Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KINH TẾ HÀN QUỐC SỤT GIẢM MẠNH TRONG QUÝ II NĂM 2020

Đăng ngày:

Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã khiến nền kinh tế Hàn Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu bị ngưng trệ nghiêm trọng. Theo nguồn tin từ Yonhap News Agency, kinh tế Hàn Quốc trong Quý II sụt giảm với tốc độ cao hơn so với dự kiến.

Dữ liệu từ Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) cũng cho biết, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay (2020), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Hàn Quốc đã giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái (2019), đánh dấu mức suy giảm sâu nhất so với mức giảm 3,8% kể từ Quý IV năm 1998. Trong ba tháng đầu năm, kinh tế địa phương của Hàn Quốc cũng thu hẹp 3,3%, đánh dấu mức tăng trưởng theo quý chậm nhất kể từ quý I năm 1998. Đáng chú ý là trong quý I vừa qua, kinh tế Hàn Quốc đã giảm 1,3% trong khi hàng năm đây là thời kỳ kinh tế tăng trưởng khoảng 1,4%. Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) trước đây đã dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước trong Quý II, đặt dự đoán mức suy giảm cho cả năm là 0,2%. Trong dự báo hồi tháng 5, BOK dự đoán nền kinh tế địa phương của nước này sẽ thu hẹp 1,8% trong năm 2020 theo kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Xuất khẩu của Hàn Quốc trong Quý II đã giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2019, đánh dấu sự suy giảm mạnh so với mức tăng 5,6% trong Quý I, cũng là mức sụt giảm mạnh nhất trong xuất khẩu hàng năm kể từ quý IV năm 1974 khi các lô hàng gửi đi nước ngoài giảm 17,9%.

Tiêu dùng trong nước tiếp tục duy trì ở mức thấp trong quý II, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, có sự cải thiện không đáng kể so với mức giảm 4,8% trong quý I. Để giúp tăng chi tiêu địa phương, cho đến nay Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã hai lần giảm lãi suất, cắt giảm lãi suất chính sách 75 điểm cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 0,5%. Giá tiêu dùng trong nước giảm, tăng trưởng âm 0,3% trong tháng 5.

Cho đến nay, Chính phủ Hàn quốc đã tăng chi tiêu ngân sách ít nhất là 59 nghìn tỷ won (49,3 tỷ USD) với 3 gói ngân sách bổ sung để thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ bởi đại dịch COVID-19. Gói ngân sách bổ sung lần thứ ba và mới nhất của Chính phủ Hàn Quốc với mức 35,1 nghìn tỷ won là gói ngân sách bổ sung lớn nhất chưa từng có trong lịch sử nước này. Mặc dù chi tiêu ngân sách khổng lồ, tình hình đầu tư tư nhân tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục đình trệ với đầu tư xây dựng chỉ tăng 0,1% trong quý II, chậm lại so với mức tăng 4,2% trong Quý I.

Tính theo lĩnh vực, sản lượng của ngành công nghiệp sản xuất giảm 6,7% trong Quý II, một sự thay đổi đột ngột từ mức tăng 3,5 % trong quý I. Đầu tư xây dựng của Quý II đã tăng 1,5%, cũng chậm lại so với tỉ lệ tăng 7,5 % trong quý I. Sản lượng của ngành xây dựng giảm 0,2%, so với mức tăng 3% trong quý I. Trong khi đó, ngành dịch vụ giảm 1,7% từ mức tăng trưởng 0,2% trong quý I.

