Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


LUẬT “NGHIÊM CẤM HÀNH VI YÊU CẦU HỐI LỘ VÀ NGĂN NGỪA XUNG ĐỘT QUYỀN LỢI CỦA CÔNG CHỨC NHÀ NƯỚC” (CÒN GỌI LÀ “LUẬT KIM YOUNG-RAN) [Phần 1]

Đăng ngày:

Vào dịp Tết Trung thu Chuseok hay Tết Nguyên đán Seollal, người Hàn Quốc thường có truyền thống tặng quà (phổ biến là thịt bò, trái cây, hải sản, …) cho đối tác hay người quen. Tuy nhiên, năm nay, mọi hoạt động tặng quà, thậm chí là liên hoan, mời nhau đi ăn nhà hàng cũng trở thành vấn đề vô cùng nhạy cảm, bởi vì, từ ngày 28/09/2016, Luật “Nghiêm cấm hành vi yêu cầu hối lộ và ngăn ngừa xung đột quyền lợi của công chức Nhà nước” (còn gọi là “Luật Kim Young-ran”) đã chính thức có hiệu lực tại Hàn Quốc.

“Luật Kim Young-ran”quy định về 14 hành vi nhờ vả không minh bạch, như xử lý các loại giấy phép, can thiệp về nhân sự, nhận xét thành tích ở trường học, kiểm tra nhập ngũ; giám sát, chỉ đạo về hành chính,… Đối với hành vi nhận hối lộ, luật này đã hoàn thiện những lỗ hổng trong luật hiện hành, xử phạt cả những trường hợp nhận tiền, tặng phẩm dù có mang “tính chất trao đổi” hay liên quan tới công việc hay không.

Bảng: Quá trình hình thành “Luật Kim Young-ran”

Thời gian

Nội dung

Tháng 08/2012

Bà Kim Young-ran (cựu Chủ tịch Ủy ban vì quyền lợi người dân trực thuộc Văn phòng Thủ tướng) đề xuất dự luật về chống tham nhũng

Ngày 08/01/2015

Ủy ban các vấn đề Nhà nước và chính trị tại Quốc hội Hàn Quốc tổ chức cuộc họp tiểu ban thẩm định lập pháp và nhất trí thông qua dự luật

Ngày 12/01/2015

Dự luật được đệ trình lên phiên họp toàn thể của Ủy ban các vấn đề Nhà nước và chính trịỦy ban Tư pháp tại Quốc hội

Đêm 02/03/2015

Các nghị sĩ của Đảng cầm quyền Thế giới mới và Đảng đối lập Liên minh dân chủ chính trị mới đã trao đổi và đạt được nhất trí cuối cùng về một số nội dung sửa đổi trong dự luật

Ngày 03/03/2015

Dự luật chính thức được Quốc hội Hàn Quốc thông qua

Ngày 09/05/2016

Ủy ban vì quyền lợi người dân trực thuộc Văn phòng Thủ tướng cho biết sẽ công khai dự thảo Thông tư thi hành “Luật Kim Young-ran” từ ngày 13/5 tới ngày 22/6 (tức trong vòng 40 ngày)

Ngày 28/07/2016

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết “Luật Kim Young-ran” là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Hàn Quốc

Ngày 29/08/2016

Tổ chức cuộc họp Thứ trưởng các ban ngành hữu quan để quyết định hạn mức cụ thể quy định trong  luật

Ngày 06/09/2016

Chính phủ Hàn Quốc tổ chức cuộc họp nội các dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hwang Kyo-ahn và quyết định thông qua thông tư thi hành  “Luật Kim Young-ran”

Ngày 28/09/2016

Luật “Nghiêm cấm hành vi yêu cầu hối lộ và ngăn ngừa xung đột quyền lợi của công chức Nhà nước” (còn gọi là “Luật Kim Young-ran”) chính thức có hiệu lực

Nguồn: Người viết tự tổng hợp

1. Bối cảnh ra đời

Vào năm 2010, một doanh nhân Hàn Quốc đã lên sóng truyền hình nói rằng ông thường tặng tiền mặt cho 57 vị thẩm phán, mời họ ăn nhà hàng hoặc trả tiền cho gái mại dâm. Một năm sau đó, vào năm 2011, một nữ thẩm phán đã bị điều tra do bị cáo buộc nhận phong bì tiền, túi hàng hiệu và một chiếc xe loại sang từ một luật sư. Nhưng cả hai vụ trên đều không bị đưa ra xét xử vì không chứng minh được những món quà, những khoản tiền đó là hối lộ.

