Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


PARK JI – WON (PHÁC CHỈ NGUYÊN): CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP (Phần 2)

Đăng ngày:

2. Phác Chỉ Nguyên-Người đầu tiên đề xuất phong cách Chosun

Thế kỷ XVIII ở Chosun chủ yếu dưới sự trị vì lâu dài của hai triều vua Yongjo (Anh Tổ: 1724 – 1776) và Jeongjo (Chính Tổ: 1776 – 1800), được coi là ổn định về mặt chính trị. Nhưng, thế kỷ này có nhiều biến động về mặt lịch sử tư tưởng, lịch sử văn hóa, văn học Chosun. Thực học trỗi dậy đã tác động mạnh về tư tưởng đối với mọi giai tầng trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp thị dân đang phát triển mở rộng. Chủ nghĩa thực dụng trong lịch sử văn hóa đã phát triển tràn lan tới mọi mặt của đời sống văn hóa xã hội. Tính hiện thực trong văn hóa – nghệ thuật được đề cao, tính lãng mạn trong hội họa, văn học dần bị thu hẹp. Thơ văn chữ quốc ngữ  (Hangeul) vốn sử dụng tiếng mẹ đẻ để sáng tác đã đi trước thơ văn chữ Hán theo hướng phản ánh hiện thực sinh động và mang tính giải trí cao. Trước sự biến động của thời cuộc, văn chương chữ Hán được coi là chính thống không thể không hòa chung vào dòng chảy của thời đại. Khuynh hướng lãng mạn theo phong cách thơ Đường Trung Quốc từ những thế kỷ trước đã được các nho sĩ cấp tiến Chosun nhận thức lại. Họ nhận ra rằng, bắt chước theo phong cách thơ Trung Quốc cổ giờ đây đã lỗi thời, với cách luật của thơ Đường dù theo thể tứ tuyệt hay thất ngôn bát cú nghìn bài như một đã nhàm chán, những bài thơ tình ái, lãng mạn viển vông, mộng ảo theo phong cách Trung Quốc cổ không phản ánh đúng tâm tư tình cảm của người Chosun đương thời, không phản ánh được hiện thực Chosun đang biến đổi theo trào lưu tư tưởng mới. Họ cũng nhận thức được rằng, người Chosun sống trên đất Chosun hàng nghìn năm qua, dẫu vẫn coi văn chương chữ Hán là chính thống nhưng cần phải tạo ra giá trị cho riêng mình, sử dụng văn chương chữ Hán để phản ánh hiện thực đang diễn ra ở hiện tại, ở đất nước này theo một hướng mới. Đó là thơ văn tả thực kết hợp hài hòa giữa sự vật khách quan với tinh thần của nhà thơ, nhà văn. Họ gọi đó là Phong cách Chosun.

Trước hết nói về thơ: “Thơ chữ Hán theo phong cách Chosun sử dụng ca dao dân ca để làm thơ tự sự hoặc lấy phong tục dân gian nhân tình thế thái trong đời sống xã hội làm đối tượng sáng tác. Hơn nữa, họ có ý thức lịch sử mang tính chủ thể, suy nghĩ về hiện thực với tính chất phê phán, viết nhiều tác phẩm thể hiện nhận thức có tính tự chủ đối với lịch sử dân tộc. Nhưng điều quan trọng là thông qua các bài thơ mang đậm tình cảm đối với đời sống nhân dân và châm biếm sâu cay mâu thuẫn hiện thực đã có thể cho thấy thành quả giả trị nhất của thơ chữ Hán mang phong cách Chosun là phản ánh chân thật đời sống của nhân dân đương thời”. [1]

Lịch sử văn học Chosun xác nhận người đầu tiên nêu ra phong cách Chosun là Phác Chỉ Nguyên. Ông đã nêu điều đó trong bài Tựa viết cho tập thơ của Lee Deok – mu (Lý Đức Mậu) rằng: “Lý Đức Mậu là người Chosun. Sông núi nơi ông ấy sống khác với Trung Quốc, ngôn ngữ và lời ca không giống như Trung Quốc thì càng bắt chước, trình độ văn học càng thấp đi và nội dung chỉ toàn những điều giả dối. Người Trung Quốc nếu xem tập thơ này thì có thể biết được tên của các loài chim hoặc muông thú, cỏ cây của nước ta, có thể hiểu được lòng người Chosun. Đó chính là phong cách Chosun”. [2]

Nối tiếp Phác Chỉ Nguyên, Jeong Yak – yong (Đinh Nhược Dung) đã nêu tuyên ngôn không chỉ cho riêng mình mà còn được coi như đại diện của văn đàn Chosun: “Tôi là người Chosun nên tôi vui vẻ làm thơ của Chosun”. Ý nghĩa của tuyên ngôn trên cũng tương tự như suy nghĩ của Phác Chỉ Nguyên.

