Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG CẢI CÁCH KINH TẾ CHỦ YẾU CỦA TRIỂU TIÊN TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY (Phần 2)

Đăng ngày:

3. Những cải cách kinh tế chủ yếu của Triều Tiên trong thời gian gần đây

Cải cách tiền tệ

Trong năm 2009, Triều Tiên đã có những nỗ lực cải cách tiền tệ khi chính phủ thực hiện một cuộc đổi tiền lớn để hạn chế hoạt động của chợ đen trên khắp đất nước. Ngày 30/11/2009, Bình Nhưỡng bất ngờ thực hiện chính sách đổi tiền với tỉ giá 100 won tiền cũ đổi được 01 won tiền mới. Đây là lần đổi tiền thứ 5 ở nước này kể từ khi Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được thành lập vào năm 1948.[1] Chính phủ Triều đã giải thích, đó là phương án thu hồi tiền rải rác trong dân chúng, ngăn chặn lạm phát và nhằm nâng cao giá trị tiền tệ. Đa số các chuyên gia đều phân tích rằng, mục đích cải cách tiền tệ của Triều Tiên là thông qua việc giảm thiểu lượng tiền mặt mà người dân đang sở hữu trong tay để ngăn chặn lạm phát. Nhà nước thay đổi tiền mới bằng cách gạch bỏ 2 số "0" ở tờ tiền cũ (1000 won trở thành 10 won).[2] Đối với những người dân Triều Tiên chưa gửi tiền vào trong các ngân hàng quốc doanh, việc này có thể làm số tiền tiết kiệm của họ sẽ thu hẹp mất 1/100.[3]

Nhiều phân tích cho rằng, biện pháp này của Chính phủ Triều Tiên chủ yếu nhằm hai mục tiêu. Đầu tiên là tiêu diệt thị trường chợ đen. Thị trường chợ đen đóng vai trò chính ở Triều Tiên hiện nay. Hàng hoá lưu hành trên thị trường này chủ yếu là hàng nhập lậu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngay cả nông dân cũng nhờ thị trường chợ đen để tồn tại thay vì nhờ vào hệ thống cung cấp và phân phối của nhà nước. Than đá, dầu, máy móc, … là hàng cấm, nhưng có mặt đầy đủ trên thị trường chợ đen. Tiếp đến là kiểm soát tiền bạc trong nước, điều mà xưa nay nhà nước quản lý không được nhất là những người kinh doanh cất giấu một phần lớn của cải tiền mặt nhờ vào những công việc làm ăn có lợi nhuận khá tốt trên thị trường chợ đen. Số người này hình thành nên tầng lớp trung lưu ở Triều Tiên.[4]

Có lập luận cho rằng, do khoảng cách kinh tế giữa hai miền quá lớn, hơn nữa, lại rơi vào tình trạng chia cách, nếu áp dụng chính sách cải cách và mở cửa theo kiểu của Trung Quốc rất có thể sẽ có một kết quả giống như Đông Đức và tầng lớp thống trị của Triều Tiên sẽ không thể kiểm soát theo ý muốn nên họ đã tiến hành cải cách tiền tệ. Chính sách này đã giáng một đòn chí mạng cho không ít người kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ.

Hãng thông tấn Reuters đưa tin, việc Triều Tiên bất ngờ cải cách tiền tệ có thể thể hiện rằng, quốc gia này đã rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế u ám, nhưng lại muốn nhiều tiền mặt hơn rơi vào tay chính phủ. Đó cũng là một nỗ lực của giới lãnh đạo Triều Tiên nhằm tái khẳng định sự kiểm soát kinh tế mặc dù tình trạng lạm phát của Triều Tiên chưa đến mức nghiêm trọng cần phải thúc đẩy cải cách tiền tệ, tuy nhiên, họ vẫn thực hiện để nhắm vào thị trường chợ đen làm suy yếu sức mạnh của thị trường chợ đen mà trong 15 năm qua đã thách thức hệ thống quản lý kinh tế quốc gia, và các mục đích khác.[5]

