Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG ẢNH HƯỞNG TỪ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH MỸ - TRIỀU LẦN 2

Đăng ngày:

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27-28/02 vừa qua đã kết thúc mà không đưa ra bất kỳ thỏa thuận bằng văn bản nào, làm dấy lên mối lo ngại rằng vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên sẽ không được thực hiện trong tương lai gần. Việc Hội nghị lần này chưa mang lại bước tiến chính thức nào cho các vấn đề Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích chiến lược khác nhau của các nước xung quanh như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

(1) Đối với Hàn Quốc

Hàn Quốc trở thành nạn nhân ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh lần này kết thúc mà không có thỏa thuận nào được kí kết. Tổng thống Trump vừa rời bàn đàm phán, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã giảm đáng kể. Nếu sắp tới Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa, Hàn Quốc sẽ là quốc gia bị đe dọa nhiều nhất.

Lami - giảng viên của Khoa Chính trị và Hành chính công tại Đại học Hồng Kông - cho rằng: “Đây là một cú đánh mạnh đối với Hàn Quốc – quốc gia đang hy vọng sẽ nối lại hợp tác kinh tế, đồng thời chấm dứt chiến tranh với Triều Tiên”.

Hiện nay, Khu công nghiệp Kaesongdo Hàn Quốc và Triều Tiên cùng điều hành và các tour du lịch của người Hàn đến khu nghỉ mát núi Kumgang vẫn đang bị đình chỉ. Cam kết của ông Trump về việc “không từ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt”, vì mục đích ngăn chặn Triều Tiên theo đuổi các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, sẽ tước đi cơ hội của Hàn Quốc trong việc nối lại các hoạt động kinh tế chung, bao gồm cả dự án kết nối đường sắt và đường bộ qua biên giới Hàn - Triều.

Thậm chí sau này, ngay cả khi Mỹ cuối cùng cũng đồng ý sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ phải cung cấp hầu hết các hỗ trợ tài chính cho người hàng xóm. Lợi ích trước mắt duy nhất cho Hàn Quốc, nếu các cuộc đàm phán trong tương lai giữa ông Kim và ông Trump diễn ra tốt đẹp, sẽ là mối đe dọa chiến tranh được giảm dần.

Nhưng Hàn Quốc cũng có thể đạt được những lợi ích về mặt kinh tế - ít nhất là về lâu dài - trong một môi trường “hậu trừng phạt”. Ví dụ:việc mở lại Khu công nghiệp Kaesong sẽ mang lại lợi ích cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng có thể mong đợi tỷ lệ việc làm gia tăng, do có nhiều cơ hội kinh doanh với Triều Tiên và việc mở rộng thị trường thông qua Quỹ Hợp tác Hàn - Triều (IKCF).

Với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Hàn Quốc cũng có thể mong đợi lợi nhuận thương mại và du lịch tăng lên bằng việc liên kết đường sắt Bắc - Nam. Có thể nhận định rằng, một trong những lý do chính khiến ông Kim Jong-un di chuyển bằng tàu từ Triều Tiên đến Việt Nam là để gửi một thông điệp tới Hàn Quốc: nếu Hàn Quốc thúc đẩy việc chấm dứt lệnh trừng phạt, họ có thể chạy đường sắt qua phía Bắc và kết nối với các tuyến thương mại ở Trung Quốc, Nga và Việt Nam. Nhưng những lợi ích này dựa trên một cảnh báo quan trọng: chúng sẽ chỉ xảy ra nếu Triều Tiên hoặc Mỹ nhượng bộ bên còn lại. Và cho đến khi điều đó xảy ra, tình trạng khó xử này sẽ làm xấu đi mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Vì vậy, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dường như bị mắc kẹt giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ khi dường như không ai trong số họ hoàn toàn cam kết cho thành công của Hội nghị thượng đỉnh. Trong khi đó, ở trong nước, ông Moon sẽ phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng từ phe bảo thủ do ngân sách cho IKCF gia tăng nhưng lại ít mang lại kết quả.

Hy vọng cho bán đảo Triều Tiên vẫn còn nhưng nó đang bị thu hẹp. Nếu Tổng thống Moon trụ vững, ông sẽ phải tìm phương cách mới để đưa ông Kim và ông Trump trở lại bàn đàm phán. Cần nhắc lại rằng ông Moon đã đóng vai trò này hai lần trong năm 2018: một lần vào tháng 5, sau khi ông Trump đơn phương hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh và một lần vào tháng 9, sau khi ông Trump đột ngột hủy chuyến công du dự kiến của Ngoại trưởng Pompeo tới Bình Nhưỡng. Đối với ông Moon, thành công của quá trình này là tất cả, ông không thể cho phép tiến trình này đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng!

