Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TÌNH TRẠNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ TRONG HOẠT ĐỘNG TUYỂN DỤNG Ở HÀN QUỐC (Phần 1)

Đăng ngày:

Theo thống kê tháng 9 năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc đạt 3,6%, tăng 0,4% so với tháng 9 năm 2015, mức thất nghiệp cao nhất kể từ tháng 9 năm 2005 (3,6%). Trong tháng 9, đã có thêm 120.000 người thất nghiệp, tập trung ở độ tuổi 20 và trên 50 tuổi[1]. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt 9,4%, tăng 1,5% so với tháng 8 năm 2016 và là mức cao kỷ lục xét trong tháng 9 kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu các thống kê liên quan. Qua nhiều báo cáo, thống kê của các tổ chức ở Hàn Quốc, một trong những yếu tố dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên ở Hàn Quốc là sự phân biệt đối xử trong hoạt động tuyển dụng ở các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Tại xứ sở kim chi, một sinh viên mới tốt nghiệp đại học phải trải qua nhiều bước để tìm kiếm việc làm. Công việc đầu tiên là chăm chút bảng thông tin việc làm nhằm chuẩn bị cho cơ hội tìm việc, chỉnh sửa bản tóm tắt lý lịch cá nhân. Công việc quan trọng tiếp theo là tới studio chụp tấm hình thật đẹp, kèm vào hồ sơ xin việc. Nếu ứng cử viên không quen thuộc với thủ tục cuối cùng, có nghĩa rằng, họ chưa từng tìm việc ở công ty ở Hàn Quốc.

Một tấm ảnh chân dung đẹp kèm trong hồ sơ xin việc chỉ là một bước khởi đầu trong quá trình tìm kiếm việc làm ở Hàn Quốc. Điều thường thấy trong mẫu đơn xin việc ở Hàn Quốc là những câu hỏi trực tiếp về tuổi của ứng cử viên (hoặc hỏi năm ứng cử viên tốt nghiệp đại học). Trong một số mẫu đơn xin việc còn có các câu hỏi cụ thể về hình thể của ứng cử viên như: chiều cao, cân nặng. Thậm chí,  các thông tin chi tiết về tình trạng hôn nhân, lịch sử khám chữa bệnh cũng xuất hiện nhiều trong các mẫu đơn xin việc.

Đối với nhà tuyển dụng đang tìm kiếm một người mẫu hay một cầu thủ bóng chuyền thì các câu hỏi trên thực sự cần thiết và hữu hiệu. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, các loại câu hỏi như trên (trong mẫu đơn xin việc) lại được áp dụng thường xuyên với tất cả ứng cử viên ở mọi lĩnh vực nghề nghiệp. Các mẫu đơn xin việc vô lý như trên phổ biến đến mức nào ở Hàn Quốc? Một báo cáo năm 2015 cho thấy, gần 50% các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đưa ra các câu hỏi về nghề nghiệp của bố mẹ ứng cử viên, hoặc các thông tin liên quan mở rộng về thành viên trong gia đình. Báo cáo trên đã khảo sát 28 mẫu đơn xin việc của 30 doanh nghiệp hàng đầu ở Hàn Quốc.

Một báo cáo được công bố tháng 11 năm 2016 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc cũng đã khảo sát hơn 3.500 mẫu đơn xin việc ở nước này. Kết quả cho thấy, tuổi tác và ngoại hình là câu hỏi xuất hiện trong 90% thời gian phỏng vấn xin việc. Nhiều mẫu xin việc xuất hiện các câu hỏi về nơi sinh, tình trạng hôn nhân và tôn giáo. Hơn 50% mẫu đơn xin việc xuất hiện ở các doanh nghiệp hoặc chi nhánh của doanh nghiệp nhà nước. Khảo sát kỹ hơn, trên 80% các mẫu đơn xin việc có những câu hỏi ở thuộc 4 dạng phân biệt đối xử. Mười câu hỏi mang tính chất phân biệt đối xử thường xuyên xuất hiện được thể hiện ở bảng sau:

TÌNH TRẠNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ TRONG HOẠT ĐỘNG TUYỂN DỤNG Ở HÀN QUỐC (Phần 1)
Nguồn: Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc

Trong đó, các câu hỏi về trường học nhằm đánh giá mức độ kiến thức của ứng cử viên, xác định ứng cử viên tốt nghiệp ở trường nào. Các câu hỏi về ngoại  hình, bao quát thông số về chiều cao, cân nặng… cùng với ảnh đính kèm.

