Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC CHÍNH THỨC KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO (FTA) SONG PHƯƠNG

Đăng ngày:

Ngày 5/5/2015,  Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết FTA song phương. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Hàn Quốc đã được chính thức ký kết bởi Bộ trưởng thương mại hai nước trong một buổi lễ tổ chức tại Hà Nội, khoảng một tháng ngay sau khi thỏa thuận này được ký tắt. FTA này còn cần phải được phê chuẩn bởi các cơ quan lập pháp tương ứng của cả hai bên trước khi chính thức có hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày đầu tiên tháng thứ hai kể từ ngày hai bên thông báo bằng văn bản qua kênh ngoại giao về việc hoàn thành các thủ tục nội bộ, hoặc từ ngày nào khác mà hai bên thống nhất.

Thương mại song phương giữa hai nước ngày càng tăng mạnh kể từ khi Hàn Quốc ký kết FTA với ASEAN, trong đó, Việt Nam là một thành viên. FTA Hàn Quốc – ASEAN đã chính thức có hiệu lực từ tháng 6 năm 2007. Những nỗ lực để ký kết một FTA song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc được mở ra vào năm sau đó nhằm mở rộng hơn nữa mậu dịch song phương giữa hai nước.

Một số nội dung chính của Hiệp định VKFTA:

Trong khuôn khổ FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Việt nam sẽ phải loại bỏ thuế nhập khẩu của mình trên 87% mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc và đáp lại, phía Hàn Quốc sẽ phải loại bỏ thuế trên 91,3% mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Việt Nam sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu trên 89,9% của tất cả các mặt hàng từ Hàn Quốc trong vòng 15 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Đáp lại, Hàn Quốc sẽ loại bỏ thuế 95,4% hay 11.668 trong tổng số 12.232 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. FTA Việt – Hàn sẽ là một trường hợp điển hình của một FTA cùng có lợi nhờ sự mở rộng đầu tư của các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam và đồng thời thúc đẩy thương mại giữa hai nước.

Nội dung Hiệp định VKFTA mang tính toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích hai bên. Hiệp định gồm 17 Chương, 208 Điều, 15 Phụ lục và 01 Thỏa thuận thực thi quy định. Các nội dung chính của Hiệp định gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ (bao gồm các Phụ lục về dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, di chuyển thể nhân[1]), đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại điện tử, cạnh tranh, hợp tác kinh tế, thể chế và pháp lý. Bên cạnh văn kiện chính là Hiệp định Thương mại tự do giữa hai nước thì Việt Nam và Hàn Quốc còn ký kết một Biên bản thỏa thuận về hỗ trợ, hợp tác để đảm bảo khả năng thực thi Hiệp định có hiệu quả nhất. Lãnh đạo hai bên cũng đã trao đổi một số các biện pháp tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước. Trong đó, Hàn Quốc cam kết sẽ giúp đỡ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành mà hiện nay Việt Nam còn yếu; Tạo điều kiện để các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có thủy sản, rau quả của Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Hàn Quốc với khối lượng ngày càng tăng và được hưởng thuế suất ưu đãi; Phía Hàn Quốc cũng cam kết thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện và Năng lượng dầu khí.

Tiến trình đàm phán:

Tháng 10 năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung - bak đã ra Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc, trong đó nêu “Hai bên nhất trí trong năm 2009 sẽ bắt đầu trao đổi ý kiến về việc thành lập Nhóm Công tác chung để nghiên cứu khả năng thúc đẩy và tính khả thi của “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc” nhằm mở rộng hợp tác kinh tế thương mại đầu tư.”

Thực hiện chỉ đạo trên, tháng 3 năm 2010, hai nước đã thành lập Nhóm Công tác chung về FTA Việt Nam – Hàn Quốc với thành phần là đại diện các cơ quan Chính phủ, cơ quan nghiên cứu của hai nước với mục đích thực hiện các nghiên cứu chung về tính khả thi của việc ký kết một hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Sau hơn một năm tích cực nghiên cứu, Nhóm Công tác chung đã hoàn thành Báo cáo chung trình lên Lãnh đạo cấp cao hai nước xem xét, cho ý kiến chỉ đạo vào tháng 11 năm 2011.

Nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc vào cuối tháng 3/2012 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã khẳng định: “Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi, hai bên sẽ tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do FTA song phương sau khi hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết tại mỗi nước”.

Vòng đàm phán FTA song phương đầu tiên của Hàn Quốc với Việt Nam diễn ra vào tháng 8/2012. Hai nước đã thực hiện tổng cộng hơn 8 vòng đàm phán FTA trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm ngoái. Năm 2014, Hàn Quốc đã xuất khẩu 22 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang Việt Nam, khiến Việt Nam trở thành một trong những điểm xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Hàn Quốc. Mậu dịch song phương giữa hai nước cũng đạt tới hơn 30 tỷ USD vào năm ngoái, một mức lớn nhất từ trước tới nay, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1992.

 

Các hiệp định, thỏa thuận mở cửa thị trường tiêu biểu mà Hàn Quốc đã ký với bên thứ 3

Các FTA đã có hiệu lực

Các FTA đã ký

Các FTA đang trong quá trình đàm phán

Các FTA đang xem xét đàm phán

- Hiệp định FTA Hàn Quốc - Chi Lê

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-Singapore

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-EFTA

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-ASEAN

- Hiệp định CEPA Hàn Quốc-Ấn Độ

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-EU

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-Pê ru

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-Hoa Kỳ

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ (Hiệp định khung và Hiệp định về Hàng hóa)

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-Cô lôm bi a

 

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-Ca na đa

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-Mê xi cô

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-GCC

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-Ốt tray li a

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-Niu Di lân

- Hiệp định FTA Hàn Quốc- Trung Quốc

- Hiệp định FTA Hàn Quốc- Việt Nam (vừa mới ký)

- Hiệp định FTA Hàn Quốc- In đô nê xi a

 

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-Nhật Bản

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-Trung Quốc-Nhật bản

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-MERCOSUR

- Hiệp định FTA Hàn Quốc- Israel

- Hiệp định FTA Hàn Quốc- Trung Mỹ

- Hiệp định FTA Hàn Quốc-Ma lay xi a

 

TS. Võ Hải Thanh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Nguồn:

1.http://english.yonhapnews.co.kr/business/2015/05/04/90/0502000000AEN20150504003000320F.html

2. http://www.mofat.go.kr/ENG/policy/fta/status/overview/index.jsp?menu=m_20_80_10

3. Văn phòng UBQG về Hợp tác kinh tế quốc tế

http://www.moit.gov.vn/vn/Pages/Tinchuyende.aspx?Machuyende=TMQT&IDNews=1007

4. http://www.trungtamwto.vn/tin-tuc/le-ky-chinh-thuc-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-han-quoc-vkfta

 

 

 

 

 



[1] Công dân của một chính thể - VHT.


Scroll To Top