Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VỀ MỤC TIÊU GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Theo Chỉ số phát triển thế giới (World Development Indicators, World Bank), lượng phát thải các-bon của Hàn Quốc vào năm 2005 tính theo tổng số và trên đầu người đều tăng gấp đôi so với năm 1990, khiến nước này trở thành quốc gia có tốc độ gia tăng phát thải nhanh nhất trong nhóm các nước thuộc OECD. Khi so sánh với các nước thành viên Cơ quan Năng lượng quốc tế (International Energy Agency/ IEA), lượng phát thải CO2 trên một đơn vị GDP của Hàn Quốc vào năm 2004 cao hơn Nhật Bản 40%, cao hơn gần 23% so với trung bình chung của các nước thành viên IEA Thái Bình Dương (Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) và cao hơn 15% so với trung bình chung của toàn bộ các nước thuộc khối IEA. Trong đó, nếu xét theo yếu tố ngành, lượng phát thải của Hàn Quốc tập trung vào các ngành điện và nhiệt, sản xuất, giao thông vận tải và chế tạo công nghiệp.

Ủy ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak đã ước tính rằng nếu theo kịch bản BaU[1], lượng phát thải của Hàn Quốc sẽ tăng 30% vào năm 2020. Chính vì vậy, giảm lượng phát thải khí nhà kính luôn là một lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược Tăng trưởng xanh của Hàn Quốc.

1. Mục tiêu giảm phát thải dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak

Tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước G8 mở rộng được tổ chức tại Toyako, Hokkaido, Nhật Bản vào tháng 07/2008, Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ, ông Lee Myung-bak đã công bố rằng Hàn Quốc sẽ đưa ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trung hạn vào năm 2009. Sau đó, đến ngày 04/08/2009, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tự nguyện giảm lượng phát phải CO2 vào năm 2020, theo 3 phương án là 21%, 27% hoặc 30%. (chi tiết cụ thể xin xem bảng dưới đây)


Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trung hạn

của Hàn Quốc vào năm 2020

Kịch bản 1: Giảm 21% so với kịch bản BaU (tăng 8% so với mức năm 2005)

Đạt được thông qua việc thực hiện các biện pháp với chi phí ngắn hạn nhưng lợi ích tiềm năng dài hạn.

Kịch bản 2: Giảm 27% so với kịch bản BaU (quay trở lại mức năm 2005)

Thực hiện thêm các biện pháp bổ sung so với kịch bản 1, trong đó có tính chi phí giảm thiểu khoảng dưới 50.000 won (xấp xỉ 28 USD) cho mỗi tấn CO2.

Kịch bản 3: Giảm 30% so với kịch bản BaU (giảm 4% so với mức năm 2005)

Thực hiện các biện pháp mạnh mẽ với chi phí giảm thiểu cao.

 

Ghi chú:

Phát thải khí nhà kính năm 2005 của Hàn Quốc = 594 triệu tấn CO2e[2]

BAU = Business as Usual = kinh doanh theo cách thông thường

Không bao gồm bù đắp từ quản lý rừng

Nguồn: Người viết tự tổng hợp

Sau cùng, Hàn Quốc đã công bố mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trung hạn vào năm 202030%. Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng này bị đánh giá là “khá xa vời”. Theo số liệu của Bộ Môi trường, tổng lượng khí nhà kính của Hàn Quốc đã tăng đột biến lên 9,8% trong năm 2010, đạt mức 669 triệu tấn. Bộ Môi trường Hàn Quốc lý giải mức tăng kể trên chủ yếu là do nhu cầu đột biến về năng lượng bởi nhiều đợt nóng lạnh kéo dài bất thường trong năm và do sự gia tăng sản xuất thép và ô tô.

Lo ngại về lượng phát thải tăng liên tục, Tổng thống Park Geun-hye đã yêu cầu Bộ trưởng Môi trường Yoon Seong-kyu phác thảo một lộ trình mới nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải nói trên, đồng thời cải tiến Kế hoạch quản lý chỉ tiêu hiện hành và các hệ thống mua bán quyền phát thải trong tương lai.

Trong buổi điều trần vào tháng 03/2013, ông Yoon đã phát biểu: “Hiện thời, chúng tôi đang phải đối mặt với trở ngại trong việc hoàn thành mục tiêu vào năm 2020”...“Tôi sẽ phát triển một lộ trình mới nhằm thúc đẩy các kế hoạch theo hướng khả thi hơn.” Tuyên bố này của ông Yoon ngay lập tức đã châm ngòi cho hàng loạt các cuộc tranh cãi. Trong khi một số nhà quan sát nêu lên khả năng xem xét lại mục tiêu trên theo hướng giảm xuống thì số khác lại cho rằng hành động đó sẽ tạo ra những ảnh hưởng phụ tiềm tàng không ngờ tới đối với độ khả tín của Hàn Quốc trên trường quốc tế. “Dù tự nguyện, mục tiêu đó vẫn là một lời hứa với cộng đồng quốc tế. Nếu như chính phủ mới rút lui khỏi tuyên bố đó thì uy tín của Hàn Quốc sẽ bị suy giảm”, một quan chức của Bộ Ngoại giao phát biểu, vị này yêu cầu không nêu danh tính do tính chất nhạy cảm của vấn đề trên.