(2) Đối với Trung Quốc

Các chuyên gia đối ngoại cho rằng, Trung Quốc - đồng minh chính trị và kinh tế lớn của Triều Tiên - không hoàn toàn bất mãn với kết quả của Hội nghị thượng đỉnh lần này vì họ rất muốn tiếp tục đóng vai trò nòng cốt ở Đông Á, cũng như duy trì ảnh hưởng đối với nước láng giềng Triều Tiên vì lợi ích an ninh.

Trung Quốc và Mỹ hiện đang bị chia rẽ vì cuộc chiến thương mại và các vấn đề an ninh như Đài Loan và Biển Đông. Chừng nào các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên còn bị đình trệ, Trung Quốc sẽ còn cố gắng sử dụng Triều Tiên như một “quân bài mặc cả” để đạt được những nhượng bộ từ Mỹ, một nguồn tin thân cận với Bắc Kinh cho hay.

(3) Đối với Nhật Bản

Trong khi đó, Nhật Bản có một loạt các lo lắng khác nhau. Khi cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa không mang lại kết quả đáng kể, Triều Tiên sẽ tiếp tục duy trì một kho vũ khí hạt nhân, bao gồm các tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới Nhật Bản.

Như vậy, trong khi vẫn bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Nhật Bản cũng đồng thời không thể tìm thấy lối thoát cho việc phá vỡ bế tắc trong quan hệ song phương. Rõ ràng, so với các quốc gia Đông Á khác, Nhật Bản đã bị tụt lại phía sau trong việc cải thiện mối quan hệ với Triều Tiên.

Mối quan hệ Nhật – Triều bị bế tắc lâu dài do bất đồng về các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản trước đây. Thủ tướng Shinzo Abe từng tuyên bố rằng việc giải quyết vấn đề này là “sự nghiệp cả đời” của ông. Ông Abe còn khẳng định vấn đề bắt cóc phải được giải quyết trước khi quan hệ song phương có thể được bình thường hóa.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Malcolm Cook (Viện Nghiên cứu Yusof Ishak của Singapore) cho rằng “Nhật Bản có nguy cơ bị cô lập khỏi các cuộc thảo luận và phát triển bốn bên giữa Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc”. Ông còn nói thêm “Việc Thủ tướng Abe tập trung vào vấn đề bắt cóc đã góp phần gây ra rủi ro này cho Nhật Bản”.

Ở một góc độ khác, Jeff Kingston, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple Nhật Bản, thì cho rằng “Abe thiên theo hướng thay đổi chế độ để không cho phép Kim tiếp tục “tống tiền hạt nhân”.

 

Lương Hồng Hạnh (tổng hợp)


NGUỒN:

1. In the U.S.-North Korea summit’s ashes, nothing – and everything – changes

https://www.theglobeandmail.com/opinion/article-in-the-us-north-korea-summits-ashes-nothing-and-everything/

2. South Korea to work with U.S., North Korea after failed nuclear talks

https://www.reuters.com/article/us-northkorea-usa/trump-north-korea-give-conflicting-accounts-of-summit-collapse-idUSKCN1QG2Y3

3. North Korea-US summit: what its failure means for the peninsula's future

https://theconversation.com/north-korea-us-summit-what-its-failure-means-for-the-peninsulas-future-112634

4. Lack of progress at Trump-Kim summit will have mixed impact on China, South Korea and Japan | The Japan Times

https://www.japantimes.co.jp/news/2019/03/01/asia-pacific/lack-progress-trump-kim-summit-will-mixed-impact-china-south-korea-japan/#.XHwFZjpx3IU

5. After U.S.-North Korea nuclear summit fails, all sides scramble to salvage the talks despite major differences

https://www.washingtonpost.com/world/asia_pacific/salvage-efforts-begin-for-us-north-korea-nuclear-talks-but-a-chasm-yawns-between-them/2019/03/01/cdd3bbda-3b9c-11e9-b10b-f05a22e75865_story.html?noredirect=on&utm_term=.43813025adff


Scroll To Top