Nhiều đánh giá cho rằng, cuộc cải cách này thất bại, gây ra lạm phát cao và cuối cùng dẫn đến việc dỡ bỏ lệnh cấm về thương mại trong thị trường tự do. Phía Hàn Quốc đánh giá Triều Tiên tiến hành cải cách tiền tệ nhằm kiềm chế giá cả và nâng cao đời sống cho người dân đã diễn ra 2 năm, nhưng kết quả lại không được như mong đợi khi giá gạo tăng mạnh và giá trị đồng tiền thì giảm nhanh chóng, và cuộc cải cách tiền tệ này của miền Bắc thất bại hoàn toàn sau 2 năm trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, một số chuyên gia Hàn Quốc cũng nhận định cải cách tiền tệ của Triều Tiên không hẳn đã thất bại toàn diện, một số các chuyên gia đánh giá rằng, Triều Tiên cũng đã gặt hái được hiệu quả nhất định trong việc hạn chế tầng lớp giàu có mới nổi đầu cơ tích trữ thông qua thị trường.[6] Các chuyên gia Nga cho rằng, việc cải cách tiền tệ cũng chưa thể giải quyết vấn đề kinh tế cho Triều Tiên, về góc độ kinh tế và góc độ xã hội cho thấy, biện pháp này sẽ không thu được kết quả tốt đẹp, về cơ bản cũng chưa thể trợ giúp để giải quyết vấn đề kinh tế.[7]

Năm 2010, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên đã quyết định thành lập Ngân hàng Phát triển Quốc gia, chọn tập đoàn đầu tư Triều Tiên Daepoong như cửa ngõ thu hút đầu tư quốc tế vào ngân hàng này. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng thành lập tập đoàn phát triển đầu tư Pyeonggon. Tập đoàn này có nhiệm vụ tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án xây dựng 100 nghìn căn hộ tại Bình Nhưỡng và thu hút đầu tư quốc tế vào các ngành nông nghiệp, chế tạo sản xuất và tài chính của Triều Tiên.

Triều Tiên đi theo mô hình cải cách kinh tế nào?

Năm 2011, sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền thay cha, một số nhà phân tích cho rằng, vị lãnh đạo mới sẽ dùng thời gian này để cố gắng thực hiện việc đưa Triều Tiên trở thành quốc gia "hùng mạnh và thịnh vượng" vào năm 2012. Nhiệm vụ đặt ra là hồi sinh một nền kinh tế có GDP bình quân theo đầu người 506 USD/năm so với 32.400 USD của Hàn Quốc và Triều Tiên không muốn từ bỏ hệ thống kinh tế kế hoạch, sự cô lập và trông chờ vào viện trợ đã làm các khó khăn tăng lên gấp bội.

Trước đây, Triều Tiên thường tập trung tất cả các nguồn tài nguyên và tiền bạc để xây dựng lực lượng quân đội. Gần đây, chiến lược mới mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra có sự khác biệt với chính sách cân bằng giữa kinh tế và quân đội mà Kim Nhật Thành đã thực thi trong những năm 1960 cũng như chính sách tiên quân chính trị kết hợp với phát triển lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nhẹ mà Kim Jong Il đã thực hiện trước đó.

Vào năm 2013, Thông điệp năm mới mà Kim Jong-un đưa ra là những tín hiệu về sự thay đổi cơ bản trong chính sách để Triều Tiên khởi động một tiến trình cải cách kinh tế. Trong thông điệp này, Kim Jong-un đã kêu gọi những nỗ lực toàn diện để đưa đất nước trở thành một người khổng lồ về kinh tế. Kim Jong-un đã tuyên bố rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của Triều Tiên là “xây dựng một nền kinh tế khổng lồ” hướng tới “tăng sản lượng nhanh chóng, ổn định và cải thiện điều kiện sống cho người dân”.[8] Nhiều dự báo cho thấy, đang có một kế hoạch tổng thể, trong đó Triều Tiên muốn nhanh chóng mở cửa nền kinh tế. Trước đó, Triều Tiên đã không ít lần phát đi những dấu hiệu cải cách nền kinh tế của nước này. Sau đó, trong một bài phát biểu, Kim Jong-un đã khẳng định quyết tâm sẽ không để người dân Triều Tiên phải thắt lưng buộc bụng thêm nữa[9] và Bình Nhưỡng tuyên bố thực hiện song song hai chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế và xây dựng năng lượng hạt nhân. Song song với các biện pháp cải cách nông nghiệp, Triều Tiên cũng đang tiến hành các biện pháp cải cách tiền lương, theo đó, các doanh nghiệp được phép dùng một phần thu nhập của mình để trả thêm lương, thưởng cho công nhân. Tuy nhiên, các phương pháp quản lý kinh tế mới không phải là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang áp dụng hệ thống kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa.

