Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


SỰ THAY ĐỔI TRONG VĂN HÓA VẬT CHẤT CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY (PHẦN 5)

Đăng ngày:

Sự thay đổi trong văn hóa “đi lại”: phương tiện vận chuyển xe lửa

Năm 1905, Lục đường Choi Nam Seon đã hoàn thành xây dựng và làm lễ thông tuyến đường sắt Gyeongbu. Đây là tuyến đường sắt đầu tiên ở Hàn Quốc, nối thủ đô Seoul với Pusan. Chiếc tàu hỏa rú còi rền vang, khởi hành từ Nam Dae Moon, chạy nhanh như gió. Thực tế, 9 giờ sáng ngày 18 tháng 9 năm 1899, con “thiết mã”[1] đầu tiên đã bắt đầu chạy tại Hàn Quốc và đến tháng 4 cùng năm tuyến đường sắt Honam thông tuyến và không ai có thể nghĩ rằng thời gian đi từ Seoul đến Kwangju chỉ còn 1 tiếng 33 phút.

Năm 1946, tức 1 năm sau khi đất nước giành độc lập, tôi đã được đi trên chuyến tàu hỏa có tên là Haepang (Giải phóng) cùng bố tôi. Đó là chiếc tàu được đưa vào lưu thông gấp nhân dịp kỷ niệm ngày độc lập, chạy liên tục từ Seoul tới Pusan chỉ mất 9 tiếng đồng hồ. Năm 1955, tàu Tongil (Thống nhất) được đưa vào sử dụng, năm 1960 là tàu Mugunghwa (Hoa hồng Sharon)[2], năm 1962 tàu Taegeuk (Thái cực)[3], năm 1966 là tàu Baekma (Bạch Mã) và Cheongryong (Rồng xanh), năm 1967 là tàu Daecheon (chạy tuyến Seoul –Daecheon) và tàu Bidulgi (Chim bồ câu). Bây giờ, ngay cả Cục đường sắt Hàn Quốc cũng đổi sang tên tiếng Anh là Korail nhưng lúc bấy giờ tên những chiếc tàu hỏa cũng đậm chất Hàn Quốc và rất truyền thống. Quả thực, khi đó những cái tên đặt cho những cỗ hỏa xa nghe rất điệu nghệ, không quê mùa chút nào!

Những chiếc hỏa xa của thập niên 60 chạy bằng than đá, hai ba người công nhân đốt lò, họ thay phiên nhau bỏ củi vào lò đốt than cho tàu chạy và tàu chỉ chạy qua hầm một cái là lỗ mũi hành khách đen ngòm vì bụi than. Năm 1974, tàu Thống nhất và tàu Saemaul (Làng mới)[4] xuất hiện và đến năm 1984, tất cả tên gọi của tàu hỏa đều được đổi. Tàu hỏa thông thường là Bidulgi (Chim bồ câu), tàu chậm là Tongil (Thống nhất), tàu hạng sang là Mugunghwa (Hoa hồng Sharon), tàu nhanh là Saemaul (Làng mới). Nhiều trường hợp tàu được gắn tên mới cho những sự kiện đặc biệt, thí dụ, năm 1955 tàu chuyên dùng trong quân đội tuyến Seoul –Mokpo lấy tên là Sangmu (Thương vụ). Năm 1962, một con tàu được gắn tên là Jaegeon (Tái thiết) được đưa vào sử dụng nhằm mục đích cổ động phong trào Làng mới. Năm 1966, chiếc hỏa xa phục vụ quân đội được gắn tên là Mengho (Mãnh hổ). Năm 1967, để tránh cái nóng của mùa hè, chuyến tàu Seoul –Pusan gắn với tên gọi Galmaegi (Chim hải âu) ra đời.

Ngày 1 tháng 4 năm 2004, kỷ nguyên tàu hỏa cao tốc của Hàn Quốc (Korea Train Express –KTX) thực sự bắt đầu. Tôi đã từng lên tàu ở ga Seoul tới Pusan, cảm giác của tôi khi đó giống như đi máy bay trên đường ray vậy. Năm 1876, Kim Ki Soo (1832-?), văn thân dưới thời vua Go Jong (Cao Tông) nhà Joseon[5] sau khi ở Nhật về ông đã viết cảm tưởng về lần đầu tiên được đi tàu hỏa trong Ký sự du lịch bằng tàu hỏa của Kim Ki Soo như sau: “Xe nào cũng có bánh, đầu máy phía trước lăn một vòng thì tất cả các bánh xe đều lăn theo. Khi tất cả các bánh lăn đều thì vút chạy như sấm chớp, bạt cả mưa gió”.

