Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


Ý NGHĨA CỦA HÀN LƯU ĐỐI VỚI XÃ HỘI VIỆT NAM (Phần 2)

Đăng ngày:

Trước khi có làn sóng văn hóa Hàn Quốc, người Việt Nam không tường tận về văn hóa Hàn, đất nước và con người Hàn Quốc. Nhờ có làn sóng văn hóa Hàn Quốc, người Việt Nam đã biết rõ hơn về văn hóa Hàn Quốc qua các bộ phim như Nàng Dea Jang Geum, Truyền thuyết Jumong, Thần y Huh Joon.. Người Việt Nam đã biết rằng, Hàn Quốc là một đất nước cũng có những nét văn hóa tương đồng với Việt Nam.

Ẩm thực Hàn Quốc vừa mang lại sự khác lạ về mặt vị giác vừa thể hiện sự mới lạ về màu sắc lại vừa tương đồng khẩu vị của người Việt Nam nên đã nhanh chóng được người Việt Nam đón nhận, chẳng hạn như món kim chi đã xuất hiện trong ẩm thực Việt Nam một cách lặng lẽ. Một số phụ nữ nội trợ Việt đã chế biến món kim chi kiểu Hàn nhưng theo nguyên liệu Việt mà vẫn giữ được cơ bản vị của món kim chi. Điều ấy đã tạo nên nét mới trong ẩm thực Việt. Về mặt vật chất, hàng hóa Hàn Quốc vừa đáp ứng được tâm lý người Việt tốt, đẹp nhưng không rẻ, theo tâm lý “tiền nào của ấy”, vừa phù hợp với gu tiêu dùng và thẩm mỹ của người Việt, trong đó, có các bạn trẻ, vì vậy, chúng được đón nhận rất nhiệt tình. Quá trình tiêu thụ các sản phẩm của nền văn hóa Hàn Quốc dần dần tạo nên những giá trị mới, không tương đồng với giá trị cũ của phần lớn các thanh niên Việt Nam.

Cùng từ văn hóa Hàn Quốc, trào lưu cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc đã tăng lên mạnh mẽ trong những năm gần đây. Một phần các cô dâu Việt lấy chồng Hàn vì lý do kinh tế nhưng cũng không hiếm đôi vợ chồng Hàn – Việt lấy nhau vì tình yêu, vì yêu thích văn hóa Hàn Quốc. Họ cũng chính là chất xúc tác cho việc tiêu dùng hàng hóa và hiểu biết thêm về văn hóa hai nước. Mặc dù việc lấy chồng Hàn Quốc của các cô dâu Việt cũng để lại một số vấn đề cho xã hội Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Có thể thấy rằng, văn hóa Hàn Quốc đang được thể hiện qua màn ảnh Việt Nam đã vẽ lên một cuộc sống màu hồng trong xã hội Hàn Quốc mà chưa thực sự đưa ra mặt trái của một xã hội tư bản. Tuy nhiên, việc các cô gái Việt lấy chồng Hàn Quốc, giới trẻ tiêu dùng hàng hóa Hàn Quốc và du nhập văn hóa Hàn qua con đường du học đã giúp người Việt Nam hiểu nhiều hơn nữa về nền văn hóa của một đất nước có tên “Nam Triều Tiên” như họ đã quen gọi.

Nhờ có sự lan tỏa và ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc, người Việt Nam mới nhận ra nền văn hóa của mình có sự tương đồng thế nào với nền văn hóa ấy. Nhờ có văn hóa Hàn Quốc, người Việt Nam hiểu rõ về Hàn Quốc hơn bao giờ hết. Làn sóng ấy đã đưa hai dân tộc xích lại gần nhau hơn, hiểu về nhau hơn. Nhờ có văn hóa Hàn Quốc, số lượng hôn nhân Hàn – Việt tăng mạnh ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và đa số các gia đình có con đi lấy chồng xứ Hàn đều nhận được sự giúp đỡ về tài chính. Tuy nhiên, nó cũng đã tạo ra một số hệ lụy cho xã hội từ những khác biệt giữa hai nền văn hóa. Trong số những đám cưới Hàn Việt, không phải cô dâu Việt nào cũng tìm được hạnh phúc xứng đáng và ngược lại không phải chàng trai Hàn nào cũng tìm được người vợ mà mình mong muốn. Và điều ấy đã tạo ấn tượng xấu cho các cuộc hôn nhân Hàn- Việt thông qua môi giới. Cũng nhờ vào văn hóa Hàn Quốc, giới trẻ Việt Nam có những trải nghiệm thú vị về sự cọ xát với những nền văn hóa mới, thấy được những ví dụ sinh động về xung đột giá trị giữa hai nền văn hóa. Từ đó, giới trẻ có sự hiểu biết sâu hơn về văn hóa Việt Nam. Nhờ vào sức ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc, các nam thanh nữ tú Việt Nam đã ăn mặc đẹp hơn, tự tin hơn về sắc đẹp và ngoại hình của mình. Ngược lại, họ lại tạo ra sự tốn kém cho bản thân và cho gia đình.

Từ góc độ giao lưu quốc tế, làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã giúp Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt – Hàn về cả mặt ngoại giao, chính trị cũng như hợp tác văn hóa. Nếu trước đây trong lịch sử, các bậc hiền nhân đi trước lấy Nhật Bản làm tấm gương cho phong trào Duy Tân thì ngày nay, người Việt Nam nên lấy sự thành công của văn hóa Hàn Quốc làm tấm gương cho mình. Từ 1986 đến nay, có thể nói Làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã trở thành làn sóng văn hóa đầu tiên tràn vào Việt Nam có ảnh hưởng mạnh mẽ đến như vậy. Văn hóa Hàn Quốc đã đưa đến một sắc màu mới cho xã hội Việt Nam.

Phan Thị Oanh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

1. Lê Như Hoa (2003), Bản sắc dân tộc trong lối sống hiện đại, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.

2. Lê Như Hoa (Chủ biên) (1998), Văn hóa tiêu dùng, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

3. Mai Quỳnh Nam (2000), Văn hóa đại chúng và văn hóa gia đình, Xã hội học (72), tr.31-35.

4. Nguyễn Bá Thành (1996), Tương đồng văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

5. Nguyễn Ngọc Thơ, Giá trị Hàn lưu trong nền văn hóa đương đại Việt Nam, http://qlkh.hcmussh.edu.vn/3cms/?cmd=130&art=1368437843925&cat=1359336673857, 14/5/2013.

6. Nguyễn Chí Tình (2012), Xung đột văn hóa và đấu tranh văn hóa, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.

7. Thomas L.Friedman (2005), Thế giới phẳng, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.

8. Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh.

9. Trần Ngọc Thêm (2004), Vai trò của tính cách dân tộc trong tiến trình phát triển ở Hàn Quốc (có so sánh với Việt Nam), T/c Nghiên cứu con người, số 6 (15), tr. 53-60.

10. Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, Hà Nội.

11. 서동훈, 박영균 (2007), 한류가 베트남 청소년의 문화의식에 미치는 영향, 한국청소년정책연구원.

12. 이한우, Lê Thị Hoài Phương(2013), 베트남 한류 를 보는 한국 과 베트남 의 시각, 이매진 출판사.


Scroll To Top