Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


PHẢN ỨNG CỦA HÀN QUỐC SAU KHI TRIỀU TIÊN TIẾN HÀNH CÁC VỤ PHÓNG TÊN LỬA TỪ ĐẦU NĂM 2016 ĐẾN NAY

Đăng ngày:

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2016,  Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất tại địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri, khoảng 50 km về phía tây Bắc của thành phố Kilju ở huyện Kilju. Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ghi nhận một trận động đất 5,1 độ richter từ vị trí thử, tâm chấn 0 km. Cục địa chấn Trung Quốc cho biết cường độ vụ động đất này là 4,9 độ richter với độ sâu tâm chấn là 0km và đưa ra phỏng đoán là đây là động đất xuất phát từ một vụ nổ. Trung tâm Địa chấn học châu Âu - Địa Trung Hải cho rằng tâm chấn nằm cách thành phố Chongjin (tỉnh Bắc Hamgyeong) 80km về phía Tây Nam và độ sâu tâm chấn là 10km. Địa điểm phát sinh động đất được tính toán là 41,3 độ vĩ Bắc, 129,1 độ kinh Đông, gần với bãi thử nghiệm hạt nhân xã Punggye, huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyeong.

Các cơ quan truyền thông Triều Tiên đã thông báo rằng quốc gia này đã thử nghiệm thành công một quả bom hydro, được khẳng định đã được sản xuất vào tháng trước khi tiến hành cuộc thử nghiệm này. Tuy nhiên, các chuyên gia của bên thứ ba, cũng như các quan chức và các cơ quan ở Hàn Quốc, nghi ngờ tuyên bố của Triều Tiên, và cho rằng những thiết bị đó gần như là một quả bom phân hạch giống như một vũ khí phân hạch tăng cường. Điều này đã gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ Hàn Quốc và Triều Tiên khiến cho Chính phủ Hàn Quốc phải hạn chế số người ra vào khu công nghiệp Kaesong, chỉ cho phép những người nào có liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại đây. Biện pháp này đã làm cho các công ty Hàn Quốc hoạt động tại khu công nghiệp này khó có thể tìm thêm khách hàng mới hay đơn hàng mới từ những khách hàng hiện tại do họ e ngại hoạt động sản xuất có thể bị gián đoạn.

Tiếp đó, vào ngày 7/2/2016, Cục Phát triển vũ trụ Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng  tên lửa Kwangmyongsong từ bãi phóng tên lửa ở xã Dongchang, huyện Cheolsan, tỉnh Bắc Pyongan, vào 9 giờ 30 phút sáng cùng ngày và đã đưa thành công vệ tinh mang tên Kwangmyongsong-4 vào quỹ đạo. Trước tình hình đó, vào ngày 10/2/2016, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã thông báo cho phía Triều Tiên rằng sẽ ngừng mọi hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong từ ngày 10/2 để phản đối Bình Nhưỡng vì hai vụ việc mà miền Bắc gây ra là hành động không thể dung thứ, đồng thời, thách thức, đe dọa hòa bình và an ninh trên thế giới và bán đảo Hàn. Đáp trả tuyên bố này, Chính quyền Triều Tiên vào ngày thứ Năm (11/2/2016) đã lệnh cho toàn bộ công nhân viên phía miền Nam đang làm việc ở khu công nghiệp liên Triều Kaesong phải ra khỏi đây từ lúc 5 giờ chiều cùng ngày (tức 5 giờ 30 phút chiều theo giờ Hàn Quốc) và  tuyên bố dưới danh nghĩa Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Triều Tiên rằng, sẽ đóng băng mọi tài sản của doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc, trong đó có các trang thiết bị, vật tư và hàng hóa. Chính phủ Hàn Quốc cũng  ngừng cấp điện, nước cho khu công nghiệp này vào 11 giờ 53 phút tối cùng ngày sau khi rút được toàn bộ nhân sự làm việc tại đây về nước. Đây là lần đầu tiên nguồn cấp điện tại khu công nghiệp này bị cắt hoàn toàn sau 11 năm đi vào hoạt động từ năm 2005.

