Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA HÀN QUỐC TRONG NĂM 2015 (PHẦN 1)

Đăng ngày:

Năm 2015 là năm quan trọng kỷ niệm 70 năm chia cắt bán đảo Hàn và cũng là một năm nhiều biến động không chỉ với Hàn Quốc mà còn với thế giới trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố gia tăng. Đặc biệt, đây cũng là khoảng thời gian chứng kiến căng thẳng giữa hai miền Nam-Bắc leo thang với đỉnh điểm là việc hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng do mìn nổ khi đang đi tuần tra ở gần khu vực phi quân sự liên Triều vào tháng 8 năm 2015. Sau đây, chúng tôi xin điểm qua một số sự kiện nổi bật trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao v.v… trong năm có nhiều điều đáng nhớ này.

Các sự kiện kinh tế - chính trị - ngoại giao - an ninh

1. Dịch MERS bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế Hàn Quốc

Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) xuất hiện lần đầu tại Hàn Quốc vào đầu tháng 6 năm 2015 và đã có ảnh hưởng tiêu cực đến Hàn Quốc như gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng trong dân cũng như tổn thất lớn về kinh tế. Trong 190 ngày, Hàn Quốc đã có 86 người nhiễm bệnh, trong đó 38 người tử vong. Tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sụt giảm một phần bởi vì dịch bệnh này đã khiến thị trường nội địa trì trệ, làm giảm lượng khách du lịch đến Hàn Quốc.

Ca nhiễm Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông đầu tiên tại Hàn Quốc được xác nhận vào ngày 20/5 là một doanh nhân 68 tuổi người Hàn trở về nước từ Ả-rập Xê-út. Đến thời điểm đó, dịch bệnh này vẫn chưa lây lan mạnh, không có trường hợp nhiễm bệnh nào ngoài khu vực Trung Đông nên Chính phủ và người dân Hàn Quốc nói chung đã có phần lơ là về dịch bệnh này. Tuy nhiên, MERS sau đó đã lây lan với tốc độ chóng mặt và tạo nên bầu không khí bất an, lo lắng trên toàn Hàn Quốc.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh được phân tích trước tiên, do sự sơ suất của cơ quan phòng dịch Hàn Quốc, dẫn đến thất bại trong đối phó ban đầu lúc dịch bệnh mới phát sinh. Thêm vào đó là văn hóa bệnh viện tại Hàn Quốc là cho nhiều bệnh nhân nhập viện trong cùng một không gian, có người nhà và điều dưỡng viên cùng trông nom bệnh nhân, cộng với thói quen một người thăm khám bệnh nhiều nơi. Tất cả những yếu tố kể trên đã khiến vi-rút gây bệnh lây lan mạnh hơn. Đến ngày 25/11/2015, sau khi ca nhiễm bệnh thứ 80 tử vong cũng là lúc không còn người nhiễm bệnh này tại Hàn Quốc. Theo quy chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chính phủ Hàn Quốc chính thức tuyên bố chấm dứt thời kỳ dịch bệnh kéo dài gần bảy tháng từ 0 giờ ngày 24/12/2015.

Tuy nhiên dịch bệnh này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các ngành phân phối, bán lẻ, tiếp đó là các ngành dịch vụ như giao thông vận tải, nơi ăn chốn nghỉ, văn hóa nghệ thuật, thể thao, giải trí khiến những bệnh viện nơi có bệnh nhân nhiễm bệnh phải đóng cửa, lượng người đến các siêu thị lớn, quán ăn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí giảm mạnh. Đồng thời, nhiều lượt khách nước ngoài, trong đó nhiều nhất là khách Trung Quốc, đã hủy các chuyến du lịch đến Hàn Quốc. Chỉ riêng từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2015, lượng du khách nước ngoài đến Hàn Quốc đã giảm hơn 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm 2014.

