Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CHÍNH SÁCH NAME-AND-SHAME (TUYÊN DƯƠNG VÀ BÊU TÊN) CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Từ tháng 2/2014, Hàn Quốc sẽ triển khai một chính sách name-and-shame (tuyên dương và bêu tên) nhằm công khai các doanh nghiệp có tỷ lệ lao động nữ thấp. Đây cũng là chính sách nhằm tạo thêm 1,65 triệu việc làm cho phụ nữ  xứ sở kim chi của Tổng thống Park.

Theo một tuyên bố chung giữa 6 Bộ của Hàn Quốc vào tháng 2/2014, các bước của chính sách sẽ bao gồm việc tăng các khoản trợ cấp cho các ông bố bà mẹ khi nghỉ chăm sóc con và ưu đãi với các công ty “thân thiện gia đình” khi tham gia các hợp đồng với chính phủ.

Với một dân số già đang làm suy yếu tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc, chính quyền của nữ Tổng thống đầu tiên đã cam kết nâng tỷ lệ lao động nữ từ 53,5% lên 61,9% trước khi nhiệm kỳ của bà kết thúc vào năm 2018. Bộ trưởng Bộ Bình Đẳng giới, bà Cho Yoon-sun đang làm việc với các tập đoàn công nghiệp để chấm dứt hoạt động chỉ tuyển dụng nam giới.

Giám đốc Viện Nghiên cứu các Bà mẹ Đi làm của Hàn Quốc, một nhánh của tổ chức Workingmom Institute ở Seoul cho biết: “Văn hóa nam giới thống trị sẽ không thay đổi nhanh và vẫn là một trở ngại với các doanh nghiệp thực sự muốn triển khai chính sách trên”.

Trong cuộc phỏng vấn tại Seoul cuối tháng 1/2014, Tổng thống Park cho biết: “Giúp đỡ phụ nữ cân bằng công việc và gia đình là một trong những nhiệm vụ “quan trọng nhất” trong chương trình nghị sự”. Còn Bộ trưởng Bình đẳng Giới, bà Cho cho biết: “Ưu tiên lớn nhất là tạo điều kiện cho phụ nữ làm việc khi nuôi con nhỏ”.

Giờ làm việc linh hoạt

Theo thông báo của các Bộ ở Hàn Quốc, các doanh nghiệp sử dụng từ 500 lao động trở lên và có tỷ lệ lao động nữ thấp hơn 70% mức trung bình của ngành công nghiệp trong 3 năm liên tiếp sẽ bị nêu tên. Chi tiết về chính trên đã được công bố vào tháng 12/2014. Điều kiện khác có nghĩa là doanh nghiệp không đủ sức để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới.

Trong tuyên bố chung giữa Bộ Tài chính, Bình đẳng Giới, Giáo dục, Phúc lợi Xã hội, Lao động và Hành chính: “Với sự hỗ trợ chính sách tốt cho từng giai đoạn của cuộc sống phụ nữ, chúng tôi sẽ xây dựng một xã hội, nơi mà người phụ nữ không phải bỏ việc vì các con của họ”. Chính phủ sẽ khuyến khích doanh nghiệp áp dụng giờ làm việc linh hoạt, tăng cường các chương trình chăm sóc trẻ và nâng cao đào tạo cho các bà mẹ tái gia nhập lực lượng lao động. Các Bộ cũng sẽ thiết lập một cơ sở dữ liệu 100.000 nhân tài nữ vào năm 2017 nhằm cải thiện bình đẳng giới ở cấp độ cao trong khu vực nhà nước và tư nhân.