Câu hỏi mang tính chất phân biệt đối xử - Không chỉ là nguồn gốc của sự bối rối

Trong một số trường hợp, các câu hỏi mang tính chất phân biệt đối xử khiến ứng cử viên cảm thấy ngại ngùng, song dường như không ảnh hưởng tới quyết định tuyển dụng. Tuy nhiên, một số câu hỏi như trên đã tác động tới tâm lý của ứng cử viên lẫn quyết định của  nhà tuyển dụng.

Ví dụ, các sinh viên đại học tìm cách kéo dài thời gian tốt nghiệp của họ, bởi họ biết rằng vị trí thấp mà nhà tuyển dụng thuê là những sinh viên mới tốt nghiệp. Cô Young, một phụ nữ đã kết hôn thường xuyên nói dối về tình trạng hôn nhân của mình, bởi cô biết rằng nhà quản lý trong doanh nghiệp luôn có quan điểm, phụ nữ đã kết hôn chưa sinh con sẽ bỏ việc nếu họ sinh con. Đó là những định kiến của nhà tuyển dụng với lao động nữ ở Hàn Quốc.

Đối với ứng cử viên nam, nếu bạn chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự, thì đó là một điểm trừ trong hồ sơ xin việc. Tại Hàn Quốc, nam giới đa số đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Mặc dù một số người được miễn trừ hợp lệ, nhưng họ đều cho rằng, họ sẽ bị nhà tuyển dụng coi thường, đặc biệt nhà tuyển dụng là nam giới.

Ngoài các câu hỏi định kiến, nhà tuyển dụng Hàn Quốc cũng rất chú trọng hình thức. Do vậy, nhìn chung, người Hàn Quốc rất chú trọng chau truốt ảnh chân dung trong hồ sơ xin việc. Họ còn có xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ nhằm gia tăng lợi thế khi xin việc. Các chuyên viên từ các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ chia sẻ với những người tìm việc, ngoại hình là cách thức đánh bại đối thủ cạnh tranh. Điều này dẫn tới trào lưu coi trọng hình thức một cách quá đáng ở Hàn Quốc. Nhà quản lý ở nhiều doanh nghiệp biết thực trạng trên và họ thuê chuyên gia nhân tướng học để phân tích tính cách, năng lực của ứng cử viên. Để tăng điểm khi đi xin việc, nhiều bạn trẻ Hàn Quốc quyết định phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi khuôn mặt và vận mệnh.

Người Hàn Quốc cũng rất chú trọng về nơi sinh ra và lớn lên của một cá nhân. Nếu bạn sinh ra và lớn lên ở thủ đô Seoul, đó là một điểm cộng trong hồ sơ xin việc của bạn. Nếu bạn sinh ra và lớn lên ở địa phương thì đó là một điều bất lợi và bất lợi hơn nữa khi bạn tốt nghiệp một trường đại học ở địa phương.

Sự phân biệt đối xử như trên xảy ra thường xuyên ở Hàn Quốc và thông qua các câu hỏi trong biểu mẫu xin việc. Đây là một trải nghiệm mà hầu hết người tìm việc phải chịu đựng trong quá trình tìm kiếm việc làm. Các ứng cử viên nghĩ rằng, quá trình phỏng vấn khi xin việc thật căng thẳng.

Các câu hỏi không chính đáng kể trên được công nhận ở Hàn Quốc bởi đây là một vấn đề chính trong quá trình tuyển dụng điển hình. Theo các báo cáo về vấn đề này của các tổ chức NGO, qua các phóng sự của nhà báo, tuyên bố của Ủy ban Nhân Quyền Quốc gia Hàn Quốc về thực trạng trên, cùng những phàn nàn của người đang tìm kiếm việc làm hàng năm cho thấy, tình trạng phân biệt đối xử trong hoạt động tuyển dụng ở Hàn Quốc thực sự nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trong văn hóa doanh nghiệp cứng nhắc theo thứ tự cấp bậc ở Hàn Quốc, giới chủ Hàn Quốc vẫn không bị trừng phạt và bản thân các ứng cử viên cảm thấy họ phải chịu đựng bất công trên. Để không phải chịu đựng hoàn cảnh khó chịu trên, họ tự nhủ không đi tìm việc?

Tống Thùy Linh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Lược dịch theo nguồn:

Daniel Corks, “Fines won’t change discrimination in job search”, https://koreaexpose.com/voices/fines-no-solution-discrimination-job/

 

 


[1] http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Ec_detail.htm?lang=v&id=Ec&No=32667&current_page=


Scroll To Top