Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


LAO ĐỘNG VIỆT NAM VỚI VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA NƯỚC CHỦ NHÀ HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Nhờ có một cách tư duy phổ biến của các doanh nghiệp Hàn Quốc là luôn coi nguồn nhân lực là nhân tố đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thành bại của mỗi doanh nghiệp, nên ngay từ những ngày đầu bỡ ngỡ khi mới tiếp xúc công việc, TNS Việt Nam đã nhận được sự hướng dẫn, đào tạo của các chủ doanh nghiệp cũng như các kỹ thuật viên lành nghề. Với trình độ lao động phổ thông ngay từ thời gian học nghề, công nhân Việt Nam đã được đánh giá là lực lượng lao động có khả năng nắm bắt kỹ thuật nghề nghiệp nhanh hơn so với nhiều TNS từ các quốc gia khác. Nhiều trong số lao động chỉ ngay sau thời gian tu nghiệp đã được chủ tin cậy giao cho những trách nhiệm như tổ trưởng, kỹ thuật viên trưởng v.v...để thay họ quản lý, hướng dẫn trong quá trình lao động. Nếu trong doanh nghiệp có cả lao động Việt Nam và lao động nước ngoài khác, do năng lực làm việc công nhân Việt Nam thường nhận được chế độ đãi ngộ ưu đãi hơn.

Về tổ chức sử dụng và quản lý nhân lực, Trung ương Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc không phân biệt doanh nghiệp tư nhân hay quốc doanh để cung cấp nhân lực, mà chủ yếu xem xét khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình là sao cho lao động nước ngoài được đảm bảo về mọi chế độ phụ cấp, tham gia các loại bảo hiểm cần thiết như: đền bù khi tai nạn lao động, bảo hiểm y tế, rủi ro và bệnh tật, bảo hiểm đền bù chi trả chậm v.v... đồng thời miễn phí ăn, ở. Với quy định như vậy, ngay trong thời gian học nghề, TNS được nhận mức trợ cấp cao hơn mức lương tối thiểu là khoảng 600.000w (tương dương với 500 USD). Do anh em công nhân Việt Nam nắm bắt nhanh, lại tự nguyện tham gia làm việc ngoài giờ, nên hầu hết các chủ doanh nghiệp đều tạo điều kiện để công nhân Việt Nam học tập và tiếp cận luôn với thiết bị máy móc, nâng thu nhập của TNS lên trung bình ở mức 900.000w-1.000.000w (tương đương với 800-850USD). So với nhiều thị trường lao động khác, điều kiện học tập, làm việc và cuộc sống đối với công nhân Việt Nam như vậy là khá thuận lợi. Về thu nhập, ngoài những chi phí cho cuộc sống thiết yếu, mỗi công nhân ngay trong thời gian tu nghiệp đã ít nhất có thể dành dụm cho cuộc sống lâu dài hoặc giúp đỡ gia đình ở mức từ 300 - 400USD/tháng.

So với TNS của nhiều nước khác, TNS Việt Nam được đánh giá là cần cù, khéo tay và sáng tạo hơn cả. Thế mạnh này đã giúp TNS Việt Nam có điều kiện để cạnh tranh công việc, cũng như có được nhiều ưu ái của giới doanh nghiệp Hàn Quốc. Đã nhiều năm nay ở Hàn Quốc quy định 44 giờ làm việc trong tuần (tuần làm việc 5 ngày rưỡi, riêng thứ bẩy 1/2 ngày). Với một mục đích ra đi học nghề và làm việc là để xoá đói giảm nghèo và tạo cơ sở vật chất cho tương lai, nghĩ đến nhiều gánh nặng mà mỗi người đều phải có trách nhiệm, hầu hết anh em công nhân Việt Nam chấp nhận làm việc trung bình 60 giờ trong tuần (10giờ/ngày và 6 ngày làm việc), với mức lương ngoài giờ 150% vào ban ngày và 200% đối với giờ làm ban đêm. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày mỗi TNS có thể làm thêm được 10.000w và mỗi ngày thứ bảy chủ nhật thường được khoảng 20.000w. ở một xã hội có nền công nghiệp phát triển cao và sản phẩm công nghiệp của họ đang có cơ hội cạnh tranh mạnh, thì nhu cầu sản phẩm (về cả số lượng và chất lượng) của các doanh nghiệp Hàn Quốc trở nên rất lớn. Trong hoàn cảnh đó, tinh thần lao động thêm giờ tự nguyện, sự khéo tay và sáng tạo của TNS Việt Nam và nhu cầu tăng sản phẩm hàng hoá của giới chủ đã góp phần đẩy mạnh nền sản xuất hàng hoá Hàn Quốc, đồng thời cũng ghi nhận thêm một ấn tượng tốt đẹp của nguồn nhân lực phổ thông Việt Nam.

