Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


JIN DEOK WANG (CHÂN ĐỨC VƯƠNG)

Đăng ngày:

Jin Deok Yeo Wang (Chân Đức Nữ Vương) ở đời thứ 28 vừa lên ngôi, đã tự mình viết Bài ca Thái bình[1] rồi dệt lên lụa, sau đó cử sứ thần mang dâng lên nhà Đường. Theo một quyển sách, Chun Chu Kong (Xuân Thu công) được cử làm sứ thần đến nhà Đường xin viện binh. Đường Thái Tông đồng ý cử Tô Định Phương đi. Tất cả những điều này đều sai. Trước Hiển Khánh[2], Xuân Thu đã lên ngôi vua. Năm Canh Thân Hiển Khánh không phải thời Thái Tông, mà là thời Cao Tông. Năm Tô Định Phương đến đúng là năm Canh Thân; còn việc dệt lụa đúng là vào thời Chân Đức Nữ Vương nhưng không phải là thời điểm xin binh. Có lẽ đấy là thời điểm yêu cầu phóng thích Kim Heum Soon (Kim Khâm Thuần). Hoàng đế nhà Đường ban thưởng và phong cho Chân Đức Nữ Vương là Kê Lâm Quốc Vương.

Bài ca Thái bình như sau:

Đại Đường mở ra nghiệp lớn,

Kế sách cao xa, vương triều phồn thịnh.

Chiến tranh chấm dứt, tạo sự uy nghiêm,

Dùng văn trị quốc, đời đời noi gương.

Thống lĩnh bầu trời, ban mưa móc xuống,

Cai trị vạn vật, vạn vật sáng bừng.

Chữ Nhân sánh cùng nhật, nguyệt,

Vận số như thời Thuấn, Nghiêu.

Cờ bay phấp phới, sao mà rực rỡ!

Trống đánh vang lừng, sao mà trang nghiêm!

Những kẻ phản nghịch như giặc Oa,

Bị trời phạt chết dưới lưỡi đao, mũi kiếm.

Dù là chỗ tối hay sáng, phong tục đều thuần hậu,

Dù là nơi xa hay gần, đua nhau báo tin vui.

Bốn mùa thái hòa như ngọc chúc[1],

Nhật nguyệt, ngũ hành tuần tự vạn phương.

Sơn thần giáng linh, phò tá tể phụ,

Hoàng đế cất nhắc trung thần.

Đức sánh Tam Hoàng, Ngũ Đế,

Sáng chiếu hoàng thất Đại Đường.

Vào thời Chân Đức Vương, các vị Al Cheon Kong (Yên Xuyên Công), Im Jong Kong (Lâm Tông Công), Sul Jong Kong (Thuật Tông Công), Ho Rim Kong (Hổ Lâm Công) cha của Ja Jang (Từ Tạng), Yeom Jang Kong (Liêm Trường Công), Yu Sin Kong (Dũ Tín Công) tập trung ở Woo Ji Am (Am Ô Tri), núi Nam, cùng luận bàn việc nước. Khi đó, có một con hổ lớn xông vào, tất cả mọi người đều kinh hãi đứng bật dậy. Duy chỉ có Yên Xuyên Công không hề động đậy, vừa thản nhiên cười nói vừa nắm lấy đuôi con hổ, ném xuống đất, giết chết. Yên Xuyên Công có sức mạnh như vậy nên được ngồi ở ghế trên nhưng tất cả mọi người vẫn phục sự uy nghiêm của Kim Dũ Tín.

Ở Tân La có bốn vùng đất thiêng. Mỗi khi luận bàn việc lớn, quần thần đều tập trung tại đấy. Nếu làm vậy, việc tất thành. [Vùng đất thiêng] Thứ nhất là Cheong Song San (Thanh Tùng Sơn) ở phía Đông, thứ hai là Woo Ji San (Ô Tri Sơn) ở phía Nam, thứ ba là Pi Jeon (Bì Điền) ở phía Tây và thứ tư là Keum Kang San (Kim Cương Sơn) ở phía Bắc.

 

Thời Chân Đức Vương là thời kỳ đầu tiên cử hành Jo Rye (lễ Chính Đán)[2] vào sáng ngày mùng một, tháng giêng âm lịch và cũng là thời kỳ đầu tiên sử dụng tước hiệu Si Rang (Thị lang).

 

Lương Hồng Hạnh (dịch) – Trung tâm Nghiên Cứu Hàn Quốc

Nguồn: Tam Quốc di sự, Kim Won-jung, 2007, NXB Mineum (bản tiếng Hàn).



[1] Ngọc chúc: đuốc ngọc, ý nói thời đại thái bình.

[2] Theo Tân La bản kỷ trong Tam Quốc sử ký, sự việc này diễn ra vào năm thứ 5 sau khi Chân Đức Vương lên ngôi.


Scroll To Top