Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KÝ ỨC VỀ VĨ TUYẾN 38

Đăng ngày:

1. Đặt vấn đề:

Do số gặp may không chỉ một lần, cho nên tôi đuợc tiếp xúc trực tiếp với phong tục tập quán của một vài dân tộc trên thế giới. Nhưng các ký ức ấy, rồi nó cũng chìm nghỉm trong cuộc vật lộn mưu sinh triền miên.

Nhưng rất lạ, mỗi lần đi qua vĩ tuyến 17 (tôi không nhớ mình đã qua bao nhiêu lần rồi), thì tự nhiên bất giác ký ức về văn hoá của hai dân tộc khác lại hiện về mồn một trong ký ức của tôi. Nó ám ảnh da diết khôn nguôi. Lẩn thẩn quá chăng!

Đó là ký ức về đôi chuyến đi thăm vĩ tuyến 38 chia cắt hai miền Nam – Bắc Hàn, đó là ký ức về chuyến đi thăm biên giới tạm thời Đông và Tây Đức và thăm bức tường Berlin ngăn cách Đông và Tây Berlin.

Tôi lan man nghĩ về số phận éo le bị tạm thời chia cắt của nền văn hoá của các dân tộc này.

Trong bài này tôi muốn ghi lại cảm xúc của tôi về chuyến thăm vĩ tuyến 38 và để tự giải toả những băn khoăn thường nhật của cá nhân mình.

2. Đến Vĩ Tuyến 38:

Vì đến Hàn Quốc đôi lần, nào thăm tháp truyền hình, nào thăm quê tổng thống Pak Chung Hi, Phật Quốc Tự, làng cổ, kinh đô cổ, cảng Pu San... Nhưng sự tò mò nhất của tôi vẫn là đi thăm vĩ tuyến 38.

Xe đưa đến bãi đậu cách Khu phi quân sự một đoạn xa, thì xuống xe tư nhân, tất cả khách du lịch phải lên xe to của Khu Du lịch đặc biệt này trên 50 chỗ ngồi để đưa lên khu vực du lịch giáp giới với Bắc Hàn.

Trên ngọn đồi khu vực du lịch có chiếc ống nhòm to, khách du lịch bỏ tiền xu vào có thể nhòm sang phía Bắc Hàn. Do thị lực kém nên tôi cũng chỉ nhìn thấy những khoảng xanh đen mênh mông. Và cũng ở đó có thể nghe thấy tiếng loa từ phía Bắc vọng sang. Chắc là nói xấu Hàn Quốc! Tôi đoán mò thế! Tế nhị, tôi cũng không hỏi hướng dẫn viên du lịch.

Điều thú vị với tôi là khu du lịch này giành hẳn một phòng trưng bày giới thiệu những số liệu và hình ảnh về Bắc Hàn. Khách chen chúc vào xem. Trong phòng có chiếc ảnh to cao đến hơn 2 mét Kim Nhật Thành đang chỉ tay về phía trước Thiên lý mã. Tôi quan sát thấy khách du lịch nào cũng đứng trước bức ảnh này chụp chung với Kim Nhật Thành. Tôi tò mò hỏi người hướng dẫn du lịch:

- Tại sao ai cũng thích chụp ảnh này?

- Vì trên 6% người Hàn Quốc sau năm 1953 chạy từ miền Bắc xuống. Nhiều người thân của họ nay vẫn còn ở lại phía Bắc.

- Có lẽ là vậy.

Tôi như chợt hiểu, có lẽ nó cũng tương tự như cảnh dân miền Bắc của nước ta lũ lượt di cư năm 1954 vào Nam. Ta thì đã đoàn viên, còn họ phải lên đây để hướng về phương Bắc cho nguôi ngoai nỗi nhớ nhà!

Hôm ấy là ngày Chủ Nhật, là ngày nghỉ lên bãi xe con, tôi nhìn thấy mênh mông xe bốn chỗ cá nhân. Tôi thấy cảnh các cụ già tóc bạc lưng còng con cháu dìu từng bước chậm chạm cũng vào phòng Bắc Hàn! Khuôn mặt cụ già đã đan chi chít nếp nhăn nheo! Tôi nghĩ không biết bao giờ những cụ già này mới trở về được nơi chôn nhau cắt rốn của mình?

Trong phòng này như một bảo tàng thu nhỏ về Bắc Hàn, nhưng có một tủ kính rất nhỏ có trưng bày một tờ giấy với kiểu đánh máy chia nhiều cột và dòng, nếu ai vô tình rất dễ bỏ qua. Người hướng dẫn viên chụp cho tôi kiểu ảnh cùng Kim Nhật Thành, rồi kéo tay tôi chỉ vào tờ giấy nhiều cột kèo này. Vì để phục vụ khách du lịch nên có hai dòng chữ, bằng tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh.

