Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


DỰ ÁN CẢI TẠO BỐN SÔNG LỚN CỦA HÀN QUỐC (Phần 3)

Đăng ngày:

1. Đánh giá tác động môi trường của dự án

Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành một Đánh giá tác động môi trường (Environmental Impact Assessment - EIA) của Dự án cải tạo bốn sông lớn nhằm ước định các ảnh hưởng tiềm tàng của dự án và đưa ra các biện pháp ứng phó. Kết quả của EIA đã được công bố ngày 06/11/2009.

Báo cáo tác động môi trường (Environmental Impact Statement - EIS) đã được Cơ quan quản lý xây dựng vùng chuẩn bị sau khi thu nhận ý kiến của các bên liên quan. Dự thảo báo cáo được gửi đến cư dân địa phương, tổ chức môi trường và chuyên gia liên quan nhằm thu thập các ý kiến khác nhau trong vòng 20 ngày. Sau đó, báo cáo trên được gửi tới các Văn phòng môi trường cơ bản theo khu vực (Regional Basic Environmental Offices) trực thuộc Bộ Môi trường. Nhằm đánh giá tính khả thi của báo cáo EIS, Viện Môi trường Hàn Quốc và Nhóm đánh giá môi trường, gồm các chuyên gia độc lập, được uỷ thác xem xét báo cáo này. Phê duyệt cuối cùng về báo cáo EIS được đưa ra sau khi đã xem xét các ý kiến của Viện Môi trường Hàn Quốc. Báo cáo EIS bản cuối cùng đã được Văn phòng môi trường cơ bản theo khu vựcCơ quan quản lý xây dựng vùng thông qua, bao gồm bốn hạng mục: (1) hệ sinh thái, (2) môi trường tự nhiên, (3) chất lượng nước và (4) các yếu tố khác.

Về hệ sinh thái, đánh giá đã chỉ ra khoảng 68 chủng loài và báu vật thiên nhiên (natural treasures) được chỉ định pháp luật bảo vệ có thể bị ảnh hưởng do Dự án cải tạo bốn sông lớn. Bản đánh giá kết luận rằng những tác động trực tiếp sẽ ở mức rất thấp nếu áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động. Các biện pháp giảm thiểu được lên kế hoạch gồm điều chỉnh và giảm bớt cường độ của việc thi công trong thời gian mùa đông khi các loài chim di trú xuất hiện. Nhiều môi trường sống quy mô nhỏ như các hành lang sông nhỏ và khu vực kiếm ăn sẽ được thiết lập nhằm tạo ra khu bảo tồn và địa điểm cho việc đẻ trứng. Ngoài ra, các vành đai xanh sẽ được xây dựng để bổ sung thêm khu bảo tồn giúp cho động vật được sống trong một môi trường tự nhiên.

Về môi trường tự nhiên, bản đánh giá chủ yếu cho thấy các nguy cơ tiềm ẩn đối với những vùng đất ngập nước quanh bốn con sông. Nó đã chỉ ra, 100 vùng đất ngập nước nằm trong khu vực dự án (chiếm 12,5%  tổng diện tích) có thể bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp khi tiến hành dự án. Sau khi xem xét chức năng sinh thái của các vùng đất ngập nước, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã quyết định bảo tồn các vùng có giá trị hệ sinh thái cao. Những phần có khả năng bị ảnh hưởng trong các khu vực đất ngập nước sẽ được bồi hoàn bằng cách xây dựng những vùng đất ngập nước nhân tạo. Kết quả là, cùng với Dự án cải tạo bốn sông lớn, dự tính tổng cộng 84 vùng đất ngập nước thay thế và vùng đất ngập nước mới sẽ xuất hiện, chức năng sinh thái và môi trường của các dòng sông dự kiến sẽ được cải thiện. Thêm nữa, dự án sẽ xây dựng các đường sông thấp hơn với độ dốc nhẹ là 1,5 nhằm tạo ra các khu vực đất ngập nước một cách tự nhiên sau khi dự án hoàn thành.

Về chất lượng nước, Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia của Hàn Quốc - cơ quan được uỷ thác đánh giá chất lượng nước - đã kết luận rằng một trong các kết quả của dự án này là việc cải thiện chất lượng nước nói chung. Họ ước tính ô nhiễm từ lượng bùn có thể phát sinh trong quá trình xây dựng sẽ không đạt mật độ đậm đặc (trong mùa khô thông thường) cao hơn 10mg/l. Trong trường hợp chỉ số trên tăng lên mức 15mg/l, họ sẽ thực hiện kế hoạch điều chỉnh thời gian xây dựng và cường độ, các cơ sở giảm thiểu ô nhiễm bổ sung cũng sẽ được dựng lên. Vì quá trình nạo vét các con sông sẽ tạo ra 570 triệu mét khối vật liệu nạo vét, người ta sẽ xây dựng một bể lắng và lắp đặt một đường dẫn dòng nước tại các bãi chứa vật liệu nạo vét để ngăn ngừa ô nhiễm nước lần thứ hai. Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét các lựa chọn để đi đến một cách sử dụng khu biệt nguồn vật liệu nạo vét này dựa trên kích thước hạt và mức độ ô nhiễm.