Cũng chính do việc nắm bắt tay nghề nhanh đồng thời chủ động linh hoạt trong công việc, có khả năng chọn việc hợp với khả năng cũng như cạnh tranh công việc với TNS của các nước khác để có thu nhập cao hơn. Lại thêm vào đó, công nhân Việt Nam do chưa nhận thức đầy đủ được bản tính tận tuỵ, trung thành với công việc đã cam kết đó là điều mà người Hàn Quốc đánh giá rất cao, vì thế họ chưa có ý thức cao trong việc chấp hành quy chế của doanh nghiệp cũng như pháp luật Hàn Quốc, nhiều công nhân ngay trong thời gian tu nghiệp đã bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc tự do để chọn được việc hợp tay nghề và kiếm được lương cao hơn. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, con số trốn hợp đồng ngày một tăng và đưa tỷ lệ lao động bất hợp pháp của nước ta lên tới 59,25% (thuộc vào một trong những quốc gia có tỷ lệ lao động bất hợp pháp trên mức trung bình). Hiện nay, thị trường lao động Hàn Quốc vẫn còn khoảng trên 100.000 lao động bất hợp pháp nước ngoài, trong đó có khoảng 3.300 - 3.500 lao động bất hợp pháp Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ nhiều lý do chính trị, ngoại giao cũng như năng lực làm việc thực tế của công nhân Việt Nam, Người Hàn Quốc nói chung vẫn có những nương nhẹ trong xử lý đối với lao động bất hợp pháp Việt Nam. Các cơ quan hữu quan chưa thực hiện triệt để các biện pháp truy lùng, cưỡng bức dẫn độ hoặc xử phạt hành chính cương quyết như đối với thành phần này thuộc các quốc gia khác.

Biết được những kẽ hở trên của pháp luật, công nhân Việt Nam do có tay nghề cao, tích cực làm ngoài giờ, lại giữ được mối quan hệ tốt đẹp với chủ, mặt khác, nhiều chủ doanh nghiệp lại có nhu cầu sản phẩm lớn, không ít người trong họ hiện nay vẫn sử dụng lao động bất hợp pháp Việt Nam và có xu hướng sử dụng nhiều hơn. Thực tế khảo sát cho thấy, với những doanh nghiệp nhỏ họ sẽ có lợi hơn nếu sử dụng lao động bất hợp pháp, đặc biệt là lao động Việt Nam, do có tay nghề khá, chăm chỉ mà họ không cần phải trả lương cao như lao động hợp pháp, chỉ với một biên bản thoả thuận giữa 2 bên chủ - thợ và đảm bảo tay nghề là hai bên có thể thực hiện hợp đồng làm việc. Để an toàn cho cả chủ lẫn thợ, nhiều doanh nghiệp đã sửa sang tầng ngầm nhà mình, thậm chí đào hầm cho công nhân bất hợp pháp ở để có thể làm việc tại chỗ. Công nhân Việt Nam vẫn biết là họ đang thực hiện hợp đồng lao động bất hợp pháp nhưng do cung - cầu lao động của cả hai bên, họ vẫn tiếp tục làm việc như vậy và chấp nhận đến khi nào bị bắt thì họ sẽ về nước hẳn. Hiện nay, để tổ chức lại thị trường lao động một cách có hệ thống, Bộ Lao động, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Hội Doanh nghiệp thực hiện các giải pháp “chống trốn” đối với lao động theo hợp đồng, truy lùng và phạt hành chính cả chủ - thợ đối với lao động bất hợp pháp. Theo quy định của Luật cấp phép lao động nước ngoài mới ra đời: đối với chủ doanh nghiệp: nếu họ sử dụng lao động bất hợp pháp sẽ bị phạt 20 triệu won cho một lao động (tương đương với 17.000USD) hoặc có thể bị phạt tù tới 3 năm; Đối với bản thân lao động nước ngoài bất hợp pháp thì buộc phải về nước nếu bị bắt và vào danh sách những người không được nhập cảnh vào Hàn Quốc trong vòng 5 năm.

