Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRƯỚC ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Để hạn chế những tác động tiêu cực của Đại dịch Covid-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc, chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất lên quốc hội Hàn Quốc  ngày 5/3/2020 khoản ngân sách bổ sung trị giá 11,7 nghìn tỷ won. Đây là khoản bổ sung ngân sách thứ tư dưới thời Tổng thống Moon Jae-in và là khoản bổ sung ngân sách lớn nhất trong 7 năm qua. Trong đó, 8,5 nghìn tỷ won sẽ được sử dụng nhằm vực dậy nền kinh tế và 3,2 nghìn tỷ won[1] để bù đắp thâm hụt ngân sách. Cụ thể, khoản chi tiêu ngân sách trên hướng tới bốn mục tiêu chính như sau:

+ Kiểm soát bệnh dịch tốt hơn (2,3 nghìn tỷ won):  hỗ trợ cho các cơ sở y tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (1,7 nghìn tỷ won); hỗ trợ cho công tác cách ly và các khoản vay cho các cơ sở y tế (0,5 nghìn tỷ won); công tác phòng chống và điều trị (khoảng 0,08 nghìn tỷ won)[2].

+ Hỗ trợ các thương nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ (2,4 nghìn tỷ won):  Hỗ trợ khẩn cấp đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua các khoản vay và bảo lãnh (1,7 nghìn tỷ won); Hỗ trợ hoạt động kinh doanh với hộ kinh doanh nhỏ, bao gồm chi phí hỗ trợ lương cho người lao động (0,61 nghìn tỷ won); Thúc đẩy các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong thị trường truyền thống, bao gồm chi phí hỗ trợ lương cho người lao động (0,14 nghìn tỷ won)[3].

+ Đẩy mạnh tiêu dùng trong nước và hỗ trợ người lao động tìm việc làm (3 nghìn tỷ won): Khuyến khích tiêu dùng thông qua cung cấp các phiếu mua hàng giảm giá, hạ giá các sản phẩm là đồ dùng gia đình v.v… (2,4 nghìn tỷ won); Hỗ trợ cho người tìm việc bao gồm khoản chi hỗ trợ lương trong thời gian dịch bệnh (0,63 nghìn tỷ won)[4].

+ Tăng cường hỗ trợ kinh tế địa phương bị ảnh hưởng (khoảng 0,8 nghìn tỷ won): Tài trợ giáo dục và hỗ trợ khác cho chính quyền địa phương (khoảng 0,3 nghìn tỷ won); Thúc đẩy kinh tế địa phương (0,24 nghìn tỷ won); Hỗ trợ các ngành công nghiệp địa phương bị ảnh hưởng (0,13 nghìn tỷ won).

Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc dành một khoản hỗ trợ đặc biệt dành cho thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang (Gyeongsangbuk-do), trong đó, 150  tỷ won hỗ trợ khẩn cấp cho các thương nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, 100 tỷ won cho thúc đẩy kinh tế địa phương và 10 tỷ won cho công tác phòng chống và điều trị trong dịch Covid-19.

Đồng thời, chính phủ Hàn Quốc đã rót tiền vào khu vực kinh tế công để kìm hãm suy thoái kinh tế. Năm 2020, chính phủ Tổng thống Moon Jae-in dự định rót 60 nghìn tỷ won cho các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo và 15 nghìn tỷ won cho khu vực kinh tế tư nhân. Chính phủ Hàn Quốc sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước giải ngân nhanh chóng và đây là một tiêu chí đánh giá hiệu suất của từng doanh nghiệp. Kể từ khi nhậm chức tháng 5/2017, Tổng thống Hàn Quốc luôn chú trọng đầu tư cho khu vực kinh tế công. Theo số liệu của Bộ Kinh tế và Tài chính, đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước đã tăng từ 44,6 nghìn tỷ won trong năm 2018 lên 55,1 nghìn tỷ won vào năm 2019, và dự tính đạt 60 nghìn tỷ won trong năm 2020.

