Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KA RAK KUK KI (GIÁ LẠC QUỐC KÝ) (Phần 1)

Đăng ngày:

Lời dẫn:

Giá Lạc quốc ký có nghĩa là những ghi chép về nước Giá Lạc. Theo như chú thích về tên nước Giá Lạc ở đầu đề thì Giá Lạc có những tên gọi khác như KaYa (Già Na), Kaya (Gia Na), Kara (Giala). Phần ghi chép này do một văn nhân cuối thời vua Munjong (Văn Tông) triều Koryeo (Cao Ly) biên soạn, nhà sư Nhất Nhiên chỉ rút ngắn  lại trong Tam Quốc di sự cho rõ ràng , mạch lạc. Dẫu sao, so với phần ghi chép rất giản lược trong Tam Quốc sử ký thì rất tỏ tường, là tài liệu quan trọng đối với việc nghiên cứu về tiểu vương quốc này thời cổ đại. Hơn nữa, ở đây có những câu chuyện thần thoại dựng nước khá tương đồng với Việt Nam, nhất là câu chuyện có mô – típ quả trứng, lại có cả một bài Minh văn với nghệ thuật văn chương rất cao. Chúng tôi biên dịch và giới thiệu đề đông đảo bạn đọc tham khảo.

 

Do văn nhân đã từng là Kim Quan Tri châu sự viết vào những năm Đại Khang[1], triều đại Văn Tông[2], ở đây chỉ tóm lược lại.

Sau khi khai thiên lập địa, trên vùng đất này chưa có quốc hiệu, cũng chưa xưng quân thần. Lúc này, chỉ có cửu can là Ngã đao can, Nhữ đao can, Bỉ đao can, Ngũ đao can, Lưu thủy can, Lưu thiên can, Thần thiên can, Ngũ thiên can, Thần quỷ can. Các tù trưởng này cùng nhau cai trị trăm họ, cả thảy 100 hộ, gồm 75.000 người. Đại đa số họ sống tập trung trên núi và cánh đồng, đào giếng lấy nước uống và cày ruộng sinh sống.

Vào ngày khế dục[3], tháng ba, năm Nhâm Dần (năm 42), năm thứ 18 niên hiệu Kiến Vũ, thời Quang Vũ Đế, Thế tổ nhà Hậu Hán, có âm thanh lạ giống tiếng gọi từ Quy Chỉ phong ở phía Bắc nơi họ sinh sống, đây là tên một ngọn núi hình dáng giống như mười con rùa. Do đó, một vài trăm người tụ tập nhau tới đó, thấy giống tiếng người, nhưng không thấy hình thù mà nghe thấy tiếng nói phát ra:

- Ở đây có ai không?

Các cửu can liền nói:

- Có chúng tôi.

Lại có tiếng nói:

- Nơi ta đang ở là nơi nào?

Các cửu can lại đáp:

- Đây là Quy Chỉ phong

Lại có tiếng nói:

- Trời lệnh cho ta xuống nơi này lập một quốc gia mới rồi lên làm vua, bởi lẽ đó mà ta tới đây. Các ngươi vừa đào đất ở đỉnh Quy Chỉ phong vừa ca hát “Rùa ơi, rùa hỡi, hãy thò cổ ra. Nếu không làm thế, ta sẽ nướng ăn”. Các ngươi hãy nhảy múa đón mừng Đại vương.

Cửu can làm theo lời, tất cả cùng múa hát tưng bừng. Một lúc sau, họ nhìn lên trời, thì thấy sợi dây thừng màu tía từ trên trời thả xuống. Quan sát phần cuối sợi dây có chiếc kim hạp[4] được bọc bằng vải màu đỏ. Mở chiếc hộp ra xem, thấy sáu quả trứng vàng tròn như mặt trời.

Mọi người đều ngạc nhiên và vui mừng, cúi lạy một trăm lần, sau đó họ gói chiếc kim hạp lại mang đến nhà Ngã đao can, đặt lên đỉnh tháp rồi mỗi người tản đi một ngả.

Mười hai ngày trôi qua, vào lúc rạng đông ngày hôm sau đó, mọi người tụ tập lại mở kim hạp ra xem thì 6 quả trứng biến thành những đứa bé, dung mạo khôi ngô tuấn tú. Họ đặt những đứa bé ngồi lên trên chiếc giường gỗ rồi vái lạy chúc mừng, tận tâm tôn kính. Những đứa trẻ lớn lên trông thấy, mới được mười ngày mà chiều cao đã tới chín thước như Thang vương nhà Ân, khuôn mặt giống rồng, chẳng khác Cao tổ nhà Hán, lông mày tám màu giống như vua Nghiêu, tròng mắt nhiều lớp giống như vua Thuấn[5].

