Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


MỘT SỐ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Mục tiêu chính của cuộc cải cách giáo dục ở Hàn Quốc hiện nay là nhằm xây dựng một nền giáo dục mở, tạo cơ hội cho mọi người được học tập suốt đời để họ có thể trở thành những con người mới có đủ tri thức, năng lực, đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội thông tin và toàn cầu hoá.

Để đạt được những mục tiêu đó, phương hướng của cải cách giáo dục được xác định là:

1) Chuyển nền giáo dục lấy trung tâm là thầy sang một nền giáo dục mới có trung tâm là trò;

2) Từ giáo dục đồng bộ sang giáo dục đa dạng hóa, đặc trưng hóa;

3) Quản lý giáo dục trên cơ sở quy chế và mệnh lệnh sang quản lý giáo dục trên nền tảng tự giác và trách nhiệm;

4) Từ giáo dục bắt buộc sang giáo dục tự do, bình đẳng và cân đối;

5) Từ giáo dục truyền thống với bảng đen phấn trắng sang giáo dục mở thông qua mạng thông tin số hoá;

6) Hướng tới xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao, đạt trình độ các nước phát triển trong một thời gian ngắn nhất.

Về tổng thể, cuộc cải cách giáo dục hiện nay của Hàn Quốc được triển khai trên một số phương diện chủ yếu là:

1. Đổi mới nhận thức về giáo dục

2. Cải cách hệ thống giáo dục

3. Cải cách chương trình giáo dục

4. Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục

5. Huy động các nguồn lực tài chính và lực lượng tham gia.

Cải cách giáo dục phổ thông

a. Mục tiêu của cải cách giáo dục phổ thông

- Một là, tăng cường giáo dục đạo đức;

- Hai là tăng cường hiểu biết xã hội.

- Ba là tăng cường giáo dục hiểu biết truyền thống văn hóa dân tộc.

- Bốn là giáo dục tính sáng tạo cho học sinh.

b. Cải cách chương trình giảng dạy

Cải cách chương trình giáo dục cơ bản

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và cải cách chương trình giảng dạy, quy trình đào tạo và môn học của chương trình giáo dục cơ bản đã có sự thay đổi. Quy trình đào tạo giáo dục cơ bản không phải là tất cả 12 năm học như trước đây mà rút ngắn lại còn 10 năm, tức là từ lớp một đến lớp mười, còn hai năm cuối chủ yếu dành cho chương trình tự chọn, chú trọng tới giáo dục tính sáng tạo và hướng nghiệp cho học sinh.

Trong thời gian 10 năm đó, chương trình giáo dục cơ bản được chia làm 3 lĩnh vực: những môn học bắt buộc, chương trình hoạt động ngoại khoá và tự quản.

Lớp 1 và 2 của trường Tiểu học có năm môn học bắt buộc là Giáo dục công dân, Tiếng Hàn Quốc, Toán , Khoa học thường thức và cách ứng xử.

Từ lớp 3 của trường tiểu học đến lớp 10, lớp đầu tiên của phổ thông trung học có 10 môn học bắt buộc là Giáo dục công dân, Đạo đức, Tiếng Hàn Quốc, Toán, Nghiên cứu xã hội và nhân văn, Nghiên cứu khoa học tự nhiên, Sinh lý con người, âm nhạc và hội hoạ, Kỹ thuật thực hành, Anh văn.

Bộ môn kỹ thuật thực hành bao gồm những vấn đề giáo dục có liên quan đến công nghệ thông tin, kỹ năng máy tính, khoa học công nghệ, kinh tế gia đình được giảng dạy một cách có hệ thống và qui củ. Nhưng tuỳ theo từng vùng, từng trường khác nhau, căn cứ vào đặc điểm riêng và nhu cầu của từng địa phương, gia đình và cá nhân học sinh để chọn những môn nhất định.

Số giờ học chính quy cho bậc tiểu học được áp dụng như các nước phát triển ở phương Tây, số giờ học trung bình mỗi tuần đối với lớp một và hai là 27 giờ, lớp ba là 30 giờ, lớp 5 và 6 là 33 giờ, lớp 7, 8 và 9 là 34 giờ, lớp 10 là 36 giờ. Trong mỗi tuần, Bộ giáo dục sẽ điều chỉnh số giờ giảng và cho phép dư ra ít nhất là từ 2 đến 3 giờ. Mỗi trường tuỳ theo những môn phải bổ túc mà sử dụng số giờ trên bổ sung kiến thức cho học sinh.

