Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC CỦA BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC (Phần 1)

Đăng ngày:

Tóm tắt: Theo xu thế phát triển của thế giới nói chung và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng, đặc biệt là sự biến đổi của bán đảo Triều Triên trong thế kỷ mới, mối quan hệ đặc biệt giữa Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên cũng như vị trí chiến lược của bán đảo Triều Tiên đối với Trung Quốc cũng sẽ xuất hiện những đặc điểm mới. Một là, bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ tạo thành một lực lượng quan trọng của khu vực Đông Á, sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện khu vực Đông Bắc Á và môi trường xung quanh Trung Quốc. Hai là, bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành “quân bài” chủ chốt của Mỹ để khống chế Trung Quốc, Trung Quốc cần phải dựa vào vị trí chiến lược của bán đảo để tạo thế cân bằng với Mỹ. Ba là, bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành “tấm lá chắn” và là “người trợ thủ” đắc lực cho công cuộc xây dựng hiện đại hóa Trung Quốc, đồng thời cũng là đối tác hợp tác quan trọng với Trung Quốc. Bốn là, bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành lực lượng trợ giúp lớn để Trung Quốc hoàn thành đại nghiệp thống nhất hòa bình đất nước.

Từ khóa: bán đảo Triều Tiên, chiến lược của Trung Quốc, quan hệ Trung – Hàn, Trung – Triều

Tầm quan trọng của Bán đảo Triều Tiên đối với an ninh Trung Quốc là vấn đề thường gặp. Người Trung Quốc trước đây thường dùng cụm từ "gắn bó keo sơn", "môi hở răng lạnh" để hình dung mối quan hệ đặc biệt của bán đảo Triều Tiên với Trung Quốc. Có thể nói, bán đảo Triều Tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với an ninh Trung Quốc. Ý nghĩa này có thể nói xuyên suốt tiến trình lịch sử của Trung Quốc. Nhưng với mỗi thời kỳ lịch sử lại có ý nghĩa khác nhau. Thế kỷ XX đã qua, thế kỷ XXI đã đến, cùng với sự phát triển của tình hình thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là sự biến đổi của Bán đảo Triều Tiên trong thế kỷ mới, mối quan hệ đặc biệt và vị trí chiến lược của bán đảo Triều Tiên với Trung Quốc cũng sẽ xuất hiện những đặc điểm mới.

1. Bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ tạo thành một lực lượng quan trọng của khu vực Đông Á, sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện khu vực Đông Bắc Á và môi trường xung quanh Trung Quốc.

Xét từ mục tiêu trung dài hạn, thống nhất bán đảo Triều Tiên là xu thế bắt buộc. Hiện nay,bán đảo Triều Tiên đang bị chia cắt, sức mạnh kinh tế và sức mạnh tổng hợp quốc gia không thể so sánh với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN, chưa thể trở thành một lực lượng trong khu vực Đông Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Nhưng chỉ cần bán đảo Triều Tiên thống nhất, sẽ trở thành một lực lượng không thể thiếu của khu vực Đông Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Học giả Singapore cho rằng: "Trong tương lai xa, an ninh Đông Bắc Á và cục diện chính trị sẽ tái cơ cấu, Hàn Quốc và Triều Tiên tăng cường hợp tác, trở thành một thành viên quan trọng của Đông Bắc Á."

Một báo cáo của Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc cho thấy, trong thế kỷ XXI, "tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh của Đông Bắc Á đều phát huy vai trò trung tâm quốc gia". Hàn Quốc "phải lấy tư cách là một trong năm quốc gia lớn của Đông Bắc Á để gia nhập hàng ngũ các nước lớn trên thế giới, xây dựng một ngày mai tươi sáng cho dân tộc chúng ta". Giáo sư Đại học Kyunghee (Hàn Quốc) phát biểu trong một buổi hội thảo học thuật tại Đại học Bắc Kinh đã nói: “Trong trật tự mới của Đông Bắc Á, bốn nước lớn nằm ở bốn góc trong trật tự mới, hơn nữa sau khi thống nhất, bán đảo Triều Tiên sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo”.

