Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TRIỀU TIÊN THỬ HẠT NHÂN LẦN THỨ 5: PHẢN ỨNG CỦA HÀN QUỐC VÀ CÁC NƯỚC (Phần 2)

Đăng ngày:

2. Phản ứng của các nước

2.1. Phản ứng của Mỹ

Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ phải chịu “những hậu quả nghiêm trọng” sau cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5. Mỹ tuyên bố sẽ làm việc với các đối tác để áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới, đồng thời, kêu gọi Trung Quốc gây áp lực để buộc Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân.

Bên cạnh đó, Mỹ đã điều động Nhóm tác chiến tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan (CVN-76)[1] đến Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân chung từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 10. Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 11/09 đưa tin, đây là hành động biểu dương sức mạnh của Liên minh Mỹ - Hàn và khẳng định quyết tâm “đáp trả mở rộng” của Mỹ. Mục đích tập trận lần này nhằm hình thành lực lượng hải quân đồng minh để tấn công vào các cơ sở quân sự chiến lược và guồng máy chỉ đạo đất nước của Triều Tiên nếu có chiến tranh xảy ra.

2.2. Phản ứng của Nhật Bản

Trước thông tin Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố: “Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Nhật Bản. Chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên ngày càng đe dọa an ninh Nhật Bản và gây ảnh hưởng xấu đến tình hình hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như quốc tế. Nhật Bản chính thức phản đối và lên án mạnh mẽ hành động này của Triều Tiên”.

Ngày 12/09, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị cho các quan chức cấp cao thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) thực thi đầy đủ đạo luật an ninh mới của nước này và trao cho họ toàn quyền giải quyết tình hình an ninh “chưa từng có tiền lệ” ở Đông Á. Phát biểu với các quan chức cấp cao SDF, ông Abe nhấn mạnh Nhật Bản “đang đối mặt với những tình huống hết sức nghiêm trọng” từ sự phát triển công nghệ hạt nhân - tên lửa bị cấm của Triều Tiên, trong đó có vụ thử hạt nhân lần thứ 5 ngày 09/09.

Bên cạnh đó, ông Abe cũng ám chỉ tới các hoạt động đáng chú ý của Trung Quốc trên biển và trên không, nhấn mạnh thực tế có các tàu quân sự đang đi vào lãnh hải của Nhật Bản, trong khi máy bay không rõ nguồn gốc cũng đang xâm phạm không phận nước này.

2.3. Phản ứng của Trung Quốc

Trung Quốc, đồng minh chính của Triều Tiên, cho biết họ cực lực phản đối cuộc thử nghiệm này của Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng lại bất kỳ hành động nào có thể khiến căng thẳng leo thang. Trung Quốc cũng bình luận vụ thử này là “rất thiếu khôn ngoan”, tuy nhiên cho rằng việc Mỹ và Hàn Quốc quyết định lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD cũng đã góp phần nghiêm trọng gây ra bất ổn trong khu vực.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi các bên nên kiềm chế, bởi mục đích của Bình Nhưỡng là muốn tạo ra hỗn loạn hoặc tệ hơn là gây chiến tranh tại khu vực bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc lại im lặng trước kế hoạch về một nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với đồng minh của họ.

2.4. Phản ứng của Liên Hợp Quốc

Ngày 10/09 (giờ địa phương), sau cuộc họp khẩn, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố thông cáo báo chí lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ và cho biết sẽ nhanh chóng soạn thảo nghị quyết trừng phạt mới. AFP dẫn thông cáo của Hội đồng gồm 15 nước thành viên LHQ rằng: “Những vụ thử này vi phạm trắng trợn nghĩa vụ quốc tế của CHDCND Triều Tiên và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Hội đồng kêu gọi Triều Tiên “kiềm chế các hành động như thử hạt nhân, vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an và tuân thủ hoàn toàn nghĩa vụ của mình theo các nghị quyết này”. Đồng thời, Hội đồng Bảo an cho biết họ sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình và có thêm biện pháp đáng kể để giảm căng thẳng, nếu được tất cả các bên yêu cầu. Văn bản được các nước nhất trí thông qua, bao gồm cả Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên.

2.5. Quan điểm của Việt Nam

Trong tuyên bố đưa ra​ ngày 10/09, ông Lê Hải Bình, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam thể hiện quan ngại sâu sắc trước việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân ngày 09/09, khẳng định điều này vi phạm nghiêm trọng các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực.

Ông nêu rõ lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ủng hộ việc cấm thử hạt nhân toàn diện, không phổ biến hạt nhân và tiến tới giải trừ loại vũ khí này, từ đó: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm túc các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có các hành động thiết thực thúc đẩy hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.

Lương Hồng Hạnh (tổng hợp)

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. http://plo.vn/quoc-te/han-quoc-chuan-bi-ke-hoach-xoa-so-trieu-tien-651930.html
  2. http://infonet.vn/trieu-tien-chinh-thuc-tuyen-bo-thu-nhiem-hat-nhan-thanh-cong-post208632.info
  3. http://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/chuong-trinh-hat-nhan-va-ten-lua-cua-trieu-tien-dang-o-giai-doan-nao-20160902194805802.htm
  4. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?lang=v&id=Po&No=32397&current_page=4
  5. http://sggp.org.vn/thegioi/2016/9/433034/
  6. http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/lien-hop-quoc-len-an-cac-vu-phong-ten-lua-trieu-tien-3464206.html
  7. http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1584359
  8. http://www.tienphong.vn/the-gioi/viet-nam-quan-ngai-trieu-tien-thu-hat-nhan-1048536.tpo

 



[1] Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), tàu sân bay USS Ronald Reagan có thể tiếp nhận khoảng 80 máy bay chiến đấu và 5.400 nhân viên phi hành đoàn.


Scroll To Top