Bất chấp căng thẳng leo thang giữa hai miền, vào ngày 10/3/2016, Triều Tiên tiếp tục phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn dòng Scud C bắn từ khu vực Sakganmol, tỉnh Bắc Hwanghae (Triều Tiên) đã bay khoảng 500km và đánh hạ điểm mục tiêu ở vùng biển phía Đông của nước này để đáp trả cuộc tập trận chung của liên quân Hàn - Mỹ. Bộ Tổng tham mưu quân đội Triều Tiên ngày thứ Bảy (12/3) ra tuyên bố có nội dung đe dọa sẽ tấn công phủ đầu, giải phóng toàn bộ miền Nam trong đó có cả Seoul, để trả đũa kế hoạch tác chiến tấn công Bình Nhưỡng của liên quân Hàn - Mỹ. Còn với chiến lược "tấn công gọng kìm" của Seoul và Washington, nước này sẽ đối phó bằng cách tấn công bất ngờ và chính xác cao theo cách riêng của mình. Triều Tiên còn uy hiếp rằng, nếu nước này nhận thấy bất cứ ý đồ nào xâm phạm tới chủ quyền về lãnh thổ, lãnh hải và không phận của mình thì sẽ tiến hành trấn áp cứng rắn bằng quân sự trước khi quân địch kịp điều động binh lực và phương tiện.

Về phần mình, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc ngày thứ Bảy (12/3) đã lên án quyết liệt những lời đe dọa và các động thái khiêu khích triền miên của miền Bắc gần đây. Quân đội miền Nam nhấn mạnh nếu nước này coi thường cảnh cáo của Seoul và tiếp tục khiêu khích thì bộ máy lãnh đạo tối cao của chính quyền nước này sẽ phải hứng chịu sự diệt vong.

Tiếp đó, vào ngày 20/3/2016, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 20/3 đưa tin Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên Kim Jong-un đã tới chỉ đạo cuộc diễn tập đổ bộ và phòng ngự đổ bộ của quân đội nước này. KCNA cho biết đợt diễn tập lần này của miền Bắc nhằm nâng cao năng lực cơ động trên biển và tác chiến đổ bộ bất ngờ vào miền Nam. Đặc biệt, quân đội Triều Tiên còn tuyên thệ sẽ giành chiến công lớn trong kế hoạch tác chiến giải phóng Seoul, giải phóng miền Nam. Tới giám sát đợt tập trận này, Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un ra chỉ thị yêu cầu quân đội phải ngăn chặn được sự đổ bộ của quân địch vào bờ biển nước này theo phương thức mới do đảng Lao động đề ra. Đợt diễn tập lần này của quân đội Triều Tiên được phỏng đoán là đã diễn ra vào ngày 18/3, khi cuộc tập trận Key Resolve (Giải pháp then chốt) của liên quân Hàn-Mỹ kết thúc. Cuộc tập trận này của Seoul và Washington bao gồm nội dung tác chiến tấn công đổ bộ miền Bắc. Đây cũng là lần đầu tiên nước này công khai diễn tập đổ bộ nhắm vào toàn bộ miền Nam.

Sau đó, vào ngày 21/3/2016, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, từ 3 giờ 19 phút tới 3 giờ 41 phút chiều cùng ngày, Triều Tiên đã phóng bốn tên lửa tầm ngắn từ khu vực phía Bắc thành phố Hamheung, tỉnh Nam Hamgyong, miền Bắc, về phía biển Đông. Được biết, tầm bắn của các tên lửa này đạt khoảng 200 km. Như vậy là Triều Tiên đã một lần nữa phóng tên lửa, chỉ ba ngày sau khi nước này phóng tên lửa tầm trung Rodong từ khu vực huyện Sukchon, tỉnh Bắc Pyongan, ra biển Đông vào ngày 18/3/2016. Trước đó vào ngày 3/3, nước này đã phóng sáu pháo phản lực cỡ nòng 300mm về phía biển Đông và 2 tên lửa Scud vào ngày 10/3/2016.

