Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HAI BÀI THƠ VỀ NÚI KIM CƯƠNG CỦA KIM SAT KAT

Đăng ngày:

Kim Sat Kat (1807 - 1863) tên thật là Kim Byung Yeon (Bính Uyên), tên tự là Tính Thâm, hiệu là Lan Cao. Ngoài ra, ông còn có các biệt hiệu là Nhi Minh, với ý nghĩa bất bình với xã hội thối nát mà lên tiếng, nói lên tiếng nói của bản thân mình, của những người dân nghèo muốn có sự thay đổi cuộc sống và Kim Lạp, bởi suốt cuộc hành trình ngao du khắp đất nước, ông luôn đội chiếc nón lá.

Ông vốn con nhà dòng dõi quý tộc Yangban, nhưng bởi ông nội bị khép tội "phản nghịch", “đầu hàng nghĩa quân nông dân” mà dòng họ nhà ông gặp hoạ "chu di tam tộc". Khi đó, ông mới 6 tuổi, được một nhà họ Kim cứu thoát đưa về quê nuôi nấng. Ông vốn thông minh hiếu học, ngỡ rằng sau này thi cử đỗ đạt sẽ ra làm quan, nhưng vì dòng họ ông có vấn đề như thế nên không được dự thi, ước mơ của ông bỗng dưng tan vỡ. Ông ngộ ra cuộc đời đầy dẫy bất công rồi tỏ thái độ phẫn chí, bỏ đi phiêu bạt khắp các tỉnh trong cả nước và sáng tác thơ ca bày tỏ nỗi phẫn uất, sự mỉa mai đối với thời cuộc, châm biếm thói hư tật xấu của xã hội phong kiến ChoSon thời mạt vận, đồng cảm với những người nghèo khổ như bản thân mình, ca ngợi phong cảnh non xanh nước biếc, trong đó có một số bài viết về Keum Kang san (Kim Cương sơn). Dưới đây, chúng tôi giới thiệu hai bài thơ viết về núi Kim Cương của ông:

Bài thứ nhất

看金剛山

一步二步三步立

山青石白間間花

若使畫工摸此景

其余林下鳥聲何

 

Khán Kim Cương sơn

Nhất bộ nhị bộ tam bộ lập,

Sơn thanh thạch bạch gian gian hoa.

Nhược sử họa công mô thử cảnh,

Kỳ Dư lâm hạ điểu thanh hà?

 

Dịch nghĩa:

Ngắm núi Kim Cương

Một bước, hai bước, ba bước rồi đứng lại (ngắm cảnh),

Xen lẫn giữa núi xanh đá trắng là những khóm hoa nở.

Giả sử họa sĩ có thể vẽ được cảnh đẹp này đi nữa,

Thì cũng không thể vẽ được tiếng chim hót trong rừng cây.

 

Bài thứ hai:

看金剛山白雲峰

朝上白雲峰頂觀

夜投峰下孤庵宿

夜深僧定客無眠

杜宇一聲山月落

 

Khán Kim Cương sơn Bạch Vân phong

Triêu thượng Bạch Vân phong đỉnh quan,

Dạ đầu phong hạ cô am túc.

Dạ thâm tăng định khách vô miên,

Đỗ vũ nhất thanh sơn nguyệt lạc.

 

Dịch nghĩa:

Ngắm Bạch Vân phong núi Kim Cương

Sáng sớm, lên đỉnh Bạch Vân phong ngắm cảnh,

Buổi tối, ngủ lại trong am cô quạnh dưới Bạch Vân phong.

Đêm khuya, nhà sư thiền định, khách không ngủ được,

Một tiếng chim quyên kêu, trăng trên núi rơi.

 

Người dịch:

Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Theo nguồn:

Kim Sat Kat thi tập, Nhà xuất bản văn hoá Jeon Won, năm 2008.


Scroll To Top