Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG (GDPT) Ở HÀN QUỐC (TÓM TẮT)

Đăng ngày:

1. Một số hạn chế của chương trình giáo dục ở Hàn Quốc

  • Có thể thấy, các chương trình GDPT Hàn Quốc trước đây về cơ bản không khác Việt Nam là mấy, nghĩa là cũng mang tính “tập quyền” rất cao, bắt buộc đối với tất cả các bậc học, từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, áp dụng cho mọi loại hình trường, cả tư thục và công lập. Quy định chặt chẽ mục tiêu giáo dục, các môn cần dạy trong từng năm học, số ngày học và phân bố thời gian cho từng môn học trong từng năm.
  • Trước khi chương trình lần 7 được áp dụng, GD PT Hàn Quốc phải đối mặt với tình trạng mà nhiều nhà nghiên cứu GD của Hàn Quốc gọi là “school collapse”, “classroom breakdown” (Kim Mee-Sook 2003), tạm hiểu là “sự tan rã trường học, lớp học”. Cụm từ này dùng để chỉ tình trạng nhiều học sinh không chú ý nghe giảng trong giờ học. Các em đến lớp chỉ để gặp bạn bè, đùa nghịch và lấy bằng cấp. Các lớp học thêm bên ngoài trường học mới là nơi học chính của các em. Tình trạng này do nhiều lí do, trong đó có phần ảnh hưởng quan trọng của việc áp dụng chương trình GD thiếu sự phân hóa và cá thể hóa. Một khi học sinh phải học những môn học mà các em không có sở trường và không phù hợp với định hướng nghề nghiệp thì việc thiếu hứng thú trong giờ học những môn đó là điều dễ hiểu.
  • Giáo dục Hàn Quốc có tính cạnh tranh hết sức quyết liệt, và đôi khi dẫn đến những biểu hiện có phần tiêu cực. Theo một thống kê năm 2002, có đến 84.8 % học sinh phổ thông có ít nhất một lần đi học thêm ở các cơ sở dạy thêm tư nhân. Chi phí cho sự học hành của con cái là một gánh nặng lớn đối với nhiều gia đình Hàn Quốc. Các bậc phụ huynh có con đi học phải chi đến 25% thu nhập cho giáo dục. Phần chi cho giáo dục từ tư nhân chiếm 7 % GDP, từ nhà nước là 4 %. Tổng cộng, trong những năm gần đây, chi phí cho giáo dục từ cả hai nguồn không năm nào dưới 10% GDP.
  • Cho đến những năm gần đây, GD Hàn Quốc vẫn bị phê phán nhiều bởi phương pháp giảng dạy nặng tính thuyết giảng, nặng định hướng nội dung, cung cấp kiến thức, mà không chú ý thích đáng đến thực hành và sự đa dạng, khác biệt của đối tượng- trung tâm của quá trình GD là người học.
  • Tuy thế, trong thời gian qua, nhất là đầu thế kỉ XXI, GD Hàn Quốc vẫn đạt được nhiều thành tích. Năm 2006 là nước tham gia Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), Hàn Quốc đã đạt kết quả rất cao, chỉ đứng sau Phần Lan, xếp hạng thứ 1 về năng lực đọc-hiểu, thứ 2 về Toán và thứ 7 về khoa học trong số 30 nền kinh tế thành viên của tổ chức OECD.

2. Chu kỳ đổi mới chương trình giáo dục ở Hàn Quốc

- Từ 1955 đến 2009, Hàn Quốc thay đổi 9 lần chương trình GD Quốc gia, cụ thể từ 1955 đến 1997 có 7 lần như sau:

Những mốc thay đổi CT quốc gia

Ngày tháng tuyên bố

Thời kì thực hiện

Chương trình quốc gia lần thứ nhất

1 - 8 - 1955

1955-1962

Chương trình quốc gia lần thứ hai

15 - 2-  1963

1963-1972

Chương trình quốc gia lần thứ ba

14 - 2- 1973

1973-1981

Chương trình quốc gia lần thứ tư

31-12- 1981

1982-1988

Chương trình quốc gia lần thứ năm

30 - 6 -  1987

1989-1994

Chương trình quốc gia lần thứ sáu

30 - 9- 1992

1995-1999

Chương trình quốc gia lần thứ bảy

30 -12- 1997

2000- 2006

Chương trình lần thứ 7 mới thực hiện đại trà từ năm 2000 đến năm 2006, thì năm 2007, chương trình GD phổ thông của Hàn Quốc lại đã thay đổi và xây dựng lại chương trình mới (chỉ tập trung vào bậc THPT) gọi là Chương trình 2009.

Qua nhiều lần thay đổi, có thể thấy chương trình GD Hàn Quốc đã chuyển từ cứng nhắc, gò bó sang linh hoạt, uyển chuyển và hướng tới người học. Từ định hướng lấy nội dung môn học làm trọng tâm (subject-matter centered) ởlần thứ nhất (1955) đến chương trình lấy “kinh nghiệm làm trung tâm” (experience-centered curriculum) lần thứ hai (1963)...từ việc “hướng nhiều hơn vào sự cần thiết của xã hội thông tin tương lai” của chương trình lần 5 đến việc chuyển “ từ cấu trúc tập trung (centralized) sang phi tập trung (decentralized). Tuân theo nguyên tắc “địa phương hóa” hoặc “hệ thống địa phương tự trị”, hệ thống giáo dục tự trị (educational autonomy system) của lần thứ 6.

Từ “hệ thống giáo dục khép kín” (the closed educational system) thành “hệ thống giáo dục mở” (the open system) và từ “hệ thống giáo dục hướng vào người sản xuất (thầy)” (the producer-centered educational system) đến “hệ thống giáo dục hướng tới người tiêu dùng (trò)” (the consumer-centered), đó là định hướng của chương trình lần thứ 7. Chương trình năm 2007 tiếp tục tư tưởng của chương trình lần thứ 7, nhấn mạnh tính phân hóa (differentiated curriculum) nhưng được điều chỉnh một số điểm không lớn.

Chương trình GDPT lần thứ 7 (1997-2006) của Hàn Quốc hướng tới việc tạo ra “con người được giáo dục ” như một mẫu hình lí tưởng. Con người được giáo dục tốt là mục tiêu của chương trình. Con người  được giáo dục tốt theo quan niệm ghi trong CTGD Hàn Quốc có các đặc trưng sau:

1) Phát triển cá tính của mỗi người và chăm sóc tất cả mọi người;

2) Giúp thể hiện năng lực sáng tạo và ứng dụng kiến thức, kĩ năng;

3) Có một nền tảng tri thức rộng để học tiếp và định hướng nghề nghiệp;

4) Sáng tạo những giá trị mới trên cơ sở các giá trị truyền thống dân tộc;

5) Nhiệt tình cải tạo cộng đồng như một công dân.

Sau 2006, Chương trình GDPT Hàn Quốc được xem xét và xây dựng lại, gọi là Chương trình 2007. Tư tưởng chỉ đạo xây dựng Chương trình giáo dục Hàn Quốc năm 2007 được xác định cũng nhằm hướng đến con người được giáo dục tốt nhất :“ Giáo dục Hàn Quốc nhằm giúp mỗi công dân phát triển cá tính và những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống của một công dân độc lập dưới ánh sáng của tư tưởng nhân đạo và tinh thần trách nhiệm vì sự phồn thịnh của đất nước và nhân loại.”3

Với định hướng trên, Chương trình GD Hàn Quốc 2007 được thiết kế theo các yêu cầu khái quát như:

1) Giúp học  sinh tiếp cận với những thay đổi của xã hội;

2) Tuân thủ hệ thống Chương trình GD cơ bản quốc gia cùng với Chương trình tự chọn là trung tâm;

3) Nâng cao chuẩn các vùng môn học với yêu cầu chuyên sâu;

4) Cung cấp các lĩnh vực học tập khác nhau và các phương pháp học tập đa dạng phù hợp với năng lực, thái độ và hứng thú của học sinh;

5) Đề cao tinh thần tự chủ của các nhà trường trong việc tổ chức và thực hiện chương trình địa phương;

6) Thiết lập hệ thống đánh giá chương trình nhằm xếp loại chất lượng GD.

