Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


ĐIỆU MÚA CỔ CHEO YONG (XỬ DUNG) ĐẶC SẮC CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Điệu múa Xử Dung được bắt đầu từ thời Hyeon Kang wang (Hiến Khang Vương) nước Shilla. Thần nhân sinh ra ở biển khơi, xuất hiện sớm nhất ở Kae Yun Po (Khai Vân Phố)[1] rồi mới vào Wangdo (Vương đô).[2] Thần nhân được làm người, trông kỳ vĩ, dị thường và thích ca hát, nhảy múa. Câu thơ của Ikjae (Ích Trai)[3]: “Ca hát dưới đêm trăng với khuôn mặt đỏ và hàm răng cứng như vỏ trai; Nhảy múa trong gió xuân với ống tay áo màu tía và đôi cánh chim diều hâu” là nói về chuyện này.

Ban đầu, ngài đội mũ Sa mô (Sa mạo)[4] bằng vải gai màu đen và nhảy múa, nhưng sau đó đã có mũ O Bang Cheo Yong (Ngũ phương xử dung) thay thế. Vua Sejong khi hành lễ ở nơi đó đã soạn bài Kasa (ca từ), đặt tên là Phượng hoàng ngâm, trở thành âm nhạc chính thức ở miếu đường. Vua Sejo mở rộng chế độ tấu nhạc đó và tạo ra bản hợp tấu.

Thoạt đầu, các tăng đồ mô phỏng âm nhạc đó vào điệu nhạc nhà Phật và các ca sĩ nữ đã sáng tác ra bản Linh sơn hội tướng Phật Bồ Tát và hễ khi bước ra khỏi sân triều đình là các nhạc công đều cầm lấy nhạc khí luyện tập. Hễ Song Hạc Nhân, Ngũ Xử Dung bước đi thì cả 10 người đều bước theo và hát ba lần một cách chầm chậm rồi trở về chỗ của mình trong nhịp trống vang lên ngày một dồn dập. Các nhạc công và vũ nữ đung đưa thân thể một lát rồi nhún chân nhảy múa. Lúc đó, trò chơi Liên hoa đài được bắt đầu.

Trước tiên, người ta chuẩn bị hương sơn và trì đường[5], bày hoa nhiều sắc màu cao vượt lên với chu vi gần 2m; hai bên tả hữu có đèn lồng vẽ tranh; bên trong có hình lưu tô chạy vòng quanh trông rất lung linh. Ở phía trước ao sen có đặt nhiều bó hoa sen lớn ở phía Đông, phía Tây và các kỹ nữ trẻ bước vào trong đó. Hễ khi tấu nhạc Bộ hư tử[6] thì Song Hạc theo điệu múa vừa nhún nhảy múa vừa dâng bó hoa sen. Trong lúc đó, có hai vũ nữ trẻ nâng bó hoa sen ra nhìn về phía đối diện, quay lưng một vòng nhảy múa. Điệu nhảy này gọi là “Dong Dong” (động động).

Bấy giờ, Song Hạc quay trở ra và Xử Dung tiến vào. Ban đầu là diễn tấu khúc Manky (Mạn cơ khúc). Xử Dung bởi muốn tạo sự náo nhiệt nên thỉnh thoảng lại vung ống tay áo lên rồi nhảy múa. Sau đó, khi diễn tấu khúc Jungky (Trung cơ khúc), Xử Dung cùng 5 người chia tách ra 5 hướng (ngũ phương) vung ống tay áo lên múa. Tiếp theo là diễn tấu khúc Chuc Ky (Xúc cơ khúc) rồi các vũ nữ nhảy múa nhịp nhàng theo khúc Sin bang (Tân phòng khúc). Cuối cùng là diễn tấu khúc Bukjeon (Bắc điện khúc), Xử Dung quay trở về chỗ và tạo sự náo nhiệt. Bấy giờ, các ca nữ từng người một xướng lên lời ca Nam mô A di đà Phật và nhiều người họa theo. Tiếp theo sau là hát ba lần bài Quan âm tán rồi mọi người lui ra hết.

Hàng năm, vào đêm giao thừa, lần lượt ở các cung điện là Cung Xương Khánh và Cung Xương Đức đều biểu diễn điệu múa Xử Dung. Ở Cung Xương Khánh thì sử dụng kỹ nhạc; còn ở Cung Xương Đức thì dùng ca đồng. Các nhạc công tấu nhạc cho đến tận sáng sớm rồi nhạc công và kỹ nữ ban phát lễ vật để xua đuổi ma tà.

Người dịch: Lý Xuân Chung – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:

Seong Hyen, Dung Trai tùng thoại (용재총화); Hong Sun–sik chuyển ngữ sang tiếng Hàn hiện đại; Nxb Tri thức tạo nên tri thức, Seoul, Hàn Quốc, 2009.



[1] Kae Yun Po: tên gọi của Kyung Nam Yun San.

[2] Wangdo: tên gọi của Kyungju.

[3] Ikjae: tên hiệu của Leejie Hyen (Lý Tế Hiền), văn nhân thời hậu kỳ Koryeo.

[4] Sa mô: một loại mũ đội khi hành lễ chính thức thời Joseon.

[5] Hương sơn và trì đường: gần tương tự như đài non bộ – ND.

[6] Khúc nhạc tấu trong yến tiệc ở cung đình. Khúc Huyền nhạc bộ hư tử còn được gọi là Hoàng Hà thanh.


Scroll To Top