Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KIM SI - SEUP (KIM THỜI TẬP: 1435 – 1493) VÀ TÁC PHẨM TRUYỀN KỲ NỔI TIẾNG KIM NGAO TÂN THOẠI (Phần 2)

Đăng ngày:

Đại thể các câu chuyện như sau:

1.Vạn Phúc tự Hu bồ ký

Ở Nam Nguyên có chàng thư sinh họ Lương, cha mẹ mất sớm, chưa lập gia đình, sống một mình ở căn phòng phía Đông chùa Vạn Phúc. Theo tục lệ vùng ấy, ngày 24 tháng 3 là ngày hội làng, ngày làm lễ cầu phúc, nam nữ đến chùa rất đông. Tới lúc trời sẩm tối, người đến lễ chùa đã thưa, Lương sinh rút Hu bồ ở trong ống tay áo ra đặt trước Phật đài và khấn rằng nếu thua sẽ làm mâm cỗ lễ tạ, nếu được xin Đức Phật ban cho cô gái xinh đẹp làm vợ. Lương sinh tung Hu bồ chơi và thắng cuộc. Chàng vui mừng nấp sau Phật đài chờ đợi. Quả nhiên có một người đẹp như tiên nữ giáng trần đi tới thắp hương khấn vái trước Phật đài, than thở nỗi cô đơn và cầu xin Đức Phật tìm cho người hợp duyên số. Lương sinh vội vã bước ra và hai người gặp nhau, nói chuyện với nhau tâm đầu ý hợp. Họ trao duyên và cùng dắt nhau đến một nơi rồi cùng đắm say tình tự hoan lạc. Trời tang tảng sáng, nàng dẫn chàng đến khu cỏ tranh um tùm, không rõ đường ngang lối tắt, cuối cùng tới một ngôi nhà nhỏ đẹp lộng lẫy. Lương sinh đã ngờ ngợ có lẽ không phải trần gian nhưng vì nàng quá ân cần chu đáo chiều chuộng nên không ưu tư gì nữa. Lương sinh ở đó 3 ngày vui sướng thoải mái thì thấy nàng buồn rầu nói rằng ở đây 3 ngày bằng ở trần gian 3 năm, đã đến lúc phải xa nhau và mời bà con thân thích đến dự tiệc chia tay, cùng chàng xướng họa thơ văn. Trước khi biệt ly, nàng tặng cho chàng một cái bát bằng bạc làm tín vật và hẹn rằng sáng hôm sau khi bố mẹ nàng đi lễ chùa Bảo Liên thì sẽ cùng chàng đến chào cha mẹ. Theo lời hẹn, Lương sinh cầm chiếc bát bạc đứng chờ trên đường đến chùa, thấy một gia đình quyền quý, ngựa xe lộng lẫy đi tới. Người tháp tùng nhìn thấy cái bát bạc bèn thưa lại với ông bà chủ, họ cho dừng xe, nhận ra cái bát là đồ tùy táng của con gái và đã kể cho Lương sinh nghe chuyện con gái mình đã chết, hôm nay là ngày giỗ, họ lên chùa làm lễ cho con. Chàng cũng kể lại duyên kỳ ngộ với nàng cho họ nghe. Nhờ có cái bát bạc, chàng nhận ra nàng và cùng vui vẻ nắm tay nhau đến chùa mà mọi người không thể nhận biết được. Đêm hôm đó là đêm đôi chim uyên ương tâm tình và nghẹn ngào nói lời biệt ly, nàng phải trở về trời.Lương sinh biết rõ là hồn ma, lòng càng thương cảm, khóc mãi không thôi. Cha mẹ nàng rất cảm động bèn cho chàng hết mấy thửa ruộng và số nô tỳ của con gái. Nhưng đau khổ vì tình, chàng bán hết ruộng đất, gia sản rồi cúng tiến vào chùa, làm lễ cho vợ liền trong ba ngày đêm. Sau đó, chàng không lấy vợ nữa, ngày ngày vào núi Trí Dị hái thuốc và không biết cuối cùng ra sao.

