Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH MỸ -TRIỀU LẦN II TẠI HÀ NỘI VÀ SÁNG KIẾN BERLIN CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần thứ II diễn ra tại Hà Nội trong thời gian 27~28/2/2019, sau cuộc gặp lần thứ I tại Singapore chỉ khoảng 8 tháng đang cho thấy thiện chí của hai bên và đánh dấu một bước tiến nhanh chóng trong quan hệ Mỹ - Triều. Thành công của hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ đem lại nhiều hi vọng cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, thành công của hội nghị này còn mang tới sự lạc quan và tin tưởng về thành công của các chính sách mà chính phủ Hàn Quốc đang theo đuổi, trong đó có hàng loạt “tân” chính sách ngoại giao và đặc biệt là “Sáng kiến Berlin” của Tổng thống Moon Jae-in nhằm tìm kiếm một hướng đi mới cho hợp tác hòa bình, thịnh vượng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Tổng thống Moon Jae-in công bố Sáng kiến Berlin (Sáng kiến mới về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, 신한반도평화비전) trong chuyến thăm Đức vào tháng 7 năm 2017, kế thừa những nỗ lực xây dựng hòa bình của các chính quyền dân chủ trước đó và xác định sẽ tiến tới kí kết hiệp định hòa bình, phi hạt nhân hóa với tư thế chủ động và giữ vai trò chủ đạo. Nguyên tắc của Sáng kiến Berlin là 1) Chỉ xây dựng hòa bình không theo đuổi thống nhất nhân tạo hay thống nhất từ sự sụp đổ của Triều Tiên; 2) Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong sự bảo đảm an toàn thể chế cho Triều Tiên; 3)Xây dựng thể chế hòa bình bền vững; 4)Thực thi ý tưởng Bản đồ kinh tế mới Bán đảo Triều Tiên; 5) Thực hiện nhất quán các dự án hợp tác giao lưu phi chính trị không liên quan đến tình hình chính trị-quân sự[i].

Thống nhất được Hàn Quốc xem là một quá trình hơn là một sự kết thúc, đòi hỏi tính liên tục và nhất quán trong các chính sách, bất chấp sự thay đổi chính trị nội bộ. Tiến trình thống nhất hay còn gọi là Moon Jae-in Process, là tiến trình chủ động với tư cách “người cầm lái”, trên cấp độ thượng đỉnh, hướng tới xây dựng hòa bình vĩnh cửu trên cơ sở đảm bảo an toàn thể chế, tôn trọng lẫn nhau, giao lưu hợp tác phi chính trị - quân sự, phát triển kinh tế và thịnh vượng chung. Tiến trình hòa bình mang tên Moon Jae-in Process sau Hội nghị thượng đỉnh Nam Bắc bán đảo Triều Tiên sẽ phát triển thành Moon Jae-in – Kim Jong-un Process, sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ phát triển thành Moon Jae-in – Kim Jong-un – Trump Process. Tức là một tiến trình coi trọng sự tham gia và đóng góp đồng thuận từ nhiều phía liên quan. Thể chế hòa bình bền vững sẽ được thiết lập khi 3 bên Hàn-Triều-Mỹ hay 4 bên Hàn-Triều-Trung-Mỹ cùng tuyên bố chấm dứt chiến tranh, kí kết hiệp định hòa bình và quan hệ ngoại giao Mỹ-Triều được thiết lập[ii].

Có thể thấy, khác với các tổng thống tiền nhiệm, tổng thống Moon Jae-in đưa ra một tiếp cận mới cho Hàn Quốc đối với thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Nếu như dưới chính quyền bảo thủ của Tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye, thống nhất được Hàn Quốc thực hiện với tư thế của một “kẻ mạnh” với viện trợ kinh tế có điều kiện hay chuẩn bị thống nhất khi Triều Tiên sụp đổ. Tổng thống Lee Myung-bak với chính sách “Phi hạt nhân hóa và mở cửa 3000” thực dụng và cứng rắn, đưa ra các giai đoạn đi tới thống nhất đi kèm với các điều kiện đặt ra cho Triều Tiên. Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là điều kiện tiên quyết để tạo ra “cộng đồng hòa bình” và Hàn Quốc sẽ giúp nâng cao mức thu nhập của người Triều Tiên lên 3 ngàn đô la như là một phần của việc hình thành “cộng đồng kinh tế”. Sáng kiến thống nhất của Hàn Quốc dưới thời tổng thống Lee Myung – bak có thể được xem như một dự án viện trợ kinh tế có điều kiện cho Triều Tiên. Do đó, thời kỳ này, “chi phí thống nhất” được bàn luận nhiều và thống nhất được xem như là một gánh nặng kinh tế mà Hàn Quốc phải đảm đương, làm giảm khát vọng thống nhất trong nhân dân và toàn xã hội. Còn thống nhất dưới thời kỳ bà Park Geun-hye được cho sẽ được thực hiện sau khi Triều Tiên sụp đổ trong vòng vài ba năm tới. Và thống nhất lúc này được cho “là giải độc đắc”[iii] với nhiều lợi ích to lớn đến với Hàn Quốc và như một sự ngẫu nhiên của số phận. Thống nhất diễn ra sau khi Triều Tiên sụp đổ nên sự thống nhất bán đảo Triều Tiên sẽ được thực hiện bởi Hàn Quốc, do Hàn Quốc lãnh đạo. Vì vậy, thống nhất ở đây sẽ thông qua sự hấp thụ[iv] và Triều Tiên sẽ bị động hòa lẫn với Hàn Quốc sau khi tự sụp đổ.

