Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TRIỀU TIÊN TUYÊN BỐ ĐÃ THỬ NGHIỆM BOM NHIỆT HẠCH: PHẢN ỨNG CỦA HÀN QUỐC VÀ CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ (PHẦN 1)

Đăng ngày:

1. Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch - động thái và lý do

Ngày 6/1/2016 Đài truyền hình trung ương Triều Tiên đã phát thông cáo rằng "vào lúc 10 giờ ngày 6 tháng 1 năm 2016, Triều Tiên đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch". Mới bước sang ngày thứ sáu của năm mới, Bình Nhưỡng đã khiến tình hình trên bán đảo Hàn Quốc trở nên căng thẳng.

Theo nhà nghiên cứu Yang Wook thuộc Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc phân tích: Bình Nhưỡng đã thực hiện thử nghiệm bom nhiệt hạch theo chỉ thị của Chủ tịch thứ nhất Uỷ ban quốc phòng Kim Jong-un. Miền Bắc tuyên bố việc phát triển bom nhiệt hạch là quyền chủ quyền của mình, đồng thời khẳng định sẽ không chuyển giao công nghệ hạt nhân này ra nước ngoài một cách bất hợp pháp. Triều Tiên bày tỏ lập trường sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân nếu Mỹ vẫn tiếp tục có những hành động đe dọa với nước này.

Triều Tiên đã từng thử nghiệm hạt nhân lần thứ nhất vào tháng 10 năm 2006, lần thứ hai vào tháng 5 năm 2009, lần thứ ba vào tháng 2 năm 2013 và lần này là lần thứ tư. Bom hạt nhân được chia thành ba loại chính gồm có bom nguyên tử (Bom A), bom neutron, và bom nhiệt hạch (Bom H). Khác với những lần trước, trong lần thử nghiệm hạt nhân thứ tư này, Bình Nhưỡng khẳng định đã “thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch” khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Bom nhiệt hạch là loại vũ khí sử dụng năng lượng phát ra trong quá trình tổng hợp hạt nhân, có sức công phá gấp một trăm lần, thậm chí hàng trăm lần so với bom nguyên tử và khó sản xuất. Hiện có 9 nước được cho là đang sở hữu vũ khí hạt nhân, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên (có thể thêm Israel). Tuy nhiên, không phải quốc gia nào có năng lực hạt nhân cũng có thể chế tạo được vũ khí hạt nhân nhiệt hạch. Trong số 9 nước này, chỉ có 5 nước Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc đã làm chủ được công nghệ bom H. Nếu vụ thử nghiệm này của Triều Tiên chính xác là bom nhiệt hạch thì từ thời điểm này, Bình Nhưỡng đã chính thức bước vào nhóm cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới. Vì vậy việc Bắc Triều Tiên tuyên bố phát triển thành công bom nhiệt hạch là một vấn đề vô cùng nhạy cảm về mặt chính trị quốc tế.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Bình Nhưỡng lại đưa ra lá bài bom nhiệt hạch ngay trước thềm năm mới này?

Theo ông Yang Wook, có thể vì hai lý do. Thứ nhất là lý do nội bộ. Chính quyền Kim Jong-un cho đến nay chỉ có thể nhấn mạnh đến vấn đề hạt nhân khi đề cập đến thành quả của chính sách phát triển kinh tế và hạt nhân song song. Để chứng minh cho việc phát triển công nghệ hạt nhân đã đạt đến mức có thể sản xuất bom nhiệt hạch, thì việc công khai sự tồn tại của bom nhiệt hạch là cần thiết. Có thể thấy việc nghiên cứu thành công bom nhiệt hạch là công trạng duy nhất mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đưa ra để đảm bảo cho vị thế của mình. Lý do thứ hai là vấn đề đối ngoại. Việc sở hữu bom nhiệt hạch sẽ là lá bài mặc cả mà nước này có thể sử dụng trong việc hiệp thương với các nước khác như Mỹ và Trung Quốc. Đây sẽ là phương tiện giúp Triều Tiên củng cố vị trí của mình trong khi đàm phán. Triều Tiên phô trương về thành công trong việc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư. Động thái này cho thấy động cơ chính tri, chiến lược nhằm được cộng đồng quốc tế công nhận là nước sở hữu vũ khí hạt nhân.[1]

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải mới đây, Triều Tiên tuyên bố đã “thu nhỏ được bom nhiệt hạch” và coi đó là một quân bài chiến lược giúp quốc gia này không đi vào "vết xe đổ" của Libya và Iraq. Triều Tiên tuyên bố “kĩ thuật và công nghệ trong nước” đã giúp quốc gia này gia nhập các cường quốc hạt nhân, đủ sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và ngăn chặn các thế lực “thù địch” khỏi các cuộc "xâm lược". “Bom nhiệt hạch được Triều Tiên thử nghiệm là một biện pháp tự vệ nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền hợp pháp của đất nước khỏi các mối nguy cơ hạt nhân ngày càng tăng cao và các thế lực thù địch. Bom nhiệt hạch giúp bán đảo Triều Tiên đảm bảo hòa bình và an toàn”. “Phát triển vũ khí hạt nhân là cần thiết để ngăn chặn Mỹ khỏi can dự vào các vấn đề của Triều Tiên.” Triều Tiên sẽ đồng ý từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân chừng nào mà “Mỹ dừng chính sách thù địch nhằm vào Triều Tiên, và các nước đế quốc từ bỏ việc xâm phạm chủ quyền quốc gia khác bằng vũ lực”.[2]