2. Lý sinh khuy tường truyện

Ở Tùng Đô có chàng thư sinh họ Lý, mặt mũi khôi ngô, thông minh học giỏi. Lý sinh học trường Quốc học, mỗi khi đến trường thường đi qua nhà cô gái họ Thôi. Một hôm, Lý sinh nghỉ dưới bóng cây ngó trộm qua tường thấy hoa đẹp nở rộ, ong bướm bay lượn, chim hót véo von và một cô gái xinh đẹp vừa kết tóc cài trâm vừa ngâm thơ tình lãng mạn tỏ ý muốn tìm bạn lứa đôi. Chàng muốn thử tài thơ nhưng thấy tường cao, sân rộng nên lại thôi, vội vã đến trường.Lúc trở về, chàng làm ba bài thơ tình tỏ ý muốn được gặp nàng rồi đem ném vào trong bức tường. Nàng sai thị nữ lấy về, đọc đi đọc lại, trong lòng xốn xang bèn viết mấy chữ hẹn hoàng hôn sẽ gặp. Lý sinh theo lời hẹn đến gặp nàng. Nơi nàng ở là một cái lầu nhỏ đẹp lộng lẫy bên cạnh ao hoa Phù Dung trong một khuôn viên rộng, hương hoa thơm ngát, khiến cho Lý sinh ngỡ như lạc vào tiên cảnh. Hai người gặp nhau, dốc bầu tâm sự bằng những bài thơ tình lãng mạn, bày tỏ tình cảm yêu thương. Từ đó trở đi, cứ tối đi sáng về, không đêm nào Lý sinh không đến, họ cùng uống rượu, ngâm thơ và tình tự. Khi cha Lý sinh phát hiện ra, mắng con đã vi phạm lễ giáo và bắt phải đi Yeong Nam (Lĩnh Nam) giám sát đôn đốc nô lệ. Nàng bỗng dưng không thấy chàng đến, cho người dò hỏi, biết tin chàng đắc tội với cha phải đi Lĩnh Nam nên ngã bệnh ốm liệt giường, vóc dáng tiều tụy. Cha mẹ nàng lấy làm lạ, hỏi han bệnh tình thì nàng không nói, khi lục lọi hòm tủ của nàng thì tìm thấy bài thơ tỏ tình của Lý sinh và vặn hỏi Lý sinh là ai. Đến nước ấy, nàng không thể che giấu được nữa bèn nghẹn ngào kể hết chuyện tình dang dở của mình, xin lỗi cha mẹ và mong cha mẹ tác thành cho đôi lứa, nếu không nàng chỉ chọn con đường chết mà thôi. Vì ông bà chỉ có một mình cô con gái yêu nên chiều và tìm người mai mối đến hỏi nhà họ Lý. Nàng được tin, bệnh tình lập tức thuyên giảm, mừng vui khôn tả. Từ đó, họ sống với nhau rất hạnh phúc.Năm sau, Lý sinh thi đại khoa đỗ tiến sĩ, tiếng tăm lừng lẫy. Đến năm Tân Sửu, giặc khăn đỏ nổi loạn. Nàng không may bị giặc bắt, chúng định giở trò đồi bại nhưng nàng quyết giữ gìn tiết tháo nên bị chết một cách thảm thương. Sau khi hết loạn lạc, Lý sinh trở về, nhà cửa hoang tàn đổ nát, Lý sinh ngậm ngùi buồn bã ngồi lâu ở đó nhớ lại kỷ niệm xưa. Bỗng nàng hiện về, chàng tuy biết là hồn ma nhưng hai vợ chồng vẫn vui vẻ đằm thắm như xưa. Từ đó, Lý sinh không quan tâm đến chuyện đời thường, không thiết tha gì với quan chức mà ngày ngày vui sống cùng nàng. Mấy năm sau, một đêm, nàng nói với chàng về chuyện chia ly, nói rõ cho chàng biết rằng Thiên Đế cảm thương tình yêu của họ nên cho họ tiếp tục chia sẻ mối tình sầu nay đã hết hạn, nàng phải về trời. Nàng nói lời biệt ly rồi biến mất.Lý sinh buồn rầu vì tình rồi sinh bệnh, được mấy tháng rồi mất. Nghe chuyện tình ấy, ai cũng cảm thương và ái mộ nghĩa tình của họ.