Riêng ông Shin Boo-nam, một chuyên gia hàng đầu về môi trường thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, lại tỏ ra cẩn trọng trước bất kì đánh giá vội vã nào. Ông cho rằng, việc xem xét lại như trên đã được lên kế hoạch từ trước và quỹ đạo phát thải đòi hỏi phải xem xét lâu dài những sự việc khó định trước. Ông phát biểu: “Có một điều chắc chắn là chúng ta đang làm việc vất vả để đúng hẹn với mục tiêu 2020 của mình. Dù tự nguyện thì đó cũng là một cam kết với toàn thế giới” ... “Chính phủ sẽ không từ bỏ các chương trình như Kế hoạch quản lý chỉ tiêu vốn đã được luật hoá. Tôi cho rằng, cái chúng ta cần hiện nay là sự đồng lòng của toàn thể xã hội để chuyển đổi sang một nền kinh tế ít các-bon, cho dù điều này có thể phải trả giá bằng việc tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 1-2 điểm phần trăm”.

2. Mục tiêu giảm phát thải dưới thời Tổng thống Park Geun-hye

Gần đây, vào ngày 10/06/2015, chính quyền bà Park đã đưa ra 04 đề xuất mới về mục tiêu giảm phát thải vào năm 2030 của Hàn Quốc với mức giảm cụ thể là: 14,7%; 19,2%; 25,7% hoặc 31,3% so với kịch bản BaU, điều này tương ứng với lượng phát thải sẽ lần lượt là 726 triệu tấn; 688 triệu tấn; 632 triệu tấn hoặc 585 triệu tấn. Điểm đáng lưu ý là tất cả 04 đề xuất này đều thấp hơn so với mục tiêu đặt ra cho năm 2020.

Động thái này đã vấp phải những chỉ trích gay gắt cả trong và ngoài Hàn Quốc. Ông Young Soo-gil[3], người đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập các mục tiêu giảm phát thải của Hàn Quốc đã được công bố năm 2009, chỉ trích chính quyền bà Park cố gắng hạ thấp mục tiêu phát thải vì lợi ích của các doanh nghiệp. Ông cho rằng: Tất cả 04 đề xuất trên làm suy yếu cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Hàn Quốc với cộng đồng quốc tế”...“Cơ quan Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững gợi ý rằng chính phủ nên tính toán lại những con số trên bằng cách sử dụng các dữ liệu xác thực và thảo luận cởi mở nhằm đạt đến một mục tiêu giảm thiểu mới”.

Ông Yvo de Boer[4], Tổng giám đốc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu cũng cho biết: Mục đích của một hiệp ước toàn cầu về biến đổi khí hậu là giảm lượng khí thải, chứ không phải tăng chúng lên. Hàn Quốc thực sự cần tham gia cùng cộng đồng quốc tế để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu với một mục tiêu giảm phát thải tham vọng và nghiêm túc hơn nữa.

Trước tình hình này, Hàn Quốc đã phải thắt chặt hơn nữa các mục tiêu thảo luận trước đó và cuối cùng, Hàn Quốc đã công bố mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính vào năm 203037% (so với kịch bản BaU). Theo trang web Carbon Pulse, mục tiêu 37% này tương đương với việc giảm 22,7% so với mức năm 2014 và tương tự kế hoạch của Nhật Bản.

Còn theo trang web của Bộ Môi trường Hàn Quốc, trong số 37% lượng cắt giảm này, 25,7% sẽ đến từ các hành động trong nước; 11,3% còn lại sẽ đến từ việc mua tín dụng các-bon quốc tế. Trang này còn nêu thêm: “Chúng tôi quyết định nâng cao mục tiêu giảm phát thải so với các kịch bản trước đó do cân nhắc đến vai trò lãnh đạo về vấn đề biến đổi khí hậu với tư cách là nước chủ nhà của Quỹ khí hậu xanh (Green Climate Fund), cũng như cân nhắc đến trách nhiệm toàn cầu và cơ hội phát triển kinh doanh năng lượng mới và các ngành chế tạo tân tiến”.

Trong đơn đệ trình gửi Liên hợp quốc, Hàn Quốc đã nhấn mạnh: “Khả năng giảm phát của Hàn Quốc bị giới hạn bởi cơ cấu công nghiệp với tỷ trọng ngành chế tạo lớn (32% vào năm 2012) cũng như hiệu suất sử dụng năng lượng cao của các ngành công nghiệp chính”. Hàn Quốc dự kiến sẽ chính thức đệ trình cam kết này lên Liên hợp quốc trước Hiệp ước khí hậu toàn cầu dự kiến tổ chức vào tháng 12 năm nay tại Paris.