Đến năm 2014, thảm họa chìm phà Sewol phần nào phơi bày mối liên hệ mờ ám giữa cơ quan quản lý và ngành công nghiệp vận tải biển theo các hình thức hối lộ kể trên. Do sự phản đối mạnh mẽ của dư luận từ các vụ việc tiêu cực nói trên mà đạo luật chống tham nhũng mới đã được soạn thảo, đó là Luật “Nghiêm cấm hành vi yêu cầu hối lộ và ngăn ngừa xung đột quyền lợi của công chức Nhà nước”. Luật này còn được gọi là “Luật Kim Young-ran” theo tên bà Kim Young-ran, cựu Chủ tịch Ủy ban vì quyền lợi người dân, người đầu tiên đề xuất dự luật này vào năm 2012.

Theo một cuộc khảo sát của Ủy ban Chống tham nhũng và Dân quyền Hàn Quốc vào năm 2014, 63% trong tổng số 1.400 người được hỏi cho rằng tham nhũng tồn tại trong xã hội Hàn Quốc. Theo một cuộc khảo sát khác vào năm 2014 do Viện Hành chính công Hàn Quốc thực hiện, 78,7% số người được hỏi nói rằng tham nhũng trong giới quan chức cấp cao là một vấn đề nghiêm trọng, trong khi gần 90% tin rằng trong giới nghị sĩ, tình hình cũng nghiêm trọng không kém. Như vậy, luật này đã được đưa ra vào thời điểm nhiều người dân Hàn Quốc mất lòng tin vào giới công chức.

2. Đối tượng áp dụng

Ngày 05/09/2016, Ủy ban vì quyền lợi người dân đã công bố danh sách 40.919 cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi áp dụng của Luật Kim Young-ran. Trong đó, 39.622 cơ quan là các trường học và hãng truyền thông, chiếm 96,8% (tương đương 4 triệu người, bao gồm cả ban lãnh đạo, nhân viên của các cơ quan này và vợ hoặc chồng của nhân viên).

Khối các cơ quan Nhà nước thuộc đối tượng áp dụng Luật Kim Young-ran bao gồm 06 cơ quan là: Quốc hội, Tòa án, Tòa án Hiến pháp, Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra, Ủy ban quản lý bầu cử, Ủy ban nhân quyền quốc gia và 42 cơ quan hành chính trung ương. 260 cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền các địa phương cũng thuộc đối tượng áp dụng của luật này.

Phạm vi công chức được áp dụng theo luật này bao gồm từ quan chức Chính phủ, “công chức và vợ hoặc chồng” tại các cơ quan Nhà nước, nhân viên các trường công lập, nhân viên các trường tư, giới báo chí và cả những người làm việc chuyên trong một lĩnh vực nào đó. Đồng thời, tất cả những ai giao lưu, gặp gỡ với những cá nhân nói trên cũng nằm trong đối tượng áp dụng của Luật Kim Young-ran. Thậm chí, luật còn xử phạt với cả những người hối lộ tiền, đưa quà tặng hay đề xuất chiêu đãi nên không chỉ cán bộ mà cả người dân thường cũng sẽ chịu áp dụng của luật này. Như vậy, trên thực tế, phạm vi thực thi của luật này là toàn bộ người dân Hàn Quốc.

