Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HỌC VIỆN KHỔNG TỬ Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Trong cuốn sách Giấc mơ Trung Quốc, tác giả Lưu Minh Phúc cho rằng: “Quốc gia hạng nhất xuất khẩu giá trị quan và văn hóa, quốc gia hạng hai xuất khẩu công nghệ và quy tắc, quốc gia hạng ba xuất khẩu sản phẩm và sức lao động.”[1] Chính vì thế mà giới lãnh đạo Trung Quốc luôn coi trọng sức mạnh mềm, tìm cách để truyền bá văn hóa và các giá trị của Trung Quốc ra toàn thế giới cũng như góp phần củng cố thêm địa vị cường quốc của đất nước này.

Bàn về sức mạnh mềm của Trung Quốc, ta không thể không kể đến Học viện Khổng Tử, một trong những phương tiện, địa chỉ truyền bá văn hóa cũng như tư tưởng Trung Hoa và là cầu nối giấc mơ của Trung Quốc với giấc mơ của thế giới. Học viện này chính là tổ chức sư phạm quốc tế phi lợi nhuận theo thể chế giáo dục, liên kết với Bộ giáo dục Trung Quốc, thành lập với mục tiêu quảng bá tiếng Hoa và văn hoá Trung Hoa, giảng dạy tiếng Hoa cho mọi đối tượng trên toàn thế giới, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi giao lưu văn hóa và truyền bá tư tưởng cũng như văn hoá Nho giáo ra thế giới.

Từ khoảng năm 2002, Trung Quốc đã tham khảo và học tập kinh nghiệm của các tổ chức xúc tiến và quảng bá văn hóa ngôn ngữ của nước phương Tây như Hội đồng Anh, Viện Geothe v.v…. Vào năm 2004, Học viện Khổng Tử chính thức được thành lập đầu tiên ở Hàn Quốc. Từ đó trở đi, Học viện này nhanh chóng gia tăng với số lượng lớn. Theo số liệu từ Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo công tác dạy Hán ngữ đối ngoại nhà nước (viết tắt là Hanban tức Hán biện), đến tháng 8 năm 2015, Trung Quốc có tới 435 Học viện Khổng Tử và 648 Lớp học Khổng Tử được thành lập  trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại các nước Châu Âu, các Học viện Khổng tử bị Hiệp hội các Giáo sư Đại học Hoa Kỳ hay Hiệp hội Giáo dục Đại học Canada phản đối do học viện này vượt quá khuôn khổ thể chế chính thức của Đại học các nước sở tại hay quy định, pháp luật của chính quyền các nước, cũng như không trung lập trong việc diễn giải những vấn đề nhạy cảm (như tình trạng các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, vấn đề nhân quyền, cũng như cách hành xử của nhà cầm quyền đối với những người bất đồng chính kiến).

Vậy, hiệu quả thực tế của Học viện Khổng Tử ở Hàn Quốc, quốc gia láng giềng có mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc và cũng là xuất phát điểm của tổ chức giáo dục này như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu và đánh giá qua số liệu điều tra thực tế của Hán biện. Học viện này được thành lập đầu tiên ở Seoul vào ngày 24 tháng 11 năm 2004, sau đó, 20 cơ sở khác đã được lập ở Hàn Quốc. Con số này khá ấn tượng so với các quốc gia khác ở Châu Á như Nhật Bản (13 học viện), Thái Lan (12 học viện) hay Indonesia (6 học viện). Sau đây là bảng thống kê cụ thể về các Học viện này ở Hàn Quốc:

Bảng 1: Số liệu cụ thể về 20  Học viện Khổng Tử tại Hàn Quốc[2]

STT

Tên tỉnh/ thành phố

Tên cơ sở hoạt động

Ngày thành lập

Nội dung giảng dạy chủ yếu của Học viện Khổng Tử

1

Seoul

Học viện Khổng Tử Seoul

24/11/2004

Chủ yếu đào tạo, giảng dạy về tiếng Hoa và văn hóa Trung Quốc

`

2

Học viện Khổng Tử tại Đại học Ngoại Ngữ Hàn Quốc

31/10/2009

3

Học viện Khổng Tử tại Đại học Yonsei

4/11/2012

 

4

Gyeonggi-do

Học viện Khổng Tử tại Đại học Daejin

1/3/2008

5

Học viện Khổng Tử tại Đại học Wonkwang

6/4/2011

6

Học viện Khổng Tử tại Đại học Kyunghee

 