3. Túy du Phù Bích đình ký

Ở Ke Seong (Khai thành) có chàng thư sinh họ Hồng vừa đẹp trai vừa học giỏi. Vào dịp tết Trung thu, Hồng sinh cùng bạn bè đi thuyền đến chơi chợ ở Bình Nhưỡng và đổi vải lấy tơ lụa. Trong thành, Hồng sinh có người bạn cũ là Lý sinh, Lý sinh mời bạn đến chơi và bày cơm rượu thết đãi. Hồng sinh uống rượu say mới trở về thuyền. Đêm trở lạnh, Hồng sinh không ngủ được bèn chèo thuyền chở trăng đi chơi, cuối cùng dừng lại dưới đình Phù Bích và cao hứng làm thơ. Ở đó, chàng gặp tiên nữ, vốn là hậu duệ của Cơ Tử, do có tài thơ văn nên sau khi mất được Hằng Nga nhận làm thị nữ. Tiên nữ cảm nhận được tứ hay ý đẹp trong thơ của chàng và làm thơ họa lại. Hồng sinh đọc kỹ thơ nàng và nhận ra “thơ tiên”, bèn lấy cảnh đẹp đêm thu trăng sáng dạo chơi đình Phù Bích làm đề và mời nàng làm thơ. Tiên nữ đồng ý và vung nét bút như mây vờn gió cuốn viết liền một mạch bài thơ 40 vần tặng cho Hồng Sinh. Làm thơ xong, nàng ném bút lên không trung rồi bay đi mất. Hồng sinh từ đó vì nhớ tiên nữ không lúc nào nguôi nên mắc bệnh tương tư, thân hình tiều tụy. Một hôm, Hồng sinh mộng thấy một thị nữ đến nói rằng tiên nữ ngày đêm mong nhớ chàng, đã tâu chuyện với Ngọc Hoàng và Ngọc Hoàng Thượng Đế đã ban cho chàng chức quan Tòng sự dưới trướng của Ngưu lang. Hồng sinh tỉnh mộng bèn tắm gội trai giới và trở về trời chung sống cùng nàng.

4. Nam Viêm Phù châu chí

Ở Kyeong Ju (Khánh Châu) có chàng thư sinh họ Phác tính tình cương trực, học giỏi, hay nói tới những chuyện xa vời, ý tưởng cao xa. Một hôm, Phác sinh chong đèn đọc sách, tựa gối ngủ thiếp đi và mơ thấy mình đến một thế giới xa lạ, đó là Bồng đảo của Diêm vương. Ở đây, Phác sinh được Diêm vương đón tiếp trọng thị và cùng nhau đàm đạo về nhiều vấn đề của Nho giáo, Phật giáo, về lòng trung thành và đạo làm người, về chuyện kỳ dị của các loài ma quỷ. Diêm vương nhận thấy Phác sinh là người tài, chính trực vô tư, cương nghị quyết đoán, có đức bao dung nên đã quyết định nhường ngôi cho.

Khi Phác sinh giật mình tỉnh giấc, bàng hoàng về giấc chiêm bao, sau đó phát bệnh, nghĩ rằng mình không sống được lâu nên không cho mời thầy thuốc, thầy cúng đến chữa.Vào đêm sắp mất, Phác sinh mơ thấy một vị thần hiện về bảo với bà con hàng xóm rằng Phác sinh sẽ là Diêm vương.

