Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


DỰ ÁN CẢI TẠO BỐN SÔNG LỚN CỦA HÀN QUỐC (Phần 4)

Đăng ngày:

1. Hiệu quả đóng góp cho Tăng trưởng xanh: Dự kiến và Thực tế

Dự án này hướng đến mục tiêu tăng chất lượng nước lên 90% (Nhu cầu oxy sinh hoá thấp hơn 3ppm[1]) vào trước năm 2012 bằng cách mở rộng các cơ sở xử lý nước thải và thành lập các đơn vị giảm thiểu tảo xanh. Về các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, chính quyền trung ương và địa phương buộc phải duy trì nồng độ mặn ở một mức độ thích hợp để bảo vệ nguồn cung cấp nước uống và nguồn nước cho các mục đích sử dụng khác.

Để giám sát chất lượng nước, đến cuối năm 2009, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã phát triển Hệ thống giám sát từ xa (Tele-Monitoring System) tại 586 cơ sở thoát nước và xử lý nước thải. Số này bao gồm 323 cơ sở thoát nước, 58 cơ sở xử lý nước thải và 205 trạm vận hành.

Về cải tạo hệ sinh thái, một Chương trình cải tạo môi trường – sông đã được khởi động từ năm 2008 lại tiếp tục được triển khai trong khuôn khổ Dự án cải tạo bốn sông lớn. Một trong các mục tiêu quan trọng nhất của chương trình này là gây dựng lại các loài thuỷ sản có nguy cơ tuyệt chủng và các loài thuỷ sản bản địa, đồng thời bảo vệ chất lượng nước và các hệ sinh thái. Một chương trình quốc gia khác với mục tiêu khôi phục hệ sinh thái nước ngọt sẽ phát triển một mạng lưới giám sát hệ sinh thái thuỷ sinh. Từ năm 2007, các điều tra sơ bộ trên thực địa đã được tiến hành ở hơn 540 địa điểm. Hơn 929 km luồng lạch quốc gia sẽ được cải tạo trong khuôn khổ Dự án cải tạo bốn sông lớn. Tiếp theo, một dự án sẽ lên kế hoạch cải tạo hơn 10.000 km luồng lạch địa phương vào trước năm 2010. Hơn 35 vùng đất ngập nước ven sông cũng sẽ được tái thiết lại. Các khu vực ven sông sẽ được trồng cây gây rừng và cũng sẽ được dùng để sản xuất sinh khối[2].

Cuối cùng, dự án này hướng đến hỗ trợ phát triển kinh tế vùng. Nó theo đuổi mục tiêu này bằng cách tạo ra các không gian đa dụng cho hoạt động văn hoá và du lịch vùng ven sông, qua đó dự kiến sẽ góp phần tạo ra công ăn việc làm và hồi sinh kinh tế địa phương. Nhìn chung, dự án này được kì vọng sẽ tạo ra 340.000 việc làm và thu được lợi ích kinh tế xấp xỉ 40 nghìn tỉ won.

  • Dự án này mang lại 340.000 nghìn việc làm[3]. Đây là tổng số việc làm phát sinh từ dự án (trực tiếp và gián tiếp), gồm cả các dự án trọng điểm của 07 bộ ngành. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc kì vọng dự án này sẽ tạo thêm nhiều việc làm nữa trong cách ngành công nghiệp văn hoá, du lịch, giải trí...
  • Bộ Đất đai, Giao thông & Hàng hải khi trình bày kế hoạch tổng thể lúc đầu đã ước tính tổng số việc làm tạo ra trong lĩnh vực công nghiệp là 340.000 (Bộ Đất đai, Giao thông & Hàng hải: 231.142/ Bộ Môi trường: 67.236/ Bộ Nông nghiệp: 40.098), trong đó, áp dụng ‘hệ số thu hút việc làm/ the coefficient of employment induction’ (17,3 trên 1 tỷ người) của ‘Ngân hàng Hàn Quốc’.

2. Đánh giá các lợi ích thực tế

Một trận siêu bão vào tháng 6 năm 2011 đã chứng minh khả năng “chống lũ” của sông Hàn, sông Nakdong, sông Geum và sông Yeongsan (sau đây gọi là bốn sông). Mùa hè năm 2011 được dự đoán có nhiều mưa lớn hơn bình thường và lượng mưa sẽ cao hơn mức trung bình. Trong đợt “công kích” đầu tiên, siêu bão Meari (tháng 06/2011) và tiếp theo là mùa mưa, đủ khiến các bên liên quan đến Dự án cải tạo bốn sông lớn phải căng thẳng và lo lắng. Nghịch lý là, đợt mưa lớn này đã trở thành một cơ hội tốt để chứng minh cho hiệu quả của dự án. Từ 22 đến 27 tháng 06/2011, tổng lượng mưa trung bình của Hàn Quốc là 207,7mm. Con số này tương đương với 20 tỉ tấn nước, đạt 17% lượng mưa hàng năm. Mặc dù có lo ngại về độ an toàn của các vùng thuộc bốn sông nhưng trên thực tế, thiệt hại lại khá ít. Đặc biệt, khu vực phía Bắc của tỉnh Gyeongbuk, Daejeon và một số khu vực của vùng Chungcheong đã không gặp thiệt hại đáng kể nào. Điều này có được là do hiệu quả của việc hạ thấp mực nước lũ nhờ quá trình nạo vét.

