Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TRIỀU TIÊN VÀ TRIỂN VỌNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN, DU LỊCH

Đăng ngày:

Từ sau khi tiếp nhận vị trí lãnh đạo của cha mình là Kim Jong-il vào tháng 12 năm 2011, Kim Jong-un đã “phát đi” một loạt các tín hiệu “thay đổi mang tính tích cực” với thế giới.

Ngày 17 tháng 12 năm 2011, Kim Jong-il qua đời. Ngày 15 tháng 7 năm 2012, Ri Yong-ho, vị tướng tâm phúc của Kim Jong-il, Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Triều Tiên bị bãi miễn tất cả các chức vụ. Theo các tin từ truyền thông Hàn Quốc, cha của Ri Yong-ho là bạn chiến đấu thân thiết của Kim Jong-il, ông đã quen biết với Kim Jong-il từ rất sớm. Có lẽ từ mối quan hệ này, năm 2009, Ri Yong-ho được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng. Năm 2010 Ri Yong-ho và Kim Jong-un đã cùng được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương. Sau khi Kim Jong-il qua đời, Ri Yong-ho và Kim  Jong-un cùng nhau hộ tống xe linh cữu. Kim Jong-un sinh năm 1983, tuy đã được nâng đỡ chưa đầy hai năm nhưng đã mất đi hậu thuẫn lớn nhất là cha của mình thì vấn đề cấp bách cho nhà lãnh đạo trẻ thuộc “thế hệ thứ ba” đã từng du học ở Thụy Sỹ thời niên thiếu là liệu có thể nhanh chóng nắm bắt được cục diện hay không?

Trước đây, Kim Nhật Thành đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài để bồi dưỡng Kim Jong-il kế nhiệm. Từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, Kim Jong-il đã có chức vụ trong Đảng Lao động Triều Tiên, trải qua gần 30 năm rèn luyện trong Đảng Lao động mới trở thành Chủ tịch Ủy ban quốc phòng. Bất luận về trải nghiệm, kinh nghiệm hay thiết lập các mối quan hệ đều có hệ thống rõ ràng nên việc kế nhiệm là lẽ đương nhiên. Nhưng trước khi Kim Jong-un chính thức xuất xuất hiện trước công chúng, toàn thế giới không thể tìm được một tấm ảnh chính thức nào. Năm 2008, Kim Jong-il lâm bệnh nặng càng thôi thúc ông chọn người kế nhiệm. Kim Jong-un xuất hiện công khai trước công chúng cũng chính là sự kiện hồi tháng 9 năm 2011. Một người không có kinh nghiệm như Kim Jong-un liệu có thể chỉ dựa vào người chú rể là Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc gia và cô là Kim Kyung-hee để củng cố quyền lực? Phía Mỹ tỏ ra rất nghi ngờ về điều này. Trong mắt của các quan chức Mỹ, cho dù Kim Jong-un được học tiếp thu nền giáo dục của phương Tây trong nhiều năm, nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn quay về văn hóa chính thống của Triều Tiên.

Trước mắt, tình hình kinh tế Triều Tiên không tốt. Nước này vẫn tiếp tục theo thể chế kinh tế kế hoạch hóa cao độ, thêm vào đó, tình hình bên ngoài đang diễn biến xấu, Triều Tiên vẫn nằm trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, bị cô lập quốc tế và chịu cấm vận kinh tế. Về thương mại với Hàn Quốc, dù xu thế giao dịch giữa Hàn Quốc và Triều Tiên gia tăng hàng năm nhưng những nhu yếu phẩm như gạo và sản phẩm công nghiệp nhẹ không thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản của Triều Tiên. Phần lớn thực phẩm, thuốc men vẫn cần viện trợ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. Triều Tiên cần tiến hành cải cách kinh tế nội bộ, cần thêm nhiều nguồn viện trợ từ bên ngoài và đầu tư quy mô lớn.

Ưu thế tài nguyên

Trong tương lai, con đường để Triều Tiên tiến tới mở cửa phát triển kinh tế đầu tiên cần chuẩn bị các chính sách để mở rộng quyền khai thác và quyền kinh doanh của các công ty khoáng sản năng lượng nước ngoài.