3. Hạn mức cụ thể được quy định

Do có nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng đối tượng áp dụng của luật này quá rộng, Chính phủ đã lập dự thảo Thông tư thi hành để bổ sung. Theo thông tư này, mức trần áp dụng trong việc thiết đãi, tặng quà và thăm hỏi, hiếu hỷ đối với công chức Nhà nước được quy định lần lượt là 30.000 won (27 USD), 50.000 won (45 USD) và 100.000 won (90 USD). Như vậy, nếu những người này nhận thiết đãi bữa ăn trên 30.000 won, quà tặng có trị giá trên 50.000 won, tiền hiếu hỷ, thăm hỏi trên 100.000 won thì sẽ bị xử phạt hành chính. Còn trường hợp nhận tặng phẩm trị giá dưới 1 triệu won, nếu có liên quan đến chức vụ thì công chức đó sẽ bị phạt tiền gấp từ 2 đến 5 lần so với giá trị quà tặng.

Luật này còn quy định xử phạt hình sự đối với trường hợp công chức nhận tặng phẩm trị giá trên 1 triệu won (khoảng 915 USD) bất kể có hay không liên quan đến chức vụ hay nhằm trao đổi việc gì. Bên cạnh đó, luật này cũng quy định nếu một công chức nhận tặng phẩm có tổng giá trị hơn 3 triệu won/năm (khoảng hơn 2.700 USD) thì sẽ bị xử phạt hình sự. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tù đến 3 năm và phạt tiền đến hàng chục triệu won.

Thông tư này cũng đưa ra mức trần đối với thù lao dành cho những công chức có thuyết trình bên ngoài là: 500.000 won (khoảng 450 USD) với quan chức cấp Bộ trưởng, 400.000 won (340 USD) cho quan chức cấp Thứ trưởng và tối đa là 300.000 won (255 USD) đối với công chức bậc 4[1] trở lên cho giờ thuyết trình đầu tiên.

 

Sáng kiến để toàn dân phát hiện tham nhũng của Hàn Quốc

Theo đó, người dân nào phát hiện công chức vi phạm luật và báo với chính quyền kèm theo bằng chứng đầy đủ có thể nhận tiền thưởng lên đến 200 triệu won (hơn 180.000USD). Ngay sau khi Luật Kim Young-ran ra đời, ở Hàn Quốc đã xuất hiện một số khóa học đặc biệt, chuyên dạy kỹ năng theo dõi và bắt quả tang công chức nhận phong bì, quà cáp. Nơi này dạy học viên các nghiệp vụ như: dùng camera, gắn camera tí hon vào các thiết bị, chụp ảnh bí mật, truy tìm chứng cứ,… Học viên được hướng dẫn thâm nhập vào các đám cưới, đám ma của các quan chức, hoặc nhà hàng để theo dõi và phát hiện hành vi tặng phong bì, tặng quà, hay ăn uống xa xỉ.

 

Lương Hồng Hạnh (tổng hợp) – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://reds.vn/index.php/chinh-tri/dan-chu-phap-quyen/11624-luot-chong-tham-nhung-kim-young-ran-han-quoc-2016

2. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=27174&id=Po

3. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=27625&id=Po

4. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=27632&id=Po

5. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=31312&id=Po

6. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Dm_detail.htm?No=31977&id=Dm

7. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=31988&id=Po

8. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=32294&id=Po

9. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=32351&id=Po

10. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Dm_detail.htm?No=32548&id=Dm

11. http://www.daikynguyenvn.com/the-gioi/nguoi-dan-han-quoc-do-di-hoc-chup-anh-de-12. nhan-tien-thuong-chong-tham-nhung.html

12. http://vtimes.com.au/han-quoc-ra-quy-dinh-ha-khac-ve-chong-tham-nhung-2453317.html

13. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Dm_detail.htm?No=32687

14. http://www.hanquoc.co/2016/09/luat-chong-tham-nhung-kim-young-ran.html

 



[1] Cấp bậc công chức Hàn Quốc được chia thành 9 bậc, với bậc cao nhất là bậc 1.


Scroll To Top