6/4/2011

7

Busan

Học viện Khổng Tử tại

Đại học Dong-A

20/11/2006

8

Học viện Khổng Tử tại

Đại học Dongseo

3/4/2007

9

Daejon

Học viện Khổng Tử tại

Đại học quốc gia Chungnam

26/4/2007

10

Học viện Khổng Tử tại

Đại học Woosong

30/4/2007

11

Jeollabuck-do

Học viện Khổng Tử tại

Đại học Woosuk

1/2/2009

12

Jeju-si

Học viện Khổng Tử tại

Đại học Halla Cheju

4/4/2009

13

Incheon

Học viện Khổng Tử tại

Đại học Incheon

28/8/2009

14

Gwangju

Học viện Khổng Tử tại

Đại học Honam

19/12/2006

15

Chungbuk

Học viện Khổng Tử tại

Đại học quốc gia Chungbuk

28/9/2006

16

Kangwon-do

Học viện Khổng Tử tại

Đại học quốc gia Kangwon

24/4/2007

17

Daegu

Học viện Khổng Tử tại

Đại học Kemiyung

1/9/2007

18

Jeollanam-do

Học viện Khổng Tử tại

Đại học Sehan

14/11/2007

19

Gyeongsangbuk-do

Học viện Khổng Tử tại

Đại học Ando

20/9/2012

20

Chungcheongnam-do

Học viện Khổng Tử tại

Đại học Soon Chun Hyang

28/9/2007

Xem xét bảng trên, ta thấy:

Thứ nhất, ngoài Học viện Khổng Tử Seoul được thành lập đầu tiên và do thành phố Seoul quản lý thì các Học viện Khổng Tử khác đều được đưa vào bên trong các trường đại học và chịu sự quản lý của các trường đại học này.

Thứ hai, các Học viện Khổng Tử nằm rải rác ở khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều ở các tỉnh và thành phố lớn như Seoul, Busan, Daejon và Gyeonggi-do.

Như vậy, có thế thấy, hiện nay, do quan hệ Hàn-Trung ấm dần lên, cùng với đó, việc người dân Hàn Quốc có suy nghĩ khá tích cực về sự phát triển của Trung Quốc và nhận thức rằng sự phát triển này có quan hệ mật thiết với quá trình phát triển của Hàn Quốc cũng như việc học tiếng Trung sẽ giúp ích cho tương lai khiến cho các Học viện Khổng Tử được phát triển nhanh chóng và rộng khắp. Tuy nhiên, trên thực tế, các Học viện này không thu được nhiều hiệu quả như mong đợi mà mới chỉ phát triển trên phương diện truyền bá tiếng Trung Quốc, còn sự thu hút của nó với các hoạt động văn hóa vẫn còn hạn chế.  Bên cạnh đó, Học viện Khổng Tử còn có nhiều ưu đãi và thậm chí còn tạo điều kiện cho học viên đến các Trường Đại học của Trung Quốc để học tiếng Trung. Có điều, khi nhắc đến tổ chức phi lợi nhuận nhưng lại dưới sự quản lý của nhà nước này, nhiều người vẫn có tâm lý e ngại về nguy cơ xâm lược văn hóa và tuyên truyền tư tưởng của nhà nước Trung Quốc, về sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á với các tranh chấp về Biển Đông và các xung đột về văn hóa với nước sở tại đã khiến cho Học viện Khổng Tử đang đứng trước những thách thức lớn trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng và sức mạnh mềm của Trung Quốc ở Hàn Quốc nói riêng cũng như ở trên thế giới nói chung.

Mặc cho những cảnh báo cũng như e ngại về vai trò và chức năng thực sự của Học viện Khổng Tử tại Hàn Quốc, Tiến sỹ Lee Chung Yang, một trong những người phụ trách Học viện Khổng Tử ở đất nước này lại tỏ ra tin tưởng rằng, trong tương lai, các Học viện này sẽ là cầu nối cho việc giao lưu ngôn ngữ và văn hóa giữa hai nước cũng như tạo nền tảng cho việc đào tạo và nuôi dưỡng những nhân tài xuất chúng, góp phần phát triển bền vững hơn nữa mối quan hệ Hàn-Trung.[3]

Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tổng hợp theo nguồn:

Nguyễn Thị Thu Phương, “Học viện Khổng Tử dưới góc nhìn thể chế”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8(162)/2014, tr.8-15.

Nguyễn Thị Thu Phương, “Nhận diện giới hạn sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc thông qua phản ứng dư luận tại một số nước Đông Á trong những năm gần đây”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11 (165)/2014, tr.3-11.

Trang web của Tổng bộ Học viện Khổng Tử, www.hanban.org

http://korean.cri.cn/1240/2008/05/29/1@121168.htm

 

 

 



[1] Lưu Vĩnh Phúc, Giấc mơ Trung Quốc, Bản dịch Nxb Thời Đại, 2010, tr.181

[2] Theo  số liệu thống kê trên trang web của Tổng bộ Học viện Khổng Tử, www.hanban.org


Scroll To Top