Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CHẾ ĐỘ LƯƠNG GIẢM DẦN THEO GIAI ĐOẠN Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Kể từ năm 2000 khi Hàn Quốc chính thức trở thành “xã hội già hóa”, tốc độ lão hóa dân số của quốc gia này không ngừng tăng. Lão hóa dân số dẫn tới thay đổi tuổi trung bình của người lao động. Theo số liệu của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc năm 2009, tuổi trung bình của người lao động tăng từ 35,9 tuổi (1999) lên 37,5 tuổi (2006) và đạt 38,5 tuổi (2009)[1]. Bên cạnh đó, sự gia tăng lao động cao tuổi tại nhiều doanh nghiệp đang tạo ra chi phí lao động lớn hơn, gây ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã áp dụng chế độ lương giảm dần theo giai đoạn nhằm giảm chi phí nhân công.

Chế độ lương giảm dần theo giai đoạn (wage peak system) được định nghĩa là chế độ đảm bảo việc làm cho người lao động với một mức lương giảm dần sau một độ tuổi nhất định[2]. Theo đó, doanh nghiệp sẽ trả lương cho nhân viên khi họ còn trẻ với mức lương thấp hơn so với năng suất của họ, nhưng trả lương nhiều hơn khi họ trở thành lao động trung niên, lao động cao tuổi tương ứng với số năm công tác của họ. Mức lương của người lao động có thể đạt tới đỉnh điểm khi họ 55 tuổi, nhưng sẽ giảm dần mỗi năm tới khi họ đủ tuổi nghỉ hưu.

Tháng 7/2003, Quỹ Bảo lãnh Tín dụng Hàn Quốc là cơ quan đầu tiên chính thức triển khai chế độ lương giảm dần theo giai đoạn. Tuy nhiên, đến 7/5/2015 chính phủ Hàn Quốc mới công bố kế hoạch áp dụng chế độ lương giảm dần theo giai đoạn tại khu vực công. Các tổ chức và doanh nghiệp nhà nước triển khai chế độ lương giảm dần theo giai đoạn có thể nhận được các khoản tín dụng bổ sung trong đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh và khuyến khích khi họ đàm phán tăng lương hàng năm.  Ngày 13/5/2015, chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch hỗ trợ cho các công ty tư nhân tăng cường tuyển dụng nhân viên trẻ khi áp dụng chế độ lương giảm dần theo giai đoạn. Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo, các nơi làm việc không tuân thủ có thể phải đối mặt với mức tăng lương gần như bằng không, cũng như cắt giảm ngân sách hoặc tái cơ cấu.

Theo hướng dẫn của chính phủ Hàn Quốc khi giới thiệu chế độ lương giảm dần theo giai đoạn, lao động sắp nghỉ hưu sẽ nhận mức lương giảm trong vòng vài năm và tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng lên 60. Cụ thể, mức lương sẽ giảm 20% khi người lao động ở tuổi 58 và giảm 30% khi họ 59 tuổi[3]. Tiền lương của người lao động có thể giảm xuống còn 40% mức lương của năm trước khi đạt tới đỉnh điểm[4]. Chế độ này sẽ tạo ra khoản tiền giúp các doanh nghiệp thuê các nhân viên trẻ sáng tạo, trong khi vẫn giữ chân được nhân viên cao tuổi có nhiều kinh nghiệm với chi phí nhân công thấp hơn. Vì vậy, giới doanh nghiệp sẽ xử lý vấn đề lao động kém hiệu quả dư thừa và điều này sẽ giúp nâng cao năng suất lao động. Nếu các công ty cắt giảm 1% số nhân viên thuộc nhóm 10% nhân lực hàng đầu, có thể tạo ra khoảng 60.000 việc làm mới cho thanh niên[5]. Vì vậy, triển vọng giải quyết tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ rất là rõ ràng.

Trong chế độ lương giảm dần theo giai đoạn, có 3 mô hình chủ yếu được áp dụng là mô hình bảo đảm nghỉ hưu (retirement security model), mô hình kéo dài tuổi hưu (retirement extension model) và mô hình gia hạn việc làm (employment extension model)[6]. Mỗi mô hình trên hướng tới mục tiêu khác nhau với thời gian kéo dài công việc tăng dần. Ví dụ, mô hình bảo đảm nghỉ hưu sẽ bảo đảm công việc đến tuổi nghỉ hưu với mức lương giảm dần nên mục tiêu là giảm chi phí lao động với thời gian gia hạn ngắn. Ở mô hình kéo dài tuổi hưu, mức lương của người lao động sẽ được điều chỉnh, mục tiêu là bảo đảm việc làm cho người lao động với thời gian kéo dài công việc ở mức trung bình. Ở mô hình gia hạn việc làm, mức lương của người lao động sẽ được điều chỉnh và mục tiêu vẫn là bảo đảm việc làm, nhưng thời gian kéo dài công việc ở mức cao nhất. Hiện tại, chế độ lương giảm dần theo giai đoạn với mô hình bảo đảm tuổi nghỉ hưu được áp dụng phổ biến ở Hàn Quốc.