5. Long cung phó yến lục

Vào thời Koryeo, có chàng thư sinh họ Hàn học giỏi, văn hay chữ tốt nổi tiếng khắp trần gian. Long vương nghe tiếng bèn mời xuống long cung vừa dự yến tiệc vừa đề thơ tặng chữ nhân dịp lễ cất nóc cung điện mới. Hàn sinh dự yến tiệc ở long cung, được hưởng mọi của thơm vật lạ, được xem ca múa và cùng xướng họa thơ văn với ba vị thần sông. Sau đó, Hàn sinh làm bài thơ trường thiên 20 vần tặng cho Long vương. Long vương và các quan khách xem thơ đều không ngớt lời tán thưởng. Hàn sinh còn được Long vương sai sứ giả dẫn đi tham quan các cung điện nguy nga tráng lệ và thấy nhiều điều kỳ dị.Xem xong, Hàn sinh xin phép ra về, Long vương tặng cho tảng san hô có hai viên ngọc dạ quang và hai tấm tơ lụa trắng. Long vương còn sai sứ giả dẫn con tê giác đưa Hàn sinh về.Hàn sinh nghe lời sứ giả nhắm mắt một lúc trên đường về, khi mở mắt ra, chỉ thấy một mình nằm trong nhà.Hàn sinh vội tìm xem thì vẫn thấy ngọc và lụa bèn cất kỹ trong hòm, coi đó là bảo vật quý nhất trên đời.Từ đó trở đi, Hàn sinh không ôm ấp hoài bão cầu danh và lợi, đi vào trong núi tiên ở.

Như vậy, ta có thể thấy mấy chủ đề chính nổi bật như sau:

1.  Đề cao tình yêu tự do và chung thủy, chống lại lễ giáo phong kiến

Trong 5 truyện nêu trên, có 3 truyện viết về đề tài tình yêu (“Vạn Phúc tự Hu bồ ký”, “Lý sinh khuy tường truyện” và “Túy du Phù Bích đình ký”). Đó là tình yêu tự do, tình yêu chung thủy.

Đề tài tình yêu chung thủy là đề tài chung và luôn luôn tỏa sáng trong mọi thời đại, mọi vùng đất từ Đông sang Tây, từ Nam tới Bắc. Nhưng, về đề tài tình yêu tự do thì trong giai đoạn lịch sử nhất định, đặc biệt ở phương Đông thời trung đại lại là một sự đột phá táo bạo.

Vào những năm tác giả sinh sống, phiêu lãng và sáng tác (thế kỷ XV), Nho giáo đang ngự trị cả vùng Đông Á, đặc biệt ở Hàn Quốc, tư tưởng Nho giáo còn được đẩy lên tới mức cực đoan thì vấn đề tự do yêu đương bị coi là phạm vào lễ giáo và bị xử phạt rất nặng. Nhưng ở đây, tác giả tuy không viết về những mối tình tự do của những con người thực mà viết về mối tình của những chàng trai trần tục với tiên nữ hay hồn ma, trong đó phái nữ chủ yếu gợi cảm, gợi tình, thổ lộ yêu thương và cùng vui chăn gối. Dẫu rằng tác giả không trực diện viết về tình cảm yêu đương của phụ nữ bị lễ giáo phong kiến trói buộc mà qua tiên nữ hoặc hồn ma bày tỏ nỗi niềm si mê, say đắm của mình nhưng cũng đã phản ánh được khát vọng được yêu, tự do yêu thương và chung thủy của phụ nữ Hàn Quốc đương thời.