3. Kinh phí, ngân sách, chế độ, chính sách về định biên giáo viên/lớp, học sinh/lớp, số lớp/trường,…

Ngân sách các trường tiểu học và THCS phụ thuộc vào nhà nước, miễn phí và bắt buộc trong toàn quốc. Đối với THPT, người học phải đóng một số học phí để bổ sung vào ngân sách nhà nước, quỹ phụ huynh và địa phương. Bộ GD, khoa học và công nghệ chuyển 80 % ngân sách cho các cơ quan GD tỉnh, thành phố dành cho GD tiểu học và THCS. Số còn lại thuộc về quỹ quản lý của Bộ. Chính quyền trung ương cũng phải chịu phí tổn cho giáo viên trong GD bắt buộc.

Bảng tổng hợp sau đây cho biết những số liệu tổng quan về nhà trường, số học sinh và giáo viên Hàn Quốc năm 2009. Từ bảng thống kê, có thể suy ra được các thông tin về tỉ lệ :

- Tỉ lệ giữa giáo viên (GV) và học sinh (HS)
+ Tiểu học: 1 GV/ 19,84 HS
+ THCS: 1GV/ 18,39 HS
+ THPT: 1GV/ 17, 26 HS
+ TH nghề : 1GV/ 13,32 HS
- Tỉ lệ giữa giữa trường công và trường tư :
+ Tiểu học: trường công chiếm 98,38%; trường tư là 1,3%
+ THCS: trường công chiếm 78,78 %; trường tư là 21%
+ THPT: trường công chiếm 56,19 %, trường tư là 42,89%
+ TH nghề: trường công chiếm 58,32%; trường tư là 40,95%
- Trường THPT chiếm 68,9% và TH nghề là 31,1% và trung bình cứ 2,2 HS vào THPT thì có 1 HS vào TH nghề (2,2/ 1).

Bảng 1: Thống kê tổng quan về GDPT Hàn Quốc năm 2009

Loại trường

Số lượng trường

Số lượng

Tổng

Quốc gia

Trường công

Trường tư thục

Học

sinh

Giáo viên

Tiểu học

5.629

17

5.735

75

3474.395

175.068

THCS

3.106

9

2.447

650

2.006.972

109.075

THPT

1.534

14

862

658

1.484.966

85.997

Nghề

691

5

403

283

480.826

36.077

 

Bảng 2: Số lượng HS trong mỗi lớp học ở Hàn Quốc qua một số năm

Loại

1980

1990

2000

2006

2007

2008

2009

Tiểu học

51.5

41.4

35.8

30.9

30.2

29.2

27.8

THCS

62.1

50.2

38.0

35.3

35.0

34.7

34.4

THPT

59.9

53.6

44.1

33.7

34.3

35.1

34.2

Bảng trên cho thấy số học sinh trong mỗi lớp/mỗi cấp qua các năm giảm rất đáng kể. Những năm gần đây (2008- 2009) số học sinh cho cả ba cấp học của Hàn Quốc chỉ trên dưới 30 học sinh.

Nền kinh tế mạnh mẽ “Thần kỳ sông Hàn” trong những năm qua đã giúp Hàn Quốc có cơ sở để đào tạo và thu hút nhiều nhân tài vào nghề sư phạm. “Sự đãi ngộ ưu ái về tài chính và nghề nghiệp ổn định đã thu hút được nhiều tài năng cá nhân vào nghề sư phạm. Đội ngũ nhà giáo tuyệt vời của Hàn Quốc đã đóng góp to lớn vào chất lượng của giáo dục nhà trường”. Lương của GV Hàn Quốc được xếp cao thứ 4 so với 32 nước trong khối OECD.

