Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


SỰ CHUYỂN ĐỔI QUẢN LÝ NHÂN SỰ CỦA HÀN QUỐC DỰA TRÊN CÁC GIÁ TRỊ NHO GIÁO (Phần 1)

Đăng ngày:

I. Các giá trị gia đình trong Nho giáo và kinh doanh

1. Các giá trị gia đình trong Nho giáo

1.1. Bối cảnh

Trong suốt gần 600 năm trong quá khứ, Nho giáo là hệ tư tưởng chính trị chính thống của triều đại Joseon, triều đại đã cai trị Hàn Quốc từ năm 1392 đến năm 1910. Nho giáo là một hệ tư tưởng hữu ích để duy trì một xã hội ổn định. Nho giáo thâm nhập sâu vào xã hội Hàn quốc và trở nên lớn mạnh. Nó ăn sâu vào tâm trí, tư tưởng và phong tục của người Hàn Quốc. Trong thời đại Joseon, học tập Nho giáo là cách duy nhất để trở thành quan lại triều đình và thăng quan tiến chức. Vì vậy, việc hiểu biết về Nho giáo truyền thống không chỉ là chuẩn mực quy định trật tự xã hội và các tổ chức mà còn là phương tiện thực tế để một người thành công trong cuộc sống. Do đó, mỗi gia đình đều tuyệt đối dựa vào các nguyên tắc của Nho giáo để sinh sống và ứng xử. Nho giáo là yếu tố tạo thành một xã hội "tốt đẹp": khoan dung, thực dụng, trí tuệ và tôn trọng sâu sắc. Những yếu tố chuẩn mực này không phải là giá trị phổ biến, nhưng chúng cũng được áp dụng vào một khung chi tiết về mối quan hệ xã hội cố định.

Cơ sở của các chuẩn mực đạo đức Nho giáo trên thực tiễn được gọi là “Tam cương Ngũ luân” thể hiện mối quan hệ giữa người với người. Tam cương là chỉ mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, chồng vợ. Ngũ luân bao gồm quan hệ giữa cha và con, lòng trung thành của bề tôi đối với vua, sự phân biệt giữa vợ và chồng, sự tôn trọng của người trẻ đối với người già, và việc giữ chữ tín giữa bè bạn và những điều này phải được duy trì. Tất cả những nguyên tắc này thể hiện trật tự trong mối quan hệ giữa người với người và thứ tự tôn ti trong một xã hội dựa trên hệ thống gia đình. Đức tính cơ bản của tư tưởng gia đình trong Nho giáo là "Hyo", có nghĩa là "Hiếu" thể hiện sự ngưỡng mộ và nghe lời cha mẹ. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con trai, con trai phải tuyệt đối nghe lời cha. Ngay cả sau khi kết hôn, con trai phải chăm sóc cha mẹ và phải luôn đặt vị trí của cha mình lên trước vợ mình.

Tuy nhiên, đây không phải là một mối quan hệ một chiều mà là quan hệ qua lại. Người cha phải nuôi nấng và bảo vệ con trai và cả gia đình, trong khi con trai phải tuyệt đối nghe lời cha mình và có nghĩa vụ chăm sóc cha mình sau khi ông nghỉ hưu. Do đó, các mối quan hệ quyền lực truyền thống cai trị các tổ chức trong xã hội phải dựa vào nền văn hóa Nho giáo, đó là mối quan hệ về bảo vệ và trung thành. Nó cũng giống mối quan hệ giữa người chủ và người lao động trong công ty. Để hiểu đúng các đặc điểm của hệ thống công ty Hàn Quốc, tất cả các quy tắc này cần phải dựa vào hệ thống gia đình và tư tưởng gia đình (Redding, Norman, và Schlander năm 1994; Dore, 1973). Do đó, triết lý Nho giáo nhấn mạnh chủ yếu vào việc tuân theo các mối quan hệ xã hội trong một xã hội được tổ chức phân cấp dựa trên tư tưởng gia đình.

1.2. Tính gia trưởng trong tư tưởng gia đình

Chủ nghĩa gia đình trong khu vực văn hóa Nho giáo như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc có những đặc điểm khác biệt so với nền văn minh phương Tây. Trong thời cổ đại, ở các nước Đông Á, gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội chứ không phải là cá nhân, chúng ta vẫn có thể tìm thấy các truyền thống tập thể rõ ràng ngay cả trong thời hiện đại khi mà chủ nghĩa cá nhân là chủ yếu. Và những tư tưởng cộng đồng gia đình ở các nước Đông Á phần lớn đến từ Nho giáo, nhấn mạnh rằng quan hệ họ hàng trong gia đình là một đơn vị cơ bản của xã hội. Khi gia đình là thực thể quan trọng và cơ bản nhất của xã hội truyền thống Hàn Quốc thì cần phải phân tích sâu hơn để hiểu rõ đặc điểm của nó.