Theo một nguồn tin của Reuters, Triều Tiên đang tìm kiếm một hiệp ước hòa bình với Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc để chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên, đồng thời sẽ không dừng các vụ thử hạt nhân cho đến khi đạt được hiệp ước này. Nước này muốn thuyết phục Mỹ ngồi vào bàn đàm phán 4 bên (Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc) nhằm chấm dứt cuộc chiến, đồng thời muốn hối thúc Trung Quốc ủng hộ xúc tiến một hiệp ước hòa bình thay vì theo bước Mỹ yêu cầu Bình Nhưỡng dừng chương trình hạt nhân trước khi có bất cứ cuộc thương lượng nào.[3]

Tuy nhiên ngay sau khi Triều Tiên thử nghiệm bom H, Hàn Quốc cũng như Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và các nước liên quan đã có các cuộc họp khẩn để bàn về đối sách đối với nước này.

2. Phản ứng của Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế

2.1. Phản ứng của Hàn Quốc

Theo ông Yang Wook, Hàn Quốc cần ghi nhớ rằng Triều Tiên luôn quyết tâm phát triển hạt nhân bằng mọi giá. Từ đó, Seoul cần có những đối sách cứng rắn khiến Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân này. Để làm được như vậy, Hàn Quốc cần phải liên kết với cộng đồng quốc tế đặc biệt là những quốc gia có khả năng gây ảnh hưởng đến Triều Tiên như Mỹ, Trung Quốc, Nga. Tiến xa hơn, Hàn Quốc cần kêu gọi tiếng nói từ cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn việc Triều Tiên phát triển hơn nữa chương trình hạt nhân.[4]

Trong cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia vào ngày 6 tháng 1 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố “sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để buộc Bình Nhưỡng phải trả giá đắt cho những động thái khiêu khích”. Qua đó có thể thấy chính sách của Chính phủ Hàn Quốc đối với Triều Tiên sẽ có sự thay đổi. Mối quan hệ hai miền lại quay về điểm xuất phát. Bước vào đầu năm mới vấn đề hạt nhân Triều Tiên trở thành bài toán nan giải, cần nhiều thời gian và nỗ lực để giải quyết. Sau đây là một số phản ứng tức thời của Hàn Quốc nhằm đối phó với Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc lên án động thái thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên:

Chủ trì cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) vào chiều hôm thứ Tư (6/1/2016), Tổng thống Park Geun-hye đã lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên coi thường cảnh cáo của Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư vào 10 giờ sáng cùng ngày. Bà chỉ trích đây là động thái khiêu khích cực kỳ nghiêm trọng đe dọa an ninh của Seoul nói riêng và hòa bình, ổn định của thế giới nói chung. Tổng thống Park nói, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để buộc Triều Tiên phải trả giá tương xứng với động thái khiêu khích lần này. Tổng thống Hàn Quốc cho rằng tình hình hiện nay rất nghiêm trọng nên cộng đồng quốc tế phải có những biện pháp đối phó cứng rắn như cấm vận mạnh mẽ. Tiếp đó, bà Park cho biết Hàn Quốc sẽ duy trì quan hệ đồng minh khăng khít với Mỹ, đẩy cao phòng ngự liên quân Hàn-Mỹ, đồng thời chỉ thị quân đội duy trì trạng thái sẵn sàng đáp trả. Bên cạnh đó, Tổng thống Park Geun-hye đề nghị chính giới đồng tâm hiệp lực, chấm dứt những tranh cãi, tập trung vào sự an nguy của người dân, duy trì ổn định quốc gia trong tình hình hiện nay.

Hàn Quốc mở lại loa phóng thanh sang Triều Tiên[5]:

Quân đội Hàn Quốc lúc 12 giờ trưa hôm thứ Sáu (8/1/2016) đã cho mở lại loa phóng thanh chĩa về phía Triều Tiên. Đây được cho là một trong những đòn chiến tranh tâm lý mà chính quyền Triều Tiên lo sợ nhất bởi việc này có thể khiến người dân miền Bắc nhận ra được bản chất của chế độ độc tài Bình Nhưỡng đồng thời kích động tinh thần binh lính nơi tiền tuyến. Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết quân đội sẽ bố trí loa phóng thanh di động tại  11 địa điểm khu vực tiền tuyến, và phát theo khung giờ không cố định theo từng đơn vị quân đội. Nội dung phát thanh lần này sẽ vạch trần thực trạng chính quyền miền Bắc như đàn áp nhân quyền, làm rõ về sự vô lý của đợt thử nghiệm hạt nhân lần bốn của Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, quân đội cũng sẽ phát các bài hát thịnh hành hiện nay của các ca sĩ thần tượng Hàn Quốc, hay phát về các bộ phim truyền hình để lôi kéo sự chú ý của người dân Triều Tiên. Loa phóng thanh di động có thể truyền âm thanh xa tới 20 km vào ban ngày, thời điểm có nhiều tiếng ồn. Năm ngoái, Hàn Quốc đã tái khởi động chiến dịch tuyên truyền qua loa phóng thanh về Triều Tiên sau 11 năm để trả đũa động thái khiêu khích chôn mìn hộp gỗ của nước này. Sau đó, theo thỏa thuận ngày 25/8, Seoul đã dừng chiến dịch này.