Tôi lấy máy ảnh chụp lại, và xem lại, ghi vào sổ tay, đại loại trình bày chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của hai miền, ví dụ GDP theo đầu người, nào điện theo đầu người, lương thực theo đầu người, kim ngạch xuất khẩu theo đầu người.v.v... Người hướng dẫn du lịch thấy tôi ghi ghi chép chép thì vui vẻ lắm. Và nói với tôi :

- Anh là người Việt Nam, nhưng là người Bắc hay người Nam?

- Nước tôi 1975 đã thống nhất rồi, không còn phân biệt Bắc Nam nữa? Tôi trả lời theo cảm xúc mãnh liệt khó tả chưa từng có trong đời tôi vào lúc đó của tôi, vì bị đám người bản địa xô đẩy chen chúc đen đặc quanh bức ảnh Kim Nhật Thành. Cảm xúc này cũng trào dâng mỗi khi xem DW.TV của Đức mà nhìn thấy bức tường Berlin sụp đổ.

Tôi nhớ lâu vĩ tuyến 38 còn bởi buổi tối hôm đó, tôi được ăn bữa tối với một thực đơn đặc biệt. Bữa ăn đặc biệt bởi đều là nguời có thể chia sẻ tâm trạng với nhau, người ở vĩ tuyến 17 và người ở vĩ tuyến 38. Và chúng tôi hôm đó đã ăn hoàn toàn món ăn truyền thống 100% công nghệ nấu của Bắc Hàn.

- Tại sao tối này lại chọn thực đơn Bắc Hàn? Tôi nhẹ nhàng hỏi?

- Vì vợ tôi là gốc Bắc, biết các bạn du lịch Việt nam, nên vợ tôi khuyên nên chọn món Bắc cho các bạn!

- À ra thế !

Nhưng nhìn nét mặt các bạn Hàn Quốc thấy buồn buồn, tôi nhủ thầm :

Cùng trong một tiếng tơ đồng

Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm (Kiều).

Các bạn Hàn Quốc không dấu nỗi tình cảm quý mến khách Việt Nam, họ khoe họ dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI).

Hôm ấy, tôi đượcc ăn món ăn canh hến Bắc Hàn, mùi vị cũng giống canh hến Việt Nam, Việt Nam thì nhặt vỏ hến đi trước khi nấu, nhưng món ăn Bắc Hàn để cả vỏ hến múc cho khách. Tôi "lén" lấy vài vỏ hến trong bát canh của mình mang về Việt Nam để làm kỷ niệm chuyến đi!

Món Kim Chi kiểu Bắc Hàn làm từ cải trắng trộn ớt, tiêu, dấm chua, ăn cay, thơm. Tôi trộm nghĩ có lẽ món Kim Chi này có họ hàng với món Nhút (muối chua của mít xanh với ớt) của tỉnh Nghệ An (Nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn). Nay người Hàn Quốc đã biết sản xuất Kim Chi tại Đà Lạt Việt Nam để xuất khẩu. Còn chính ở Hàn Quốc, họ lại phàn nàn vì bị Kim Chi Trung Quốc chèn ép!

Món gà hầm sâm nóng ăn vào mùa đông của phía Bắc. Mỗi suất là một chiếc nồi đất, con gà được nhồi sâm vào bụng và ninh với gạo. Khi ăn rắc thêm tiêu thơm lừng. Con gà hầm tơi ra, củ sâm to bằng ngón tay chỏ, vàng ươm nóng hổi. Cháo gà thì ăn nhiều ở Việt Nam rồi, cháo gà nhà quê hẳn hoi. Nhưng kiểu tần sâm thế này, thấy cũng lạ! Ăn vào mà không thổi thì bỏng cả lưỡi.

Rượu lại là rượu sâm dân tộc chế biến theo công nghệ cổ truyền của Bắc Hàn. Có vị đăng đắng, độ cồn khá cao. Uống vào thấy lâng lâng cả người!

Còn món tráng miệng lại là những món chiết suất từ mật ong rừng.

3. Kết luận:

Đến vĩ tuyến 38 chụp ảnh với ảnh Kim Nhật Thành chỉ tay về phía trước Thiên lý mã và được ăn món ăn cổ truyền  Triều Tiên tần sâm, được hàn huyên với người từng ở phía Bắc Hàn!

Và thế là, mỗi khi qua vĩ tuyến 17 tôi lại lẩn thần nhớ đến vĩ tuyến 38, nơi chẳng có máu mủ thân thiết gì với mình?

TS. Nguyễn Văn Hoa

Hội nhà văn Việt Nam


Scroll To Top