Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


SỰ THAY ĐỔI TRONG VĂN HÓA VẬT CHẤT CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY (Phần 4)

Đăng ngày:

Sự thay đổi về nhà ở

Sau giải phóng, kiểu nhà Tatami[1] theo phong cách Nhật Bản dần dần biến mất, kiểu nhà có hệ thống sưởi ấm sàn của Hàn Quốc dần được khôi phục. Ở Hàn Quốc, nhà ở lúc nào cũng trong tình trạng thiếu hụt, vì vậy, có rất nhiều người một năm phải chuyển nhà đến vài lần. Căn cứ vào tài liệu thống kê chúng ta có thể biết được nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu nhà ở lúc bấy giờ. Sau giải phóng, dân số của Hàn Quốc chỉ có 15.890.000 người, song số người di cư từ Bắc xuống, kiều bào ở vùng Mãn Châu và Nhật Bản hồi hương khiến dân số tăng lên khoảng 4 triệu người chỉ trong vòng 1 năm. Dân số tăng sau giải phóng là tín hiệu đáng mừng nhưng lại làm cho tình hình nhà ở trở nên khó khăn hơn. Trước tình hình đó, chính phủ Hàn Quốc đã đưa khu dân cư tồi tàn, khu dân cư tạm bợ nhập vào Huam dong và Itaewon Iltae ở thủ đô Seoul và lập nên Haebangchon (Làng giải phóng).

Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nổ ra, vấn nạn nhà ở càng trở nên trầm trọng. Tại thủ đô Seoul, một ngôi nhà thông thường có khoảng 8 người sinh sống. Kể từ sau cuộc chiến tranh đến năm 1956, toàn quốc có các loại nhà ở như: nhà ở tái thiết, nhà ở phục hồi, nhà ở của người nước ngoài. Lúc bấy giờ, nhà ở tái thiết bị thiếu nên những ngôi nhà có tường đắp bằng bùn cũng là ước muốn cháy bỏng của người dân Hàn Quốc. Năm 1957, lúc đó tôi khoảng 23 tuổi, gia đình tôi khá hơn, chúng tôi được sống trong ngôi nhà ICA[2]. Nhà ICA là tên gọi những ngôi nhà nhỏ do ngân hàng công nghiệp xây dựng ở Buam- dong và Hwagok- dong, Seoul bằng tiền vay của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (ICA). Sau này, nhà ICA đổi tên là nhà dân doanh và đến cuối những năm 1960 loại nhà này được xây dựng trên toàn quốc. Bên cạnh đó, thời đại nhà chung cư cũng bắt đầu tại Hàn Quốc. Năm 1958, khu chung cư Jongam xây dựng phía trước trường đại học Korea là chung cư đầu tiên được xây dựng tại Hàn Quốc với diện tích 17 pyeong[3] dành cho 152 nhân khẩu, tổng thống đương nhiệm Syngman Rhee đã tham dự lễ hoàn công công trình này.           Sau đó, các khu chung cư cũng dần dần mọc lên đây đó khắp Hàn Quốc.  Năm 1962, công ty xây dựng nhà Daehan xây dựng giai đoạn 1 khu nhà phức hợp Mapo dành cho 450 nhân khẩu, năm 1964 giai đoạn 2 bắt đầu với thiết kế chung cư kiểu cầu thang, tức là căn hộ có phòng khách và lan can. Từ năm 1966 đến năm giữa năm 1971, chung cư Hangang Mansion được xây dựng dành cho tầng lớp trung lưu.

Những năm đầu thập niên 1970, khu chung cư Yeonga tại Seoul dành cho khoảng 20 nghìn nhân khẩu được xây dựng, về cơ bản đã giải quyết được vấn nạn nhà ở lúc bấy giờ. Song, sự cố sập chung cư Wow là cú sốc lớn đối với ngành xây dựng Hàn Quốc, thị trưởng Seoul Kim Hyun Ok bị bãi nhiệm và phải xin lỗi công khai bằng văn bản đăng trên Nhật báo Donga ngày 9 tháng 4 năm 1970. Sau đó, hàng loạt khu nhà phức hợp khác như khu trung tâm thương mại Seayoon, Nakwon, Daewang lần lượt xuất hiện.

