Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HÀN QUỐC HƯỚNG TỚI KỶ NGUYÊN “TĂNG TRƯỞNG XANH 2.0”

Đăng ngày:

Sáng kiến Tăng trưởng xanh được cho là một trong những di sản lớn nhất của cựu Tổng thống Lee Myung-bak, được nhiều đảng phái chính trị Hàn Quốc ngợi khen. Kể từ khi khởi động năm 2008, ông Lee đã quảng bá mạnh mẽ cho tầm nhìn này và đã được ghi nhận bằng việc thành lập Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (Global Green Growth Institute/ GGGI) vào năm 2010, biến nó thành tổ chức quốc tế đầu tiên mà Hàn Quốc đóng vai trò lĩnh xướng vào năm 2012. Thành tích này được cho là có vai trò quan trọng giúp Hàn Quốc ứng cử thắng lợi vào vị trí Thư kí của Quỹ Khí hậu xanh. Qua đó, đã tạo cho Hàn Quốc một hình ảnh đẹp, gia tăng “sức mạnh mềm” trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, giống như việc điều chỉnh nhiều chính sách khác của ông Lee, khi Tổng thống mới - bà Park Geun-hye - lên nhậm chức, Tăng trưởng xanh bị đứng trước nguy cơ rơi vào quên lãng khi chính phủ mới tiến hành xem xét lại toàn bộ chính sách.

Khi mới lên nắm quyền, Tổng thống Park Geun-hye và các thuộc cấp công khai tỏ ý hoài nghi trước các chương trình xanh của ông Lee. Họ cho rằng, chúng quá thiên lệch về phát triển kinh tế và lấp lửng về việc quay trở lại với mục tiêu phát triển bền vững, thứ mà ông Lee từng bỏ qua vì cho là lỗi thời. Dù vậy, họ lại chưa phác thảo được các kế hoạch khung và các kế hoạch hành động một cách toàn diện.

Sau đó, Chính phủ mới đưa ra hàng loạt các động thái thu gọn các tổ chức liên quan tới Tăng trưởng xanh như là một phần trong kế hoạch hợp lý hoá hoạt động của chúng và loại bỏ đi mọi sự nhập nhằng, dư thừa. Nhưng dường như những động thái này cũng phản ánh nỗ lực của chính phủ mới nhằm hạ thấp tầm nhìn về Tăng trưởng xanh của cựu Tổng thống Lee. Cụ thể như: Uỷ ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh thành lập dưới thời ông Lee và có vai trò như đầu tàu của chính sách này đã bị thu gọn đáng kể và hạ xuống cấp tương đương một cơ quan trực thuộc Thủ tướng. Tháng 03/2013, Bộ Môi trường cũng đã bỏ từ “xanh” trong tên của ba cục và đơn vị. Các bộ ngành khác phụ trách tài chính, công nghiệp và chính sách quốc thổ cũng thu gọn và đổi tên những cơ quan có liên quan. Thậm chí, chức vụ Đại sứ Tăng trưởng xanh cũng bị bãi bỏ, làm dấy lên những quan ngại về sự giảm sút vai trò của Hàn Quốc trong các hoạt động môi trường toàn cầu.

Trong khi đó, các nhà hoạt động và chuyên gia về môi trường ngày càng quan tâm tới phương hướng chính sách môi trường của chính phủ mới bởi theo họ, mọi thứ vẫn còn rất mơ hồ do chính quyền còn mải bận tâm đến kinh tế và phúc lợi.

Chương trình nghị sự quốc gia gồm 140 điểm của chính phủ được giới thiệu vào tháng 02/2013 bị chỉ trích là chỉ ứng phó với các vấn đề môi trường ở một mức độ cơ bản, làm thất vọng các chuyên gia và nhóm môi trường vốn mong chờ một khuôn khổ toàn diện và các kế hoạch hành động.

Vào thời điểm đó, ông Cho Myung-rae, Giáo sư về quy hoạch đô thị, trường Đại học Dankook, người cùng đứng đầu nhóm dân sự Công lý môi trường đã phát biểu: “Chính phủ mới chưa công bố bất kì chính sách môi trường rõ ràng nào, do đó, tôi không thấy có gì khác biệt so với chính sách trước đây. Họ nên thẩm định chính sách của chính phủ tiền nhiệm và đẩy nó tiến lên.”