Những động thái khiêu khích phóng tên lửa triền miên gần đây của Bình Nhưỡng được cho là nhằm mục đích thị uy sức mạnh quân sự, phản đối việc cộng đồng quốc tế siết chặt cấm vận với nước này và cuộc tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ.

Nhân Ngày bảo vệ chủ quyền biển Tây lần thứ nhất vào ngày thứ Sáu (tức ngày 25/3/2016), hải quân Hàn Quốc đã tiến hành diễn tập cơ động trên biển quy mô lớn trên toàn bộ vùng biển phía Đông, Tây và Nam Hàn Quốc. Tại biển Tây, Bộ tư lệnh Hạm đội 2 hải quân Hàn Quốc đã tiến hành diễn tập chung với hải quân Mỹ. Biển Tây là khu vực mà Triều Tiên liên tiếp khiêu khích với trận hải chiến đảo Yeonpyeong vào năm 2002 hay vụ đánh chìm tàu Cheonan vào năm 2010. Hải quân Hàn Quốc đã huy động tổng cộng sáu tàu, bao gồm tàu hộ tống kiểu mới là tàu khu trục Aegis lớp Sejong Đại đế, tàu tuần tra, tàu tên lửa cao tốc (PKG), máy bay tuần tra trên biển P-3, trực thăng tác chiến trên biển Lynx. Hải quân Mỹ đã điều động một tàu khu trục Aegis tham gia diễn tập. Hai nước đã tiến hành các nội dung diễn tập thực chiến như diễn tập chống lực lượng đặc nhiệm của quân địch xâm nhập qua đường biển, diễn tập chống tàu ngầm, diễn tập bắn pháo, bom phá tàu ngầm để nâng cao sức mạnh tác chiến liên quân trước mọi động thái khiêu khích trên biển của miền Bắc.

Tổng thống Park Geun-Hye cũng đã tham dự buổi lễ kỷ niệm ngày bảo vệ chủ quyền biển Tây lần thứ nhất ở sở cảnh sát phía Bắc tỉnh Gyeonggi và nhấn mạnh tất cả nhân dân chúng ta phải đoàn kết, hiệp lực để tạo nên ‘Đại Hàn dân quốc an toàn’ và tạo nền tảng để bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Bà cũng nhấn mạnh vai trò của cảnh sát là quan trọng hơn bất cứ lúc nào và yêu cầu lực lượng này cần phải xử lý nghiêm khắc các nhân tố nguy hiểm gây rối loạn kỷ cương xã hội để không gây tổn hại đến nền an ninh quốc gia.

Vào ngày 29/3, Triều Tiên lại tăng cường hoạt động của máy bay mini không người lái tại khu vực phía Tây. Nhiều máy bay không người lái cỡ nhỏ và trung bình của nước này đã diễn tập cất cánh và hạ cánh với tần suất cao, trung bình bảy tới tám lượt một ngày.

Nhằm phản đối các cuộc thảo luận của cộng đồng quốc tế về gia tăng sức ép đối với Triều Tiên, miền Bắc đã phóng thêm một tên lửa nữa về phía biển vào lúc 12 giờ 45 phút chiều thứ Sáu (tức ngày 1/4/2016) từ tỉnh Hamgyong ở phía Đông nam Triều Tiên. Tên lửa chống máy bay này đã bay khoảng 100km trước khi rơi xuống biển Đông. Đồng thời, Triều Tiên được cho là đứng sau vụ gây nhiễu sóng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), gây ảnh hưởng tới một số tàu thuyền và máy bay của Hàn Quốc.

Trước tình hình này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun trong buổi họp báo thường kỳ cùng ngày cho biết, quân đội vẫn đang tiếp tục giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của máy bay mini không người lái tại khu vực Triều Tiên và tìm kiếm phương án theo dõi, phát hiện và tấn công những thiết bị bay này. Trước đó, vào tháng 3 và tháng 4 năm 2014, quân đội Hàn Quốc đã phát hiện được ba máy bay mini không người lái của Triều Tiên ở thành phố Paju tỉnh Gyeonggi, đảo Baengnyeong thuộc tỉnh Gyeonggi và thành phố Samcheok thuộc tỉnh Gangwon.