Tại khu vực công, tính đến tháng 8/2015, chỉ có 11 trong tổng số 316 nơi làm việc thực hiện chế độ lương giảm dần theo giai đoạn[7]. Nhưng đến tháng 10/2015,  theo Bộ Chiến lược và Tài chính công bố, số nơi làm việc thực hiện chế độ lương giảm dần theo giai đoạn là 191 trên  tổng số 316 nơi làm việc, tức tỷ lệ áp dụng đạt 60%[8]. Đến năm 2016, hơn 90% (287 trong số 313) nơi làm việc thuộc khu vực công đang thực hiện chế độ lương giảm dần theo giai đoạn[9].

Tại khu vực tư, tỷ lệ thực hiện chế độ lương giảm dần theo giai đoạn trong các doanh nghiệp tăng dần từ 2,2% (2005) lên 4,4% (2007), 12,3% (2011) và 16,03% (2012)[10]. Đặc biệt, xu hướng áp dụng chế độ lương giảm dần theo giai đoạn dần phổ biến ở các doanh nghiệp lớn. Theo báo Segye Ilbo, năm 2015, trong số 30 tập đoàn hàng đầu trong nước, khoảng 47%[11] số tập đoàn đã áp dụng một phần chế độ lương giảm dần theo giai đoạn, như Samsung, Lotte, Posco..v.v.. Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Doanh nhân Hàn Quốc công bố năm 2017, gần 68% trong tổng số 227 công ty (tức 7 công ty trong số 10 công ty) đã áp dụng chế độ lương giảm dần theo giai đoạn. Trong đó, tỷ lệ áp dụng tại doanh nghiệp sử dụng hơn 300 lao động là 79% và tại doanh nghiệp sử dụng ít hơn 300 lao động là 63,1%. Ở nhóm doanh nghiệp (sử dụng trên 300 lao động), 52,2% doanh nghiệp đã giới thiệu chế độ lương giảm dần theo giai đoạn, 31,3% doanh nghiệp khuyến khích sử dụng và 28,4% doanh nghiệp thực hiện các thay đổi cơ bản về chế độ lương. Ở nhóm doanh nghiệp (sử dụng dưới 300 lao động), số doanh nghiệp cải cách chế độ lương cơ bản là phổ biến nhất, tiếp theo là hệ thống khuyến khích với 23,1%, và áp dụng chế độ lương giảm dần theo giai đoạn thấp nhất với tỷ lệ 22,5%. Bên cạnh đó, về lợi ích trong việc áp dụng chế độ lương giảm dần theo giai đoạn, tỷ lệ người lựa chọn câu trả lời lần lượt là: tạo động lực cho người lao động (33,3%), giảm rủi ro liên quan tới những thay đổi trong luật lao động (27,7%), giảm chi phí nhân công (12,8%), tăng cường tuyển dụng nhân viên mới (11,6%)[12].

Các lợi ích khác của chế độ lương giảm dần theo giai đoạn là giảm tỷ lệ nghỉ hưu và tăng tuổi nghỉ hưu trung bình. Từ 1/2016 đến 9/2016, tỷ lệ nghỉ hưu tại các doanh nghiệp triển khai hệ thống lương cao điểm là 23,1%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tương tự là 48,4%[13] tại các doanh nghiệp không triển khai chế độ lương giảm dần. Các doanh nghiệp triển khai chế độ lương giảm dần theo giai đoạn có nhiều nhân viên mới hơn là số nghỉ hưu, một đặc điểm đối lập so với phía doanh nghiệp không triển khai chế độ trên. Hơn nữa, tại các doanh nghiệp áp dụng hệ thống lương cao điểm, tuổi nghỉ hưu trung bình là 60,3 trong năm 2016, tăng từ 59,8 vào năm 2015, và lần đầu tiên con số này vượt quá 60.

Như vậy, sau hơn 10 năm  áp dụng, chế độ lương giảm dần theo giai đoạn đã trở thành một giải pháp giảm chi phí lao động và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, tùy vào quy mô doanh nghiệp, mức độ tiếp nhận và triển khai thực tế chế độ lương giảm dần theo giai đoan có sự khác biệt.