2.Bày tỏ tấm lòng trung quân ái quốc, chí khí diệt kẻ vô đạo

Là tiểu thuyết truyền kỳ, đương nhiên tác giả đề cập tới những chuyện thần dị, kỳ quái, những chuyện ở dưới long cung, địa phủ, nhưng thông qua những lời đối thoại giữa nhân vật chính với Diêm vương, Long vương, tác giả đã bày tỏ tấm lòng trung hiếu tiết nghĩa đối với nhà vua, đối với quê hương, đất nước và người thân, bày tỏ chí khí của mình đối với những kẻ “đại nghịch vô đạo”, nêu lên chính kiến của mình đối với tư tưởng Nho giáo, Phật giáo.

3.Ngụ ý trong các cuộc gặp gỡ bởi nhân duyên và chia ly trong đau khổ

Như ta đã biết, vua Sejong (Thế Tông) trị vì Choseon đến năm 1450 thì chấm dứt. Điều đó tức là, Kim Thời Tập được gặp nhà vua và coi như ơn tri ngộ vừa tròn 10 năm. Ký ức của một thời niên thiếu vẻ vang đã được gửi gắm trong toàn bộ tác phẩm, cuộc gặp gỡ có một không hai đó chính là hình tượng các văn nhân gặp tiên nữ hồn ma. Sự thủy chung của họ cũng là hình tượng của lòng trung thành của kẽ sĩ với nhà vua. Những cuộc chia ly bi ai đau khổ cũng chính là nỗi lòng của tác giả đối với nhà vua. Có điều, với lối viết văn theo thể biền ngẫu nhịp nhàng mang tính thẩm mỹ cao mà người đọc dễ chìm vào câu chuyện tình say đắm mà bi lụy của các đôi trai tài gái tiên. Câu chuyện Long cung phó yến lục không đề cập tới tình yêu mà gần như thuật lại chuyện Kim Thời Tập được vào cung vua, được vua ban thưởng và tác giả muốn bày tỏ sự trung thành, lòng kính yêu của mình đối với nhà vua vĩ đại của mọi triều đại phong kiến Hàn Quốc.

 

Kim Ngao tân thoại là tác phẩm truyền kỳ chữ Hán xuất hiện đầu tiên ở Hàn Quốc, chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử tiểu thuyết Hàn Quốc nói riêng, lịch sử văn học Hàn Quốc nói chung. Tuy về mặt thể loại, về mặt hình thức có chịu ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại (Trung Quốc) nhưng nhận thức xã hội, nhận thức thế giới hoàn toàn khác biệt. Kim Ngao tân thoại được sáng tác theo nhận thức của một tác giả đặc biệt, một người vừa là một uyên nho lại vừa là người say sưa với đạo Phật, một văn nhân có tài văn chương lại không chịu sự gò bó trong sáng tác. Bởi thế, ông là một trong những đại thụ của dòng văn học thoát khỏi vòng cương tỏa của chính trị đương thời được gọi với tên Phương ngoại nhân.  Kim Ngao tân thoại được sáng tác với bối cảnh thực tế của xã hội Choseon bấy giờ, từ những biến cố lịch sử, phong cảnh thiên nhiên, địa danh, phong tục đến cách thể hiện tình cảm đều mang đậm chất dân gian, dân tộc Hàn. Đây thực sự là một bộ tiểu thuyết truyền kỳ vừa có nội dung sâu sắc vừa mang tính nghệ thuật cao, lại mang đậm tính dân tộc và có giá trị về nhiều mặt, xứng đáng được các văn nhân đời sau học tập và noi theo.

 

Lý Xuân Chung – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo

  1. Kim Thời Tập; Kim Ngao tân thoại; Bản dịch tiếng Việt của Toàn Huệ Khanh-Lý Xuân Chung; Nxb ĐHQGHN 2004.
  2. Jeon Hye Kyung (Toàn Huệ Khanh); Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc-Trung Quốc-Việt Nam; Nxb ĐHQGHN 2004.
  3. Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐHQGHN 2006.
  4. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986.
  5. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997.

Scroll To Top