Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HIỆP ĐỊNH ĐẢM BẢO THÔNG TIN QUÂN SỰ CHUNG HÀN – NHẬT (Phần 1)

Đăng ngày:

Vào 10h sáng, ngày 23/11/2016, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến hành ký kết Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn - Nhật tại trụ sở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc (quận Yongsan, Seoul) nhằm tiến tới trao đổi các thông tin quân sự bí mật trong thời gian tới. (GSOMIA là một hiệp định nhằm chia sẻ các bí mật quân sự giữa các quốc gia, quy định về cách thức cung cấp thông tin và phương pháp chống rò rỉ thông tin.)

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết 2 bên đã hoàn tất thủ tục thông báo bằng văn bản cho phía bên kia, hoàn thiện các trình tự pháp lý cần thiết trong nước, đưa hiệp định chính thức đi vào hiệu lực từ ngày 23/11/2016. Như vậy kể từ nay, Seoul và Tokyo có thể trực tiếp chia sẻ các thông tin về hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên mà không cần phải thông qua Mỹ.

Trước đó, vào tháng 12/2014, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã ký kết một thỏa thuận sơ bộ kêu gọi chia sẻ tự nguyện các bí mật quân sự về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Thỏa thuận này cho phép Seoul và Tokyo chia sẻ thông tin tình báo thông qua Mỹ, sau khi hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự song phương của họ bị thất bại vào năm 2012.

1. GSOMIA Hàn-Nhật từng bị chính giới và dư luận Hàn Quốc phản đối kịch liệt vào năm 2012

Mặc dù trước đó, 2 bên đã từng có dự định ký kết GSOMIA Hàn - Nhật vào tháng 06/2012 nhưng đến ngày 29/06/2012, Chính phủ của cựu Tổng thống Lee Myung-bak đã quyết định tạm ngừng ký kết GSOMIA với Nhật Bản do vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của chính giới và dư luận trong nước.

Khi đó, các chính đảng Hàn Quốc cho rằng việc trao đổi thông tin quân sự chung giữa 2 nước sẽ không có hiệu quả như mong đợi trong việc đối phó với các hành động khiêu khích quân sự từ Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh Hàn Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ chủ quyền đảo Dokdo với Nhật Bản và có mâu thuẫn về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm “nô lệ tình dục” cho lính Nhật trong Thế chiến thứ II.

Chính giới Hàn Quốc khi đó cho rằng Hiệp định này là thiếu hợp lý và cần nghiên cứu xem xét lại, chưa kể hợp tác quân sự với Nhật Bản luôn có tính nhạy cảm cao độ ở Hàn Quốc, liên quan tới lịch sử thống trị của thực dân Nhật trên bán đảo Hàn trước và trong Thế chiến thứ II.

(1) Đảng Dân chủ thống nhất phản đối mạnh mẽ GSOMIA Hàn-Nhật

Trong cuộc họp tại Quốc hội, ngày 29/6/2012, Chủ tịch đảng Dân chủ thống nhất Lee Hae-chan tuyên bố đảng này sẽ tiến hành các hoạt động nhằm phản đối việc Chính phủ ký kết Hiệp định này với Nhật Bản. Chủ tịch Lee lên tiếng, Chính phủ đã không báo cáo việc ký kết cho Quốc hội, trong khi việc này cần được Quốc hội cùng người dân bàn thảo và thống nhất ý kiến.

Đại diện đảng Dân chủ thống nhất tại Quốc hội, Park Jie-won cũng bày tỏ lo ngại và cho rằng, Chính phủ cần đánh giá độ tin cậy và chính xác đối với những thông tin quân sự mà Tokyo sẽ trao đổi với Seoul và việc này cần được thông qua tại Quốc hội.

Đảng đối lập bày tỏ, việc ký kết Hiệp định trên giữa 2 bên sẽ là một hành động khiêu khích đối với Triều Tiên và gây bất ổn trên bán đảo Hàn, đồng thời, cho biết sẽ tiến hành vận động để kêu gọi người dân phản đối việc ký kết GSOMIA Hàn - Nhật.

Sau đó, tại cuộc họp giữa các ủy viên tối cao, ngày 02/07/2012, Chủ tịch đảng Dân chủ thống nhất Lee Hae-chan khẳng định, Quốc hội Hàn Quốc chưa thảo luận việc ký kết hiệp định quân sự này với Nhật Bản và nó không đi đúng quy trình. Ông Lee nhấn mạnh, Thủ tướng Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao và các quan chức Phủ Tổng thống cần phải có trách nhiệm vì đã thúc đẩy ký kết hiệp định này, đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc cần phải hủy bỏ kế hoạch ký kết GSOMIA Hàn - Nhật và bãi nhiệm Thủ tướng để chịu trách nhiệm về vụ việc này.

(2) Phát hiện lỗi trong quy trình đàm phán GSOMIA Hàn - Nhật năm 2012

Sau khi quy trình đàm phán ký kết GSOMIA với Nhật Bản bị chính giới lên án là bất hợp lý và không minh bạch, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu tiến hành điều tra làm rõ các trình tự đàm phán và nguyên nhân Chính phủ ký tắt hiệp định này mà không thông báo cho Quốc hội.

Vào ngày 04/07/2012, Ngoại trưởng Kim Sung-hwan đã gặp 2 Phó Chủ tịch Quốc hội Lee Byung-suk và Park Byeong-seug để xin lỗi về những thiếu sót trong quá trình đàm phán và vì không thông báo vấn đề này lên Quốc hội. Ông khẳng định sẽ không lặp lại những sơ suất trên.