Về việc bán đảo Triều Tiên sau khi thống nhất có thể gia nhập hàng ngũ năm nước lớn và giữ vai trò lãnh đạo trong trật tự mới của Đông Bắc Á hay không, tác giả bài viết này không dám dự đoán trước. Nhưng tác giả tin rằng, tương lai bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ đóng vai trò quan trọng trong khu vực Đông Bắc Á nói riêng và thế giới nói chung. Đầu thế kỷ XXI, hai miền Nam-Bắc Triều Tiên nếu có thể thống nhất, hoàn toàn có thể trở thành một cực trong sáu cực của châu Á - Thái Bình Dương (Mỹ, Trung, Nga, Nhật, Hàn, ASEAN), hoặc trở thành một trong bốn cực của khu vực Đông Á (Trung, Nhật, Hàn, ASEAN). Bán đảo Triều Tiền sẽ chào đón "thời đại một cô gái có năm chàng trai cầu hôn" giống như lời ngài Kim Dae-Jung từng nói.

Sự phát triển của cục diện đa cực chính là xu thế đa cực hóa tự nhiên của Đông Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần gìn giữ hòa bình và ổn định của châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Đây chính là những gì mà Trung Quốc đang kỳ vọng.

Nhìn từ góc độ kinh tế, bán đảo Triều Tiên có tiềm năng kinh tế lớn, kinh tế Hàn Quốc đã phát triển tới trình độ khách quan, khoảng cách kinh tế giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Nhật Bản cũng dần được thu hẹp lại, sức mạnh kinh tế hai miền Nam-Bắc Triều Tiên nếu hợp làm một sẽ không hề yếu kém. Theo kết quả thống kê của Viện Nghiên cứu ngành nghề Hàn Quốc, căn cứ vào tài liệu của Sở Thống kê Hàn Quốc và Liên Hợp Quốc,  năm 2010, dân số miền Nam đạt 47,9 triệu người, dân số miền Bắc đạt 28,5 triệu người, tổng cộng 76,4 triệu, gần bằng dân số Đức năm 2010. Năm 2010, GDP đạt 990 tỷ USD (so sánh theo tiêu chuẩn năm 1990), năm 2021 sẽ đạt 2000 tỷ USD. Con số này còn có thể cao hơn. Nhưng dù như thế nào, sau khi thống nhất, sức mạnh kinh tế của bán đảo Triều Tiền sẽ mạnh hơn nhiều so với thực trạng Hàn - Triều đang chia cắt hiện nay. Hai miền Nam Bắc có thể phối hợp với nhau, cùng hợp tác, phát huy ưu thế mỗi bên, tiềm năng kinh tế sẽ không thể dự đoán trước được. Về vị trí của Hàn Quốc tại Đông Á, trong một bài phát biểu của tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung, ông nói: “Trước đây, Hàn Quốc là một đất nước nhỏ, yếu kém ở Đông Á, nhưng hiện tại, chúng tôi không còn là nước nhỏ yếu nữa”. Từ dân số có thể thấy, dân số Đại Hàn Dân Quốc đứng thứ 17, 18 thế giới. Nếu dân số hai miền cộng lại thì có thể trở thành nước lớn đứng thứ 12 thế giới. Có thể nói, "Hàn Quốc tuyệt đối không phải là một nước nhỏ”. Ngài Kim Dae-Jung nói một cách hài hước, sở dĩ Hàn Quốc khá thấp bé là "do chúng tôi luôn đứng cạnh người to lớn".

Sau khi khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, mặc dù kinh tế Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề, thực hiện những mục tiêu đã đề ra có phần chậm lại, nhưng tiềm năng phát triển kinh tế của Hàn Quốc vẫn rất lớn. Sau khủng hoảng tài chính, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung tuyên bố khẩu hiệu "lần thứ hai kiến quốc", người dân Hàn Quốc quyết tâm cùng nỗ lực đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia hàng đầu.