Giờ học tự quản được dùng để bổ sung hoặc nghiên cứu sâu hơn những môn học bắt buộc. Nội dung chính trong các giờ này nhằm tạo điều kiện cho học sinh trình bày thảo luận vấn đề nghiên cứu, vấn đề thắc mắc và các vấn đề về phương pháp học tập, phương pháp nghiên cứu độc lập. Vì học sinh có quyền nêu ý kiến thắc mắc về những vấn đề chưa rõ và được giải đáp cặn kẽ nên đã giảm bớt những ức chế của học sinh trong quá trình học tập, đồng thời cũng khích lệ học sinh suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo.

Đối với chương trình giảng dạy và học tập ở lớp 11 và 12, những khoá học chuyên ban như trước đây đã được xoá bỏ, thay vào đó là các khoá học tự chọn nhằm đáp ứng khả năng, nguyện vọng phù hợp với dự định trong tương lai của học sinh. Nhưng, cụ thể các môn học thì do Bộ giáo dục căn cứ vào tình hình thực tế rồi ra quyết định về một số môn bắt buộc, tỉ lệ giữa các môn bắt buộc và tự chọn là 50/50.

Cải cách chương trình giáo dục đối với các trường chuyên

Trong các trường này, do đặc thù của mỗi trường nên các môn học có thể được điều chỉnh so với chương trình cơ bản của Bộ giáo dục. Một số môn học bắt buộc có thể dồn vào năm đầu tiên, còn hai năm cuối tập trung vào môn chính và môn học tự chọn. Những môn học tự chọn thường là do học sinh lựa chọn, nhưng ở một số trường có đặc điểm riêng thì do Sở giáo dục của tỉnh hoặc thành phố quyết định.

Phân loại học sinh, cấu trúc lớp nhỏ, chia thành từng nhóm để đào tạo bồi dưỡng và phụ đạo.

Mở rộng chương trình giảng dạy và học tập

Giáo dục về thông tin quốc tế và toàn cầu hoà đã được nhấn mạnh ở cả ba cấp trường phổ thông qua việc sử dụng rộng rãi máy vi tính, nối mạng intenet và satellite, trong đó, vấn đề văn hoá thế giới được lưu ý hơn và đã gây được nhiều hứng thú cho học sinh.

Xây dựng hệ thống hỗ trợ cho chương trình cải cách giáo dục phổ thông

- Có thể nói rằng, Bộ giáo dục Hàn Quốc “bật đèn xanh” cho phép tự do cạnh tranh trong việc phát hành sách giáo khoa đã thúc đẩy việc cải tiến nội dung, nâng cao chất lượng và đầy đủ về mặt số lượng, phục vụ thiết thực cho mục tiêu đào tạo mới.

- Về cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học: Để hỗ trợ cho chương trình cải cách giáo dục đạt hiệu quả cao, hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học đã từng bước được nâng cấp, mở rộng và hiện đại hoá.

- Thành lập uỷ ban kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh.

 

TS. Võ Hải Thanh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

1. Đất nước mà chúng ta hướng tới. Lee Chin Moo. NXB Báo kinh tế Hàn Quốc. 1996.

2. Cải cách hành chính giáo dục Hàn Quốc hướng tới thế kỷ XXI. Kim Hong Won. Vấn đề cải cách hành chính Hàn Quốc. NXB Văn hóa Châu á. 1998.

3. Lịch sử hành chính giáo dục Hàn Quốc. Cho Song, Kim Yong Chun. NXB Chipmuntang, Seoul, 1996.

4. Cải cách giáo dục ở Hàn Quốc. Viện nghiên cứu phát triển giáo dục. NXB Giáo dục. 1999.

5. Các bài nói chuyện của Tổng thống Kim Yong Sam trong các cuộc họp về Toàn cầu hóa.

6. Giáo dục và đào tạo ở Hàn Quốc. Hoàng Văn Hiển. NXB Lao động. 1998.

7. Kỷ yếu "Hội thảo khoa học quốc tế về giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc". Tháng 12/ 1994.

8. Văn hóa, thể chế và tăng trưởng kinh tế: nghiên cứu so sánh với Hàn Quốc với Thái Lan. Yoshihara Kunio. NXB Chính trị quốc gia. 1996.


Scroll To Top