Dù thừa nhận việc xem xét lại là cần thiết, các chuyên gia và nhà quan sát vẫn yêu cầu chính phủ của bà Park cải thiện các hạn chế và tiếp tục mục tiêu Tăng trưởng xanh của người khởi xướng. Trong cuộc thăm dò ý kiến vào tháng 01/2013, với sự tham gia của 1000 người Hàn Quốc trưởng thành, hơn 97% số người được hỏi nói rằng, chính sách Tăng trưởng xanh nên được duy trì dưới thời chính phủ mới, trong khi, khoảng 84% cho rằng sáng kiến đó đã góp phần đương đầu với biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng. Gần 55% người được hỏi chọn năng lượng tái tạo là một ưu tiên chính sách dành cho chính phủ mới, 34,5% chọn các chiến dịch cộng đồng về sống xanh, 32,8% muốn triển khai các quy định về khí nhà kính, trong khi 28% ủng hộ nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh. Khảo sát trên do Hankook Research thực hiện với mức độ tin cậy là 95% và sai số lấy mẫu là 3,1%.

Sau đó, các lời chỉ trích bắt đầu gia tăng do chính quyền mới thiếu quan tâm tới việc đẩy mạnh sáng kiến Tăng trưởng xanh, ít các-bon.

Đến tháng 10/2013, sau khi dành 08 tháng cầm quyền đầu tiên của mình để tạo ra mối ngăn cách với “Chính sách Tăng trưởng xanh, ít các-bon” của người tiền nhiệm – hay như cách gọi hiện nay là “Tăng trưởng xanh 1.0”, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đột nhiên thay đổi luận điệu của mình và công khai chấp thuận cách tiếp cận trong chính sách khí hậu của người tiền nhiệm. Các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc giờ đây phát biểu rộng rãi về “Tăng trưởng xanh 2.0”.

Trong thông điệp chào mừng năm mới vào ngày 31/12/2013, Tổng thống Park Geun-hye đã giới thiệu về nền kinh tế sáng tạo – một mô hình kinh tế mang “bóng dáng” của Tăng trưởng xanh. Cụ thể như sau:

Việc kết hợp công nghệ mới cho ngành công nghiệp sẵn có và việc sáng tạo ra công ăn việc làm và những giá trị mới là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện nền kinh tế sáng tạo.

Các ngành công nghiệp truyền thống, như nông nghiệp và văn hóa sẽ dung nạp thêm khoa học công nghệ cũng như ICT để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới; đồng thời phát triển hơn nữa “dự án vitamin cho nền kinh tế sáng tạo” để chúng ta có thể trải nghiệm thành quả của việc tích hợp trực tiếp lên ngành công nghiệp.

Khu vực năng lượng và môi trường cần những khoản đầu tư quan trọng để ứng phó trong tương lai. Tôi cho rằng, nếu chúng ta có các ý tưởng sáng tạo cho các vấn đề của toàn thế giới ngày nay, như việc ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường thì nó cũng sẽ tạo ra cơ hội để tạo nên giá trị và thị trường mới.

Để làm được điều này, chúng ta cần phát triển kỹ thuật trong việc giảm phát thải khí nhà kính trong năm nay, đồng thời, sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái sinh phù hợp với từng khu vực, dựa trên đề án để giải quyết đồng thời vấn đề năng lượng và môi trường, cũng như tạo nên ‘khu vực năng lượng xanh’ sản xuất và bán điện.”

Trong bối cảnh này, Uỷ ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh, mặc dù đã bị giáng xuống mức một uỷ ban ngang Bộ, trực thuộc Thủ tướng, nhưng Uỷ ban này vẫn giữ được quyền hạn mà nó đã từng có trước đây. Giáo sư Lee Seung-hoon – Chủ tịch Uỷ ban này cho biết, ông định sử dụng quyền hạn nói trên để theo đuổi mạnh mẽ chiến lược Tăng trưởng xanh của chính phủ tiền nhiệm. Những chính sách này sẽ tập trung chủ yếu vào việc sáng tạo, thương mại hoá, sản xuất và xuất khẩu các công nghệ xanh, cũng như các sản phẩm và quy trình liên quan.

