Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


THỰC HỌC TRỖI DẬY VÀ TÂY HỌC DẦN TIẾN SANG PHƯƠNG ĐÔNG (Phần 2)

Đăng ngày:

Tây học truyền vào ChoSun nghe nói là từ khi xảy ra Nhâm Thìn Oa loạn. Trong đội quân của một tướng chỉ huy người Oa (Nhật Bản) tên là Tiểu Tây Hành Trưởng có một người truyền giáo tên là Mesi – Pester. Trên thực tế, người này tuy đã tới ChoSun nhưng chưa có hoạt động truyền giáo. Tôn giáo phương Tây truyền vào ChoSun là thông qua Trung Quốc.

Vào khoảng năm 1582, giáo sĩ đạo Giato người Ý tên là Matteo Rieci đã đến Ma Cao, năm 1601 đến Bắc Kinh tiếp kiến Minh triều Hoàng Đế Thần Tông rồi sau đó chính thức bắt tay vào việc truyền giáo. Matteo Ricci tinh thông thiên văn, lịch pháp, cùng với việc tuyên truyền giáo lý Giato, ông đã dịch những cuốn sách giáo khoa quan trọng như Càn khôn thể nghĩa, Kỷ hà nguyên bản, Trắc lượng pháp nghĩa mở ra kỷ nguyên mới cho văn minh phương Tây dần tiến sang phương Đông. Nghe nói, ông ta lưu trú ở Trung Quốc 27 năm, lập ra 300 tổ chức giáo hội. Từ đó về sau, một số giáo sĩ lục tục đến Trung Quốc truyền bá Công giáo, đồng thời cũng ra sức truyền bá văn hóa phương Tây. Họ không những truyền bá tri thức tiên tiến như Toán học, cơ khí học cho nhân sĩ ham hiểu biết người Trung Quốc mà còn mang tới phương Đông những sản phẩm do phương Tây chế tạo như kính viễn vọng, đồng hồ treo tường, đồng hồ báo thức, súng đạn phương Tây, máy móc quan sát trái đất, đàn phong cầm…

ChoSun có biên giới liền với Trung Quốc, hơn nữa, hàng năm đều cử sứ thần sang Bắc Kinh vào dịp Đông Chí, cho nên, những chuyện xảy ra ở Trung Quốc lập tức truyền đến tai người ChoSun. Bấy giờ, trong đoàn sứ giả, ngoài Chánh Phó sứ ra, còn có rất nhiều người đi theo, đặc biệt là có nhiều tài năng trẻ tuổi lại có nhuệ khí cùng đi nhằm trực tiếp tìm hiểu chế độ văn vật và động thái văn hóa của Trung Quốc. Những người này sau khi tới Bắc Kinh, ngoài giải quyết công vụ ra, công việc chủ yếu là gặp gỡ các học giả Trung Quốc và thảo luận bằng bút đàm. Như vậy, học phong mới của Trung Quốc lập tức được họ học tập. Thế là bất kỳ những động thái mới nào xuất hiện trong giới học thuật Trung Quốc đều lập tức truyền về ChoSun. Các học giả trong nước của ChoSun rất hoan nghênh đón nhận những tri thức mới đó. Thực học như đã đề cập tới ở trên cũng thông qua phương pháp này mà truyền vào ChoSun, nhận được sự chào đón của học giả ChoSun và họ đã đi sâu nghiên cứu vấn đề này.

Đương thời, các sứ thần được triều đình ChoSun cử đi Bắc Kinh không chỉ coi chuyện tiếp xúc giao lưu với học giả Trung Quốc là chuyện vui lớn mà họ còn coi việc tận mắt thấy phong tục cảnh vật lạ là chuyện vui không thể thiếu. Bấy giờ, các nhà thờ thiên chúa trong thành phố Bắc Kinh cao lớn sừng sững đã thu hút tính hiếu kỳ của người ChoSun đối với những kiến trúc kỳ lạ đó. Trong số những sứ thần đó, có người quyết tâm phải được vào bên trong xem những bích họa và tượng chúa, thậm chí còn muốn bút đàm với giáo sĩ phương Tây. Bởi lẽ, sau khi trở về nước, điều đó sẽ trở thành những điều mắt thấy tai nghe để họ thuật lại về chuyến đi. Thực tế cho thấy, bấy giờ còn có một số người mang một số thư tịch của Thiên chúa giáo về nước.

Thiên chúa giáo truyền vào ChoSun, thoạt đầu thuần túy là do tính hiếu kỳ của người ChoSun, hoặc là người ChoSun xem nó là một loại học phái. Nhưng, sau đó nó dần dần trở thành một tôn giáo chính thống, trở thành tín ngưỡng trong lòng người ChoSun.

Năm 1783, tức năm thứ 7 đời vua Chính Tổ, ChoSun cử sứ thần sang Bắc Kinh vào dịp Đông chí, con của Thư trạng quan Lý Đông Úc là Lý Thừa Huân theo cha đến Trung Quốc trước, được một giáo sĩ là Alexsang – DuCo làm lễ rửa tội cho và đã trở thành tín đồ Thiên chúa giáo. Lý Thừa Huân trở về nước, có mang theo nhiều thư tịch tôn giáo, tượng chúa và thánh giá. Sau khi trở về nước, ông ta lập tức truyền giáo cho vợ là Lý Gia Hoán cùng những người anh em thân thiết với mình như Đinh Nhược Chung, Đinh Nhược Dung. Thế là, Thiên chúa giáo trở thành một loại tôn giáo mới dần dần được truyền bá ở ChoSun.