2. Hiệp định thương mại tự do Hàn-Trung có hiệu lực, đẩy mạnh quan hệ kinh tế song phương

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn-Trung chính thức có hiệu lực vào ngày 20/12/2015 đã mở rộng cánh cửa tiếp cận thị trường khổng lồ với số dân 1,3 tỷ người cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Ngay trong năm 2015, năm đầu tiên khi FTA hai nước có hiệu lực, 12% số mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã được miễn thuế ngay. Con số này của Trung Quốc đối với Hàn Quốc là 34%. Từ đây, hai nước sẽ mở rộng dần số lượng các sản phẩm được miễn thuế trong giao dịch song phương. Sau 20 năm FTA này có hiệu lực thì sẽ có tổng cộng 7.428 mặt hàng của Hàn Quốc xuất khẩu sang Trung Quốc được miễn thuế hoàn toàn, tương đương mức độ mở cửa tính theo mặt hàng đạt 90,7%. Ngược lại, đến thời điểm đó sẽ có 11.272 mặt hàng của Bắc Kinh được Seoul miễn thuế nhập khẩu, tức tỷ lệ mở cửa đạt 92,2%. Riêng khoảng 610 mặt hàng thuộc nhóm nhạy cảm như gạo, nhóm rau củ như ớt, tỏi, hành tây, nhóm thịt gồm thịt bò, thịt lợn, và nhóm hoa quả như táo, lê thì đều được loại trừ khỏi đối tượng áp dụng hiệp định này.

Hàn Quốc và Trung Quốc bắt đầu xem xét Hiệp định thương mại tự do vào năm 2005 dưới hình thức là một dự án nghiên cứu chung của khối tư nhân. Đến tháng 11/2014, Seoul và Bắc Kinh đã đạt được những nhất trí cuối cùng tiến đến ký tắt văn bản hiệp định này vào ngày 25/2/2015, và ký chính thức vào ngày 1/6 cùng năm. Với việc được Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn vào ngày 30/11/2015, văn kiện này đã chính thức có hiệu lực.

Hiệp định thương mại tự do này cũng giúp cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Trung Quốc cũng trở nên khăng khít hơn. Cụ thể, Seoul hiện đang tham gia vào Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng Đồng thời, thông qua AIIB, hai nước này tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực, củng cố vững chắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược.

3. Năm 2015 là năm hoạt động ngoại giao bận rộn của Tổng thống Park Geun-hye

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã có thêm một năm trong nhiệm kỳ bận rộn với công tác đối ngoại. Trong đó, đóng góp lớn nhất của bà chính là việc Hàn Quốc đã cùng Nhật Bản gỡ bỏ được vật cản lớn nhất trong quan hệ song phương, hướng đến mở ra cánh cửa cùng phát triển trong tương lai. Cụ thể, Tổng thống Park Geun-hye đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 2/11/2015 trong cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên kể từ khi bà Park lên nắm chức Tổng thống Hàn Quốc vào năm 2013. Tại cuộc gặp, hai nguyên thủ đã nhất trí cùng nỗ lực khôi phục lại quan hệ song phương hữu hảo. Trên nền tảng đó, hai nước tiếp tục tổ chức hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao vào ngày 28/12. Tại đây, đại diện Tokyo đã bày tỏ Chính phủ nước này thừa nhận trách nhiệm về việc cưỡng ép phụ nữ mua vui cho lính Nhật thời chiến, đồng thời bày tỏ xin lỗi cũng như đề nghị bồi thường cho những nạn nhân này. Như vậy, vấn đề nan giải nhất trong quan hệ giữa hai nước đã được giải quyết.

Tiếp đó phải kể đến việc Tổng thống Park Geun-hye đã xuất hiện cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ duyệt binh hôm 3/9/2015. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Trung Quốc chiến thắng phát xít Nhật diễn ra tại quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh. Bà Park đã đứng ở đúng vị trí mà cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành đã sánh vai cùng cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tại lễ duyệt binh năm 1954.

