Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG CAO TUỔI Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Theo Luật Phúc lợi Người cao tuổi và Luật Bảo đảm đời sống sinh hoạt cơ bản quốc dân của Hàn Quốc, người cao tuổi là người từ 65 tuổi trở lên[1]. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, tỷ lệ có việc làm của người cao tuổi là tỷ lệ phần trăm trong số người già từ 65 tuổi trở lên đang làm việc và có nguồn thu nhập[2].Vì thế, lao động cao tuổi được hiểu đơn giản là người từ 65 tuổi trở lên tham gia hoạt động kinh tế, đang có việc làm và có nguồn thu nhập.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Hàn Quốc, tỷ lệ có việc làm của người cao tuổi nước này tăng dần trong giai đoạn 1998-2008, nhưng lại giảm trong giai đoạn 2009-2014, và có sự phục hồi nhẹ giai đoạn sau 2014. Cụ thể, tỷ lệ có việc làm của người cao tuổi là 29% (1998) đã tăng lên 30,8% (2004) và đạt 34,5% (2008). Tỷ lệ có việc làm của người cao tuổi giai đoạn sau lần lượt là 34% (2011), 28,9% (2014) và 30,9% (2017)[3].  Như vậy, trong suốt hai thập kỷ qua, tuy có sự tăng giảm theo từng năm, nhưng chỉ khoảng hơn 30% số người cao tuổi ở Hàn Quốc có việc làm. Tỷ lệ không có việc làm ở người cao tuổi tuy có giảm dần nhưng vẫn chiếm khoảng 70%.

Về phân bố việc làm của lao động cao tuổi Hàn Quốc, loại hình công việc tương đối đa dạng và có sự biến đổi theo thời gian. Theo đó, tỷ lệ lao động cao tuổi làm việc trong lĩnh vực nông-ngư nghiệp và chăn nuôi, trong lĩnh vực giản đơn giảm dần; tỷ lệ lao động cao tuổi làm việc trong dịch vụ bán lẻ, lĩnh vực kỹ thuật… tăng dần. Cụ thể, tỷ lệ lao động cao tuổi làm việc trong lĩnh vực nông-ngư nghiệp và chăn nuôi lần lượt giảm nhẹ từ 56,6% (1994) xuống còn 51,2% (2008), nhưng giảm mạnh chỉ còn 36,4% (2014) và 25,2% (2017). Tỷ lệ lao động cao tuổi trong lĩnh vực giản đơn luôn duy trì mức 21,1% (1994), 26,2% (2008), 26,1% (2011) và giảm còn 21,0% (2017). Ngược lại, tỷ lệ lao động cao tuổi làm các công việc đòi hỏi kỹ năng cao hơn, như: nhân viên lắp ráp, vận hành máy móc, đã tăng từ  0,7% (1994) lên 7,6% (2017); lao động có kỹ năng đã tăng từ 2,7% (1994) lên 10,1% (2017);  nhân viên văn phòng đã tăng từ 3,3% (1994) lên 6,6% (2017). Đặc biệt, tỷ lệ lao động cao tuổi tiếp tục giữ vị trí chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật tăng từ 0,4% (1994) lên 5,2% (2017). Như vậy, hiện nay, ở Hàn Quốc, tỷ lệ lao động cao tuổi làm việc trong lĩnh vực giản đơn, không yêu cầu kỹ năng đã giảm dần; tỷ lệ lao động cao tuổi làm các công việc, nghề nghiệp đòi hỏi kỹ năng cao hơn như chuyên gia, nhân viên quản lý, nhân viên vận hành máy móc ..v.v. đã có sự gia tăng. Tuy nhiên, nhóm lao động cao tuổi vẫn còn nhiều bất cập về tỷ lệ tuyển dụng, mức lương.v.v...

Khi so sánh tỷ lệ tuyển dụng của theo nhóm tuổi, tỷ lệ tuyển dụng của nhóm người cao tuổi luôn có xu hướng tăng dần theo thời gian. Cụ thể, tỷ lệ tuyển dụng của người cao tuổi lần lượt là 29,4% (2000), 30,1% (2012) và 30,7% (2016). Đặc biệt, sự chênh lệch về tỷ lệ tuyển dụng theo giới vẫn hiện hữu. Tỷ lệ tuyển dụng của lao động nam luôn duy trì mức 39,5% (2010) – 41,1% (2016), cao hơn tỷ lệ tuyển dụng của lao động nữ 21,2% (2010) – 23,2% (2016)[4].

Về hình thức tuyển dụng, theo số liệu năm 2014, chỉ có 10,5% số lao động cao tuổi là lao động thường xuyên, 54,5% số lao động cao tuổi tự kinh doanh, 34,8% số lao động cao tuổi làm công việc tạm thời[5]. Tỷ lệ lao động thường xuyên ở nhóm người cao tuổi thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tương tự 57,5% (nhóm 15-49 tuổi) và 38,5% (nhóm 50-59 tuổi). Nhìn chung, lao động cao tuổi phần lớn làm các công việc bấp bênh và mang tính chất tạm thời. Bên cạnh đó, lao động cao tuổi chủ yếu làm việc tại nơi làm việc, cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ. Trong số các lao động cao tuổi, 81,7% lao động làm việc tại nơi làm việc quy mô nhỏ hơn 10 người và chỉ có 0,5% lao động làm việc tại doanh nghiệp sử dụng trên 300 nhân viên[6].

