế khó khi Mỹ và Trung Quốc đều đang thúc giục nước này chọn một giữa hai bên. Nếu Hàn Quốc chọn một bên, bên kia sẽ trả đũa[3]. Những rủi ro và bất ổn này sẽ tồn tại và tiếp tục kéo dài.

Giá cả tăng và lạm phát

Giá cả ở Hàn Quốc đang chịu áp lực tăng. Theo Thống kê Hàn Quốc, giá tiêu dùng trong tháng 4 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2020, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong 3 năm và 8 tháng. Con số này vượt quá mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc. Lạm phát không chỉ tạo gánh nặng cho các nhà kinh tế mà còn có thể dẫn đến tăng lãi suất.

Sự gia tăng mạnh mẽ của giá hàng tạp hóa, dầu mỏ và giá nhà đất đang khiến cuộc sống của những người có thu nhập thấp vốn đã chật vật lại càng khó khăn hơn. Một lưu ý đáng lo ngại hơn, xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa, do ảnh hưởng cơ bản từ năm 2020 và giá dầu quốc tế có khả năng xuất hiện xu hướng tăng.

Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất chứng kiến hiện tượng này. Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 2,6% trong tháng 3, so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh giá cả tăng nhanh, có ý kiến cho rằng khả năng lãi suất tăng.

Nền kinh tế Hàn Quốc luôn trong tình trạng tăng trưởng thấp, bẫy lạm phát thấp trong nhiều năm. Trong ba tháng đầu năm 2021, GDP đã tăng 1,6% so với quý trước và sẵn sàng thoát khỏi suy thoái kéo dài. Trong tình huống này, áp lực lạm phát tăng là một trong những yếu tố rủi ro chính[4].

FDI vào Hàn Quốc tăng 44,7% trong quý 1

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết vào Hàn Quốc đã tăng 44,7% so với một năm trước lên 4,74 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2021. FDI tăng vọt do đầu tư bị trì hoãn do đại dịch COVID-19 năm ngoái đã tiếp tục được hỗ trợ bởi sự sáp nhập mạnh và các khoản đầu tư mua lại (M&A).

Theo khu vực, đầu tư cam kết từ Mỹ giảm 39,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 0,23 tỷ USD và đầu tư từ EU tăng 316,8% lên 3,11 tỷ USD. Đầu tư của Nhật Bản cam kết vào Hàn Quốc tăng 91,4% lên 0,24 tỷ USD và đầu tư của Trung Quốc tăng 130,5% lên 0,21 tỷ USD.

Theo ngành, FDI vào lĩnh vực chế tạo giảm 28,0% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 0,45 tỷ USD và FDI vào dịch vụ tăng 57,0% lên 4,16 tỷ USD[5].

Chiến lược chíp bán dẫn Hàn Quốc

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chíp bán dẫn toàn cầu đang ngày càng trở nên quyết liệt hơn vì khan hiếm nguồn cung, Chính phủ Hàn Quốc ngày 13/5 đã công bố "Chiến lược chíp bán dẫn Hàn Quốc", với nội dung xây dựng "Vành đai chíp bán dẫn Hàn Quốc", chuỗi cung ứng chíp bán dẫn lớn nhất thế giới cho tới năm 2030.

Kế hoạch này kêu gọi mở rộng hơn nữa năng lực sản xuất chip của đất nước và đưa các nhà sản xuất chip Hàn Quốc trở thành các nhà sản xuất chip hàng đầu toàn cầu. Đặc biệt, kế hoạch này bao gồm các biện pháp hỗ trợ lớn và đa dạng nhằm giúp các nhà sản xuất chip Hàn Quốc chủ động trong bối cảnh mạng lưới cung cấp chất bán dẫn toàn cầu có sự thay đổi do đại dịch Covid-19. Chính phủ và khu vực tư nhân đang phối hợp, chính phủ cam kết hỗ trợ và các nhà sản xuất chip hứa hẹn đầu tư trị giá 510 nghìn tỷ won. Một yếu tố khác thu hút nhiều sự chú ý nhất là “Vành đai chíp bán dẫn Hàn Quốc” (K-Chip Belt) kêu gọi kết nối các khu vực đô thị như Pangyo, Pyeongtaek và Icheon thành một “vành đai” để nuôi dưỡng và phát triển ngành công nghiệp chip trong tất cả các khâu khác nhau từ thiết kế, sản xuất, thiết bị, vật liệu, v.v. trong một lĩnh vực. Các biện pháp toàn diện có thể được đánh giá là một kế hoạch rất mạnh mẽ để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và chiến lược để đảm bảo vị trí dẫn đầu trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu mới[6].

Phan Cao Nhật Anh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tổng  hợp từ nguồn:

1. S. Korean Economy Grows 1.6% in Q1, http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=e&menu_cate=business&id=&board_seq=402674&page=1&board_code=, ngày 3/5/2021.

2. Economic Bulletin, May 2021, https://www.kdi.re.kr/kdi_eng/publications/economic_bulletin.jsp?pub_no=17062&media=newsletter

3. Growing Concerns over Inflation, http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=e&menu_cate=business&id=&board_seq=402989&page=1&board_code=, ngày 10/5/2021.

4. “K-Semiconductor Belt Strategy” to establish the world’s largest supply network by 2030, http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=e&menu_cate=business&id=&board_seq=403357&page=1&board_code=, ngày 17/5/2021.

 



[1]S. Korean Economy Grows 1.6% in Q1, http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=e&menu_cate=business&id=&board_seq=402674&page=1&board_code=, ngày 3/5/2021.

[2] Economic Bulletin, May 2021,

https://www.kdi.re.kr/kdi_eng/publications/economic_bulletin.jsp?pub_no=17062&media=newsletter

[3]S. Korean Economy Grows 1.6% in Q1, http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=e&menu_cate=business&id=&board_seq=402674&page=1&board_code=, ngày 3/5/2021.

[4]Growing Concerns over Inflation, http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=e&menu_cate=business&id=&board_seq=402989&page=1&board_code=, ngày 10/5/2021.

[5] Economic Bulletin, May 2021,

https://www.kdi.re.kr/kdi_eng/publications/economic_bulletin.jsp?pub_no=17062&media=newsletter

[6]“K-Semiconductor Belt Strategy” to establish the world’s largest supply network by 2030, http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=e&menu_cate=business&id=&board_seq=403357&page=1&board_code=, ngày 17/5/2021.

 


Scroll To Top