Mực nước lũ tại các vùng thuộc bốn sông đã giảm nhờ nạo vét được 420 triệu mét khối đất. Theo một khảo sát của Bộ Đất đai, mực nước nói chung đã hạ thấp, cụ thể là: 2,5m ở Yeoju (sông Hàn), 3,5m gần Sangju (sông Nakdong), 0,84m ở một vùng phụ cận của đập Buyeo và 1,12m gần đập Seungchon của sông Yeongsan. Việc xây dựng các con đập được hoàn thành vào cuối tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2011, do đó, có thể nói điều kiện ngăn lũ sẽ tiếp tục được nâng cao. Đối phó các tổn hại mà lũ có thể gây ra,  mức độ an toàn đã tăng lên đáng kể. Trước khi trận siêu bão và mùa mưa đến, các vùng đã được chuẩn bị kĩ càng. Các đê quai và đường thi công bị phá bỏ. Cùng lúc đó, các cấu trúc gia cố lòng sông (cấu trúc ngăn ngừa xói mòn lòng sông) đã được lắp đặt hoàn chỉnh. Các công trình công viên ven sông được tăng tốc hoàn thiện ở những hạng mục cuối cùng. Cuối tháng 06/2011, khối lượng đất đã nạo vét vốn tập kết trên triền đất cao của sông đã được vận chuyển ra ngoài khu vực bờ sông nhằm tránh đổ sụp, đồng thời, đảm bảo thêm khoảng trống cho dòng nước.

Dự án này đã đem lại một lợi ích kinh tế to lớn nhờ số việc làm mà nó tạo ra. Theo Bộ Lao động (30/06/2011), một phân tích cho thấy các ảnh hưởng tới công ăn việc làm có giá trị tương đương 7,37 nghìn tỉ won trong hai năm từ năm 2009 đến năm 2010, tạo ra cơ hội việc làm cho 88.400 công nhân. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến dự án này sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới từ các ngành công nghiệp văn hoá, du lịch, giải trí...

Cơ quan cải tạo sông quốc gia đã yêu cầu các công ty xây dựng địa phương tham gia vào dự án và cũng yêu cầu các công ty này tư vấn để phân bổ các công trình xây dựng cho các nhà thầu phụ ở địa phương một cách công khai. Điều này sẽ đem lại các hỗ trợ kinh tế cho địa phương.

Chính phủ Hàn Quốc đã xác định một số công cụ chính sách để tối đa hoá tiềm năng phát triển của địa phương thông qua sáng kiến cải tạo sông. Kế hoạch tổng thể đã quy định số công ty địa phương tham gia nên chiếm ít nhất 40% tổng số liên doanh (ngoại trừ trường hợp các dự án “chìa khoá trao tay” vốn yêu cầu tỷ lệ công ty địa phương tham gia là 20%). Tính đến cuối năm 2011, dự án đã thu hút được 187 trên tổng số 338 công ty địa phương tham gia (chiếm 55%). Nhiều phần việc cụ thể đã được uỷ thác cho các chính quyền địa phương, tính đến tháng 03/2011, chính quyền địa phương đang điều phối gần 1/4 số phần việc liên quan đến dự án này.

 

Lương Hồng Hạnh dịch

Nguồn:

The Four Major Rivers Restoration Project, Yoon Jung Cha, Myung-Pil Shim, Seung Kyum Kim, Cơ quan cải tạo sông quốc gia (Office of National River Restoration).

 

 



[1] Nhu cầu oxy sinh hoá từ 1 đến 2ppm: chất lượng nước rất tốt, không có nhiều chất thải hữu cơ. Nhu cầu oxy sinh hoá từ 3 đến 5ppm: nước tương đối sạch. Nhu cầu oxy sinh hoá từ 6 đến 9ppm: nước hơi ô nhiễm.

[2] Sinh khối (Biomass): là một thuật ngữ mô tả các vật chất có nguồn gốc sinh học mà bản thân nó (hoặc do các thành phần hoá học của nó) có thể được sử dụng như một nguồn năng lượng (ví dụ: tạo nhiệt, sản xuất điện năng, nhiên liệu cho giao thông vận tải). Sinh khối thường bao gồm cây cối tự nhiên, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác hoặc các bã nông nghiệp và lâm nghiệp. Sinh khối cũng bao gồm cả vật chất như chất thải từ quá trình sản xuất thức ăn, nước uống, bùn/nước cống, sản phẩm phụ gia (hữu cơ) công nghiệp và các thành phần hữu cơ của chất thải sinh hoạt. Nguồn: https://sites.google.com/site/vnggenergy/sinhkhoi

[3] Con số này được tính toán dựa theo Chỉ số thu hút việc làm trong ngành xây dựng của Ngân hàng Hàn Quốc (2006), một cơ quan thường cung cấp số liệu khách quan nhất.

 


Scroll To Top