Tuy nhiên, Thiên chúa giáo lan truyền sang phương Đông và mở rộng không đơn thuần là chỉ truyền bá tôn giáo, cũng giống như nó được truyền bá ở Trung Quốc, cùng với sự truyền bá ở ChoSun, nó còn có cả văn minh khoa học của phương Tây. Thông qua sứ thần ChoSun sang Bắc Kinh tiếp xúc với Thiên chúa giáo, người ChoSun đã tiếp xúc với văn minh phương Tây, học tập được toán học mới, cũng nghe được chuyện trái đất hình tròn và chuyển động. Đối với những chuyện như vậy, trong ký lục của nhiều sứ thần đều có ghi chép. Trong bài Hồng Đức Bảo mộ chí minh (Bài minh ghi trên mộ của Hồng Đức Bảo), Yến Nham viết:

Đức Bảo thông tuệ, nhạy bén, khiêm nhường, nhã nhặn, rất có sở trường về luật và lịch số. Trước khi làm các máy quan trắc, đều suy nghĩ kỹ lưỡng, có những sáng tạo và sự thể hiện trí tuệ trong các máy móc. Thoạt đầu, người phương Tây nói về trái đất mà không nói trái đất chuyển động, Đức Bảo đã từng nêu trái đất chuyển động một vòng tức là một ngày. Lời nói đó của ông rất đúng và tuyệt diệu, song chưa kịp ghi vào sách, đến cuối đời càng tự tin khẳng định trái đất chuyển động.

Từ đó có thể thấy, đương thời, các học giả phái Thực học như Hồng Đại Dung tuy chưa tin Thiên chúa giáo nhưng lại có sự lý giải sâu sắc đối với khoa học phương Tây. Nếu như gọi chung cả Thiên chúa giáo và khoa học phương Tây là Tây học, vậy thì việc Tây học truyền sang phương Đông mang đến cho ChoSun một sự đột phá vô cùng lớn.

Trước hết, điều khiến người ChoSun bấy giờ kinh ngạc là họ qua đó thấy được một thế giới mới gọi là Tây dương. Khi họ tiếp xúc với một hệ thống tư tưởng và học vấn hoàn toàn mới thì tầm nhìn rộng mở, họ nhận thức được rằng, không gian mà họ từng trú ngụ trước đây là vô cùng chật hẹp. Đặc biệt là tri thức khoa học mới đó đã khiến họ hoài nghi học vấn duy tâm trước đây, không thể không xem xét lại một cách khách quan đối với học vấn đó.

Có lẽ là Thực học khiến họ dễ dàng hơn trong việc lý giải Tây học. Có lẽ là Tây học có sự trợ giúp cho Thực học trỗi dậy. Cho dù trong quan hệ nhân quả đó nhất thời khó có thể phán đoán nhưng đúng là Thực học lý giải được sự tương hỗ giữa hai yếu tố, hơn nữa, giữa chúng vô hình trung đã đồng đạo, có sự hỗ trợ lẫn nhau, điều đó không thể nghi ngờ.

Học giả Thực học như Trà Sơn Đinh Nhược Dung tiếp nhận giáo lý của Thiên chúa giáo, sự thực đó đã nêu rõ nhiều điều đối với chúng ta. Thực học và Tây học cùng dắt tay nhau đến ChoSun và cùng nhau phát triển.

Thực học và Tây học đã trỗi dậy trong khi phản kháng đạo học, do đó, ý nghĩa của nó là ở chỗ lấy hiện thực làm cơ sở để giải quyết vấn đề đời sống hiện thực. Con người không vì quá khứ mà sống, cũng không sống ở tương lai. Con người sống ở hiện tại, vĩnh viễn không tách rời hiện thực, cho nên, cuộc sống vĩ đại nhất là trung thực với hiện thực, giải quyết một cách thành công vấn đề hiện thực. Chỉ có học vấn phục vụ cho mục đích đó mới là học vấn có giá trị nhất. Bởi vậy, Thực học và Tây học là học vấn quý báu nhất thời đại đó, sự trỗi dậy của học phái này nhất định sẽ dẫn đến một sự thay đổi lớn trong xã hội ChoSun.

Tôi cho rằng, đối với ChoSun mà nói, nó từng có hai lần thay đổi lớn, một lần là sự trỗi dậy của đạo học vào thời sơ kỳ ChoSun, một lần nữa chính là sự mở đầu và trỗi dậy của Thực học và Tây học. Sự trỗi dậy của Thực học và Tây học bất luận là xét về mặt tư tưởng hay xã hội thì đều là một sự kiện cực kỳ quan trọng. Nó khiến cho ChoSun giành được một cơ hội phản tỉnh toàn diện đối với văn hóa truyền thống trước đây. Thêm nữa, thậm chí không chỉ là sự phản tỉnh đối với quá khứ mà còn đứng trên một lập trường hoàn toàn khác với quá khứ để khảo sát và giải quyết mọi vấn đề mà xã hội bấy giờ đang phải đối mặt. Hiện tại, cơ hội như vậy đã tới.

Người dịch: Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc.

Nguồn: Văn học sử Hàn Quốc, Nxb Văn hiến KHXH Trung Quốc năm 1998 (tr.294-303); Tác giả (Hàn Quốc): Triệu Nhuận Tế; Dịch giả Trung Văn: Trương Liên Khôi (Trung Quốc)


Scroll To Top