Vào ngày rằm tháng đó thì lên ngôi, nhưng vì hiện ra trước tiên nên cậu bé đó được gọi là Su Ro (Thủ Lộ), hoặc Thủ Lăng, thụy hiệu sau khi qua đời, đặt tên nước là Dae Ga Rak (Đại Giá Lạc), còn gọi là Ga Ya (Gia Da) quốc, chính là một trong sáu Gia Da. Năm người còn lại lần lượt trở thành vua của năm Gia Da.

Phía Đông là Hoàng Sơn giang, phía Tây Nam là biển cả, phía Tây Bắc là Địa Lý sơn, phía Đông Bắc là Gia Da sơn, phía Nam là tận cùng đất nước. Nhà vua cho xây dựng cung điện tạm thời để ngự triều cai trị đất nước nhưng còn đơn sơ, giản dị, không cắt phần rơm rạ của mái, bậc thềm đắp bằng đất cao không quá 3 thước.

Tháng Giêng, mùa xuân năm Quý Mão (năm 43), sau khi lên ngôi được hai năm, nhà vua nói:

- Ta muốn tìm đất định đô.

Sau đó, nhà vua ghé thăm Tân Đạp Bình ở phía Nam cung điện tạm, nơi này là đất hoang từ thời xưa, vì mới canh tác nên gọi như vậy, quan sát tứ phía núi non rồi quay lại nói với mọi người xung quanh:

- Nơi này nhỏ hẹp như lá cây sam nhưng đẹp lạ thường, có thể là nơi đáng để 16 vị La Hán lưu lại. Hơn nữa, từ một làm thành ba, từ ba làm thành bảy, bảy thánh có thể lưu lại, đúng là một nơi thích hợp. Nếu chọn nơi này khai khẩn chẳng tốt lắm ư?

Sau đó, nhà vua quyết định chọn khu đất chu vi cả thảy 1.500 bộ[6] xây dựng cung cấm, quan sảnh, kho vũ khí, lương thực rồi trở về cung. Nhà vua triệu tập tất cả trai tráng và thợ thủ công giỏi trong nước, nhằm ngày 20 tháng đó [tháng Giêng, mùa xuân năm thứ hai] bắt đầu xây dựng thành quách vững chắc, đến ngày 10 tháng 3 thì hoàn thành. Còn cung điện, nhà cửa thì đợi lúc nông nhàn, tháng 10 năm đó bắt đầu xây dựng, đến tháng 2 năm Giáp Thìn (năm 44) thì hoàn thành. Chọn ngày tốt dời tới cung điện mới, xem xét các điều cơ yếu trong triều và nhanh chóng xử lý nhiều việc khác.

Khi đó, bỗng nhiên, phu nhân của vua Hàm Đạt nước Hoàn Hạ mang thai, đến ngày sinh nở thì sinh ra quả trứng, quả trứng nở thành người nên đặt tên là Thoát Giải. Thoát Giải thân cao 3 xích, vòng đầu 1 xích theo đường biển đến Gia Da quốc, vui mừng vào cung rồi nói với Thủ Lộ vương:

- Ta muốn đoạt ngôi vua nên mới tới đây.

Thủ Lộ vương cười đáp:

- Trời đã lệnh cho ta lên làm vua giúp đất nước và vỗ về trăm họ, bởi vậy, ta không dám làm trái với mệnh trời và càng không thể trao ngôi báu cho ngươi, hơn nữa, ta cũng không đủ can đảm giao đất nước và trăm họ cho ngươi.

Thoát Giải nói:

- Ông có dám đấu thuật pháp với ta không?

Thủ Lộ vương nói:

- Được!