Phản ứng trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Hàn, vào ngày 29/3/2016, Chính phủ Mỹ cho biết, việc Mỹ triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) tại Hàn Quốc là không thể tránh khỏi, cho đến khi Triều Tiên ngừng phát triển các chương trình phát triển tên lửa và vũ khí, bất chấp phản đối của Trung Quốc về việc này. Thứ trưởng Tony Blinken cho biết thêm, vấn đề liên quan đến Triều Tiên sẽ là một trong những nghị sự quan trọng nhất tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ-Nhật trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ tư diễn ra tại Washington vào ngày 31/3/2016. Tiếp đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 31/3 đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước thềm Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington, Mỹ.

Trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau đó, Tổng thống Park phát biểu rằng Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên với mức độ quyết liệt nhất từ trước tới nay. Bà hối thúc các nước thực thi triệt để nghị quyết này, khiến Triều Tiên hiểu ra rằng nước này sẽ không thể tồn tại nếu không từ bỏ hạt nhân. Bà cho biết Seoul, Washington và Tokyo đã nhất trí hợp tác chặt chẽ không chỉ trong việc thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc mà còn trong các biện pháp cấm vận riêng của mỗi nước đối với Triều Tiên, từ đó tăng cường kết nối với cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.

Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh cộng đồng quốc tế sẽ không bỏ qua nếu miền Bắc bất chấp cảnh cáo, tái diễn các hành vi khiêu khích và uy hiếp trong tương lai, cảnh báo rằng nước này sẽ có thể phải hứng chịu sự trừng phạt và cô lập quyết liệt hơn nữa.

Bà Park đánh giá cuộc gặp lần này là cơ hội để ba nước thảo luận về phương án tăng cường hợp tác, ngăn chặn miền Bắc đẩy cao năng lực hạt nhân, thay đổi thái độ đối với cộng đồng quốc tế. Bà Park cho biết thêm vấn đề nhân quyền miền Bắc là một vấn đề mang giá trị phổ quát của nhân loại, liên quan trực tiếp đến đời sống của toàn bộ người dân trên bán đảo Hàn, và ba nước đã nhất trí nỗ lực hơn nữa nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại nước này.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Washington, Mỹ cùng ngày. Bà Park đề nghị Bắc Kinh đóng vai trò tích cực hơn trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai bên gặp mặt kể từ sau khi miền Bắc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư vào ngày 6/1, và là cuộc gặp lần thứ bảy trong nhiệm kỳ của hai nhà lãnh đạo. Tổng thống Park Geun-hye và Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá rằng trong nhiệm kỳ của hai lãnh đạo, quan hệ đối tác chiến lược Hàn-Trung đã phát triển một cách ổn định trên nhiều phương diện trên tinh thần tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Hai bên tái khẳng định quyết tâm mở rộng quan hệ vì lợi ích chung, phát triển quan hệ Hàn-Trung cả về chiều rộng và chiều sâu trước những thách thức đặt ra hiện nay như vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng hai nước lên kế hoạch phát triển toàn diện quan hệ song phương và tăng cường giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực.

Tổng thống Park cho biết, các động thái khiêu khích thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa gần đây của Triều Tiên một lần nữa cho thấy sự hợp tác Hàn - Trung có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong việc đảm bảo an ninh và hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc và khu vực. Tổng thống Hàn Quốc cũng cảm ơn Trung Quốc đã thực thi vai trò trách nhiệm của mình trên cương vị là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Vào ngày 1/4/2016, tại một buổi tiệc trưa kết hợp làm việc diễn ra cùng ngày trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington, Mỹ, bà Park nhấn mạnh Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân cuối cùng này sẽ là cơ hội để củng cố nền tảng thiết lập hệ thống bảo vệ an ninh hạt nhân quốc tế vững chắc. Bà đề xuất ba phương hướng hoạt động bao gồm phát triển hệ thống luật pháp và quy ước có liên quan tới an ninh hạt nhân, tăng cường và mở rộng vai trò của các tổ chức quốc tế trong vấn đề này, và thắt chặt quan hệ hợp tác giữa nguyên thủ các quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân.

