Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TRIỀU TIÊN THỬ HẠT NHÂN LẦN THỨ 5: PHẢN ỨNG CỦA HÀN QUỐC VÀ CÁC NƯỚC (Phần 1)

Đăng ngày:

1. Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 5

Ngày 09/09 vừa qua, kênh truyền hình quốc gia Triều Tiên chính thức lên tiếng xác nhận Bình Nhưỡng đã thực hiện “thành công” vụ thử hạt nhân lần thứ 5[1] (đây là vụ thử thứ 2 trong năm nay, chỉ cách 8 tháng so với vụ thử trước đó).

Vụ thử này được thực hiện tại đường hầm số 2 của bãi thử Punggye-ri  (cùng địa điểm với 4 vụ thử hạt nhân trước đây) và được đánh giá là mạnh chưa từng có, gây nên cơn địa chấn mạnh 5,3 độ Richter.

Bảng 1: Các cuộc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên trong năm 2016

Tháng 1/2016

Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công một quả bom hydro (động thái này đã bị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lên án và ban hành nghị quyết trừng phạt Triều Tiên).

Tháng 3/2016

Triều Tiên tuyên bố đã thu nhỏ đầu đạn hạt nhân (và trong các tháng tiếp theo đã phóng thử các tên lửa đạn đạo, trong đó có một số tên lửa phóng từ tàu ngầm).

Tháng 9/2016

Triều Tiên tuyên bố đã thực hiện “thành công” vụ thử hạt nhân lần thứ 5 (vụ thử này có thể được coi là một bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng đã vượt qua nhiều rào cản để đạt tới bước tiến bộ mới về năng lực vũ khí hạt nhân).

Dự đoán

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời một quan chức Chính phủ giấu tên ở Seoul cho biết Triều Tiên đã hoàn tất công đoạn chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân kế tiếp: “Vụ thử nghiệm có thể tiến hành bất cứ lúc nào tại đường hầm thứ 3, nơi chưa từng được Triều Tiên sử dụng”.

(dự đoán Triều Tiên có thể sẽ thử hạt nhân lần thứ 6 trước khi kết thúc năm 2016)

Nguồn: Người viết tự tổng hợp

Ngày 11/09, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết: Triều Tiên “vui mừng” trước thành công của vụ thử nghiệm hạt nhân. Theo nguồn tin của hãng này, một quan chức chính phủ Triều Tiên nói rằng: “Các nhà khoa học và kỹ sư đã thực hiện một cuộc thử nghiệm nổ hạt nhân để đánh giá sức mạnh của một đầu đạn”. KCNA còn tuyên bố vụ thử chứng tỏ nước này đã đạt khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và lắp đặt đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo tầm trung. “Việc tiêu chuẩn hóa đầu đạn hạt nhân sẽ cho phép Triều Tiên có thể sản xuất các loại đầu đạn nhỏ hơn, nhẹ hơn, thực hiện nhiều chức năng hơn” và có thể “sản xuất được bao nhiêu tùy ý”, hãng KCNA cho biết.

Về vụ thử hạt nhân lần thứ 5, người dẫn chương trình truyền hình Triều Tiên khẳng định: “Đây là sự đáp trả đối lại các thế lực thù địch, trong đó có Mỹ. Chúng tôi muốn gửi thông điệp rằng nếu bị tấn công, chúng tôi sẽ phản công. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi cách để bảo vệ danh dự và quyền được tồn tại trước sự đe dọa của Mỹ”.

Ngày 11/09, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đưa ra một tuyên bố nói rằng nước này sẽ tiếp tục tăng cường năng lực vũ khí hạt nhân, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế: “Như chúng tôi đã nói rõ, các biện pháp tăng cường năng lực hạt nhân quốc gia về chất lượng và số lượng sẽ tiếp tục được tiến hành nhằm bảo vệ phẩm giá và quyền được sống của chúng tôi trước những nguy cơ gia tăng về chiến tranh hạt nhân từ nước Mỹ”. Tuyên bố này, bất chấp việc nghi ngờ hay bác bỏ, cũng khiến các nước đối thủ của Triều Tiên phải bắt đầu tính đến những kịch bản tồi tệ nhất.

Đồng thời, KCNA còn gọi những đe dọa trừng phạt từ Mỹ và các nước khác là điều “nực cười”: “Người của ông Obama đến nay vẫn chạy loanh quanh để nói về những lệnh trừng phạt vô nghĩa”, “Đó là một điều vô cùng nực cười khi họ không còn hơi sức để tiếp tục chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của mình và sắp sửa khăn gói ra đi”.

Như vậy, Triều Tiên đã thử nghiệm hạt nhân với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong năm nay và việc nước này có thể lắp đặt đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa đạn đạo đã dấy lên những lo ngại đối với cộng đồng quốc tế[2], đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản.