Bà Park Geun-hye là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên trong lịch sử dự lễ duyệt binh mừng chiến thắng phát xít Nhật của Trung Quốc. Điều này không khỏi làm nảy sinh nhiều ý kiến quan ngại về quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. Tuy nhiên, chuyến thăm Washington ngày 16/10/2015 và cuộc gặp thượng đỉnh giữa bà Park Geun-hye với Tổng thống Mỹ Barack Obama đã củng cố vững chắc quan hệ Hàn-Mỹ. Động thái này đã một lần nữa thể hiện được quyết tâm của hai nước trong giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Hàn.

Ngoài ra, trong năm 2015, Tổng thống Hàn Quốc đã có những chuyến công du đến nhiều nước để mở rộng quan hệ ngoại giao như bốn nước Trung Đông gồm Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Kuwait và Qatar vào tháng 3 năm 2015, tiếp đó là bốn nước Trung Nam Mỹ là Cô-lôm-bi-a, Pê-ru, Chi-lê và Bra-xin vào tháng 4 năm 2015. Bên cạnh đó, người đứng đầu Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng đã tham dự một loạt các sự kiện quốc tế trong năm qua như Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc và phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 2015, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình dương (APEC) tại Philippines v.v… Cuối cùng, vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2015, Tổng thống Hàn Quốc đã đến Pháp dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) và thăm Cộng hòa Séc, họp với lãnh đạo bốn nước Trung Âu là Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia (nhóm Visegrad, V4), kết thúc các lịch trình ngoại giao của một năm.

4. Động thái khiêu khích của Bắc Triều Tiên và giao lưu dân sự liên Triều

Hàn Quốc và Triều Tiên đã trải qua năm 2015 với nhiều biến động. Mối quan hệ này đã rơi vào tình trạng căng thẳng cực điểm khi Triều Tiên chôn mìn hộp gỗ tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) ở phía Hàn Quốc gây ra vụ nổ hôm 4/8/2015 làm hai binh sĩ người Hàn bị thương nặng. Đáp lại, vào ngày 10/8/2015, quân đội Hàn Quốc đã nối lại việc phát loa phóng thanh tuyên truyền về phía miền Bắc. Đây là một trong những đòn tâm lý mà chính quyền Bình Nhưỡng lo ngại nhất bởi loa phóng thanh có thể khiến người dân miền Bắc nhận thức được bản chất của thể chế độc tài này. Sau đó, đến ngày 20/8, Bình Nhưỡng đã bắn pháo hướng về các thiết bị phóng thanh của lực lượng quân đội Hàn Quốc từ khu vực tiền tuyến phía Tây, buộc phía miền Nam phải bắn trả, đồng thời lệnh cho binh sĩ vào tư thế sẵn sàng cho trường hợp khẩn cấp. Ngay ngày hôm sau, các cơ quan ngôn luận lớn của miền Bắc đưa tin Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-un đã ban bố "tình trạng bán chiến tranh" sẵn sàng chiến đấu trên toàn tiền tuyến. Những động thái này đã đẩy cục diện căng thẳng quân sự trên bán đảo Hàn Quốc lên đến đỉnh điểm.

Trước tình hình đó, hai miền đã tổ chức cuộc gặp kín giữa các quan chức cấp cao với đại diện phía Hàn Quốc là Chánh văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Kim Kwan-jin và Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo còn phía Triều Tiên có sự tham dự của Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị quân đội Hwang Pyong-so và Bí thư Ủy ban trung ương đảng Kim Yang-kon. Sau bốn ngày chạy đua thương thảo, đến sáng sớm 25/8/2015, hai bên đã đạt được thỏa thuận gồm sáu điểm. Trong đó có việc Bình Nhưỡng gỡ bỏ ban bố tình trạng bán chiến tranh còn Seoul ngừng phát loa phóng thanh, qua đó chấm dứt các động thái đối đầu về quân sự.