Bà Park cho biết thêm, Hàn Quốc, với tư cách nước chủ nhà của Hội nghị quốc tế về an ninh hạt nhân do IAEA tổ chức, diễn ra vào tháng 12 tới, sẽ nỗ lực để hợp sức tất cả các nước thành viên, trong đó IAEA đóng vai trò chủ chốt, nhằm đảm bảo an ninh hạt nhân trên toàn thế giới. Tổng thống Park Geun-hye cũng đã đề cập việc Điều khoản bổ sung trong Công ước về Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (CPPNM) của Mỹ sắp có hiệu lực (đến nay chỉ còn 9 nước chưa phê chuẩn Điều khoản này). Theo đó, điều khoản này buộc các quốc gia phải bảo vệ các cơ sở và nguyên liệu hạt nhân trong suốt quá trình sử dụng, lưu trữ và vận chuyển. Bà đề xuất cộng đồng quốc tế tổ chức hội nghị thường kỳ 5 năm một lần nhằm thiết lập một hệ thống quốc tế đánh giá việc thực hiện những nghĩa vụ đảm bảo an ninh hạt nhân sau khi CPPNM có hiệu lực.

Trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Hàn, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã ra kế hoạch giữa kỳ từ năm 2017 đến năm 2021, nâng  ngân sách quốc phòng cho 5 năm lên đến con số 226.500 tỷ won, tương đương 196,8 tỷ USD. Kế hoạch quốc phòng giữa kỳ là bản kế hoạch chi tiêu của quân đội Hàn Quốc trong 5 năm, từ năm 2017 đến năm 2021, chủ yếu tập trung đối phó với mọi uy hiếp tên lửa hạt nhân của Triều Tiên. Trong khuôn khổ ngân sách này, 13 dự án cải thiện chức năng vũ khí của Hàn Quốc sẽ được hoàn tất. Khoảng 18.600 tỷ won, tương đương 16,1 tỷ USD sẽ được dùng cho các dự án phát triển, nghiên cứu vũ khí quốc phòng kiểu mới của Hàn Quốc.

Như vậy, tình hình trên bán đảo Hàn sắp tới còn nhiều diễn biến phức tạp thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Trong tương lai, nền kinh tế Triều Tiên nhiều khả năng sẽ chịu cú sốc lớn với quy mô xuất khẩu bị giảm đến một nửa sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc gia tăng cấm vận nước này. Nguyên nhân là do những mặt hàng của miền Bắc thuộc diện bị cấm vận chiếm đến một nửa tỷ trọng xuất khẩu của nước này. Báo Lao động Triều Tiên ngày 28/3 đăng bài viết có nội dung “con đường cách mạng còn dài và đầy gian khổ”, và “đất nước có thể lại một lần nữa trải qua khó khăn cùng cực, thậm chí phải ăn rễ cây để sống”. Chính vì thế, Hàn Quốc cần bình tĩnh theo dõi mọi động tĩnh của Triều Tiên để chủ động tìm phương pháp đối phó.

Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc tổng thuật.

Theo nguồn:

1. http://www1.president.go.kr/news/newsList2.php?srh%5Bview_mode%5D=detail&srh%5Bseq%5D=14780

2. http://www1.president.go.kr/news/newsList2.php?srh%5Bpage%5D=2&srh%5Bview_mode%5D=detail&srh%5Bseq%5D=14885#

3. http://world.kbs.co.kr/korean/news/news_Po_detail.htm?No=260223&id=Po

4. http://news.kbs.co.kr/news/view.do?ncd=3257850

5. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_In_detail.htm?No=30963&id=In

6. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_IK_detail.htm?lang=v&id=IK&No=30923&current_page=





Scroll To Top