Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


DỰ ÁN CẢI TẠO BỐN SÔNG LỚN CỦA HÀN QUỐC (Phần 2)

Đăng ngày:

1. Lập kế hoạch và thực thi dự án

Dự án cải tạo 4 sông lớn là kết quả của một kế hoạch liên bộ - liên ngành, trong đó, hàng loạt các bộ ngành cam kết cùng tham gia.

Vai trò của từng bộ ngành trong các dự án tiếp nối như sau:

  • Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng Hải: Cải tạo 4 sông và các phụ lưu ở địa phương.
  • Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Thực hiện Dự án “Những dòng sông văn hoá”.
  • Bộ Kinh tế - Tri thức và Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc: Sản xuất năng lượng mới, năng lượng tái tạo và công nghệ thông tin.
  • Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Nghề cá[1]: Thực hiện Dự án “Thành phố tươi đẹp” (City of Beautiful) và bảo vệ rừng đầu nguồn của 4 sông lớn.
  • Bộ Hành chính và An ninh: Cải tạo các dòng chảy nhỏ đổ vào 4 sông lớn.

Trong giai đoạn lập kế hoạch và ngay cả khi vận hành dự án, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập các nhóm chuyên gia tư vấn khác nhau, bao gồm: Uỷ ban cấp cao; Nhóm tư vấn chính sách; Nhóm nguồn nước và chất lượng nước; Nhóm môi trường và hệ sinh thái; Nhóm cảnh quan, văn hoá & du lịch và Nhóm phát triển địa phương. Các nhóm tư vấn này gồm nhiều giáo sư, chuyên gia, học giả và đại diện của các địa phương. Ngoài ra, để bổ trợ hoạt động của các nhóm tư vấn, Hàn Quốc đã tập hợp các tổ chức phi chính phủ (như các nhóm tôn giáo, nhóm môi trường, đoàn thể dân cư địa phương…) để thường xuyên thảo luận và đánh giá các ý kiến.

Nhờ quy trình tham gia này, 12 tỉnh, thành phố đã đệ trình 836 khuyến nghị, tổng trị giá là 98,3 nghìn tỷ won. Đồng thời, 213 sự vụ liên quan đến sông ngòi (tổng trị giá là 6,9 nghìn tỷ won) vốn gắn liền với kế hoạch tổng thể đã được hợp nhất vào Dự án cải tạo 4 sông lớn ngay từ đầu; ví dụ như: nạo vét trầm tích, củng cố các tuyến đê hiện thời, khôi phục các sông sinh thái.

Trước khi thực thi dự án, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành các bước sau:

Bước 1 (tháng 12 năm 2008): Bắt đầu dự án tại Uỷ ban Tổng thống về phát triển vùng, đây là một phần thuộc khuôn khổ “Thoả thuận xanh mới”. Viện Kĩ thuật xây dựng Hàn Quốc và Viện Văn hoá & Du lịch Hàn Quốc đã phác thảo kế hoạch tổng thể. Các dự án đầu tiên được khởi động vào tháng 12 năm 2008 tại Andong và Naju, tháng 2 năm 2009 tại Chungju và tháng 3 năm 2009 tại Busan.

Bước 2 (tháng 2 năm 2009): Bộ Đất đai, Giao thông & Hàng hải thành lập một tổ công tác chung, bao gồm 07 bộ ngành để giám sát quá trình cải tạo sông. Từ đó, Dự án cải tạo 4 sông lớn đã tiến triển như sau:

-                     Tháng 4 năm 2009, Tổ công tác, trước đây, vận hành ở cấp giám đốc, đã chuyển thành Cơ quan cải tạo sông quốc gia hoạt động ở cấp Bộ trưởng, nhằm nâng cao liên lạc và truyền đạt thông tin giữa các bộ ngành tham gia.

-                     Hiệp hội hỗ trợ Chính phủ thuộc Văn phòng Thủ tướng bắt đầu hoạt động, cùng với đó là Liên hiệp chính quyền địa phương 4 sông lớn, nhằm thu thập ý kiến từ các cộng đồng địa phương.

Bước 3 (tháng 4 năm 2009): Tổ chức một cuộc họp báo chung với sự tham gia của 03 Uỷ ban, 04 Bộ liên quan và các cơ quan thuộc Chính phủ.

Bước 4 (tháng 5 năm 2009): Tổ chức một chuỗi hội thảo và diễn đàn, thành phần tham gia gồm các quan chức chính phủ, chuyên gia và các khách mời đặc biệt.

Bước 5 (tháng 6 năm 2009): Công bố Kế hoạch tổng thể cho Dự án cải tạo 4 sông lớn.

Bước 6 (tháng 12 năm 2009): Tiến hành các lễ động thổ.