Có rất nhiều bài hát viết về tàu hỏa như bài Daecheon blues (Điệu blues tới Daejeon), Ga Pusan ngày biệt ly của Nam In Soo, Tàu đi Chun Cheon của Kim Hyeon Cheol, Tàu hỏa và cây thông của Lee Kyu Seok, Tàu hỏa của GOD, Chuyến tàu du lịch của nhóm Năm ngón, Tàu về phương Nam của Kim Soo Hee, Đi tàu của ca sĩ nhạc pop nổi tiếng IU… Xem ra, tàu hỏa không những vừa là đôi bàn chân của chúng ta đi khắp muôn nơi vừa là không gian lưu giữ những kỷ niệm đẹp mà còn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận đối với các nghệ sĩ.

Hồi học trung học phổ thông, tôi đến trường bằng tàu hỏa. Lúc đó, học sinh chúng tôi phải đội mũ lệch đến trường, lên tàu thường đứng ở lối đi và hình ảnh từng nhóm học sinh đội mũ lệch đứng ở lối đi trên toa tàu mới đẹp làm sao? Thực ra, có chỗ trống lũ học trò chúng tôi cũng không đứa nào chịu ngồi, bởi vì đứng ở lối đi giữa toa tàu còn được buông mấy câu trêu ghẹo mỗi khi các bạn nữ đi qua. Đôi khi, chúng tôi còn trốn vé, mỗi khi nhân viên soát vé xuất hiện tất cả chạy trốn xuống toa cuối, thậm chí có hôm 6, 7 đứa phải bám vào toa tàu, cả lũ được một phen khiếp vía! Một số người lớn yêu đời còn ngồi cả xuống sàn tàu rồi bày bàn rượu ra uống. Họ vừa uống rượu vừa hát vang những giai điệu yêu thích. Những năm 1970-1980, gần như các sinh viên đại học đi dã ngoại bằng tàu hỏa, họ đàn hát vui nhộn trên tàu. Cũng có người bước chân lên tàu là đồng nghĩa với sự biệt ly nhưng bên trong chiếc hỏa xa cũng là một không gian di động “chở” đầy niềm vui. So với bây giờ việc gọi điện thoại trên tàu lúc bấy giờ là một việc làm không dễ dàng, vậy nên, người bên cạnh trên chuyến hành trình vô tình trở thành bạn tâm giao, khoảng thời gian đi tàu thật là thú vị. Ngày nay, các con tàu vẫn làm nhiệm vụ chở khách tới mọi miền, nhiều hành khách vẫn lựa chọn những chiếc hỏa xa đồng hành cùng mình tới đích nhưng cuộc sống bận rộn, ai ai cũng có việc riêng ngay cả khi ngồi trên tàu và sự thú vị như xưa không còn nữa. Chủ tịch nước Cu Ba Fidel Castro từng nói: “ Cuộc đời là chuyến tàu nuốt chửng hàng ngàn dặm”. Câu nói ấy có nghĩa là cuộc đời là một chuyến đi dài chẳng khác gì việc đi tàu hàng ngàn dặm, vậy mà, trải nghiệm cuộc đời đến ngần này tuổi tôi mới vỡ ra câu nói đó.

Nếu ai từng đặt chân tới ga Baengmagoji trên tuyến đường sắt Gyeongwon[6] chắc chắn sẽ nhìn thấy tấm biển chỉ dẫn rỉ với dòng chữ “Chúng tôi muốn trở lại bằng tàu hỏa” sẽ hiểu được sự tha thiết muốn tới Bắc Hàn bằng tàu hỏa của nhiều người dân Hàn Quốc. Hiện nay, tuyến đường sắt cao tốc Honam đã hoạt động, thời gian hoàn thành tuyến Gyeongwon cũng không xa, kỷ nguyên của “con đường tơ lụa  trên đường sắt” sẽ mở ra. Bao giờ cho đến ngày đó?

Người dịch: Phan Thị Oanh-Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Nguồn: http://www.korea.kr/policy/cultureView.do?newsId=148794085&call_from=naver_news

 



[1] Tàu hỏa.

[2] Quốc hoa của Hàn Quốc

[3] Quốc kỳ của Hàn Quốc

[4] Đây là phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hàn Quốc do tổng thống Park Chung-hee khởi xướng năm 1962.

[5] Năm 1876, điều ước Nhật –Triều được ký kết bởi các đại diện của Nhật Bản và nhà Joseon (Triều Tiên). Kim Ki Soo cùng một số quan lại khác được cử sang Nhật tham quan và học hỏi kinh nghiệm phát triển đất nước.

[6] Tuyến đường sắt dài 88.8km nối Seoul với thành phố Wonsan (thuộc Bắc Hàn), thông tuyến ngày 16 tháng 8 năm 1914. Sau khi bán đảo Hàn bị chia cắt thì tuyến đường sắt này chỉ hoạt động đến ga Baengmagoji, tỉnh Gangwon Hàn Quốc.


Scroll To Top