Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CHÍNH SÁCH SẢN XUẤT SÁNG TẠO Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Thực hiện mục tiêu ưu tiên thúc đẩy công nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra “Kế hoạch kinh tế sáng tạo” với cái tên “Sản xuất sáng tạo 3.0”. Cơ quan chính chủ trì thực hiện cuộc cải cách công nghiệp 3.0 là Phòng thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc và các chi nhánh của Hiệp hội các ngành công nghiệp. Ủy ban điều hành các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp lớn và vừa có trách nhiệm hỗ trợ mọi hoạt động liên quan. Ba chiến lược chính của "Sản xuất sáng tạo 3.0" là việc tập trung nâng cao các ngành công nghiệp cốt lõi, đổi mới sản xuất và tạo ra hàng loạt nhà máy thông minh đến năm 2020 thông qua sự hội tụ của công nghệ thông tin và Internet kết nối vạn vật.

Nhà máy thông minh là nhà máy ứng dụng các hệ thống sản xuất tích hợp công nghệ siêu kết nối trong toàn bộ quá trình sản xuất. Hàn Quốc hiện đang sở hữu mạng lưới sản xuất và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, họ lại chưa nắm giữ được những công nghệ quan trọng, cần thiết cho một nhà máy thông minh như kỹ thuật cảm biến, Internet vạn vật (IoT) hay kỹ thuật ảnh nổi ba chiều. Bên cạnh đó, những quy định và chính sách công nghiệp cũ vẫn bị coi là rào cản cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các nhà máy thông minh. Đứng trước thực trạng đó, từ năm 2013, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai dự án mang tên “Cải cách công nghiệp 3.0”, như một phần trong “Kế hoạch kinh tế sáng tạo” trước đó. “Cải cách công nghiệp 3.0” là chiến lược tập trung cải thiện năng suất lao động của ngành công nghiệp chế tạo theo kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2013 – 2018). Mục đích của chiến lược này là tạo ra giá trị mới và tăng khả năng cạnh tranh bằng cách đưa công nghệ thông tin vào các nhà máy, từ đó, nhanh chóng xây dựng hệ thống nhà máy thông minh. Các lĩnh vực công nghệ chủ chốt được ưu tiên thực hiện đó là: In 3D, Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Hệ thống thực – ảo, Các hệ thống tiết kiệm năng lượng, Kỹ thuật ảnh nổi ba chiều; Internet vạn vật và Bộ cảm biến.Theo MSIP, mạng lưới Internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo dự kiến sẽ tạo ra những cơ hội và lợi nhuận thương mại trị giá tới 470 tỷ USD vào năm 2030, tương đương 41% GDP của Hàn Quốc năm 2015.

Để bắt kịp đà tăng trưởng nhanh của công nghệ số và tự động hóa trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ mục tiêu ban đầu là xây dựng 10.000 nhà máy thông minh đến năm 2020, năm 2017, tất cả các khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân của Hàn Quốc đều nhất trí tăng số lượng nhà máy thông minh trong nước lên con số hơn 30.000 vào năm 2025, những nhà máy này sẽ được ứng dụng công nghệ phân tích và số hóa hiện đại nhất.

Chính phủ Hàn Quốc đã vạch sẵn lộ trình cho một số lĩnh vực trong các dự án Nghiên cứu và Phát triển như kỹ thuật thiết kế, công nghệ phân loại sản phẩm lỗi, kỹ thuật điều hành tích hợp phần mềm, mạng lưới vạn vật kết nối Internet trong công nghiệp (IIoT), thiết bị cảm biến thông minh, công nghệ thu thập và xử lý dữ liệu và các tiêu chuẩn công nghiệp. Mặt khác, Chính phủ nước này cũng lên kế hoạch cải tổ mạng lưới sản xuất và vùng sản xuất bằng cách kết hợp giữa sản xuất và hệ thống công nghệ thông tin. Chính phủ cũng thành lập Hội đồng Nghiên cứu Tiêu chuẩn cho Nhà máy thông minh đồng thời áp dụng các hình thức hỗ trợ khác nhau để đào tạo khoảng 40.000 công nhân có tay nghề về vận hành các cơ sở sản xuất hoàn toàn sử dụng công nghệ tự động hóa. Cùng với đó khuyến khích các doanh nghiệp tập trung phát triển các công nghệ liên quan tới nhà máy thông minh bằng cách đầu tư khoảng 189.3 triệu USD vào các dự án Nghiên cứu và Phát triển cho tới trước năm 2020. Theo đề án do Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc trình Chính phủ nước này, tính tới trước năm 2025, mỗi ngành trong số mười ngành công nghiệp chính sẽ xây dựng cho mình khoảng 4.500 nhà máy thông minh.

Đối với các doanh nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc tích cực khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển theo hướng đưa tin học hóa toàn bộ quy trình sản xuất và đặc biệt đề cao bốn từ khóa: smart (thông minh), services (dịch vụ), sustainability (bền vững) và platform (nền tảng). Các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn và vừa được cấp vốn (200 triệu USD trong vòng 5 năm) trong cuộc Cải cách công nghiệp 3.0 để thực hiện hoạt động đổi mới quy trình sản xuất và thay thế cơ sở, trang thiết bị sản xuất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thoát khỏi khủng hoảng kinh tế hiện tại, Chính phủ đã phân bổ ngân sáchvà hỗ trợ kỹ thuật cho khoảng 2000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (sau 5 năm con số này sẽ là 10.000) cung cấp sản phẩm do chính họ tạo ra cho các doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp lớn và vừa.

Nhờ các nền tảng luật pháp và chính sách phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ đã được xây dựng từ sớm, Hàn Quốc tiếp tục thực hiện một cách nhất quán các chính sách để củng cố nền tảng khoa học kỹ thuật hiện có như thành lập các tổ chức nghiên cứu và các cơ quan hỗ trợ hành chính liên quan tới khoa học - công nghệ để hỗ trợ cho công nghệ công nghiệp; coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, như đào tạo nghề, thành lập các hệ thống đào tào nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Nhờ đó, Hàn Quốc có được sức cạnh tranh trên thế giới trong các ngành công nghiệp chủ lực và bắt đầu tự phát triển các công nghệ dẫn đầu thế giới./.

Vũ Thị Phương Hoa

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo

  1. Trung tâm Phân tích Thông tin - Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (2016), Tổng luận “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (tr.38)
  2. Nguyễn Thị Hải Vân (2017), Chính sách khoa học công nghệ của Hàn Quốc trong các cuộc cách mạng công nghiệp, Tạp chí Cộng sản ngày 15/9/2017
  3. Meysam Sadegh (2016), “South Korea and Advanced Manufacturing - Advanced Manufacturing Capabilities” (tr.6 – tr.8)
  4. Tzern Tzuin Toh (2017), “Understanding the Role of Governments in Promoting the Industrial Internet of Things” (tr.4 – tr5)
  5. Jeong Eun Ha - Officer for Innovation, Technology & Science (2015), “Smart Industry in Korea”
  6. International Journal of Precision Engineering and Manufacturing-Green Technology (2016), “Smart Manufacturing: Past research, present findings, and future directions” (tr8 – tr.9)

Scroll To Top