Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KHÁI NIỆM VÀ PHÂN LOẠI VỀ CÔNG NGHỆ XANH CỦA HÀN QUỐC (PHẦN 1)

Đăng ngày:

1. Khái niệm “công nghệ xanh”

Tại các quốc gia phát triển trên thế giới, trong vài thập niên gần đây, “công nghệ xanh” (CNX) đã nhận được nhiều sự quan tâm của chính phủ cũng như khu vực tư nhân và giới khoa học. Nhiều chuyên gia nhận định CNX là một trong những giải pháp hàng đầu trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là một lĩnh vực tràn đầy triển vọng phát triển trong tương lai. Bởi vậy, các quốc gia theo đuổi CNX nghĩa là không chỉ hướng tới mục tiêu môi trường mà còn nhắm tới một lĩnh vực có khả năng tạo sinh khí mới cho nền kinh tế.

Vậy công nghệ xanh là gì? Trước hết, khái niệm này được bắt nguồn từ phong trào sinh thái học xã hội[1] ở các nước công nghiệp phương Tây vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Căn nguyên của phong trào này là đi từ sự tự nhận thức của con người về nguy cơ công nghệ hiện đại có thể đe dọa sự sống còn của nhân loại và tàn phá môi trường sinh thái, trước tình hình đó, con người cần có một cái nhìn mới về công nghệ.[2] Từ góc nhìn mới về công nghệ, người ta bắt đầu có sự phân chia: công nghệ nào có nguy cơ tàn phá môi trường, công nghệ nào ít gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường hơn. Những nhận thức và tìm hiểu bắt đầu từ đấy, sau này, chúng ta có thuật ngữ “công nghệ xanh”.

Xét về mặt ngôn ngữ, danh từ “công nghệ” (technology) được dùng để chỉ việc áp dụng các kiến thức khoa học vào những mục tiêu thực tiễn trong cuộc sống. Từ đó, “công nghệ xanh” (Green technology) được dùng để chỉ những công nghệ thân thiện với môi trường, bao gồm những phương pháp và vật liệu được cải tiến không ngừng nhằm tạo ra năng lượng và những sản phẩm sạch, không độc hại.[3] Đây chính là lý do CNX còn được gọi là “công nghệ môi trường” hay “công nghệ sạch”.

Ngoài ra, còn có những định nghĩa về CNX như sau: “Công nghệ xanh” là sự ứng dụng khoa học môi trường, hóa học xanh, quan trắc môi trường và các thiết bị điện tử để theo dõi, mô hình hóa và bảo tồn môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên nhằm hạn chế những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của con người (theo wikipedia)[4]. Hay “Công nghệ sạch là quy trình công nghệ hoặc giải pháp kỹ thuật không gây ô nhiễm môi trường, thải hoặc phát ra ở mức thấp nhất chất gây ô nhiễm môi trường”. (theo Luật bảo vệ Môi trường Việt Nam, 1994, Điều 2, khoản 8).

Còn theo Luật khung về Tăng trưởng xanh, ít các-bon của Hàn Quốc (chương 1, điều 2, phần định nghĩa), khái niệm “công nghệ xanh” (녹색기술) được giải thích như sau: “Công nghệ xanh là những công nghệ tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên trong toàn bộ quá trình hoạt động kinh tế - xã hội nhằm giảm thiểu việc phát thải khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm; nó bao gồm: công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng, công nghệ sản xuất sạch, công nghệ năng lượng sạch, công nghệ tái chế và thân thiện với môi trường,…”.

Từ những định nghĩa trên, ta có thể hiểu “công nghệ xanh” hay “công nghệ môi trường”, “công nghệ sạch” là những công nghệ thân thiện với môi trường, được phát minh để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của con người đến đến môi trường. Công nghệ xanh bao gồm hai nội dung chính là giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính và giảm thiểu chất gây ô nhiễm môi trường.

2. Phân loại công nghệ xanh

Công nghệ xanh là một lĩnh vực công nghệ rất rộng lớn, bao gồm rất nhiều hình thức công nghệ khác nhau. Hàn Quốc phân chia công nghệ xanh thành 5 loại hình chính, đó là: (1) Công nghệ dự báo, (2) Công nghệ nguồn năng lượng, (3) Công nghệ nâng cao hiệu suất, (4) Công nghệ xử lý cuối quá trình (End-of-pipe), (5) Công nghệ thực tại ảo. Mỗi loại hình công nghệ này lại được chia nhỏ thành những CNX chuyên sâu khác nhau như: Công nghệ đánh giá tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu; Công nghệ từ tính hóa hiệu quả cao cho pin mặt trời silicon; Công nghệ năng lượng sinh học; Công nghệ địa nhiệt, thủy điện, phong điện; Công nghệ lò phản ứng nhanh thân thiện với môi trường; Công nghệ sản xuất và lưu trữ hydro hiệu quả cao; Công nghệ xe ô tô phát thải thấp, hiệu quả cao; Công nghệ giao thông vận tải thông minh; Công nghệ thu thập, lưu trữ và xử lý CO2; Công nghệ đánh giá và quản lý chất lượng nước; Công nghệ giảm thiểu, tái chế và năng lượng hóa chất thải; vv ...

 

Lương Hồng Hạnh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:

1. Luật bảo vệ Môi trường Việt Nam (1994), Điều 2, khoản 8.

2. National Assembly (Quốc hội Hàn Quốc) (2009), 저탄소 녹색성장 기본법 (Luật khung về Tăng trưởng xanh, ít các-bon), Chương 1,Điều 2, phần Định nghĩa.

3. Green technology – What is it?, http://www.green-technology.org/what.htm.

4. Wikipedia, https://en.wikipedia.org/wiki/Environmental_technology

5. Xiaoqing Heng and Chengxiao Zou (2010),  How can Green Technology be possible, Asian Social Science 6 (5): 110-114.

6. 녹색기술센터 (2014), 2014 녹색기술정책백서 (Sách trắng về chính sách công nghệ xanh năm 2014).

7. UNEP (2010), Overview of The Republic of Korea’s National Strategy for Green growth (Tổng quan chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh của Hàn Quốc).



[1] Phong trào này có thể được coi là một trong những biểu tượng cho sự xuất hiện của triết học sinh thái, văn hóa sinh thái và văn minh sinh thái.

[2] Xiaoqing Heng and Chengxiao Zou 2010. How Can Green Technology Be Possible. Asian Social Science 6(5): 110-114.


Scroll To Top