Seoul và Washington hợp tác để Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trừng phạt Triều Tiên[6]:

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và người đồng cấp Mỹ Barack Obama lúc 9 giờ 55 phút hôm thứ Năm (7/1/2016) đã có cuộc điện đàm dài 20 phút. Hai nhà lãnh đạo đều nhất trí quan điểm rằng việc Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch mà cộng đồng thế giới gọi là vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư vào hôm 6/1/2016 đã đe dọa tính ổn định của khu vực, vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và nghĩa vụ của Bình Nhưỡng theo thỏa thuận đàm phán hạt nhân sáu bên. Hai tổng thống cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ để Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sớm thông qua nghị quyết mới có nội dung cấm vận mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên. Ông Obama nói sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh cho các nước đồng minh của Mỹ. Ông nhắc lại cam kết trước sau như một của Washington về việc hỗ trợ Seoul phòng thủ. Về phần mình, bà Park Geun-hye bày tỏ kỳ vọng cả hai nước sẽ hợp tác mật thiết với Hội đồng bảo an trên vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về tầm quan trọng của sự thảo luận song phương và sự phối hợp với Trung Quốc và Nhật Bản trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ tích cực để các bên thực hiện thỏa thuận như đẩy mạnh năng lực đối phó Hàn-Mỹ-Nhật trước thách thức chung là chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Hàn Quốc và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ trong cấm vận Triều Tiên[7]:

Hàn Quốc và Trung Quốc cũng nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc cấm vận Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc liên quan đến vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của Bình Nhưỡng. Tại cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 8/1/2016, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se nhấn mạnh, Seoul và Bắc Kinh cần làm việc cùng nhau để Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế sớm đưa ra một nghị quyết với nội dung mạnh mẽ hơn để ngăn chặn việc Bình Nhưỡng tiếp tục tăng cường phát triển hạt nhân. Bộ trưởng Vương Nghị cũng bày tỏ lập trường rằng, Bắc Kinh phản đối việc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân. Ông nhấn mạnh vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng cần được giải quyết dựa trên ba nguyên tắc là hòa bình, ổn định và đối thoại. Hai bộ trưởng cũng nhất trí sẽ sớm tổ chức cuộc họp của trưởng đoàn đàm phán sáu bên liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên của Hàn Quốc và Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn-Nhật cùng lên án Triều Tiên[8]:

Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích về việc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư hôm 6/1/2016 và hai bên nhất trí tăng cường hợp tác nhằm cấm vận nước này. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm thứ Bảy (9/1) cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo và người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani đã có cuộc điện đàm hôm 8/1 để chia sẻ quan điểm liên quan đến vụ thử nghiệm hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani nói, Tokyo lên án việc Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác Hàn-Nhật và Hàn-Mỹ-Nhật dựa trên Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) nhằm chia sẻ thông tin chặt chẽ về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han nói thêm, vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên là hành vi khiêu khích nghiêm trọng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới.

 

TS. Võ Hải Thanh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Nguồn:

  1. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_koreatoday_detail.htm?No=10049631
  2. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?lang=v&id=Po&No=30230&current_page=
  3. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?lang=v&id=Po&No=30231&current_page=
  4. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=30243&id=Po
  5. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_newsthema_detail.htm?No=10049622
  6. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_In_detail.htm?lang=v&id=In&No=30245&current_page=
  7. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_In_detail.htm?No=30258&id=In
  8. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_In_detail.htm?No=30242&id=In
  9. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_In_detail.htm?lang=v&id=In&No=30263&current_page=
  10. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?lang=v&id=Po&No=30231&current_page=
  11. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=30243&id=Po



[1] http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_koreatoday_detail.htm?No=10049631

[2] http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/trieu-tien-co-bom-nhiet-hach-se-khong-bi-my-xam-luoc-1580163-l.html?ref=yfp

[3] http://www.vietnamplus.vn/trieu-tien-muon-co-hiep-uoc-hoa-binh-voi-my-trung-va-han-quoc/365262.vnp

[4] http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_koreatoday_detail.htm?No=10049631

[5] http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=30253&id=Po

[6] http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?lang=v&id=Po&No=30230&current_page=

[7] http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=30262&id=Po

[8] http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=30257&id=Po


Scroll To Top