Trong khi đó, một trong những nguyên tắc thống nhất của Hàn Quốc được nêu trong Sáng kiến Berlin là chỉ xây dựng hòa bình, không theo đuổi thống nhất nhân tạo hay thống nhất từ sự sụp đổ của Triều Tiên. Với khẩu hiệu “Thống nhất là kinh tế” (통일은 경제다), Hàn Quốc hướng tới hòa bình,  thịnh vượng với các dự án hợp tác kinh tế, thương mại với Triều Tiên. Bản đồ kinh tế mới Hàn Quốc – Triều Tiên (한반도 신경제지도) gồm 3 vành đai kinh tế lớn là Vành đai kinh tế Donghae mở rộng, Vành đai Kinh tế Biên giới hai bên DMZ sẽ được thực hiện dựa trên nền tảng thiện chí và tin cậy lẫn nhau giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Với Bản đồ kinh tế mới Hàn Quốc-Triều Tiên, hòa bình thống nhất hai miền không còn là phí tổn như quan điểm trước đây mà chính lại là lợi ích kinh tế, đem lại sự thịnh vượng chung trên cơ sở tôn trọng sự cộng tồn hòa bình bền vững.

Tiến trình thống nhất hay còn gọi là Moon Jae-in Process sẽ được phát triển thành Moon Jae-in – Kim Jong-un Process, Moon Jae-in – Kim Jong-un Process - Trump Process... với các cuộc gặp thượng đỉnh từ các bên. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội lần này giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Triều Tiên đang tiếp nối mạch hội nghị thượng đỉnh liên tiếp giữa Hàn Quốc – Triều Tiên, Triều Tiên – Trung Quốc, Hàn Quốc – Mỹ trong năm 2018. Hàng loạt các cuộc gặp thượng đỉnh giữa các bên liên quan thể hiện thiện chí tiếp tục hợp tác giữa các bên liên quan, không ngừng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp phù hợp cho vấn đề hạt nhân, hòa bình và phát triển kinh tế trên bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc nói chung và Tổng thống Moon Jae-in nói riêng đang cố gắng hết mình với tư cách là người cầm lái, thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội đang thu hút sự chú ý theo dõi của toàn thế giới nhưng có lẽ không có bên thứ 3 nào quan tâm nhiều bằng Hàn Quốc. Hơn ai hết, Hàn Quốc đang mong ngóng “Quả bóng hòa bình từ Pyongchang đã được bắn sang Hà Nội”[v]mang đến những kết quả tốt đẹp, đẩy mạnh tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên./.

 

Nguyễn Thị Thắm

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên



Tài liệu tham khảo

 

[i] Go Yoo Hwan, 2018, Đánh giá 1 năm Chính sách thống nhất, ngoại giao an ninh của chính phủ Moon Jae-in: Mở ra thời đại mới của Hòa bình và thịnh vượng (문재인 정부 통일외교안보정책 1년 평가 : 평화와 번영의 새 시대 개막), Blog của Ủy ban Kế hoạch chính sách trực thuộc Tổng thống (정책기획위원회): http://blog.naver.com/PostView.nhn?blogId=pcppkr&logNo=221276063858

[ii] Go Yoo Hwan, 2018, Tài liệu đã dẫn.

[iii]Korea Joongang Daily , 2014, President Park used the Korean slang term daebak , which is typically translated to English as either “jackpot” or “bonanza.” “Unification may be Jackpot: Park,” Korea Joongang Daily, January 7, 2014.

[iv]Tongil Sinbo , 2014, “Unification is a Jackpot? What the Problem With This Is,” Tongil Sinbo, January 17th, 2014.

[v] Oh Sang-heon, Kim Sung-hwe, Choi Tae-beum, Moon Process hướng về Tuyên bố Hà Nội… Mở con đường thênh thang đi tới hòa bình (하노이선언 향해가는 文프로세스…평화의 ‘탄탄대로’ 놓는다), 머니투데이, ngày 18.02. 2019 http://news.mt.co.kr/mtview.php?no=2019021811597647085&outlink=1&ref=https%3A%2F%2Fsearch.daum.net

 


Scroll To Top