Trong nháy mắt, Thoát Giải biến thành chim diều hâu, nhà vua biến thành chim đại bàng, Thoát Giải biến thành chim sẻ, nhà vua lại biến thành chim diều hâu, tất cả đều xảy ra trong khoảnh khắc. Thoát Giải trở lại nguyên hình thì nhà vua cũng vậy. Thoát Giải chịu thua rồi nói:

- Trong cuộc thi đấu thuật pháp, dù thần có biến thành chim diều hâu thì nhà vua biến thành chim đại bàng, thần biến thành chim sẻ thì nhà vua biến thành chim diều hâu nhưng lại miễn cho tội chết. Đó chẳng phải là thánh nhân nhân đức không giết thần sao? Việc tranh giành ngôi vị với nhà vua quả là rất khó.

Thoát Giải vái lạy lui ra. Sau đó, đến bến sông ở ngoại ô kinh thành, theo thuyền bè Trung Quốc qua lại mà đi. Nhà vua lo sợ Thoát Giải ở lại âm mưu làm phản bèn cấp phát cho thủy quân 500 chiến thuyền truy kích, Thoát Giải chạy trốn đến biên giới đất Kê Lâm nên thủy quân phải quay về. Những điều ghi chép liên quan tới việc này có nhiều khác biệt với ghi chép của Tân La.

Ngày 27 tháng 7 năm Mậu Thân (năm 48), tức năm thứ 24 niên hiệu Kiến Vũ, cửu can triều hội và tâu với vua rằng:

- Đại vương từ khi xuống trần đến nay vẫn chưa có hậu cung, bởi vậy, chúng thần mong nhà vua hãy chọn lấy một người tài sắc nhất trong số các con gái của chúng thần tuyển vào cung làm hoàng hậu.

Nhà vua nói:

- Trẫm xuống nơi này là do mệnh trời. Việc chọn hoàng hậu cũng sẽ là mệnh trời, các khanh đừng lo.

Nói rồi, cấp cho Lưu thiên can thuyền, ngựa và ra lệnh tới Vọng Sơn đảo chờ đợi, lệnh cho Thần quỷ can tới Thừa Chiêm, Vọng Sơn đảo là hòn đảo ở phía Nam kinh đô, Thừa Chiêm là nước Liễn Hạ. Bỗng nhiên, ở góc phía Tây Nam biển, có một chiếc thuyền giương cánh buồm màu đỏ, vẫy cờ hiệu màu đỏ đang tiến về hướng Bắc. Lưu Thiên can trước tiên giơ cao ngọn đuốc trên đảo thì chiếc thuyền chạy nhanh về phía đất liền. Thần quỷ can thấy việc đó, chạy về cung tâu với nhà vua. Nghe xong, Thủ Lộ vương tỏ vẻ vui mừng. Mấy hôm sau, sai cửu can sửa khoang thuyền làm bằng gỗ mộc lan, chèo thuyền bằng mái chèo gỗ quế ra đón rồi đưa về cung.

Hoàng hậu [từ trên thuyền xuống] nói:

- Ta và các ông vốn không quen biết nhau, cớ sao lại khinh suất đi theo như vậy?

Lưu thiên can trở về tâu lại với nhà vua, nhà vua cho là phải và dẫn quan Hữu Ty ra đón. Vua cho đóng trại chờ đợi ở chân núi cách hoàng cung khoảng 60 bộ về phía Tây Nam. Hoàng hậu cho thuyền cập bến Biệt Phố phía ngoài núi rồi lên bờ, nghỉ ngơi trên ngọn đồi cao, cởi chiếc váy lụa đang mặc dâng lên thần núi làm tín vật. Có hai thị thần đi theo hầu hạ Hoàng hậu tên là Thân Phủ và Triệu Khuông. Hai người vợ của hai thị thần có hiệu là Mộ Trinh và Mộ Lương, tính cả người tùy tùng, tất cả có hơn 20 người. Họ mang theo gấm vóc, lụa dày, lụa mỏng, quần áo, vàng bạc, ngọc ngà châu báu, đồ trang sức bằng ngọc tuyệt đẹp, nhiều không kể xiết.

Hoàng hậu đến gần chỗ Thủ Lộ Vương, nhà vua ra đón và rước về cung. Từ tỳ thiếp tới các thuộc hạ đều ở dưới thềm đón chào rồi lập tức thoái lui. Nhà vua sai quan Hữu Ty ra đón gia quyến các tỳ thiếp rồi nói:

- Ta chuẩn bị sẵn cho mỗi người một phòng, còn người hầu và các thuộc hạ bậc dưới thì năm sáu người một phòng.

Sau đó ban cho đồ uống, rượu ngon và được ngủ ở trên giường chiếu có hoa văn. Nhà vua còn ban thưởng cho quần áo, gấm lụa, châu báu và sai rất nhiều binh sĩ canh gác.