Bên cạnh, những mặt mạnh đã nêu thì chỗ yếu của lao động phổ thông Việt Nam vẫn còn những mặt yêu cần phải khắc phục là:

- Trước hết, đó là thái độ chấp hành quy chế làm việc và pháp luật của Nhà nước Hàn Quốc mà việc trốn hợp đồng lao động, bỏ làm việc tự do như đã nêu trên là hiện tượng khiến các cơ quan hữu quan và chính bản thân doanh nghiệp đau đầu. Nó không chỉ gây khó khăn cho việc quản lý lao động của doanh nghiệp, mà còn gây ảnh hưởng đến cả đội ngũ lao động và uy tín quốc gia nói chung.

- Thứ hai, trong số lao động Việt Nam vẫn còn nhiều hiện tượng thiếu tôn trọng chủ doanh nghiệp, đặc biệt là khi có mâu thuẫn xảy ra. ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, người Hàn Quốc rất tôn trọng tôn ty trên dưới, chủ doanh nghiệp là người có quyền quyết định cao nhất, mọi người làm việc trong doanh nghiệp cần phải chấp hành trước mỗi quyết định của chủ. Ngược lại, đã quen với một kiểu tư duy dân chủ, lao động Việt Nam hay phản ứng trước những quyết định đột xuất của chủ doanh nghiệp, hoặc liên kết với nhau đòi hỏi những điều kiện mà doanh nghiệp không đáp ứng được, nếu không được thì lao động tổ chức đình công. Ngay cả khi tranh chấp và thiếu hiểu biết lẫn nhau, lao động Việt Nam không ít trường hợp đã gây ẩu đả, điều mà doanh nghiệp Hàn Quốc thường ái ngại.

Hiện tượng nêu trên có thể giải thích được rằng, với thời gian đào tạo ngoại ngữ quá ngắn lại chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về tác phong công nghiệp, lối sống văn hoá, cũng như ý thức chấp hành quy định và pháp luật, nên mâu thuẫn trong quá trình sản xuất thường xuyên nảy sinh. Đặc biệt là việc vi phạm nội quy làm việc của công nhân Việt Nam, một mặt là do tác phong làm việc tuỳ tiện vốn có, trở thành thói quen cố hữu khá sâu sắc trong lao động Việt Nam, mặt khác là do không đủ vốn ngoại ngữ để có thể tìm hiểu, trao đổi với các đồng nghiệp để thực hiện mọi quy dịnh nghề nghiệp được tốt hơn. Chương trình TNS công nghiệp nêu rõ, TNS là những người đi tu nghiệp để lĩnh hội tri thức khoa học kỹ thuật và kỹ năng nghề nghiệp, chưa được coi như một lao động lành nghề thông thường, họ không có quyền đòi hỏi về quyền lợi ngoài những điều khoản ghi trong hợp đồng tu nghiệp mà 2 bên đã thống nhất, không được khiếu nại, đình công v.v... và những quy định đó lao động ta đã vi phạm. Nếu như các cơ quan hữu quan Việt Nam cùng bản thân người lao động không có giải pháp khắc phục sẽ làm mất dần đi những thiện cảm vốn có của doanh nghiệp Hàn Quốc đối với lao động phổ thông Việt Nam.



Thực hiện: TSKH. Trịnh Thị Kim Ngọc- Viện nghiên cứu con người

Biên tập và chỉnh sửa: nhóm website (tựa đề do chúng tôi chỉnh sửa)

Nguồn: TCNCĐBA 204

Scroll To Top