Gia đình lớn mạnh cũng có liên quan đến khía cạnh kinh tế. Khi một thành viên trong gia đình bị thất nghiệp, gia đình sẽ giúp đỡ thành viên đó cho đến khi họ có việc làm. Thông qua sự linh hoạt của cơ cấu xã hội trong việc giải phóng lao động và tiếp nhận người thất nghiệp nên kinh tế phát triển và thị trường lao động thu hẹp được cân bằng thì yếu tố cơ bản của nó là gia tộc (gia đình mở rộng) lớn mạnh. Đáng chú ý là nghĩa vụ giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là đối với cha mẹ già, vẫn tiếp tục tồn tại trong gia tộc đến nay. Hàn Quốc có rất ít nhà dưỡng lão. Cha mẹ già chủ yếu được chăm sóc trong gia đình. Thậm chí giữa người thân, còn có nghĩa vụ giúp đỡ lẫn nhau về vật chất. Gia đình càng có nhiều con trai, cha mẹ già càng an toàn hơn và điều này chắc chắn tiếp tục tồn tại trong gia tộc.

2. Kinh doanh theo hướng công ty gia đình

2.1. Quản lý kiểu gia trưởng

Như đã nói ở trên, hệ thống gia đình là nền tảng của những giá trị xã hội truyền thống của người Hàn Quốc. Các khái niệm và giá trị gia đình truyền thống cũng được coi như là một cơ sở tư tưởng để quyết định mối quan hệ giữa người chủ và nhân viên. Nhà quản lý bắt đầu đánh giá cao những ưu điểm của tư tưởng gia đình truyền thống và nhấn mạnh vào khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn nhiều khi tin vào mối quan hệ qua lại và thiện ý của các thành viên trong gia đình thay vì phụ thuộc vào pháp luật lao động và phong trào lao động. Nó nhấn mạnh vào việc xây dựng mối quan hệ giữa người chủ lao động và người lao động trong các nhà máy theo mô hình mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong hệ thống gia đình truyền thống.

Tư tưởng gia đình truyền thống được coi như là một nguyên tắc pháp chế cho các tổ chức để người lao động coi mình thuộc về công ty và trung thành với công ty (Choi, 1974). Một công ty gia đình như vậy được quy định bởi các mối quan hệ về quyền lực gia trưởng. Công ty được coi là một gia đình lớn, trong đó, nhà quản lý đóng vai trò là "người cha" nhân từ trong khi các nhân viên chấp nhận vai trò "người con" của họ. Do đó, Ban giám đốc thực hiện phương pháp quản lý nhân sự theo các nguyên tắc của tư tưởng gia đình. Mối quan hệ lâu dài với công ty, sự khác biệt về địa vị dựa theo thời gian làm việc tại công ty và sự quan tâm của công ty đối với các vấn đề cá nhân của người lao động được dựa trên khái niệm về gia đình truyền thống Hàn Quốc duy nhất và được đánh giá là lợi thế quan trọng trong hệ thống doanh nghiệp Hàn Quốc.

2.2. Cộng đồng công ty gia đình

Tư tưởng gia đình là trung tâm trong Nho giáo đã tạo nên cộng đồng công ty Hàn Quốc. Cái gọi là chủ nghĩa gia đình trong công ty đã tạo nên nhiều công ty Hàn Quốc được quản lý như một cộng đồng. Các công ty thành công của Hàn Quốc đã thiết lập và duy trì những tư tưởng và nguyên tắc gia đình và đã chăm sóc nhân viên như thành viên gia đình của họ. Nhân viên cũng tôn trọng các nhà quản lý như tôn trọng cha mình. Ngược lại, các nhà quản lý cũng coi nhân viên của họ như thành viên gia đình mình, cố gắng chăm sóc người lao động càng nhiều càng tốt.

Tư tưởng cộng đồng công ty chỉ ra mối quan hệ của người quản lý với các nhân viên không chỉ là một hợp đồng lao động mà coi mối quan hệ với nhân viên như là một cộng đồng công ty không thể bị chia cắt. Vì vậy, các công ty đã cố gắng hết sức để làm cho mình giống như một gia đình. Để biến điều này thành hiện thực, các công ty đã đưa ra nhiều hoạt động. Các nhân viên cũng mong đợi một cộng đồng công ty tại nơi làm việc và họ thích nó khi người quản lý cao nhất tạo ra một bầu không khí như vậy. Do đó, nhân viên thường không thay đổi công việc của họ ngay cả khi công ty rơi vào thời kỳ khó khăn. Họ ở lại với công ty cho đến khi công ty có thể phục hồi.

Để tạo ra những cảm giác về cộng đồng công ty, mỗi công ty có chiến lược riêng của mình. Đây là một số ví dụ về các chiến lược chung mà các công ty thông qua. Đầu tiên, các công ty tạo ra một tinh thần đoàn kết giữa các nhân viên tại nơi làm việc để họ có cảm giác như là các thành viên của gia đình. Thứ hai, công ty cố gắng tạo nên tư tưởng vững chắc để xây dựng lòng tin và sự hiểu biết giữa nhân viên và công ty. Thứ ba, lãnh đạo công ty tham gia các buổi tiệc do nhân viên tổ chức. Thứ tư, công ty đã tạo dựng những mối quan hệ xã hội với các nhân viên bên cạnh các mối quan hệ công việc. Các chính sách này của công ty đã giúp tạo ra một bầu không khí giữa người lao động và nhà quản lý thành một cộng đồng công ty.

Người dịch: Trương Phan Thanh Thủy

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Nguồn: Bài viết “Transformation of Korean HRM based on Confucian Values” của tác giả Jong-Tae Choi, đăng trên Seoul Journal of Business, Volume 10, Number1 (6/2004).


Scroll To Top