Bộ Môi trường Hàn Quốc chịu trách nhiệm đảm bảo theo dõi và thực hiện các kết luận của Đánh giá tác động môi trường. Khi thực thi nhiệm vụ này, sau khi tái cơ cấu thành viên của mình, Ban đánh giá môi trường hiện tại sẽ chuyển đổi thành một Uỷ ban điều tra sau quản lý (Post-management Investigation Commission). Công việc của Uỷ ban điều tra sau quản lý tương lai gồm điều tra hàng tháng, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện biện pháp giảm thiểu các ảnh hưởng đến môi trường đã xác định.

2. Các trở ngại chính trong quá trình thực hiện dự án

Thách thức chủ yếu của dự án này là sự đối lập chính trị. Đảng chính trị đối lập đã sử dụng các nhóm môi trường và tổ chức phi chính phủ để bày tỏ sự phản đối dự án. Cơ quan thực thi dự án đã phải tổ chức không ngừng những hoạt động truyền thông, giáo dục, quan hệ công chúng để giúp dự án vượt qua các trở ngại. Thông thường, các bên phản đối hay có thông tin sai lệch về dự án, vì vậy, việc cung cấp thông tin chính xác kèm theo dữ liệu và hướng dẫn tường tận về dự án đã giúp ích trong việc đi đến thông hiểu và chấp thuận. Việc thành lập một nhóm tư vấn dự án bao gồm các công dân địa phương, chuyên gia và học giả đã cung cấp một phương thức tập hợp ý kiến của các bên liên quan.

Tranh cãi đã bắt đầu nảy sinh khi các tổ chức dân sự về môi trường khẳng định loại cây hoang dã quý hiếm ‘Danyang aster helophilus[1]’ vốn chỉ được tìm thấy ở phía Bắc sông Hàn đã bị đe doạ đến mức tuyệt chủng do quá trình thi công dự án. Các nhà hoạt động môi trường đã kêu gọi chấm dứt dự án. Loài cây hoang dã này được xếp vào ‘Loại thực vật có nguy cơ tuyệt chủng lớp 2’, là loại thực vật có vòng đời 2 năm thuộc họ Cúc. Tuy nhiên, ngày 02/05/2010, Cơ quan cải tạo sông quốc gia đã chính thức công bố là họ không tìm thấy nguy cơ tuyệt chủng nào đối với loài ‘Danyang aster helophilus’ (Danyang Ssukbujaengi) phát sinh do quá trình thực hiện dự án.

Đảo Gangcheon, Gangcheon-myeon, Yeoju-gun, Gyeonggi-do (tỉnh) nằm trong phạm vi xây dựng của ‘Khu vực 6’ thuộc Dự án. Chính phủ đã lên kế hoạch lập ra một “Công viên trải nghiệm sinh thái tự nhiên” có các loài sinh vật hoang dã cần được bảo vệ, bao gồm cả ‘Danyang aster helophilus’. Chính phủ cũng công bố một kế hoạch chính thức hướng đến việc bảo tồn mọi môi trường sống, ngoại trừ khu vực không thể tránh khỏi thiệt hại khi xây dựng một dòng chảy nhân tạo. Điều này cho thấy cả chính phủ và các đơn vị xây dựng đều có những tiêu chuẩn về môi trường và nhận biết được tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng như ‘Danyang aster helophilus’. Chính phủ và các đơn vị xây dựng đã định rõ vùng môi trường sống là “khu vực bảo vệ”, do vậy, nhờ các ranh giới hữu hình, tổn hại từ các hoạt động xây dựng là rất nhỏ. Hiện tại, loài ‘Danyang aster helophilus’ đang chờ nảy mầm hàng loạt nhờ vào thành công trong nghiên cứu sinh trưởng của các Viện Nghiên cứu được uỷ quyền, như ‘Vườn ươm núi Hwanghak/ Hwanghak Mount Arboretum’, ‘Vườn Bách thảo Pyeonggang’, ‘Vườn Bách thảo Đại học Shingu’, ‘Trung tâm công nghệ nông nghiệp Danyang’ và một trang trại tư nhân ở huyện Danyang (tất cả các địa điểm này được Bộ Môi trường cấp phép dựa theo Điều 14 của Luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng). Họ đã chứng minh rằng khi chất lượng đất đạt mức tiêu chuẩn thì loài thực vật này có thể sinh trưởng tốt.

Cuối năm 2010, huyện Buyeo đã tiến hành khảo sát với sự tham gia của khoảng 12.000 cư dân để thu thập ý kiến về tính thích đáng của dự án. Khảo sát đã cho thấy 70% số người được hỏi ủng hộ dự án này và những người ủng hộ đó cũng trả lời là họ có biết về dự án. Điều này cho thấy đối tượng ủng hộ dự án là những người đã biết về nó. Có vẻ như 30% cư dân còn lại đã không nhận được thông tin thoả đáng về dự án này.

 

Lương Hồng Hạnh dịch

Nguồn:

The Four Major Rivers Restoration Project, Yoon Jung Cha, Myung-Pil Shim, Seung Kyum Kim, Cơ quan cải tạo sông quốc gia (Office of National River Restoration).

 

 

 



[1] Đây là loại thực vật hoang dã bản địa, thuộc họ Cúc, lá mỏng, nảy mầm vào mùa thu và sống qua mùa đông lạnh. Loại cây này nở hoa vào khoảng từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 và chỉ mọc ở vùng cát ven sông nên rất dễ phân biệt loại cây này với các loài cây khác cùng họ.


Scroll To Top