Mức lương của lao động cao tuổi luôn thấp hơn so với mức lương của lao động ở các nhóm tuổi khác. Cụ thể, mức lương bình quân tháng của lao động cao tuổi là 800.000 won, chưa bằng ¼ mức lương bình quân tháng 3.330.000 won của lao động nhóm tuổi 50. Khi được tái tuyển dụng, mức lương bình quân tháng của lao động cao tuổi chỉ là 635.000 won, vẫn thấp hơn nhiều so với 2.132.000 won của lao động nhóm tuổi 50[7].

Trong các quốc gia thuộc OECD, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có đứng đầu về các chỉ số liên quan đến lao động cao tuổi. Theo số liệu Điều tra lực lượng lao động 2017 (Labour Force Survey 2017) của EU và Cục thống kê Hàn Quốc công bố năm 2017, tỷ lệ tuyển dụng của Hàn Quốc ở nhóm cao niên đều giữ vị trí cao trong số 5 quốc gia đứng đầu. Cụ thể, tỷ lệ tuyển dụng của Hàn Quốc ở nhóm 65-69 tuổi là 45,5%, chỉ thấp hơn so với Iceland là 53,2%, nhưng cao hơn so với tất cả các nước khác thuộc khối OECD. Tỷ lệ tuyển dụng của Hàn Quốc ở nhóm 70-74 tuổi là 33,1%[8] cao hơn nhiều so với Estonia (15,6%), Romania (13,5%) và Bồ Đào Nha (11,7%). Tuy tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế, tỷ lệ có việc làm của người cao tuổi là một trong những thông số phản ánh mức độ đóng góp, vai trò của người cao tuổi đối với kinh tế, xã hội Hàn Quốc nhưng mặt khác, các chỉ số này cũng cho thấy, chính phủ Hàn Quốc cần nhanh chóng cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội và đưa ra các giải pháp hữu hiện nhằm giải quyết các tồn tại của lao động cao tuổi trong nước.

Tống Thùy Linh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc – Triều Tiên

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tổng hợp từ:

1. 노인취업률현황 (Hiện trạng tỷ lệ có việc làm của người cao tuổi), http://index.go.kr/potal/main/EachDtlPageDetail.do?idx_cd=1409

2. 한국노인인력개발원 (Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực cao tuổi), 지은정부연구위원, 고령근로자의노동시장실태와대책 (Thực trạng  và giải pháp đối với thị trường lao động cao tuổi), https://slidesplayer.org/slide/11008242/

3. Cục Thống Kê Hàn Quốc (2017), 2017 고령자통계, http://kostat.go.kr/portal/korea/kor_nw/3/index.board?bmode=download&bSeq=&aSeq=363363&ord=1.

4. 세명대학교산학협력단 (Trường đại học Semyung) (2012), “노인집중취업분야인권상황실태조사” (Điều tra thực trạng về nhân quyền của người cao tuổi trong lao động), 국가인권위원회(Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc).

5. 하남현, 한국노인취업률세계 1위인데…빈곤율도압도적 1위왜 (Hàn Quốc đứng đầu về tỷ lệ có việc làm và tỷ lệ nghèo của người cao tuổi trên thế giới), https://news.joins.com/article/23003015

 



[1]세명대학교산학협력단 (Trường đại học Semyung) (2012), “노인집중취업분야인권상황실태조사” (Điều tra thực trạng về nhân quyền của người cao tuổi trong lao động), 국가인권위원회(Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc), tr.8.

[2]노인취업률현황 (Hiện trạng tỷ lệ có việc làm của người cao tuổi), http://index.go.kr/potal/main/EachDtlPageDetail.do?idx_cd=1409

[3]Hiện trạng tỷ lệ có việc làm của người cao tuổi, Tài liệu đã dẫn.

[4] Cục Thống Kê Hàn Quốc (2017), 2017 고령자통계, http://kostat.go.kr/portal/korea/kor_nw/3/index.board?bmode=download&bSeq=&aSeq=363363&ord=1, tr.27.

[5]한국노인인력개발원 (Trung tâm Phát triền Nguồn nhân lực cao tuổi), 지은정부연구위원, 고령근로자의노동시장실태와대책 (Thực trạng  và giải pháp đối với thị trường lao động cao tuổi), https://slidesplayer.org/slide/11008242/, slide 4.

[6]Trung tâm Phát triền Nguồn nhân lực cao tuổi, Tài liệu đã dẫn, slide 5.

[7]Trung tâm Phát triền Nguồn nhân lực cao tuổi, Tài liệu đã dẫn, slide 6.

[8]하남현, 한국노인취업률세계 1위인데…빈곤율도압도적 1위왜 (Hàn Quốc đứng đầu về tỷ lệ có việc làm và tỷ lệ nghèo của người cao tuổi trên thế giới), https://news.joins.com/article/23003015



Scroll To Top