Cùng với việc đưa ra mục tiêu giảm phát thải vào năm 2030 của mình, đầu năm nay (2015), Hàn Quốc cũng đã hình thành thị trường các bon lớn thứ 2 trên thế giới bằng việc bắt đầu cho thi hành Cơ chế mua bán quyền phát thải trên phạm vi toàn quốc và đưa ra định mức phát thải cho 500 công ty hàng đầu của nước này. Như vậy, Hàn Quốc đã chính thức trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này tại châu Á.

Như vậy, tuy không phải là một quốc gia thuộc Phụ lục I của Nghị định thư Kyoto và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change) nhưng Hàn Quốc vẫn đặt ra cho mình những mục tiêu rất cao về việc cắt giảm khí nhà kính. Cụ thể, năm 2009, Hàn Quốc đặt mục tiêu giảm 30% lượng khí nhà kính vào năm 2020 so với kịch bản BaU và năm nay (2015), Hàn Quốc đã đặt mục tiêu giảm 37% lượng khí nhà kính vào năm 2030 so với kịch bản BaU. Động thái này của Hàn Quốc đã được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đánh giá cao, đặc biệt khi xét tới “tính chất hoàn toàn tự nguyện và độc lập” của Hàn Quốc đối với vấn đề này.

Điều này thể hiện nỗ lực của chính quyền Tổng thống Park Geun-hye trong việc theo đuổi các mục tiêu xanh cũng như Chiến lược Tăng trưởng xanh của chính phủ tiền nhiệm, đồng thời, khẳng định một lần nữa trách nhiệm cũng như vai trò lãnh đạo của Hàn Quốc trong công cuộc toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Lương Hồng Hạnh (Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc)

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Paris tracker: Who has pledged what for 2015 UN climate pact?, http://www.rtcc.org/2015/03/10/paris-tracker-who-has-pledged-what-for-2015-un-climate-pact/, 29/07/2015.
  2. South Korea releases tougher climate target, citing green growth, http://www.rtcc.org/2015/06/30/south-korea-releases-tougher-climate-target-citing-green-growth/, 30/06/2015.
  3. Ex-green growth chief blames gov't for lowering carbon emission goals, http://www.koreatimes.co.kr/www/news/nation/2015/06/116_181760.html, 28/06/2015.
  4. Shin Hyon-hee , Korea eyes on era of “green growth 2.0”, The Korea Herald, 10/11/ 2013.
  5. IEA (2006), Energy Policies of IEA Countries: The Republic of Korea (Chính sách năng lượng của các nước thuộc IEA: Hàn Quốc).
  6. National Emergency Management Agency (Cơ quan Quản lý khẩn cấp quốc gia), Hàn Quốc,  http://eng.greatkorea.go.kr/1/1-1.asp.
  7. PCGG, Republic of Korea Sets its Mid-term Greenhouse Gas Reduction Goal for 2020, http://www.mofa.go.kr/webmodule/htsboard/template/read/korboardread.jsp?typeID=12&boardid=8120&seqno=307944.
  8. James Ro, Seoul maps out plans to cut greenhouse gas emissions (Seoul vạch ra kế hoạch cắt giảm khí nhà kính), http://www.korea.net/, http://www.korea.net/NewsFocus/Policies/view?articleId=75081, ngày 05/08/2009.
  9. UNEP (2010), Overview of The Republic of Korea’s National Strategy for Green growth (Tổng quan chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh của Hàn Quốc).


[1] Kịch bản BaU (Business as Usual): là kịch bản kinh tế, trong đó, các xu hướng phát triển trong tương lai được tiếp nối từ quá khứ và không có bất cứ sự thay đổi nào về chính sách. Trong trường hợp này, BaU đề cập đến lượng khí nhà kính mà một quốc gia có khả năng phát thải nếu nước này không có hành động gì để giảm phát.

[2] CO2e: “CO2 tương đương”. Khí nhà kính gồm nhiều loại, như: CO2, Mê-tan (CH4), Ô-xít Ni-tơ (N2O), Ozone (O3)... Mỗi loại khí này có khả năng làm ấm Trái Đất với mức độ khác nhau. Để so sánh khả năng làm ấm Trái Đất của các loại khí nhà kính, người ta so sánh khả năng làm ấm Trái Đất của các khí khác với khả năng làm ấm Trái Đất của khí CO2 trong một khoảng thời gian nhất định.

[3] Ông Young đã từng là người đứng đầu Ủy ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh dưới thời chính phủ Lee Myung-bak. Hiện ông đang phụ trách Chi nhánh tại Hàn Quốc của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững (Sustainable Development Solutions Network/ SDSN) của Liên hợp quốc.

[4] Ông De Boer từng là Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu từ năm 2006 đến năm 2010.

 


Scroll To Top