Điều đặc biệt đáng chú ý là miền Bắc bán đảo Triều Tiên cũng đang nỗ lực xây dựng đất nước giàu mạnh. Chính phủ Triều Tiên đưa xây dựng kinh tế trở thành vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển quốc gia. Tháng 8 năm 1998, Triều Tiên lần đầu đề ra chiến lược phát triển "nước lớn xã hội chủ nghĩa giàu mạnh". Sau đó, từ năm 1999 đến 2000, trong bài xã luận chung liên tục nhắc tới mục tiêu chiến lược xây dựng đất nước lớn mạnh. Chủ tịch Kim Jung Il nêu rõ, chiến lược thế kỉ XXI chính là trong thời gian ngắn nhất, xây dựng nền kinh tế quốc gia vững mạnh, từ đó đưa Triều Tiên vào hàng ngũ các nền kinh tế mạnh trên thế giới. "Nếu nói thập niên 90 của thế kỉ XX là giai đoạn đầu của chiến lược quốc gia của Triều Tiên, mục tiêu chủ yếu là bảo vệ và củng cố thể chế kinh tế chính trị xã hội chủ nghĩa, vậy bây giờ sẽ là giai đoạn hai của việc lấy xây dựng đất nước lớn mạnh làm mục tiêu trọng tâm. Trong giai đoạn này, trọng điểm chiến lược là toàn lực phát triển khoa học kĩ thuật hiện đại với máy tính điện tử làm trọng tâm, dùng khoa học kĩ thuật hiện đại để cải tạo toàn bộ nền kinh tế". 5 năm trước, Triều Tiên đang chuẩn bị tư tưởng và tổ chức cho giai đoạn hai chiến lược phát triển quốc gia. Chúng ta có lý do để tin tưởng, qua vài năm sau, miền Bắc Triều Tiên cũng sẽ chào đón kỳ tích đại phát triển giống miền Nam Triều Tiên trong thập niên 60 đến 80. Tới lúc đó, bán đảo Triều Tiên sẽ càng vững mạnh.

Nhìn từ góc độ chính trị, sau khi thống nhất, bán đảo Triều Tiên sẽ không còn là đối tượng bị các nước lớn lợi dụng, tranh giành và truy đuổi trong quá khứ mà tương lai sẽ đóng vai trò trong công việc của Đông Á, châu Á và thế giới. Theo phân tích, sau khi thống nhất, bán đảo Triều Tiên trong khi giải quyết mối quan hệ với các nước xung quanh, không dễ ủng hộ một hoặc hai nước, vì an toàn bản thân và lợi ích quốc gia, xây dựng chính sách ngoại giao trung lập và hòa bình với các nước lớn, hòa bình trung lập, độc lập tự chủ sẽ trở thành tư tưởng chủ đạo  xử lý quan hệ với các nước lớn, hơn nữa, có thể phát huy vai trò tích cực trong các nước lớn, thậm chí có thể đảm đương vai trò đặc biệt của các nước lớn. Nhiều năm qua, do thể chế Mỹ - Xô, quan hệ hai miền Nam-Bắc đều thực hiện lập trường chủ nghĩa phòng thủ đơn phương, tức là thực hiện chính sách “nhất biên đảo”, hai bên coi kẻ thù của Mỹ, Liên Xô thành kẻ thù của chính mình. Chính sách ngoại giao chủ nghĩa đơn phương này đối với Nam-Bắc Triều Tiên đều có sự ràng buộc lớn, khiến thiếu tính tự chủ ngoại giao. Dư luận quốc tế đánh giá cao điều chỉnh chính sách ngoại giao của Hàn Quốc, cho rằng, nó "không nhất định coi ngoại giao tự chủ thành sản phẩm phụ thuộc của chính sách châu Á của Mỹ", thực hiện quan hệ đối ngoại đa cực hóa, chủ nghĩa đa phương toàn diện đã thay đổi hình ảnh của Hàn Quốc trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực Đông Bắc Á.

Hàn Quốc như vậy, Triều Tiên không phải là không như vậy. Thủ tướng Hàn Quốc Hong Song Nam tại Hội nghị nhân dân tối cao tuyên bố, Triều Tiên "sẽ dựa vào nguyên tắc bình đẳng, độc lập, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp nội bộ, cùng có lợi và tích cực hợp tác trong tổ chức quốc tế và phát triển quan hệ với tất cả các nước trong các lĩnh vực". Trên thực tế, những năm gần đây, thành công về ngoại giao toàn diện của Triều Tiên là rõ rệt. Triều Tiên tích cực mở rộng không gian ngoại giao, song song với triển khai ngoại giao đa phương với các nước lớn làm trung tâm, tích cực tìm kiếm mối quan hệ với phương Tây, đặc biệt là các nước châu Âu. Từ tháng 1 năm 2000, các nước châu Âu như Italy, Anh, Đức, Tây Ban Nha lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Phương pháp này của Triều Tiên đã giành được thế chủ động trong ngoại giao, giành được không gian trên trường quốc tế, cũng như giành được sự ủng hộ của các nước Châu Âu. Chính trong tình hình đó, chính quyền Bush không thể không nhận ra, chỉ có khôi phục đối thoại và đàm phán với Triều Tiên mới có thể duy trì quyền phát ngôn và sức ảnh hưởng của Mỹ trong các công việc của bán đảo Triều Tiên. Tạp chí Ngoại Giao Mỹ số phát hành gần đây có đăng bài "Tới lúc rời khỏi bản đảo Triều Tiên rồi sao?" cho rằng, "cắt đứt mối quan hệ với Triều Tiên chỉ khiến cho tình hình Đông Bắc Á ngày càng xấu đi."