 

2. Để đạt được năm mục tiêu, Dự án cải tạo 4 sông lớn bao gồm các hoạt động sau đây:

  • Tích nước: Dự án này hướng đến việc đảm bảo đầy đủ lượng nước bằng cách xây dựng các tuyến đường thuỷ và 16 đập nước. 16 đập nước này dự kiến đảm bảo 800 triệu mét khối nước. Dự án này sẽ nâng cao mực nước đỉnh của 96 hồ chứa phục vụ nông nghiệp nhằm đạt được 250 triệu mét khối nước. Ngoài ra, việc xây dựng 03 đập chắn đa dụng cỡ vừa và nhỏ dự kiến sẽ đem lại thêm 250 triệu mét khối nước nữa. Những công trình hạ tầng này sẽ đảm bảo lưu trữ nước cần thiết trong mùa khô. Nhờ nạo vét trầm tích lòng sông, mực nước lũ sẽ giảm và khả năng dòng chảy sẽ tăng lên rất nhiều. Điều này sẽ giảm đáng kể lũ lụt hàng năm và những tổn thất mà chúng gây ra.
  • Kiểm soát lũ: Phương pháp kiểm soát lũ bằng cách mở rộng cửa nước của các phụ lưu giúp hạ nhanh mực nước và thoát lũ nhanh. Ngoài ra, hai khu vực kiểm soát lũ và ba khu vực có dòng chảy ngầm gần bờ sông sẽ cùng nâng khả năng kiểm soát lũ lên tới 920 triệu mét khối.
  • Cải tạo chất lượng nước và hệ sinh thái: Đến năm 2012, chất lượng nước của dòng chảy chính sẽ được cải thiện và đạt trung bình ở mức 2 (Nhu cầu oxy sinh hoá[2] thấp hơn 3ppm[3]) bằng cách mở rộng các cơ sở xử lý nước thải và thành lập các đơn vị giảm thiểu tảo xanh. Thêm nữa, các bộ ngành sẽ cố gắng phục hồi các sông sinh thái, tạo vùng ngập nước và di chuyển các khu đất chăn nuôi, trồng trọt ở gần sông để khôi phục hệ sinh thái sông.
  • Tạo ra các không gian đa dụng cho cư dân địa phương: Để cải biến bờ sông thành một khu vực đa dụng nhằm nâng cao lối sống, giải trí, du lịch, hoạt động văn hoá và Tăng trưởng xanh, Nhà nước sẽ phát triển các tuyến đường dành cho xe đạp (dài 1728 km), quảng bá các chương trình du lịch tại chỗ, mở rộng đường đi bộ và các địa điểm dành cho thể thao.
  • Phát triển cộng đồng hướng sông: Dự án này sẽ đóng góp cho phát triển vùng thông qua các dự án khác nhau, trong đó, tận dụng cơ sở hạ tầng đã lên kế hoạch trong dự án và cảnh quan nói chung. Ví dụ: Chương trình “Các dòng sông chính của Hàn Quốc tuôn chảy cùng văn hoá” của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch và Dự án “Kiến tạo một vùng đất sống động với cảnh quan tươi đẹp” của Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp, Lâm nghiệp & Nghề cá.

Quá trình thực hiện dự án diễn ra theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1, khoảng 16,9 nghìn tỷ won sẽ được sử dụng cho các hoạt động nạo vét của “dự án chính”, xây dựng các con đập và hồ chứa nước tại 4 sông lớn. Theo kế hoạch, hầu hết các dự án chính sẽ hoàn thành trước năm 2011; các dự án đập và hồ chứa phục vụ tưới tiêu sẽ hoàn thành trước năm 2012. Giai đoạn 2, thêm 5,3 nghìn tỷ won sẽ được đầu tư để cải thiện dòng chảy và hệ thống xử lý nước thải của các phụ lưu. Các dự án phát triển sông Sumjin và các phụ lưu khác của 4 sông lớn sẽ hoàn thành trước năm 2012. Giai đoạn 3 bao gồm việc khôi phục các dòng sông nhỏ, sông địa phương và phát triển các địa điểm thu hút du lịch xung quanh 4 sông chính. Tham gia vào giai đoạn này có Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Cơ quan cải tạo sông quốc gia là đơn vị chủ trì dự án này trực thuộc Bộ Đất đai, Giao thông & Hàng hải. Trong quá trình thực hiện dự án, cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp, Lâm nghiệp & Nghề cá, Bộ Môi trường và Bộ Đất đai, Giao thông & Hàng hải.

 

Lương Hồng Hạnh dịch

Nguồn:

The Four Major Rivers Restoration Project, Yoon Jung Cha, Myung-Pil Shim, Seung Kyum Kim, Cơ quan cải tạo sông quốc gia (Office of National River Restoration).

 



[1] Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Nghề cá: chức năng của bộ này hiện thời được cơ cấu trong Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm & Nông thôn, Bộ Đại dương & Nghề cá và Bộ Môi trường.

[2] Nhu cầu oxy sinh hoá (Biochemical Oxygen Demand - BOD): Trong môi trường nước, các vi sinh vật cần sử dụng oxy hoà tan trong nước để thực hiện quá trình oxy hoá sinh học. Như vậy, nhu cầu oxy sinh hóa được hiểu  là một chỉ số, chỉ số này xác định lượng oxy cần thiết để vi sinh vật phân hủy các chất hữu cơ (ở một nhiệt độ nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định). Chỉ số này được sử dụng trong quản lý và khảo sát chất lượng nước, cũng như để đánh giá tính hiệu quả của các nhà máy xử lý nước thải.

[3] Trong khoa đo lường, ppm là đơn vị đo mật độ thường dành cho các mật độ tương đối thấp. Nó thường chỉ tỷ lệ của lượng một chất trong tổng số lượng của hỗn hợp chứa chất đó. Ở đây, lượng có thể hiểu là khối lượng, thể tích, số hạt (số mol),... Khi dùng cần chỉ rõ lượng là gì.

Giá trị của ppm là: ppm = 1/1 000 000 = 10-4%.


Scroll To Top