Lấy hệ thống thử nghiệm Lưới điện thông minh được xây dựng năm 2009 tại đảo Jeju làm ví dụ. Hệ thống lưới điện thông minh này áp dụng các tiến bộ công nghệ thông tin vào mạng điện lưới hiện có. Mục tiêu là nhằm đạt hiệu quả cao hơn và gia tăng lượng điện khả dụng dành cho tiêu thụ.

Việc giới thiệu hàng loạt các nguồn năng lượng tái tạo và nhu cầu lớn trong việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo mới, như các phương tiện chạy điện, tất cả đều phụ thuộc vào sự tồn tại của một hệ thống lưới điện thông minh. Với kết luận thu được từ thử nghiệm các công nghệ then chốt cần có để vận hành hệ thống lưới điện thông minh, trọng điểm của Hàn Quốc sẽ chuyển sang thử nghiệm ở cấp độ thương mại. Thử nghiệm đầu tiên sẽ diễn ra tại một thành phố trung tâm lớn và sau đó, các thử nghiệm sẽ mở rộng ổn định trên khắp cả nước.

Đồng thời, Hàn Quốc cũng đang hướng tới kỷ nguyên Tăng trưởng xanh 2.0 với hàng loạt các các hành động cụ thể khác. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên hợp quốc 23/09/2014 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã có những tuyên bố quan trọng, thể hiện việc công khai ủng hộ Chiến lược Tăng trưởng xanh. Cụ thể như sau: “Nếu chúng ta cho rằng, thích ứng với biến đổi khí hậu là một cơ hội để tạo ra những ngành công nghiệp năng lượng mới và việc làm; đồng thời, tích cực đầu tư cho ngành công nghiệp năng lượng mới thì có thể tạo động cơ tăng trưởng mới trong tương lai.”…“Chính phủ Hàn Quốc đang tạo dựng các ngành công nghiệp năng lượng mới để ứng phó với biến đổi khí hậu, với tư cách là lĩnh vực then chốt.”

Cùng với đó là một tuyên bố mới mang tính đột phá:

“Năm 2015, chúng tôi sẽ trở thành nước đầu tiên ở châu Á cho thi hành Cơ chế mua bán quyền phát thải trên phạm vi toàn quốc. Chúng tôi cũng sẽ mở ra thị trường cho phép mua bán lại lượng điện mà các khách hàng đã tiết kiệm được vào lưới điện chung.”

Cuối cùng là cam kết hỗ trợ mà Hàn Quốc dành cho Quỹ Khí hậu xanh: “Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đang giải ngân khoảng 50 triệu USD để hỗ trợ cho Quỹ khí hậu xanh, theo như cam kết trước đó. Và trong tương lai, ước tính mức kinh phí đóng góp cho Quỹ này sẽ còn tiếp tục tăng lên đến con số tối đa là 100 triệu USD.”

Như vậy, nếu như cách tiếp cận của chính phủ Hàn Quốc đối với Tăng trưởng xanh trên thực tế đã từng chứng kiến sự thay đổi đáng lưu ý nào thì đó là về bản chất trong công việc của Uỷ ban Tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh 1.0 dưới thời cựu Tổng thống Lee Myung-bak đã tập trung vào “xây dựng nền móng”. Tăng trưởng xanh 2.0 hiện tại dưới thời Tổng thống Park Geun-hye đang chú trọng vào thực thi và mở rộng các sáng kiến đã đề ra trong giai đoạn từ năm 2008 đến tháng 02/2013.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Korea Herald, ông Shin Boo-nam[1], một chuyên gia hàng đầu về môi trường thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, có vẻ đang hình dung tới một bước tiến lớn trong các hoạt động môi trường của đất nước vào những năm tiếp theo, khi họ theo đuổi các cam kết phát thải và dự án cắt giảm các-bon. Ông phát biểu:

“Chính phủ của bà Park cũng coi phát triển bền vững là một mục tiêu quốc gia và họ đang tìm cách đạt được nó, trong đó, Tăng trưởng xanh là một giải pháp chính yếu”…“Thực tế, cụm từ “Tăng trưởng xanh” gần đây ít được dùng, chủ yếu do đó là một chương trình nghị sự ưa thích của chính phủ tiền nhiệm. Nhưng dù xét thế nào thì Tăng trưởng xanh hoàn toàn là về cách ứng phó với biến đổi khí hậu. Và một khi đã hành động theo hướng đó thì chúng ta sẽ không dừng lại; Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao đã công khai cam kết đẩy mạnh vai trò của quốc gia trên trường quốc tế khi làm cầu nối giữa các nước giàu và nghèo.”… “Với chính phủ mới này, chúng ta sẽ xây dựng một mô hình Tăng trưởng xanh mới có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân, thay vì cách tiếp cận từ trên xuống của chính phủ tiền nhiệm”… “Tôi cho rằng điều này sẽ dẫn tới kỉ nguyên Tăng trưởng xanh 2.0.”

Như vậy, dẫu còn lúng túng trong thời gian đầu nhưng ngay sau đó, dựa trên cơ sở thể theo nguyện vọng của đông đảo người dân và thực tế phát triển theo chiến lược Tăng trưởng xanh, chính phủ mới đã tiến thêm một bước tích cực trong việc thực hiện và đẩy mạnh xây dựng mô hình Tăng trưởng xanh mới – Tăng trưởng xanh 2.0.

 

Tóm lại, có thể nói rằng:

(1) Tăng trưởng xanh là chiến lược quốc gia của Hàn Quốc do cựu Tổng thống Lee Myung-bak khởi xướng. Chiến lược này được các đảng phái chính trị và đông đảo người dân ủng hộ. Với chiến lược này, ông Lee đã tạo được một dấu ấn trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình và phần nào giúp Hàn Quốc nâng cao tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

(2) Mặc dù gặp trở ngại do sự thay đổi nhân sự lãnh đạo khi Tổng thống mới, bà Park Geun-hye lên nhậm chức nhưng chỉ 8 tháng sau đó, chiến lược Tăng trưởng xanh đã lấy lại vị thế của mình và giờ đây, Hàn Quốc đang hướng đến Kỷ nguyên Tăng trưởng xanh 2.0. Điều này phần nào thể hiện sức sống bền bỉ của Tăng trưởng xanh cũng như ý nghĩa thực tiễn khó có thể phủ nhận của chiến lược này tại Hàn Quốc.

 

Lương Hồng Hạnh

(Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc )

Tài liệu tham khảo:

[1] Shin Hyon-hee, South Korea ditching ‘green growth’, The Korea Herald, http://www.asianewsnet.net, http://www.asianewsnet.net/South-Korea-ditching-green-growth-44753.html.

[2] Sung-Young Kim, Elizabeth Thurbon, Green Growth: rebooted in South Korea, booted out in Australia, www.theconversation.com, http://theconversation.com/green-growth-rebooted-in-south-korea-booted-out-in-australia-22243.

[3] Shin Hyon-hee, Korea eyes on era of ‘green growth 2.0’,  The Korea Herald, http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20131110000342.

[4] 박근혜 대통령 신년 구상 발표 및 기자회견 질의응답, http://www1.president.go.kr/news/newsList.php?srh[view_mode]=detail&srh[seq]=4019.

[ 5] 기후정상회의 기조연설문,

http://www1.president.go.kr/president/speech.php?srh[view_mode]=detail&srh[seq]=7412&srh[detail_no]=98 (bản tiếng Hàn)

http://www.un.org/climatechange/summit/list-speakers/ (bản tiếng Anh)

 

 



[1] Nhà ngoại giao này đã đảm nhận hàng loạt các chức vụ quan trọng liên quan tới môi trường ở trong nước và nước ngoài kể từ khi gia nhập Bộ Ngoại giao vào năm 1982. Các vị trí mà ông từng kinh qua gồm có: Đại sứ Tăng trưởng xanh, Phó Trưởng phái đoàn đại diện thường trực tại Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng chính sách môi trường của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, Tổng Giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế của Bộ Môi trường.


Scroll To Top