Có thể hình dung cụ thể hơn tình trạng suy giảm của nền kinh tế Hàn Quốc trong quý II qua thực tế của hai công ty lớn hàng đầu Hàn Quốc là Kia Motors Corp và Hyundai. Cụ thể, Kia Motors Corp là tập đoàn sản xuất và lắp ráp ô tô, động cơ xe hơi, xe buýt, xe tải, xe điện đa quốc gia có quy mô lớn thứ 2 tại Hàn Quốc. Trong Quý II, lợi nhuận ròng của Kia Motors Corp đã giảm 75% do doanh số và sản lượng của công ty này liên tục sụt giảm bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo số liệu của Kia Motors Corp, lợi nhuận ròng của công ty trong Quý II đã giảm mạnh xuống còn 126,31 tỷ won (106 triệu USD) so với mức 50,39 tỷ won cùng kỳ năm trước (2019). Nhu cầu toàn cầu giảm mạnh do đại dịch COVID-19 đã làm giảm mạnh doanh số bán ra của các mẫu xe mới và cắt giảm thuế ở thị trường nội địa. Lợi nhuận hoạt động của công ty đã giảm 73% xuống còn 145,16 tỷ won trong quý II so với mức 533,62 tỷ won từ thu nhập hoạt động cùng kỳ năm trước; doanh số cùng kỳ cũng giảm 22% xuống còn 11,37 nghìn tỷ won so với doanh số 14,51 nghìn tỷ won của năm trước. Từ tháng 1 đến tháng 6, lợi nhuận ròng giảm 66% xuống còn 392,28 tỷ won so với 1,15 nghìn tỷ won trong giai đoạn cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn Hyundai – Tập đoàn sản xuất xe hơi đa quốc gia có quy mô lớn nhất tại Hàn Quốc cũng cho biết, do sự bùng phát dịch COVID-19, lợi nhuận ròng trong quý II của hãng đã giảm mạnh 62% xuống còn 377,27 tỷ won (tương đương 315 triệu USD) so với 999,30 tỷ won trong cùng kỳ năm ngoái. Kết quả lợi nhuận ròng này vẫn ở mức khá cao so với bình quân thị trường rơi vào khoảng 176 tỷ won. Lợi nhuận hoạt động đã giảm 52% xuống còn 590,32 tỷ won trong quý II so với mức 1.240 tỷ won một năm trước đó. Doanh số cũng giảm 19% xuống còn 21,86 nghìn tỷ won so với 26,97 nghìn tỷ won trong cùng kỳ. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, lợi nhuận ròng của công ty đã giảm 52% xuống còn 929,95 tỷ won so với 1.950 tỷ won trong cùng giai đoạn năm trước. Lợi nhuận hoạt động đã giảm 30% xuống còn 1,45 nghìn tỷ won trong 6 tháng đầu năm so với 2,06 nghìn tỷ won cùng kỳ năm trước. Doanh số giảm 7,4% xuống 47,18 nghìn tỷ so với 50,95 nghìn tỷ won cùng kỳ năm trước.

Ông Park Yang-su - người đứng đầu Văn phòng Thống kê kinh tế của Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) đã từ chối đưa ra ước tính tăng trưởng cho cả năm khi được hỏi, nhưng nhấn mạnh rằng tình trạng tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong Quý II của nền kinh tế sẽ không nhất thiết có nghĩa là tốc độ tăng trưởng cả năm giảm mạnh tương đương. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, tăng trưởng trong Quý III và Quý IV của kinh tế Hàn Quốc có đạt hoặc cao hơn mức 3% hay không vẫn sẽ khiến tăng trưởng cả năm nay của Hàn Quốc chỉ ở mức âm 0,2%.

Phạm Thu Thủy

Phòng Kinh tế và Phát triển bền vững

 

Nguồn:

1. Yonhap News Agency, (3rd LD) S. Korea's economy shrinks 2.9 pct in Q2, worst since 1997 financial,

https://en.yna.co.kr/view/AEN20200723001053320?section=economy/economy

2. Yonhap News Agency, Hyundai Q2 net more than halves on COVID-19 impact,  https://en.yna.co.kr/view/AEN20200723006352320?section=economy/economy

3. Yonhap News Agency, Kia Q2 net slumps 75 pct amid virus impac, https://en.yna.co.kr/view/AEN20200723008851320?section=economy/economy

4. The Business Time, South Korea's GDP shrinks 1.3% in first quarter,

https://www.businesstimes.com.sg/government-economy/south-koreas-gdp-shrinks-13-in-first-quarter

5. Asia Economy, South Korea posts biggest economic decline since 2008, https://www.cnbc.com/2020/04/23/south-korea-q1-gdp-2020.html

 

 


Scroll To Top