2. Phản ứng của Hàn Quốc

Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 5, Hàn Quốc ngay lập tức lên tiếng lên án Bình Nhưỡng, cho rằng đây là hành động “táo tợn điên rồ” và khẳng định vụ thử nghiệm hạt nhân đã vi phạm trắng trợn nghị quyết của Liên Hợp Quốc, đồng thời trực tiếp thách thức cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại về khả năng phát triển hạt nhân nhanh chóng của Triều Tiên, đồng thời nhận định nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như không có thiện chí thay đổi chính sách mà nước này đang theo đuổi.

Sau cuộc họp khẩn vào chiều 10/09, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se thông báo Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định không đàm phán với Triều Tiên, đồng thời, sẽ gia tăng sức ép tối đa với Triều Tiên. Các biện pháp gia tăng sức ép bao gồm: gia tăng cấm vận, triển khai các biện pháp “đáp trả mở rộng” của Mỹ, như ô hạt nhân và lá chắn tên lửa. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng tuyên bố: “Điều duy nhất chế độ Kim Jong-un có thể đạt được từ các vụ thử hạt nhân là các biện pháp trừng phạt mạnh hơn từ cộng đồng quốc tế và sự cô lập của Triều Tiên. Sự khiêu khích như vậy cuối cùng sẽ đẩy nhanh con đường tự hủy diệt”. Bà Park cũng yêu cầu quân đội duy trì tình thế khẩn cấp, mở rộng răn đe hạt nhân, tăng cường khả năng đánh chặn đối với quân đội Triều Tiên, sẵn sàng đối phó với bất kỳ động thái khiêu khích nào của miền Bắc.

Ngày 11/09, văn phòng tổng thống Hàn Quốc thông báo Chính phủ đã sẵn sàng sử dụng “các giải pháp ngoại giao và quân sự” đối với Triều Tiên. “Giải pháp quân sự” sẽ bao gồm thực hiện nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ, củng cố năng lực quốc phòng chung với Mỹ như triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa, triển khai các biện pháp “đáp trả mở rộng” như ô hạt nhân (quốc gia sở hữu hạt nhân sẽ bảo vệ đồng minh không có vũ khí hạt nhân).

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 11/09 dẫn nguồn tin quân sự khẳng định quân đội Hàn Quốc đã lập kế hoạch tấn công vào vị trí của các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên ở Bình Nhưỡng, trong trường hợp phát hiện có nguy cơ sắp tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Nguồn tin cho biết kế hoạch mang tên “Trừng phạt hàng loạt ở Triều Tiên & Trả đũa (KMPR)” đã được đệ trình Quốc hội nhằm xóa sổ một số khu vực ở Bình Nhưỡng có các nhà lãnh đạo quân sự Triều Tiên. Vũ khí được sử dụng trong kế hoạch KMPR là tên lửa đạn đạo hoặc bom có độ chính xác cao.

Nguồn tin cho biết: “Đây là lần đầu tiên cơ quan chúng tôi tiết lộ kế hoạch tấn công này… Giải pháp KMPR là kế hoạch tác chiến tốt nhất mà không dùng vũ khí hạt nhân”. Ngoài ra, quân đội Hàn Quốc cũng đã thành lập các toán đặc nhiệm phụ trách tiêu diệt các nhà lãnh đạo quân sự của Triều Tiên, tương tự trung đoàn biệt kích 75 của Mỹ.

Lương Hồng Hạnh (tổng hợp)

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/vi-sao-trung-quoc-khong-ngan-duoc-trieu-tien-thu-vu-khi-hat-nhan-3466013.html
  2. http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/trieu-tien-thu-hat-nhan-co-suc-cong-pha-ngang-qua-bom-nem-xuong-hiroshima-42426.html
  3. http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trieu-tien-sap-thu-hat-nhan-lan-thu-6-o-bai-thu-moi-nhat-20160912085932392.htm
  4. http://news.zing.vn/trieu-tien-da-san-sang-cho-vu-thu-hat-nhan-tiep-theo-post680821.html
  5. http://vneconomy.vn/the-gioi/trieu-tien-chuan-bi-thu-hat-nhan-lan-nua-20160912104123508.htm
  6. http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20160911/the-gioi-lo-ngai-nang-luc-hat-nhan-cua-trieu-tien/1169577.html
  7. http://vov.vn/quan-su-quoc-phong/yonhap-trieu-tien-hoan-tat-chuan-bi-thu-hat-nhan-lan-thu-6-549358.vov
  8. http://baodatviet.vn/quoc-phong/su-kien/my-thua-nhan-lanh-gay-truoc-bom-hat-nhan-trieu-tien-3318426/


[1] Bốn vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên là vào ngày 09/10/2006 mạnh 4,3 độ Richter; ngày 25/05/2009 mạnh 4,7 độ Richter; ngày 12/02/2013 mạnh 5,1 độ Richter và ngày 06/01/2016 mạnh 5,1 độ Richter. Các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là sự vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

[2] 55 quốc gia và 5 tổ chức quốc tế đã tuyên bố phản đối vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên.


Scroll To Top