 

Tống Thùy Linh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc-Triều Tiên

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tổng hợp từ nguồn:

1. So-Yeong Kwon, The Age Management and Wage Peak System of Korean Firms (Hệ thống quản lý tuổi và lương cao điểm tại các doanh nghiệp Hàn Quốc),  http://www.ec.oita-u.ac.jp/isf2011/pdf/proceedings-17-25.pdf.

2. Duncan Harrison, Korea's wage peak system , 9/2/2016,  http://www.koreatimes.co.kr/www/news/opinon/2016/09/162_213343.html

3. Changwon Lee (2015), Pay Systems in Korea: Improvements and Evaluations, https://www.kli.re.kr/kli_eng/selectBbsNttView.do?bbsNo=32&key=221&nttNo=100868.

4. Song Su-hyun, Peak wage system in use at 11 major firms: study, 22/2/2016,

http://koreajoongangdaily.joins.com/news/article/article.aspx?aid=3015310

5. Changwon Lee (2015), Pay Systems in Korea: Improvements and Evaluations, https://www.kli.re.kr/kli_eng/selectBbsNttView.do?bbsNo=32&key=221&nttNo=100868.

6. Majority of businesses adopt wage peak system after retirement age extension: data, 19/3/2017, http://english.yonhapnews.co.kr/news/2017/03/19/0200000000AEN20170319002500320.html

7. Bae Ji-sook, “More firms adopt wage peak system”, 20/8/2015, http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20150820001201

8. Government pushes harder for wage peak system,  17/8/2015, http://www.kefplaza.com/kef/kef_eng_intro_7_1.jsp?num=7149&pageNum=16

9. Lina Jang, “Wage Peak System” Far from Guaranteeing Retirement Age, 23/12/2016, http://koreabizwire.com/wage-peak-system-far-from-guaranteeing-retirement-age/72805

10. Half of South Korean big companies adopt wage peak system, 7/1/2015, http://www.globaltimes.cn/content/929838.shtml

11. 60% of Public Firms Adopt Wage Peak System, 20/10/2015, http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=e&Seq_Code=114158

12. KBS, “Tuổi nghỉ hưu trung bình tại Hàn Quốc năm 2017 là trên 61 tuổi”, http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=36827

 

 


 

[1]So-Yeong Kwon, The Age Management and Wage Peak System of Korean Firms (Hệ thống quản lý tuổi và lương cao điểm tại các doanh nghiệp Hàn Quốc),  http://www.ec.oita-u.ac.jp/isf2011/pdf/proceedings-17-25.pdf, tr. 2.

 

 

[2] So-Yeong Kwon, Tài liệu đã dẫn, tr.3.

 

 

[3]Bae Ji-sook, “More firms adopt wage peak system” (Nhiều công ty áp dụng chế độ lương giảm dần theo giai đoạn), 20/8/2015, http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20150820001201

 

[4]Half of South Korean big companies adopt wage peak system, 7/1/2015, http://www.globaltimes.cn/content/929838.shtml

[5] Duncan Harrison, Korea's wage peak system , 9/2/2016,  http://www.koreatimes.co.kr/www/news/opinon/2016/09/162_213343.html [6]Changwon Lee (2015), Pay Systems in Korea: Improvements and Evaluations, https://www.kli.re.kr/kli_eng/selectBbsNttView.do?bbsNo=32&key=221&nttNo=100868, tr.4.   [7]Government pushes harder for wage peak system,  17/8/2015, http://www.kefplaza.com/kef/kef_eng_intro_7_1.jsp?num=7149&pageNum=16

[8] 60% of Public Firms Adopt Wage Peak System, 20/10/2015, http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=e&Seq_Code=114158

[9]Song Su-hyun, Peak wage system in use at 11 major firms: study, 22/2/2016,

http://koreajoongangdaily.joins.com/news/article/article.aspx?aid=3015310 [10]Changwon Lee (2015), Tài liệu đã dẫn, tr.5. [11]Bae Ji-sook, “More firms adopt wage peak system”, 20/8/2015, http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20150820001201 [12] Majority of businesses adopt wage peak system after retirement age extension: data, 19/3/2017, http://english.yonhapnews.co.kr/news/2017/03/19/0200000000AEN20170319002500320.html
[13]Lina Jang, “Wage Peak System” Far from Guaranteeing Retirement Age, 23/12/2016, http://koreabizwire.com/wage-peak-system-far-from-guaranteeing-retirement-age/72805

Scroll To Top