Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VỀ TIẾN TRÌNH CẢI CÁCH KINH TẾ CỦA CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN (Phần 2)

Đăng ngày:

3. Vấn đề mở cửa và tiến trình cải cách tiếp theo dưới thời Kim Jong-un

Người ta đã biết tới nền kinh tế Trung Quốc đã và đang tăng trưởng nhanh chóng từ khi thực hiện các chương trình cải cách kinh tế bắt đầu từ năm 1978. Việt Nam cũng đã xuất hiện với một sự thành công trong các nỗ lực kinh tế nổi bật của mình. Việc đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng như vậy liệu có khiến CHDCNDTT sẽ mạnh dạn theo sau các bước đi giống như của Trung Quốc và Việt Nam hay không? Trả lời một cách đầy đủ câu hỏi trên cần phải có thời gian khảo sát thêm thực tế phát triển ở CHDCNDTT.

Tuy nhiên, nhìn lại những gì trong thời qua thấy rằng CHDCNDTT đã có một loạt các động thái ban đầu hướng tới cải cách kinh tế. Trong số những dấu hiệu đầu tiên của cải cách là việc ra đời bộ luật về Liên doanh năm 1984 và việc xây dựng đặc khu kinh tế Rajin-Sonbong vào năm 1991. Vào năm 1998, CHDCNDTT đã sửa đổi hiến pháp của mình để dành thêm một chút ít khoảng trống cho các doanh nghiệp tư nhân và đã sử dụng tới thuật ngữ giá cả và lợi nhuận trong quan hệ kinh doanh. Các thị trường hàng hoá nông phẩm ở nông thôn đã được mở rộng và cũng đã có các hoạt động mậu dịch qua biên giới của tư thương với Trung Quốc.

Rõ ràng, CHDCNDTT không loan báo một cách chính thức về chương trình hay công cuộc cải cách như ở Trung Quốc hay Việt Nam. Song trên thực tế, tháng 7 năm 2002, CHDCNDTT đã ban hành một loạt các biện pháp cải cách kinh tế nhằm “nâng cao mức sống của nhân dân dựa trên nền tảng của một chính sách kinh tế mới” [1]. Những thay đổi quan trọng mang tính cơ cấu đối với nền kinh tế bao gồm việc tăng giá cả các mặt hàng và tăng tiền lương, chuyển dịch hệ thống phân phối thống qua chế độ PDS [2] tới một hệ thống phân phối được tiền tệ hoá, sự chuyển giao quyền lực của cơ quan quản lý trong nông nghiệp và công nghiệp, và thúc đẩy những luồng thu hút đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, những cải cách chỉ mang lại chút ít tiến bộ ngoài trừ một hiện tượng lạm phát phi mã đã xẩy ra[3].

Vì vậy, quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu về kinh tế CHDCNDTT cho rằng nếu chỉ có cải cách kinh tế ở một mức độ giới hạn thì không đủ để làm sống lại nền kinh tế của đất nước này. CHDCNDTT hiện thời cần một khối lượng vốn rất lớn để khôi phục lại hoạt động sản xuất nông nghiệp có một năng suất cao hơn, để nâng cao khả năng cung cấp năng lượng, để tái thiết lại hạ tầng cơ sở, và để nhập khẩu công nghệ hiện đại cho sản xuất công nghiệp. Nhưng các kênh có thể tìm thấy các nguồn lực đầu tư thì rất ít. Một điểm nữa cần lưu ý là những triển vọng tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như là Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu á (ADB) thì rất mờ nhạt cho tới khi những vấn đề hạt nhân của đất nước này được giải quyết hoàn toàn. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo CHDCNDTT vẫn hi vọng có thể tìm thấy một nguồn tài chính tiềm năng từ các khoản tiền bồi thường chiến tranh của Nhật Bản. Khoản tài chính này đã được chính phủ Nhật Bản nhiều lần đánh tiếng sẽ bồi thường cho CHDCNDTT về những thiệt hại mà quân đội Nhật gây ra trong thời kỳ họ chiếm đóng trên bán đảo Triều Tiền nửa đầu thế kỷ XX. Đổi lại là một số thoả thuận ngoại giao giữa hai nước phải được giải quyết. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại về bình thường hoá quan hệ giữa Nhật Bản và CHDCNDTT trong những năm gần đây lại rơi vào bế tắc vì các vấn đề an ninh bao gồm sự phát triển tên lửa, hạt nhân và bắt cóc các công dân Nhật do CHDCNDTT gây ra. Cuối cùng, một nguồn ngoại tệ khác mà CHDCNDTT cũng có thể tìm kiếm là xuất khẩu công nghệ tên lửa. Song Mỹ, Nhật Bản và các nước khác đang thực hiện ngăn chặn hoạt động xuất khẩu như vậy.

Điều hiển nhiên là cho tới khi những thoả thuận quốc tế thông qua đàm phán sáu bên hoàn toàn đạt được với những bằng chứng rõ ràng và được các bên xác nhận thì những trở ngại hỗ trợ xuất khẩu và thu hút đầu tư từ bên ngoài đối với kinh tế CHDCNDTT mới có thể được tháo gỡ một phần.