Theo điều tra được công bố ngày 07/07/2012 của Phủ Tổng thống, đã có vấn đề trong quy trình thủ tục đàm phán và ký kết GSOMIA giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo đó, Phủ Tổng thống và Bộ Ngoại giao đã nhất trí ngầm thông qua Hiệp định này, để hướng tới ký kết vào tháng 06/2012. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ các vấn đề Đông Bắc Á của Bộ Ngoại giao, người dẫn dắt đàm phán, đã không thông báo quá trình đàm phán cho Thứ trưởng Ngoại giao và cũng không báo cáo trước kế hoạch ký kết Hiệp định này lên Văn phòng Thủ tướng. Do vậy, Phủ Tổng thống đã chấp nhận đơn xin từ chức của Trợ lý Kim Tae-hyo - phụ trách Chiến lược quốc gia của Tổng thống và bãi nhiệm Vụ trưởng Vụ các vấn đề Đông Bắc Á Cho Se-young.

(3) Các chính đảng chỉ trích việc bí mật thúc đẩy ký kết GSOMIA Hàn-Nhật

Trong phiên chất vấn Chính phủ tại Quốc hội về các vấn đề ngoại giao, thống nhất và an ninh, ngày 19/07/2012, các nghị sỹ đảng cầm quyền và đảng đối lập đều đồng loạt lên tiếng chỉ trích Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak về quy trình đàm phán ký kết GSOMIA giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cụ thể là Chính phủ đã không thông báo quá trình đàm phán cho Quốc hội và thông qua kế hoạch ký kết hiệp định này tại cuộc họp nội các ngày 26/06/2012 nhưng không công khai.

Đảng Dân chủ thống nhất lên án chính phủ đã cung cấp bí mật an ninh quốc gia cho Nhật Bản và yêu cầu Thủ tướng Kim Hwang-sik từ chức để chịu trách nhiệm về vấn đề này. Đảng Thế giới mới thì chỉ trích vụ việc này đã làm mất đi niềm tin của người dân đối với Chính phủ và cho rằng bộ máy an ninh, ngoại giao của Chính phủ đang không hoạt động suôn sẻ.

Cuối cùng, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik đã phải xin lỗi người dân về vụ việc này, đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tạm ngừng ký kết GSOMIA với Nhật Bản vào phút chót.

2. Tuyên bố nối lại đàm phán về GSOMIA Hàn – Nhật vào tháng 10/2016

Ngày 27/10/2016, Chính phủ Hàn Quốc chính thức tuyên bố sẽ nối lại thảo luận với Nhật Bản về Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA Hàn – Nhật), bị gián đoạn từ năm 2012.

Giải thích về quyết định này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết mối đe dọa từ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang ngày càng gia tăng. Chỉ riêng trong năm 2016, Triều Tiên đã 2 lần thử nghiệm hạt nhân và phóng khoảng 20 tên lửa. Bởi vậy, Seoul và Tokyo cùng nhận thấy cần phải tăng cường cơ chế hợp tác thông tin giữa 2 nước.

Trước mối lo ngại trong dư luận cho rằng GSOMIA sẽ có thể gây rò rỉ bí mật quân sự quốc gia, một quan chức quốc phòng Hàn Quốc giải thích: 2 bên sẽ chỉ cung cấp cho đối phương thông tin quân sự một cách có chọn lọc và chặt chẽ khi cần thiết. Quân đội cam kết sẽ công khai toàn bộ quá trình thảo luận với Nhật Bản về vấn đề này.

Tuy nhiên, thời điểm công bố lần này cũng gây nhiều tranh cãi. Một số nhà phê bình cho rằng, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã cố tình đẩy nhanh việc ký kết hiệp định nhạy cảm này, trong khi phần lớn sự chú ý của dư luận đang tập trung vào vụ bê bối Choi soon-sil.

Lương Hồng Hạnh (tổng hợp) – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=20296&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=20320&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=20340&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=20370&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=20464&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=20464&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=32802&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=32846&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_In_detail.htm?No=32877&id=In

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=32911&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=32934&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=32959&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=33016&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=33027&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=33030&id=Po

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=33367&id=Po

http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=1160

http://dangcongsan.vn/quoc-te/tin-tuc/han-quoc-va-nhat-ban-tien-gan-toi-viec-ky-ket-hiep-uoc-chia-se-thong-tin-tinh-bao-giua-hai-nuoc-416225.html

http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-noi-doa-khi-nhat-han-ky-hiep-uoc-chia-se-tin-tinh-bao_29809.html

http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/han-quoc-phe-doi-lap-doa-sa-thai-bo-truong-quoc-phong-20161114201549183.htm

http://www.baomoi.com/han-nhat-thong-qua-hiep-dinh-chia-se-thong-tin-tinh-bao-quan-su/c/20893648.epi

http://soha.vn/han-quoc-nhat-ban-ky-hiep-uoc-chia-se-thong-tin-quan-su-20161124074813152.htm

http://thoibao.today/paper/han-nhat-thong-qua-hiep-dinh-gsomia-chia-se-tin-tuc-quan-su-1384059

http://viettimes.net.vn/nhat-ban-han-quoc-sap-ky-hiep-dinh-chia-se-tinh-bao-quan-su-chuan-bi-cho-ke-hoach-lon-85896.html

http://baotintuc.vn/the-gioi/trieu-tien-chi-trich-nhathan-chia-se-tin-tinh-bao-quan-su-20161125184552825.htm

http://baotinnhanh.vn/cung-ngai-trieu-tien-han-quoc-thuc-day-thoa-thuan-quan-su-voi-nhat-ban-414206.htm

http://www.nguoiduatin.vn/nhan-vat-dinh-hinh-tuong-lai-quan-he-my-nhat-han-a308431.html

http://netnews.vn/Dieu-TQ-so-No-luc-cua-Obama-cong-coc-bong-thanh-hien-thuc-vi-Trump-quan-su-150-158-1220247.html

 


Scroll To Top