Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VỀ CÁC CUỘC GẶP GỠ GIỮA CÁC GIA ĐÌNH LY TÁN Ở BÁN ĐẢO HÀN (Phần 2)

Đăng ngày:

Trước đó, tại vòng một cuộc đàm phán kéo dài 13 giờ (ngày 12/2), Triều Tiên đã đe dọa hủy bỏ thỏa thuận tổ chức sự kiện đoàn tụ này nếu phía Hàn Quốc và Mỹ không lùi thời điểm tiến hành cuộc tập trận thường niên (bắt đầu ngày 24/2). Nhưng, Seoul đã kiên quyết bác bỏ yêu sách đó của Bình Nhưỡng. Tương tự, hồi tháng 9/2013, một chương trình đoàn tụ gia đình được lên kế hoạch đã bị hủy vào phút chót do Bình Nhưỡng phản đối, chỉ trích những cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là diễn tập chiến tranh chống lại Triều Tiên.

Tuy nhiên, đến ngày 14/2, tại vòng hai cuộc gặp cấp cao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, thuộc khu phi quân sự (DMZ), chính quyền Bình Nhưỡng đã gây ngạc nhiên khi rút bỏ toàn bộ yêu sách đòi Seoul và Washington hoãn cuộc tập trận thường niên, vốn được coi là “điều kiện” để tổ chức các cuộc đoàn tụ.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Triều Tiên lại thay đổi thái độ nhanh như vậy? Theo giới quan sát, có thể do phải đối phó với những vấn đề nội bộ nên chính quyền Bình Nhưỡng đặt ưu tiên làm dịu quan hệ với Seoul vào thời điểm này. Việc nhà lãnh đạo Kim Jeong-un muốn củng cố quyền lực cũng là một yếu tố đáng được xem xét. Có thể việc nhà lãnh đạo Kim Jeong-un đồng ý tổ chức cuộc gặp cho những gia đình bị li tán là để “đánh vào lòng người”, hi vọng tranh thủ được sự ủng hộ của người dân Triều Tiên.

Nhìn lại quá khứ, Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) kết thúc trong bối cảnh hai miền chỉ thông qua một thỏa thuận ngừng bắn thay vì một Hiệp ước hòa bình lâu dài. Chính vì thế, hàng triệu người ở hai miền đã phải chia ly kể từ sau chiến tranh, không có cơ hội gặp gỡ và cũng không thể thực hiện các hình thức liên lạc thông thường khác như gửi thư hay gọi điện thoại...

Trước tình trạng đó, chương trình đoàn tụ gia đình dẫu đã được khởi động từ năm 2000, sau Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc – Triều Tiên nhưng bị gác lại sau khi Triều Tiên pháo kích vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc (ngày 23/11/2010) khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc và 2 thường dân thiệt mạng.

Cuộc đoàn tụ vào tháng 2 vừa qua là cuộc đoàn tụ lần thứ 19, sau 3 năm 4 tháng bị gián đoạn. Các cuộc đoàn tụ gia đình này là cơ hội hiếm hoi để người dân hai miền Nam – Bắc bán đảo Hàn có thể gặp gỡ, trao đổi thông tin cho nhau dù chỉ trong khoảng thời gian hết sức ngắn ngủi. Đây là một sự kiện quan trọng, đặc biệt và mang tính nhân văn lớn. Thậm chí, đối với nhiều người, việc gặp lại người thân được họ xem là “tâm nguyện cuối cùng” ở độ tuổi “gần đất xa trời” (80% số người bị ly tán đã ngoài 80 tuổi).

Theo bảng thống kê ở trên, kể từ tháng 8/2000, đã có gần 18 nghìn người bị ly tán được gặp trực tiếp người thân, trong khi, khoảng 3.748 người khác, thường là do quá yếu để đi lại, được đoàn tụ người thân thông qua kết nối video.

Tuy nhiên, con số này vẫn không sao đáp ứng được nhu cầu đoàn tụ gia đình giữa hai nước. Từ năm 1988, đã có 129.264 công dân Hàn Quốc đăng ký tham gia chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán. 57.700 người trong số này (tương đương với 44,7%) đã qua đời trước khi được gặp mặt người thân, trong đó, chỉ riêng năm 2013, đã có trên 3.800 người qua đời.

Gần đây, trong bài phát biểu nhân Ngày kỷ niệm Phong trào Độc lập 1/3, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã nhấn mạnh: “Những người già ở cả hai miền không còn sống được bao lâu nữa. Vì thế, việc tổ chức đoàn tụ cho họ không nên được coi là một sự kiện đặc biệt”, “Tôi đề nghị phía Triều Tiên tổ chức việc đoàn tụ gia đình thường xuyên hơn để xoa dịu nỗi đau tột cùng của những gia đình bị ly tán càng sớm càng tốt”. Đây là một tín hiệu cho thấy Seoul cũng đang muốn đẩy mạnh cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng.

Ngày 20/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết, Trung Quốc hoan nghênh cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Bà Hoa Xuân Doanh cho rằng, đây là một bước đi đúng đắn của Triều Tiên và Hàn Quốc, xuất phát từ lợi ích quốc gia, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và sẽ có tác động tích cực nhằm cải thiện quan hệ hai miền cũng như giảm căng thẳng khu vực. Qua đó, Trung Quốc hy vọng Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ nắm bắt cơ hội này để duy trì đà thực hiện các vòng đối thoại và hợp tác, có những nỗ lực thiết thực nhằm cải thiện và hạ nhiệt các mối quan hệ căng thẳng trong khu vực./.

Lương Hồng Hạnh tổng thuật

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Số liệu thống kê của Bộ Thống nhất Hàn Quốc.
  2. Các website của Hàn Quốc và Việt Nam:

http://www.index.go.kr/potal/main/EachDtlPageDetail.do?idx_cd=1696

http://news.hankooki.com/lpage/politics/201402/h2014022205344374760.htm

http://100.daum.net/encyclopedia/view.do?docid=b03n3240a

http://vietnamese.cri.cn/481/2014/02/26/1s195905.htm

http://www.baohatinh.vn/m/quoc-te/han-quoc-muon-thuong-xuyen-to-chuc-doan-tu-gia-dinh-ly-tan/78348

http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30106&cn_id=636758

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/han-quoc-keu-goi-doan-tu-than-nhan-ly-tan-2935210.html

http://nguoicaotuoi.org.vn/quoc-te/vi-sao-trieu-tien-dong-y-to-chuc-chuong-trinh-doan-tu-gia-dinh-bi-li-tan.html

http://plo.vn/the-gioi/trieu-tien-to-chuc-doan-tu-cac-gia-dinh-ly-tan-449505.html

 

 


Scroll To Top