Trên thực tế, bất luận về tài nguyên thiên nhiên hay tiềm lực con người, ưu thế của Triều Tiên nhiều hơn so với tưởng tượng của mọi người. Lấy ví dụ về ưu thế tài nguyên, Triều Tiên chiếm hơn 80% nguồn tài nguyên khoáng sản trên bán đảo. Tài nguyên nước và rừng cũng phong phú hơn Hàn Quốc nhiều. Căn cứ vào thông tin từ bản báo cáo phân tích môi trường Triều Tiên, trước mắt, khu vực trữ lượng khoáng sản của Triều Tiên chiếm 70% diện tích đất, trong đó, các khoáng vật có giá trị khai thác lên đến 200 loại. Trữ lượng vàng và kim loại màu rất phong phú, trữ lượng magie và vonfram hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, trữ lượng quặng sắt của Triều Tiên rất lớn, trong đó, mỏ quặng núi Mậu Sơn (Mu san) có trữ lượng lên đến 280 triệu tấn. Đây là mỏ quặng sắt lớn nhất Triều Tiên với sản lượng đạt đến 8 triệu tấn một năm, có giá trị khai thác cao. Qua điều tra, Triều Tiên còn có nguồn tài nguyên than đá phong phú. Trữ lượng đã thăm dò hiện nay là 150 triệu tấn. Chỉ cần ước tính giá trị của 20 loại tài nguyên khoáng sản chiến lược của Triều Tiên, con số đã lên đến 228 nghìn tỷ won, tương đương 1,2 tỷ Nhân dân tệ, gấp hơn 24 lần tiềm năng khoáng sản cùng loại của Hàn Quốc.

Báo “Sankei Shimbun” của Nhật vào tháng 7 năm 2008 đã từng có bài viết : “Con đường đầu tư và tranh giành quyền khai thác khoáng sản ở Triều Tiên”, trong đó, đề cập đến các công ty lớn của Nhật Bản và Hoa Kỳ về khai thác năng lượng bắt đầu từ năm 2002 đã tranh giành quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Triều Tiên. Hiện tại, quặng uranium và quặng vàng đang được quan tâm nhiều nhất. Tờ “Thời báo hoàn cầu” từng đưa tin, năm 1947, Triều Tiên đã phát hiện uranium ngầm nhờ các chuyên gia Liên Xô. Năm 1964, trữ lượng cơ bản được ước tính khoảng 400 triệu tấn. Hiện tại, Triều Tiên đã có mỏ khai thác và nhà máy chế biến quặng Uranium. Tuy kỹ thuật vẫn còn lạc hậu nhưng là một nhiên liệu hạt nhân quan trọng nên việc tự cung tự cấp và xuất khẩu quặng uranium đã trở thành lá chắn bảo vệ lợi ích và biện pháp đe dọa lớn nhất của Triều Tiên. Theo các nguồn tin, nguồn đầu tư chủ yếu của các nước Âu Mỹ đối với tài nguyên khoáng sản có giá trị chiến lược này là từ “Quỹ đầu tư phát triển Triều Tiên” được thành lập tại Luân Đôn. Quy mô của quỹ này đã lên đến trên 5 tỷ USD. Một quan chức thuộc Nghị viện Hoa Kỳ thời tổng thống “Bush con” trước đây phụ trách vấn đề Triều Tiên, cũng là quan sát viên của quỹ này cho biết: Ngoài mặt, Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích vấn đến hạt nhân của Triều Tiên nhưng trên thực tế lại âm thầm thiết lập một “con đường màu xanh” từ Oa-sinh-tơn đến Luân-đôn rồi tới Bình Nhưỡng để tìm kiếm quyền ưu tiên về tài nguyên khoáng sản từ Triều Tiên cho chính Hoa Kỳ và các đồng minh chiến lược của họ. Một con đường khác của các nhà đầu tư Âu-Mỹ là thông qua doanh nghiệp của Hàn Quốc và các nước có giao dịch thường xuyên với Triều Tiên. Trên thực tế, các doanh nghiệp Hàn Quốc rất được quan tâm. Ví dụ như từ các công ty năng lượng, khai thác mỏ, thương mại thuộc tập đoàn Hyundai, Samsung có thể thấy rất nhiều vốn của các nước Âu-Mỹ.  Dựa vào điểm này, không thể không đề cao cảnh giác với hành động về chiến lược năng lượng của các quốc gia Âu-Mỹ.