Việc nhà cải cách kinh tế Pak Pong-ju tái đắc cử chức Thủ tướng Chính phủ vào ngày 09/04/2014 đã cho thấy rõ mục tiêu khôi phục và phát triển nền kinh tế Triều Tiên. Ông Pak được biết đến như một người từng nỗ lực đưa ra các cải cách kinh tế ở Triều Tiên. Trong nhiệm kỳ Thủ tướng trước (2003-2007), là một nhà kỹ trị kỳ cựu, ông Pak Pong-ju từng dẫn dắt công cuộc cải cách kinh tế ở Triều Tiên nhưng không mấy thành công. Ông Pak Pong-Ju ủng hộ các biện pháp như tăng lương, cởi mở hơn với các hoạt động thị trường, tăng cường khuyến khích nông dân sản xuất,… tuy nhiên, các chính sách này nhanh chóng bị đảo ngược sau khi bị chỉ trích là tư bản thái quá. Những nỗ lực này đã vấp phải sự phản đối từ phía Đảng Lao động cầm quyền và quân đội Triều Tiên, rút cục khiến ông mất chức Thủ tướng.[10]

Tân thủ tướng Triều Tiên đã tập trung vào kinh tế, ông tham dự nhiều hơn các hoạt động kinh tế và ban hành các chính sách cụ thể, nhấn mạnh cần phải có các chiến lược quản lý mới để theo kịp sự phát triển trong thế kỷ mới, kêu gọi vạch ra các kế hoạch điều hành và tuyển dụng chi tiết cũng như thảo luận việc áp dụng công nghệ vào đồng áng để tăng sản lượng nông nghiệp. Điều này đang từ từ đặt nền móng cho một chương trình cải cách kinh tế kiểu mới.

Từ bên ngoài, nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ tốt hơn nếu Triều Tiên học tập mô hình của Việt Nam. Triều Tiên sẽ bắt đầu những thay đổi và vấn đề chính đối với Triều Tiên là mối quan hệ giữa mở cửa và kiểm soát. Điều khiến mô hình cải cách của Việt Nam hấp dẫn đối với Triều Tiên là Việt Nam đã thực hiện một chính sách kinh tế và làm ăn với những quốc gia mà Việt Nam hoàn toàn kiểm soát được tình hình. Thực tế, Bình Nhưỡng không muốn sao chép mô hình của Trung Quốc mà quan tâm đến mô hình của Việt Nam, trong đó, bước đi đầu tiên là chuẩn bị mở cửa nền kinh tế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Triều Tiên đã nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia kinh tế và luật gia Đức để đặt nền móng cho bước đi này. Triều Tiên trước hết quan tâm tới việc ban hành luật mới liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài nhưng không muốn sao chép mô hình Trung Quốc, trong đó, kêu gọi thiết lập đặc khu kinh tế cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Khu công nghiệp Kaesong ở biên giới với Hàn Quốc là một mô hình thử nghiệm kinh tế mới của Triều Tiên. Kaesong đã tạo nhiều công ăn việc làm cũng như ngoại tệ cho Bình Nhưỡng, nhưng hoạt động của khu công nghiệp này cũng thường bị ảnh hưởng bởi những nóng lạnh trong mối quan hệ Hàn - Triều. Một mô hình mở cửa kinh tế khác của Tiều Tiên được thực hiện ở một thành phố biên giới với Trung Quốc ở phía Đông Bắc, đó là khu kinh tế thương mại tự do Rason.