4. Những điểm nổi bật của chương trình giáo dục phổ thông Hàn Quốc

  • Từ lớp 1 đến lớp 10, học sinh học chung một chương trình dựa trên chuẩn quốc gia. Từ lớp 11 đến 12 học theo tự chọn. 10 năm đầu học chung một chương trình, chỉ có các hoạt động tự chọn và hoạt động ngoài giờ lên lớp (ngoại khóa). Tuy đến 2 năm cuối THPT mới thực hiện tự chọn nhưng các lĩnh vực và nội dung tự chọn hết sức phong phú, đa dạng, nhất là phần tự chọn chuyên biệt.
  • Từ lớp 1 đến lớp 10, chương trình phân hóa trên cơ sở năng lực học vấn của học sinh. Đối với lớp 11 và 12, chương trình phân hóa trên cơ sở hứng thú và định hướng nghề nghiệp tương lai của học sinh. Tăng cường những nội dung sát với nhu cầu thực tế của địa phương, khuyến khích khả năng sáng tạo, suy nghĩ độc lập của học sinh và tạo điều kiện cho học sinh học sâu những nội dung mà các em lựa chọn.
  • Mở rộng quyền tự chủ cho các địa phương và trường học trong việc tổ chức và thực hiện chương trình, giảm tính chất “tập quyền” của chương trình.
  • Khái niệm chương trình học tự chọn đã được giới thuyết. Đối với lớp 11 và 12, học sinh tự chọn một số khóa học mà họ muốn có sự hướng dẫn chắc chắn để chuẩn bị cho tương lai của mình.
  • Giảm bớt số lượng nội dung chương trình môn học trong năm với tổng số nội dung chương trình giảm tải là 30%. Hạn chế tối đa những nội dung không cần thiết rườm rà và tổ chức các nội dung theo một hệ thống thứ tự bảo đảm sự nguyên vẹn không gián đoạn.
  • Đa dạng hóa nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy để phù hợp với cá tính, năng lực, năng khiếu và hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh. Chú ý phương pháp giáo dục, coi trọng thực hành và lấy học sinh làm trung tâm.
  • Chất lượng chương trình được kiểm định xuyên suốt hệ thống đánh gía chương trình bằng việc áp dụng các chuẩn đã xác định.
  • Chương trình giáo dục của Hàn Quốc được đổi mới khá thường xuyên và có một khoảng tự do rất lớn cho người soạn sách giáo khoa. Như trên đã nêu, từ 1955 đến 2009 chương trình giáo dục Hàn Quốc đã thay đổi 9 lần.

TS. Võ Hải Thanh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kinh tế chính trị của sự phát triển của Nhật bản và Châu á. Shunichi Ichimura. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. NXB Thống kê. 1998.

2. Kinh tế tri thức, vấn đề và giải pháp. Kinh nghiệm của các nước phát triển và đang phát triển. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. TTTT Tư liệu. NXB Thống kê. 2001.

3.Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI. Phạm Minh Hạc. NXB Chính trị Quốc gia. 1999.

4. Nền kinh tế tri thức và yêu cầu đổi mới giáo dục Việt Nam. Trần Văn Tùng. NXB Thế giới. 2001.

5. Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục đào tạo. Hà Nội 28/8/2000

6. Báo Nhân Dân, Tiền phong, Tạp chí Thế giới mới các số năm 2000.

7. Đông Á - Con đường dẫn đến phục hồi. Ngân hàng thế giới. NXB Chính trị Quốc gia. 1999.

8. Tương đồng văn hoá Việt Nam - Hàn Quốc; Nhà xuất bản Văn hoá thông tin- Hà nội. 1996. ( Phần IV: Vài nét về Văn hoá - xã hội Hàn Quốc)

9. Education in Korea 1999 - 2000; Ministry of Education, Republic of Korea.

10. Korea's Contennal History of Vocational Education and training, Research Material 99-6, Published by: KRIVET, 4/1999.

 


Scroll To Top