Triển vọng tăng trưởng

Theo Ngân hàng Hàn Quốc, nước này sẽ đạt tăng trưởng kinh tế 3,8% trong năm 2014 và 4% trong năm 2015. Các nhà hoạch định chính sách đang tập trung đẩy lùi trở ngại về mặt nhân khẩu học. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dân số trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc sẽ giảm từ năm 2018. Trong một báo cáo của OECD trình Tổng thống Park năm 2013 có dự tính rằng, Hàn Quốc sẽ gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế 1% nếu nước này có sự bình đẳng trong việc làm. Cũng theo chuyên gia kinh tế Kwon Goohoon làm việc tại Tập đoàn Goldman Sachs ở Seoul: “Điều quan trọng nhất với Hàn Quốc lúc này là tạo một môi trường để ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia và ở lại trong lực lượng lao động nhằm đối phó với sự già hóa dân số”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Bộ Bình đẳng Giới, bà Cho Yoon-sun cho biết: “Đối với phụ nữ có học vấn cao và có công việc thu nhập tốt,  khi họ bước vào độ tuổi 30, tỷ lệ việc làm của họ sụt giảm nhanh chóng và không bao giờ có sự phục hồi. Do vậy, ưu tiên lớn nhất là giúp họ không từ bỏ công việc khi đang nuôi dạy con cái”.

Theo một công ty nghiên cứu tư nhân có trụ sở tại thủ đô Seoul là CEOScore, Tập đoàn lớn nhất và nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc là Công ty Ô tô Huyndai có tỷ lệ lao động nữ đạt 4,8% trong năm 2012. Công ty cũng đã đón nhận một giám đốc điều hành nữ đầu tiên trong tổng số 246 giám đốc điều hành của tập đoàn vào 30/9/2013.

Mất cân bằng giới tính

Bộ trưởng Cho Yoon-sun cho biết: “Sự suy giảm nhà quản lý nữ xảy ra khi phụ nữ tự bỏ công việc sau khi kết hôn để nuôi dạy con cái”. Tính đến cuối năm 2012, phụ nữ chiếm 37% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp sử dụng từ 1.000 nhân công trở lên. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Bộ Lao động Hàn Quốc, phụ nữ chỉ chiếm 17% vị trí quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Cũng theo một báo cáo của McKinsey&Co, phụ nữ Hàn Quốc chỉ chiếm 1% trong số ban lãnh đạo công ty trên cả nước. Ở vị trí càng cao, sự mất cân bằng giới tính càng tồi tệ hơn.

Theo luật định, các doạnh nghiệp sử dụng từ 500 lao động trở lên hoặc 300 lao động nữ trở lên phải xây dựng một trung tâm chăm sóc trẻ gần nơi làm việc. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cho, hiện chỉ có 40% số doanh nguyên tuân thủ quy định trên. Bà muốn nâng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ lên 70% vào năm 2017.

Bản thân Bộ trưởng Bộ Bình đẳng Giới cũng gặp phải vấn đề mà nhiều phụ nữ Hàn Quốc phải đối mặt như tìm kiếm người trông trẻ khi làm việc tại công sở. Khi bà Cho làm việc tại một công ty luật địa phương là Kim&Chang, công ty đã không cho bà nghỉ phép trông con và bà đã thay đổi hàng loạt người giúp việc nhằm tìm kiếm người tốt nhất mà bà có thể tin tưởng. Bà cho biết: “Trong vòng một tháng, tôi đã thay đổi tới 6-7 người giúp việc. Chồng tôi vẫn làm ở công ty luật và cũng cố gắng giúp đỡ tôi nhưng tôi cảm thấy ngày càng tuyệt vọng khi vừa cố gắng chăm sóc con cái, vừa làm tốt công việc ở công ty và tìm một người giúp việc đáng tin cậy”. Bà cho biết thêm: “Là một Phật tử, tôi nghiệm ra một điều: Tôi không quan tâm lắm nếu tôi được tái sinh như một côn trùng, miễn tôi là nam giới”.

Tống Thùy Linh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


Dịch từ nguồn: Eunkyung Seo và Cynthia Kim, “Korea Adopts Name-and-Shame Tool to Boost Jobs for Moms”, tại http://www.bloomberg.com/news/articles/2014-02-04/south-korea-to-use-name-and-shame-tool-in-boosting-jobs-for-moms


Scroll To Top