Về văn xuôi, sự thay đổi văn xuôi chữ Hán càng rõ rệt hơn. Các văn nhân phái Thực học nêu chủ trương đả phá hình thức cố định về mặt kết cấu và nhận thức đối tượng sáng tác theo cách mới, thể hiện một cách chân thật. Tác phẩm của họ viết gọi là tiểu phẩm. Đặc điểm là ngắn, sử dụng nhiều khẩu ngữ, nghệ thuật phong phú; Nội dung chú trọng tính chân thực, phản ánh hiện thực Chosun, không ngần ngại thể hiện tình cảm đời thường mang tính cá nhân mà trước đây bị nghiêm cấm. Tác gia tiêu biểu nhất cho thể văn tiểu phẩm chính là Phác Chỉ Nguyên. Ông viết nhiều tiểu phẩm (còn gọi là truyện ngắn), hiện còn lưu giữ được hơn 10 truyện, nổi bật là Lưỡng ban truyện, Hổ sất, Hứa sinh truyện, Quảng Văn truyện, Mẫn ông truyện, Kim thần tiên truyện. Ông phản đối chủ nghĩa hình thức, phản đối việc bắt chước thơ văn cổ điển Trung Quốc một cách mù quáng. Hơn nữa, mục đích sáng tác của ông thể hiện rõ là cần cải cách xã hội; chủ đề của các tác phẩm của ông luôn luôn là đời sống thực tại, một hiện thực đã đến thời kỳ cần có sự thay đổi, hướng tới một xã hội no ấm, công bằng và tôn trọng tự do cá nhân.

3. Một sự nghiệp văn chương rạng rỡ

Trước hết, Phác Chỉ Nguyên là nhà thơ. Đương thời, tài làm thơ của ông được nhiều sĩ đại phu ca ngợi, nể trọng. Bốn nhà thơ chữ Hán nổi tiếng Chosun bấy giờ là Lee Deok – mu (Lý Đức Mậu), Yu Deuk – Kung (Liễu Đắc Cung), Park ji – ka (Phác Tề Gia), Lee seo – ku (Lý Thư Cửu) rất ngưỡng mộ tài thơ của ông và tôn ông làm thầy. Ông sáng tác nhiều, đáng tiếc là tản mát cả, chỉ lưu giữ được 42 bài thơ, nổi tiếng nhất là những bài như Tùng Thạch đình quan nhật xuất, Điền gia, Độ Áp Lục giang hồi vọng Long Loan thành.

Không chỉ là nhà thơ, ông còn viết nhiều truyện ngắn và cống hiến chủ yếu của ông đối với văn học Chosun là truyện ngắn. Như trên vừa nêu, phong cách viết truyện ngắn theo tuyên ngôn Chosun đã được ông quán triệt và thể hiện rõ nét; Còn về mặt xây dựng nhân vật, đại thể phân thành 3 loại chính:

Một là những đối tượng cần vạch trần, là những hành vi phi đạo đức, trái nhân luân, giả dối, ngu dốt, ăn bám, đục khoét xã hội của các đối tượng đó. Ví dụ như nhân vật Yangban trong Lưỡng ban truyện, ông Quách trong Hổ sất, Lý tướng quân trong Hứa sinh truyện…

Hai là những đối tượng cần được nêu cao, những nhân vật có những đóng góp nhất định cho sự biến đổi của xã hội. Chẳng hạn như ông lão trong Uế đức tiên sinh truyện, Hứa sinh trong Hứa sinh truyện…

Ba là những đối tượng mà ông đồng cảm sâu sắc, những nhân vật có hoài bão, chí khí vì nước vì dân mà không thực hiện được, những con người do thân phận thấp kém mà chịu cảnh ngược đãi, xã hội vùi dập. Ví dụ như nhân vật Ngu Thường trong Ngu Thường truyện, nhân vật Quảng Văn trong Quảng Văn truyện, nhân vật Mẫn ông trong Mẫn ông truyện…

Như trên đã từng đề cập về tác phẩm Nhiệt Hà nhật ký (26 quyển), đây thực sự là một tác phẩm lớn mang tính chính trị và thời sự cao đối với xã hội Chosun đương thời. Song, xét về văn chương, đây cũng là một tác phẩm kỷ hành đặc sắc. Thể văn trong Nhiệt Hà nhật ký rất đa dạng, gồm cả chính luận, nhật ký, có cả truyện ngắn (Hổ sất), bình luận, kiến giải. Phạm vi nội dung rất rộng, gồm cả triết học, chính trị, kinh tế, giao thông, danh tích, địa lý, phong tục tập quán, thiên văn, cảnh sắc.

Tóm lại, Phác Chỉ Nguyên là con người có tài năng xuất chúng, học tập kinh sử tử tập nghiêm túc, nhưng, hoài bão của ông không phải là theo đòi khoa cử, nêu danh bảng vàng mà là theo đuổi một tư tưởng mới – tư tưởng Thực học và tư tưởng dân tộc. Tư tưởng đó được ông viết rõ trong các tác phẩm của mình với nhiều thể loại, thể tài văn học khác nhau. Tư tưởng tự tôn dân tộc, thoát khỏi sự ảnh hưởng nặng nề của văn chương Trung Quốc mà ông nêu ra và thực hiện tuy bị triều đình Chosun cản trở nhưng đã có tác động nhất định đối với giới trẻ và sĩ đại phu đương thời. Tư tưởng đó từ đầu thế kỷ XX đến nay luôn luôn phát huy được giá trị và tên tuổi ông được khắc ghi ở cả lịch sử và văn học Hàn Quốc. Ông được đánh giá là nhà thực học lớn, là đại văn hào của Chosun cuối thế kỷ XVIII.

TS. Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kim Seong Beom, Kim Sang Ho, Đào Vũ Vũ; Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc; NXB KHXH 2011.

2. Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006.

3. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khôi; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992.

4. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986.

5. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997.

 



[1] Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006;.tr.243.

[2] Sđd. Tr. 241 – 242.


Scroll To Top