Từ các tình hình trên có thể suy ra, xu thế phát triển mối quan hệ với các nước của bán đảo Triều Tiên sau khi thống nhất sẽ thực hiện chính sách trung lập hòa bình tự chủ. Mối quan hệ với các nước lớn sẽ giúp bán đảo Triều Tiên thoát khỏi sự phụ thuộc vào bất kỳ nước nào, hoàn toàn có thể thay đổi chính sách "phụ thuộc" nước lớn thành chính sách "lợi dụng" nước lớn. Bởi vì chỉ có duy trì vị trí hòa bình trung lập, mới có thể đảm bảo an ninh và phát triển của bán đảo, mới có thể giành được không gian sinh tồn và phát triển có lợi nhất trong bốn nước lớn. Có thể tưởng tượng, nếu bán đảo Triều Tiên sau khi thống nhất đứng hẳn về phía Mỹ thì kết quả tất yếu sẽ tạo sự ra đối kháng quyết liệt với Trung Quốc và Nga, đồng thời, cũng gây bất lợi cho an ninh bán đảo Triều Tiên. Ngược lại, nếu bán đảo Triều Tiên có xu hướng quay sang phía Trung Quốc và Nga thì sẽ phải đương đầu với Mỹ và Nhật Bản. Lịch sử hàng trăm năm trước chiến tranh lạnh và lịch sử hơn nửa thế kỷ sau chiến tranh lạnh đã chứng minh rằng: chỉ có tự lập tự cường mới có thể thoát khỏi sự khống chế cường quyền. Đối với xu thế tất yếu này, thậm chí ngay cả giới truyền thông Mỹ cũng có những đánh giá khách quan: “Tình trạng chia rẽ hai miền đã kéo dài đến 50 năm, một dân tộc với tinh thần chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ thì cho dù có xảy ra vấn đề gì cũng sẽ không nghe theo sự sắp đặt của bất kỳ nước lớn nào”. Nhìn từ góc độ lợi ích của các nước láng giềng quanh bán đảo Triều Tiên, hình thành quốc gia theo kiểu hòa bình trung lập không chỉ vô hại mà còn nhận được nhiều lợi ích hơn, đồng thời, cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ và đồng tình của các nước láng giềng. Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung nhận thấy rõ lợi ích không đồng nhất của bốn nước lớn là Mỹ, Trung, Nhật, Nga ở bán đảo Triều Tiên. Trước cuộc hội đàm diễn ra ở Triều Tiên, ông đã nói: Trong quá khứ, Mỹ - Xô luôn chỉ đạo mọi việc ở bán đảo Triều Tiên, hai miền Triều Tiên phản đối việc hợp nhất làm một. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh hai miền sẽ giúp Seoul và Bình Nhưỡng xoay chuyển tình hình, cho cả thế giới và bốn cường quốc biết rằng hai miền Triều Tiên có đủ tiềm lực để tự giải quyết vấn đề của mình. Vấn đề bán đảo Triều Tiên sẽ do Hàn Quốc và Triều Tiên giải quyết, bốn cường quốc sẽ đóng vai trò trợ giúp và ủng hộ. Có thể nói, quan hệ giữa bán đảo Triều Tiên và các nước lớn chuyển từ quan hệ phụ thuộc sang quan hệ độc lập, tự chủ. Vị thế của bán đảo Triều Tiên sẽ có những thay đổi lớn mang tính căn bản. Sự biến đổi sâu sắc này, chính là mong muốn và kỳ vọng của Trung Quốc. Bởi vì nó có lợi cho nền hòa bình và ổn định của Trung Quốc, đồng thời, nó cũng có lợi cho hòa bình và an ninh của khu vực Đông Bắc Á.

Người dịch: Diễm Huyền

Nguồn: Bài viết 朝鲜半岛对中国的, 战略意义, từ http://wenku.baidu.com/view/cb41b4ed172ded630b1cb689.html


Scroll To Top