Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HEO GYUN (HỨA QUÂN) VÀ TÁC PHẨM NỔI TIẾNG HỒNG CÁT ĐỒNG TRUYỆN (Phần 1)

Đăng ngày:

Hứa Quân sinh năm 1569, mất năm 1618. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại, dòng dõi Yangban thời Choseon. Với trí thông minh trời cho lại được học hành cẩn thận, ông chuyên tâm vào đèn sách và thi cử. Năm 25 tuổi, thi đỗ tiến sĩ rồi ra làm quan, từng được cử theo đoàn sang sứ Trung Quốc, làm quan tới chức cao nhất là Phán thư, Tham tán Bộ Hình.

Thời kỳ ông thi đỗ, ra làm quan là thời kỳ khó khăn, rối ren của triều đại Choseon. Bấy giờ, xã hội Choseon trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc là cuộc chiến năm Nhâm Thìn, chống lại sự xâm lược của Nhật Bản vào cuối thế kỷ XVI và cuộc chiến năm Bính Tý chống lại sự xâm lăng của nhà Thanh vào đầu thế kỷ XVII. Sau chiến tranh, giai cấp thống trị Choseon không chăm lo đời sống của nhân dân, khôi phục đất nước mà chỉ nghĩ tới chuyện hưởng thụ, tranh công luận thưởng, trùng tu đền đài miếu mạo, kết bè kéo cánh tranh quyền đoạt vị. Hứa Quân vốn là người cương trực, tính cách hào phóng nên không thể kết bè với đám quan lại trên, hơn nữa, ông còn bất mãn với những chính sách của triều đình đối với nhân dân. Ông bèn cùng với một số người cùng chung chí hướng lập ra Hội kín, dự định lật đổ vương triều Choseon. Do bị bại lộ, triều đình ra lệnh bắt ông và xử tội chết. Ông mất ngày 12 tháng 8 năm 1618, hưởng dương 50 tuổi.

Ông sáng tác khá nhiều, đáng tiếc là thất lạc không ít, tác phẩm để lại gồm có Tinh tẩu thi thoại, Thức tiểu lục, Nhàn tình lục, Đồ môn đại tước, đặc biệt là tiểu thuyết Hồng Cát Đồng truyện.

Đại thể câu chuyện như sau:

Vào triều vua Sejong (Thế Tông: 1418 – 1450), Tể tướng họ Hồng cưới cô gái họ Lưu rồi sinh được một người con trai, đặt tên là InHeong (Nhân Hoành). Tiếp sau, vị Tể tướng lại lấy một tỳ thiếp, cũng sinh được một cậu con trai, đặt tên là Gil Dong (Cát Đồng). Cùng là con trai trong một gia đình quý tộc, nhưng vì là con trai của tỳ thiếp nên Cát Đồng bị mọi người kỳ thị, khinh rẻ. Vốn là người có bản lĩnh, nghị lực và ý chí cao, Cát Đồng không cam chịu mà quyết chí học hành, rèn luyện sức khỏe, theo học võ thuật, tự học binh pháp và pháp thuật với mong muốn bằng người anh em, khiến mọi người không thể khinh thị. Bấy giờ, một người thiếp khác của Tể tướng họ Hồng được sủng ái sinh lòng đố kỵ mà gán cho mẹ con Cát Đồng nhiều chuyện thị phi, thậm chí còn thuê thích khách sát hại Cát Đồng. Khi phát hiện thích khách tới hãm hại mình, Cát Đồng đã dùng phép thuật giết chết thích khách cùng hai tên đồng bọn. Sau đó, Cát Đồng từ biệt mẹ, rời khỏi nhà Tể tướng để đi nơi khác. Trên đường đi, Cát Đồng tình cờ lạc vào sào huyệt của bọn đạo tặc. Chúng thấy tướng mạo tráng sĩ, lại chứng kiến sức lực hơn người, “nhấc tảng đá nặng cả ngàn cân”, võ thuật phi phàm không ai địch nổi bèn tôn Cát Đồng làm thủ lĩnh. Ngay sau đó, Cát Đồng cướp đoạt lại vàng bạc, tài sản quý giá của các chùa lớn và dùng mưu kế đánh bại đám quan quân đến truy bắt. Việc này đã hoàn toàn khuất phục các tiểu thủ lĩnh của đám đạo tặc. Cát Đồng từ đó thuyết phục, chỉ bảo thuộc hạ làm những điều khác trước, lập ra Tế bần đảng, hoạt động rộng khắp 8 tỉnh của Choseon. Triều đình huy động quan quân đánh dẹp, thậm chí treo bảng yết thị thưởng cao cho người báo tin và bắt được Cát Đồng. Cát Đồng dùng phép thuật tạo thêm 7 người bằng cỏ rồi biến hóa giống như thật, tổng cộng là 8 người, cứ thế tung hoành khắp 8 tỉnh. Có người thì hóa trang thành quan ngự sử đi thị sát và bắt đám tham quan ô lại; có người thì dẫn Tế bần đảng đánh chiếm phủ quan, lấy của cải chia cho người nghèo. Triều đình kinh sợ, họp các đại thần tìm kế bắt Cát Đồng. Chúng ra lệnh bắt cha của Cát Đồng vốn là Tể tướng của triều trước và anh trai cùng cha khác mẹ để làm con tin, giam vào đại lao rồi thông báo khắp cả nước với ý đồ bắt Cát Đồng đầu hàng. Chẳng bao lâu sau, cả 8 Cát Đồng đều xuất hiện ở phủ đường, đều nhận mình là Cát Đồng thật. Nhà vua đích thân thẩm vấn cố tìm cho ra Cát Đồng thật mà cũng không có kết quả. Người cha chứng kiến việc đó, lo lắng quá liền bị thổ huyết ngất đi. Cả 8 người đều khóc cha, lấy thuốc cho cha dùng, hồi lâu mới tỉnh. Sau đó, 8 người đồng thanh nói rõ với nhà vua rằng, những điều mà Tế bần đảng đã làm trong thời gian qua là diệt trừ tham quan ô lại, cứu giúp dân nghèo. Từ nay trở đi, họ sẽ rời khỏi Choseon, không làm điều gì nữa. Nói đoạn, cả 8 Cát Đồng đều ngã lăn xuống đất, hóa thành người cỏ. Tuy vậy, nhà vua vẫn chưa vừa ý, ra lệnh giam cha anh Cát Đồng vào xe tù, chuyển về kinh đô. Cát Đồng bèn xuất hiện trước mặt cha và anh chịu trói và bị buộc vào xe tù. Khi xe tù về đến kinh thành, Cát Đồng dùng phép thuật hóa thân, phá tan xe tù rồi bay lên chín tầng mây. Triều đình lại dùng mưu kế khác, giả ban cho Cát Đồng chức Binh tào phán thư dụ cho Cát Đồng vào triều rồi sai đao phủ giết. Cát Đồng biết rõ chuyện đó nhưng vẫn ung dung vào triều, tới trước điện vua, cảm tạ ân ban nhưng không nhận chức rồi cưỡi gió vượt lên không trung.

Từ trên không trung, Cát Đồng nhìn thấy một hòn đảo vuông bảy trăm dặm, có tên là Tế đảo, đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho việc cấy trồng bèn dẫn 3 nghìn thuộc hạ, lập ra hơn nghìn hộ sinh sống ở đây, hình thành nên một phong tục tập quán mới.

Trong thời gian ở đây, có lần trên đường lên núi Mang Tang hái thuốc, Cát Đồng đã ra tay cứu hai cô gái vốn là con của Bạch Long và Triệu Thiết bị yêu quái bắt đi. Hai người đã gả hai cô con gái cho Cát Đồng làm vợ và họ chung sống hạnh phúc, sinh được 3 trai 2 gái.

Thời gian sau, Cát Đồng được tin cha lâm bệnh nặng rồi mất bèn quay trở về Choseon, đưa linh cữu cha đến Tế đảo an táng.

Sau 3 năm chịu tang cha, Cát Đồng đem quân chinh phục Duật đảo rộng hơn nghìn dặm, tự lập làm quốc vương, tại vị 30 năm. Khi đã 70 tuổi, vào một ngày mây lành ngũ sắc bao phủ cung điện, một vị tiên ông hiện ra đưa Cát Đồng và hai vương phi về trời, để lại ba vương tử và hai công chúa.

 

TS. Lý Xuân Chung, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Heo Gyun, Hồng Cát Đồng truyện, Viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật, Trường Đại học SoongSil, Hàn Quốc, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Ngọc Quế, năm 2009.

2. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khôi; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992.

3. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986.

4. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997.

 

 


Scroll To Top