Theo thỏa thuận 25/8 này, hai miền Nam-Bắc sau đó đã tiến hành nhiều hoạt động giao lưu sôi nổi như tổ chức cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh Triều Tiên từ ngày 20/10 đến 26/10 tại khu vực núi Geumgang của miền Bắc, và tổ chức giải bóng đá giao hữu giữa người lao động hai miền. Ngoài ra, những chương trình viện trợ của miền Nam cho miền Bắc cũng đã được nối lại.

Tuy nhiên, hai bên lại không đạt được một tiến triển nào trong đối thoại. Vào ngày 11/12 tại thành phố Gaesung đã diễn ra cuộc họp cấp thứ trưởng liên Triều nhưng kết thúc trắng tay. Hai bên không tìm được tiếng nói chung trên hai vấn đề chính là đoàn tụ gia đình bị ly tán và nối lại tour du lịch núi Geumgang ở miền Bắc.

5. Hàn Quốc tổng cải cách bốn lĩnh vực trọng yếu

Trong năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc đã dồn tổng lực để xúc tiến cải cách bốn lĩnh vực trọng yếu gồm cơ quan Nhà nước, thị trường lao động, tài chính và giáo dục. Đây là một trong những bài toán chính sách trọng tâm của Chính phủ Tổng thống Park Geun-hye và cũng là một trong những nội dung được bà nhắc tới trong diễn văn chúc mừng năm mới 2016 vừa qua.

Về các cơ quan Nhà nước, thành quả Hàn Quốc đạt được đó là cải cách hệ thống lương hưu công chức và đưa vào áp dụng quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu và giảm dần lương theo giai đoạn. Trong lĩnh vực tài chính, những kết quả đạt được có thể kể đến như áp dụng chế độ trả lương theo thành tích tại các cơ quan tài chính, ngân hàng, xúc tiến thành lập ngân hàng trực tuyến. Đặc biệt, ngày 29/11/2015, Ủy ban giám sát tài chính Hàn Quốc đã công bố kết quả lựa chọn hai ngân hàng trực tuyến sơ bộ đầu tiên. Đây là loại hình ngân hàng không có trụ sở, các chi nhánh, mà chỉ cung cấp toàn bộ dịch vụ qua mạng internet hoặc điện thoại di động, và sẽ bắt đầu hoạt động tại Hàn Quốc từ nửa đầu năm 2016. Với sự ra đời của những đối thủ đáng gờm này thì các ngân hàng truyền thống sẽ tự động phải tiến hành cải tổ để duy trì sức cạnh tranh.

Lĩnh vực cải cách thứ ba là giáo dục. Trong năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc đã và đang xúc tiến những điều chỉnh trong giáo dục công và cơ cấu bậc đại học, đạt được một số thành quả nhưng vẫn còn tồn đọng những vấn đề dang dở và khó khăn do những dự luật trọng tâm vẫn đang bảo lưu tại Quốc hội.

Cuối cùng là cải cách cơ cấu thị trường lao động. Đại diện Chính phủ, giới chủ và người lao động đã họp và nhất trí về các nội dung liên quan đến sa thải người lao động và nới lỏng các điều kiện thay đổi quy tắc tuyển dụng. Song Quốc hội nước này lại chưa thông qua được các dự luật trọng tâm để làm căn cứ cho những cải cách này, đẩy cải cách vào ngõ cụt và có nguy cơ phá sản.

Có thể nói, trong tương lai, việc thực hiện cải cách bốn lĩnh vực trọng yếu chỉ là phương thuốc nhất thời, là những chính sách được Chính phủ đưa ra nhằm kích thích nền kinh tế. Còn nếu xét về lâu dài thì đây cũng là nội dung chính mà Hàn Quốc cần hướng tới để chuẩn bị một khung khổ sẵn sàng cho tăng trưởng bền vững và ổn định.

Nguyễn Ngọc Mai tổng thuật

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Theo nguồn:

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=698

http://www1.president.go.kr/news/newsList2.php?srh%5Bview_mode%5D=detail&srh%5Bseq%5D=13626

 


Scroll To Top