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước Hàn Quốc đang thực hiện biện pháp nhằm chung tay vực dậy nền kinh tế với chính phủ Hàn Quốc, chú trọng đẩy mạnh các kế hoạch chi tiêu trong từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của nước này là Tập đoàn Đất đai và Nhà ở (Korea Land & Housing Corp - LH) cho biết hôm 23/2/2020:  Công ty sẽ đẩy nhanh việc phát hành 7 nghìn tỷ won (5,78 tỷ USD), tương đương 34% tổng ngân sách hàng năm, trong nửa đầu năm 2020 để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng đại dịch đang lan rộng với tốc độ đáng báo động ở Hàn Quốc trong thời gian qua. Theo đó, LH dự định tăng gấp đôi giá trị mua sắm trong năm 2020 lên 20,5 nghìn tỷ won so với 10,3 nghìn tỷ won năm 2019. Quy mô các dự án cơ sở hạ tầng dân dụng lên tới 2,7 nghìn tỷ won và các dự án xây dựng là 13,8 nghìn tỷ won, chiếm hơn 80% tổng giá trị mua sắm. Các dự án khác bao gồm mạng lưới điện và truyền thông (2,7 nghìn tỷ won), cảnh quan (500 tỷ won) và thiết bị máy móc (100 tỷ won). Theo khu vực đầu tư, hơn 60 % ngân sách được tập trung ở Seoul và khu vực đô thị, với 1,8 nghìn tỷ won tại thủ đô Seoul, Incheon 4,7 nghìn tỷ won tại Incheon và 6,1 nghìn tỷ won tại tỉnh Gyeonggi[5].

Tập đoàn Khí ga Hàn Quốc (Korea Gas) cho biết: “Tập đoàn sẽ sử dụng quỹ trị giá 20 tỷ won cùng với Ngân hàng DGB Daegu để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh phía Tây Nam của Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang (Gyeongsangbuk-do). Đây là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất do có nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19”. Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đang cân nhắc giảm chi phí điện cho một số lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Chính quyền địa phương phía Nam đảo Jeju, nơi có lượng khách du lịch giảm mạnh, đã yêu cầu giảm giá điện đối với các công ty du lịch cung cấp dịch vụ lưu trú, khách sạn. Theo số liệu tính đến tháng 12/2019, các ngành dịch vụ bị đánh thuế 122,3 won trên mỗi kilowatt giờ, cao hơn nhiều so với 106,5 won cho khách hàng trong cùng ngành.

Về khoản ngân sách bổ sung trên của chính phủ Hàn Quốc, Tổ chức xếp hạn tín nhiệm Moody’s Investors Service đã có những đánh giá tích cực. Phó Chủ tịch cấp cấp cao của Moody, ông Christian de Guzman cho biết: “Khoản ngân sách bổ sung sẽ hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế Hàn Quốc và giảm thiểu những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra”.

Mặc dù, Hàn Quốc có số lượng người mắc Covid-19 thuộc hàng cao trên thế giới nhưng đến nay Hàn Quốc đã trở thành một hình mẫu trong công tác phòng chống Đại dịch Covid-19. Hy vọng rằng, với “tốc độ” trong việc thực hiện các biện pháp cần thiết của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in và sự hợp sức của các doanh nghiệp trong nước, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phục hồi nhanh chóng trong tương lai gần.

 

Tống Thùy Linh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc – Triều Tiên

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tổng hợp từ:

1. Hà Thu, “Hàn Quốc tung gần 10 tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế”, 4/3/2020, https://vnexpress.net/kinh-doanh/han-quoc-tung-gan-10-ty-usd-ho-tro-nen-kinh-te-4063851.html

2. Sam Kim, “South Korea Unveils $9.8 Billion Extra Budget to Stem Virus Fallout”, 4/3/2020,  https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-03-04/south-korea-unveils-9-8b-extra-budget-to-stem-virus-fallout

3. Kim Hyo-jin, “Korea proposes $10 bn extra budget to offset coronavirus impact” , 4/3/2020, https://pulsenews.co.kr/view.php?year=2020&no=227509

4. Ministry of Economy and Finance, “Korea's national response to COVID-19 outbreak”, http://m.korea.net/english/Government/Current-Affairs/National-Affairs/view?affairId=2034&subId=6&articleId=53054&viewId=53054#

5. Choi Jae-won, Moon Jae-yong, Oh Chan-jong,  Kim Hyo-jin, “Korean state firms join economic stimulus campaign to contain virus impact”, 25/2/2020, https://pulsenews.co.kr/view.php?sc=30800028&year=2020&no=195085

6. Kim Young Deok, Lee Jihae, “Moody's: supplementary budget for COVID-19 to support Korean economy”, 5/3/2020, http://www.korea.net/NewsFocus/Business/view?articleId=182953&pageIndex=1

 

 

 

 




Scroll To Top