Tại nông thôn, phong trào Làng mới mở rộng toàn quốc, trong đó, phong trào cải tạo nhà mái được nhân dân tích cực hưởng ứng. Theo đó, tất cả các kiểu nhà mái truyền thống lợp tranh, lợp ván, lợp vỏ cây sồi đều bị dỡ bỏ và thay thế bằng những vật liệu hiện đại như mái tôn, ngói đen hoặc ngói xi măng. Thời kỳ đầu, hưởng ứng phong trào cải tạo mái nhà do chính phủ phát động đa số người dân giữ nguyên xác nhà, chỉ thay mái, thậm chí có bài báo còn đăng cả lời chỉ trích của tổng thống đương nhiệm Park Chung-hee: “Việc thay mỗi mái nhà khác gì đội mũ phớt cho chiếc quần” (Nhật báo Donga ngày 2 tháng 2 năm 1978). Liên quan đến phong trào thay mái nhà cũng có nhiều chuyện hài hước xảy ra. Có một cô gái sắp về nhà chồng, phía nhà trai biết nhà gái không sửa nhà vệ sinh, nhà bếp, chỉ sửa mái của ngôi nhà cũ nát nên loan tin sẽ hủy hôn, nhờ đó nhà gái đã sửa lại cả ngôi nhà. Có lẽ đã có nhiều cặp phải rời xa nhau do vấn đề cải tạo mái nhà ở nông thôn lúc bấy giờ?

Biệt thự liền kề là xu hướng những năm 1970 tại Hàn Quốc. Biệt thự liền kề chắt lọc nhiều ưu điểm của nhà riêng và nhà chung cư. Biệt thự liền kề là kiểu nhà có vườn và đất đai thuộc quyền sở hữu cá nhân, vì vậy, thời kỳ đầu nó được ưa chuộng hơn căn hộ trong khu chung cư cao tầng.  Thông thường, kiểu nhà này có 2 tầng nhưng được thiết kế và xây dựng theo phong cách terrace house[4] của châu Âu nên bếp, nhà vệ sinh ở tầng 1, tầng 2 là phòng khách và phòng ngủ.

Từ những năm 1970, khu Gangnam đã được quy hoạch, chung cư trở thành công cụ kiếm tiền của giới đầu cơ chứ không phải là không gian sống của người dân. Từ sau khi khu Gangnam phát triển có quy hoạch thì mọi thứ đều thay đổi. Thí dụ, giữa những năm 1960, giá 1 bao thuốc lá Pagota là 50 won nhưng lúc bấy giờ 4 bao có thể mua được 1 pyeong đất ở Gangnam. Chung cư cao cấp mọc lên như nấm sau mưa tại Apgujeong-dong và Jamsil. Công ty xây dựng nhà Daehan và công ty xây dựng Mingan là chủ xây dựng nhiều khu căn hộ cao cấp.

Thời kỳ sau đó là sự nổi lên của Villa. Không hiểu villa có phải là biệt thự liền kề cao cấp được trang trí nội thất cao cấp?

Từ tháng 4 năm 1989, chung cư dành cho 2 triệu nhân khẩu được xây dựng tại 5 thành phố mới kể từ Bundang, nâng tỷ lệ người dân có nhà ở lên 86%. Từ đó, chung cư cao tầng lại được ưa chuộng tại Hàn Quốc. Đặc biệt, tháng 10 năm 2002, Samsung Tower Palace xây dựng tại Dogok-dong, Gangnam-gu, thủ đô Seoul hoàn thành đã trở thành biểu tượng cho sự cao tầng, cao cấp và mở ra thời kỳ căn hộ cao cấp với các cửa hiệu ở tầng trệt.

Nhà ở là gì? Nó là sự kết hợp của từ nhà và từ ở, tức là nơi con người đến và sống ở đó. Nhưng, sự xuất hiện của chung cư tại Hàn Quốc đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người Hàn Quốc. Nhà không còn là không gian chia sẻ tình yêu thương của các thành viên trong gia đình nữa mà trở thành khái niệm đầu tư của nhiều người Hàn Quốc. House chỉ mang ý nghĩa là không gian cư trú của con người nhưng Home lại hàm chứa ý nghĩa lớn lao hơn đó là gia đình. Và như vậy, tôi trộm nghĩ, thời gian mà mọi người Hàn Quốc cảm thấy hạnh phúc chính là khi cả gia đình sinh hoạt trong một căn phòng chật hẹp sau giải phóng. Ngôi nhà lúc bấy giờ mới chính là ngôi nhà hạnh phúc, ngôi nhà êm ấm.

 

Người dịch: Phan Thị Oanh – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Nguồn: http://www.korea.kr/policy/cultureView.do?newsId=148797348



[1] Nhà ở mang phong cách Nhật Bản, sàn trải bằng thảm Tatami của Nhật.

[2] Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ.

[3] Đơn vị đo diện tích của Hàn Quốc. 1 pyeong =3,3m2.

[4] Nhà có sân thượng hoặc bậc thang, có nguồn gốc từ châu Âu, thế kỷ XVI.


Scroll To Top