Tuy nhiên, theo một số ý kiến lạc quan cho rằng, CHDCNDTT dưới thời Kim Jong-Un đã không ngồi đợi chờ như vậy. Họ đang cố gắng giải quyết vấn đề thiếu vốn đầu tư bằng việc tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn cho dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và bằng lôi kéo nguồn vốn và công nghệ của Hàn quốc. Vì CHDCNDTT hiểu rằng việc Hàn quốc đang đầu tư vào CHDCNDTT cũng một phần là vì lý do kinh tế và một phần khác là lý do an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Nhớ lại rằng, bộ luật Liên doanh năm 1984 ra đời nhưng kết quả gặt hái hầu như không có. CHDCNDTT thất bại trong thu hút FDI, trừ có một số ít kiều dân Triều Tiên sống ở Nhật Bản từ sau năm 1945 tỏ ý quan tâm. Đến năm 1991, trong sự liên kết với Chương trình phát triển khu vực sông Tumen do UNDP đỡ đầu, CHDCNDTT lần đầu tiên xây dựng đặc khu kinh tế (SEZ) có tên Rajin-Sonbong. Bất chấp việc công bố Luật đầu tư nước ngoài mới vào năm 1992, không có nhiều nhà kinh doanh nào đến làm ăn ở Rajin-Sonbong có lẽ vì sự cách trở về địa lý, nghèo nàn về hạ tầng và những rủi ro có thể dự đoán trước. Theo thống kê của cơ quan KOTRA (2003) cho biết, đến năm 1999 mới chỉ có 35 công ty từ các nước Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, úc và Singapore tiến hành các dự án đầu tư với giá trị 120 triệu USD. Mặc dầu về lý thuyết đặc khu kinh tế thương mại Rajin-Sonbong tuy là một vùng đất hẻo lánh, song dường như nó sẽ có một tiềm năng phát triển. Rajin có thể là cảng trung truyển vận tải cho giao thương của Nga với các nước Đông Nam Á vì nó có tuyến đường sắt nối với hệ thống đường sắt của Nga qua sông Tumen. Mặt khác, gần cạnh đó là khu vực Chungjin có vai trò đồng hành với Rajin trong vận tải hàng hoá giao thương của Trung Quốc. Năm 2002, CHDCNDTT đã loan báo thành lập tiếp 3 đặc khu kinh tế mới là Shinuiju, núi Kumgang, và Kaesong. Trước hết, việc xây dựng Khu vực hành chính đặc biệt Shinuiji (SAR) được cho là hoàn toàn nằm ngoài cơ cấu hành chính thông thường của CHDCNDTT. Tuy nhiên, vì các vướng mắc nhân sự liên quan tới người đứng đầu đặc khu hành chính và chính quyền Trung Quốc nên kế hoạch này bị dở dang. Đối với khu du lịch núi Kumgang và khu công viên công nghiệp Kaesong hoàn thành và đi vào hoạt động được nhiều năm. Song, những trở ngại không thể lường trước bởi những nhân tố chính trị và ngoại giao luôn thay đổi trong quan hệ 2 miền. Về mặt nguyên tắc, khu công viên công nghiệp Kaesong đang mang tới ngành công nghiệp nhẹ định hướng xuất khẩu cho CHDCNDTT và mang tới những lợi ích kinh tế cho cả hai miền Triều Tiên. Nhưng thực tế lại khác, hai khu vực này được coi như là con tin chính trị của chính phủ Kim Jong-un. Còn nhiều vấn đề vẫn chưa thể được giải quyết ở quá khứ cũng như thời điểm hiện tại, ví dụ như thoả thuận mở con đường đi ngang qua khu vực phi quân sự nối hai miền Triều Tiên hay sự căng thẳng mới gia tăng giữa hai miền về những tuyên bố cứng rắn và đầy thách thức của các nhà lãnh đạo cấp cao ở cả hai phía, v.v..

Mặc dù hiện nay (2014)  bên cạnh việc từng bước thực hiện chậm chạp cải cách chế độ sản xuất trong nông nghiệp và phân phối sản phẩm, chính phủ của ông Kim Jong-un cho thấy quyết tâm sẽ phát triển thành công 13 khu công nghiệp trên cả nước như là hướng mới trong cải cách cấu trúc công nghiệp, và cũng được hiểu như là một bước đẩy mạnh hơn sự cải cách nền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, thực tế giải quyết những vấn đề hóc búa nêu trên tiếp tục là những trở ngại khó vượt qua trước khi chúng có thể hỗ trợ cho tiến trình cải cách kinh tế được đẩy mạnh hơn nữa ở CHDCNDTT.

 

PGS.TS. Phạm Quí Long

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. The Bank of Korea.2000; 2003. Data on the North Korean Economy, Seoul; also available from  http://www.bok.org.kr
  2. Economist Intelligence Unit (EIU). 1977. Quarterly Economic Report: China and North Korea, Annual Supplement, London
  3. Economist Intelligence Unit (EIU). 1993. Country Profile 1993/94 North Korea, South Korea, London
  4. Economist Intelligence Unit (EIU). 2003. Quarterly Economic Report: North Korea, South Korea, various issues, London
  5. Enery Information Administration (EIA). 2002. North Korea, Country Analysis Brief, US Department of Energy; (http://www.eia.doe.gov/emeu/cabs/nkorea.html
  6. Food and Agriculture Organization (FAO). 2003. Online FAOSTAT database;  http://apps.fao.org
  7. Korea Development Institute (KDI). 1996. Economic indicators of North Korea; Seoul
  8. Korea Trade-Investment Promotion Agency (KOTRA). 2003. Digital KOTRA NK;  http://www.kotra.or.kr
  9. Ministry of Unification (MOU). 2003. North-South Trade and cooperation in 2003, Government of Korea, Seoul; also available from http://www.unikorea.go.kr

 

 



[1] Nguồn: theo báo  The People’s Korea; August 17, 2002

[2] PDS là hệ thống phân phối theo chế độ bao cấp về nhu yếu phẩm cho người dân

[3] Việc tăng rõ rệt về mức lương và giá cả bao gồm giá lương thực dã tăng từ 0,08 Won lên 44 Won, mức lương cơ bản từ 110 Won lên 2000 Won, và tỷ giá ngoại hối tăng từ 2,19 Won/ 1USD lên 150Won/1USD


Scroll To Top