Xong xuôi, nhà vua cùng Hoàng hậu vào cung. Hoàng hậu nhỏ nhẹ nói với nhà vua:

- Thần thiếp là công chúa của vương quốc A Du Đà[7], họ Hứa, tên là Hoàng Ngọc, 16 tuổi. Tháng 5 năm nay, khi thiếp ở bản quốc, phụ hoàng và mẫu hậu gọi thiếp vào và nói: “Đêm qua, phụ hoàng và mẫu hậu cùng mơ gặp thượng đế. Thượng đế nói, Thủ Lộ Vương của Gia Da quốc là người thần thánh, từ trên trời xuống làm vua, lập ra nước mới nhưng vẫn chưa tìm được người kết tóc se duyên. Các ngươi hãy đưa công chúa đến Gia Da quốc kết duyên với Thủ Lộ Vương”. Thượng đế nói xong rồi về trời. Sau khi tỉnh mộng, lời nói của Thượng đế vẫn văng vẳng bên tai, phụ thân và mẫu hậu liền bảo thiếp: “Con hãy mau từ biệt cha mẹ ở đây rồi đến đó đi”. Thần thiếp lên thuyền vượt biển đi tìm quả táo thần tiên, lên trời tìm kiếm đào tiên[8], trang điểm đoan chính, đến giờ mới được chiêm ngưỡng long nhan của Hoàng thượng.

Nhà vua đáp:

- Trẫm từ khi sinh ra đã là người thần thánh nên biết trước công chúa sẽ từ nơi xa đến, bởi vậy, ta không lập Hoàng phi theo sự thỉnh cầu của các hạ thần. Nhưng, giờ đây, người hiền thục như nàng hiện ra trước mắt, quả là may mắn.

Họ cùng nhau hợp cẩn thành thân và sau hai đêm một ngày, đến lúc đoàn tùy tùng và thuyền phải trở về, tính cả người chèo thuyền, tất cả có 15 người. Nhà vua ban cho mỗi người 10 thạch gạo, 30 tấm vải gai và cho họ trở về bản quốc.

Ngày 1 tháng 8, nhà vua sánh vai cùng Hoàng hậu trên một cỗ xa mã, gia quyến tỳ thiếp cũng đi xe ngựa về cung. Tất cả đồ quý hiếm mang từ nước khác tới đều chất lên xe, từ từ trở về nên giữa trưa mới về tới cung điện. Hoàng hậu ngụ tại trung cung, gia quyến tỳ thiếp và các thuộc hạ ban cho hai ngôi nhà trống, tự chia ra ở, ban cho những người đi cùng một ngôi nhà khánh có 20 căn phòng, tùy vào số người chia ra lấy nơi cư ngụ và ban cho đầy đủ đồ dùng hàng ngày. Đồ quý hiếm mang về cất giữ tại nội khố, đủ để Hoàng hậu dùng trong bốn mùa.

 

Người dịch: Phan Thị Oanh-Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:

Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum



[1] Niên hiệu từ năm 1075 đến năm 1084 của Đạo Tông Da Luật Hồng Cơ nhà Liêu.

[2] Vị vua thứ 11 vương triều Cao Ly.

[3]Vào ngày xin may mắn, người ta thường tắm và uống rượu, phần lớn diễn ra vào ngày Thượng Tỵ của tháng 3.

[4] Chiếc hộp bảo quản lương thực sản xuất ra cho tới mùa thu hoạch tiếp theo.

[5]Đây là những ông vua do người xưa nghĩ ra. Vua Thuấn và vua Nghiêu là những vị vua trị vì giỏi nhất ở Trung Quốc.

[6] Bộ: nguyên nghĩa là bước chân. Ở đây chỉ đơn vị đo chiều dài của Hàn Quốc xưa (Người dịch).

[7]Là vương quốc cổ đại nằm ở vùng Trung Ấn Độ nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó là Trung Quốc hoặc Thái Lan. Theo Đại Đường Tây vực ký, đó là một nơi giàu có, có phong tục lâu đời, có khoảng 3.000 ngôi chùa và nhiều tăng lữ.

[8] Quả táo mà thần tiên ăn thì 3.000 năm mới ra một quả. Ở đây có ý nghĩa là đi tìm Thủ Lộ vương.


Scroll To Top