Cũng trong năm 2013, Triều Tiên cũng từng thực hiện việc cải cách mô hình kinh tế, theo đó, chính quyền Bình Nhưỡng cho phép người dân tự điều hành các nhà máy hay công ty cũng như tự ấn định giá sản phẩm. Tuy vậy, vẫn như trước đây, nhà nước có toàn quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm lãnh đạo của xí nghiệp nhưng không cho mở các doanh nghiệp tư nhân, và đây được cho là các biện pháp mới nhằm chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường. Những cải cách này cũng sẽ được thực hiện cả trong nông nghiệp. Nông dân sẽ được hưởng 30% sản phẩm mà họ làm ra mà trước đó nhà nước thu toàn bộ sản phẩm. Đến nay, người dân Triều Tiên có thể sở hữu tài sản dư thừa vượt mức quy định của nhà nước. Những cải cách này được đưa ra trong nước như một kế hoạch riêng của nhà nước xã hội chủ nghĩa chứ không phải do ảnh hưởng bên ngoài.[11]

Với những thay đổi về chính sách tiền lương và nông nghiệp, các doanh nghiệp ở Triều Tiên đã được phép sử dụng một phần nguồn thu để trả thêm lương cho công nhân mà trước đây các khoản lương ở Triều Tiên đều do nhà nước quy định. Triều Tiên cũng đưa ra chính sách mới cho phép các nhà quản lý nông trại nhiều quyền lực hơn trong các quyết định quản lý và cho phép nông dân giữ lại nông sản thừa để mua bán hoặc trao đổi thay vì nộp lại tất cả cho nhà nước.

Theo một số nhà phân tích, với những thay đổi về chính sách này, Triều Tiên có thể đang bắt đầu đi theo con đường của Trung Quốc và tiến hành thử nghiệm nền kinh tế thị trường. Ông Felix Abt (một doanh nhân người Thụy Sĩ Felix Abt từng sống ở miền Bắc Triều Tiên 7 năm, từ năm 2002 đến 2009. Ông từng giữ chức giám đốc chi nhánh Triều Tiên của Tập đoàn điện lực và tự động hóa ABB của Thụy Sĩ và thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu, trên thực tế là Phòng Thương mại Châu Âu ở Bình Nhưỡng) cho biết, ông thấy có dấu hiệu rõ ràng về việc Triều Tiên theo đuổi phát triển kinh tế và cải cách, theo mô hình của Trung Quốc: tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn duy trì hệ thống chính trị hiện hành. “Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un sẽ cố gắng tăng cường các lĩnh vực dân sự và thâu tóm một số quyền lực từ quân đội để chuẩn bị cho những cải cách có thể. Hiện đã có những thay đổi trong ban lãnh đạo Triều Tiên, với nhiều quan chức dân sự  hơn, với việc đề bạt nhiều quan chức quân sự ủng hộ cải cách và nhiều doanh nghiệp đã chuyển từ tay quân đội sang dân sự. Đây là những dấu hiệu đầu tiên hướng tới cải cách”.[12]

TS. Võ Hải Thanh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. http://dantri.com.vn/kinh-doanh/kinh-te-trieu-tien-1-nam-duoi-thoi-kim-ong-un-677594.htm

2. http://kienthuc.net.vn/nong-sau/trieu-tien-cai-cach-theo-mo-hinh-trung-quoc-237630.html

3. http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/Trieu-Tien-cai-cach-nong-nghiep/70454.vtv

4. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_koreatoday_detail.htm?No=33460

5. http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/kim-jong-un-se-cai-cach-kinh-te-2237369.html

6. http://vneconomy.vn/20130502111728537P0C99/con-duong-kinh-te-mo-mit-cua-trieu-tien.htm

7. http://vneconomy.vn/20091201035733488P0C99/trieu-tien-doi-tien.htm Theo AP, Reuters, Yonhap

8. http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=153041

9. http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=154210

10. http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=152708


 


Scroll To Top