Sự phát triển ngành công nghiệp hạt nhân của Trung Quốc dẫn đến nhu cầu cao về quặng Uranium nhưng trữ lượng tự có lại quá thấp. Trong sự cạnh tranh quốc tế về các loại năng lượng chiến lược như quặng Uranium, Trung Quốc luôn trong thế bị động. Các cường quốc sản xuất Uranium thuộc châu Phi như Namibia hầu như đều bị các tập đoàn năng lượng lớn của Âu-Mỹ lũng đoạn. Riêng tập đoàn năng lượng nguyên tử Areva của Pháp chiếm hơn 20% năng lực sản xuất toàn cầu. Hiện tại, tập đoàn này vừa thành công giành quyền khai thác độc quyền tại Nigieria, thu hẹp địa bàn khai thác của Trung Quốc tại châu Phi. Quặng Uranium là một tài nguyên quý hiếm mà vùng đất châu Phi với trữ lượng phong phú vẫn luôn chịu sự thao túng của các quốc gia Âu-Mỹ. Việc hợp tác và khai thác khoáng sản của Trung Quốc tại Châu Phi vẫn luôn trong cảnh “lực bất tòng tâm”, chưa kể đến sự chèn ép mạnh mẽ của các nước phương Tây. Tuy nhiên, đối với đất nước Triều Tiên có trữ lượng khoáng sản vượt trội thì Trung Quốc lại có ưu thế đầu tư “thiên thời địa lợi”. Nhưng các công ty của Âu-Mỹ luôn biết cách “thả dây dài để câu cá lớn”, nên điều này đáng để các công ty Trung Quốc quan tâm và chủ động, kịp thời trong chiến lược khai thác uranium, vàng, chì, titan, magie cũng như các nguồn tài nguyên khan hiếm khác.

Về phía Triều Tiên, chi phí sản xuất các năng lượng chiến lược quá cao, ngành công nghiệp gia công chưa hoàn thiện. Đồng thời, do chịu chịu sự giám sát và trừng phạt lâu dài của quốc tế nên xuất khẩu khoáng sản vô cùng khó khăn, đặc biệt là tài nguyên chiến lược nhạy cảm như uranium. Do đó, con đường để Triều Tiên phát triển kinh tế, mở cửa đất nước trong tương lai là chuẩn bị các chính sách cần thiết cho việc mở rộng quyền khai thác và kinh doanh tài nguyên khoáng sản của các công ty nước ngoài.

Mở rộng du lịch

Ngoài những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên thì du lịch cũng là ngành không thể thiếu trong quá trình Triều Tiên thực hiện cải cách mở cửa. Sự bí ẩn của Triều Tiên vốn là một điểm mạnh thu hút du khách trên thế giới, hơn nữa, quần thể kiến trúc đài tưởng niệm của thành phố Bình Nhưỡng như Vạn Thọ Đài (Mansudae), tháp Tư tưởng chủ thể (Juche Tower), Bảo tàng Cách mạng…đều có những giá trị độc đáo về mặt thị giác. Thậm chí, đến cả các nữ cảnh sát giao thông cũng là một điểm thu hút. Đối với khách du lịch Trung Quốc, Triều Tiên có một giá trị du lịch tương đối đặc thù. Mặc dù người Trung Quốc đã theo đuổi dự án du lịch Triều Tiên 20 năm nhưng vẫn khá ít người quan tâm. Đặc biệt, năm nay đã chính thức cho phép các đoàn khách du lịch đến Triều Tiên nhưng tình hình vẫn chưa như mong muốn. Nguyên nhân của việc này là do những lo lắng về vấn đề an toàn cũng như sự thiếu hụt các thông tin. Cùng với sự gia tăng giao lưu giữa Triều Tiên với thế giới, khôi phục được phần nào cảm giác tín nhiệm và an toàn, thì dự tính bình quân mỗi du khách mang lại 3000 nhân dân tệ, nếu một năm có thể thu hút 1 triệu khách sẽ mang lại ít nhất 3 tỷ nhân dân tệ. Tuy con số này chỉ bằng một phần mười lượng khách đến đảo Jeju - Hàn Quốc nhưng đây cũng là một triển vọng tuyệt vời.

Tuy nhiên, có phân tích cho rằng, nhìn từ góc độ tiến hành cải cách của chính quyền mới do Kim Jong-un đứng đầu, thì để đạt được các mục tiêu du lịch quy mô lớn như vậy trong vài năm tới là điều không thể. Rất nhiều những bất ổn dẫn đến mọi người không thể có một điều kiện ổn định để đến du lịch trong thời gian ngắn trước mắt. Bản thân tác giả cũng từng đến Triều Tiên du lịch, khi trở về đúng lúc Hàn Quốc và Triều Tiên xảy ra đấu pháo, biên giới Trung-Triều cũng bị đóng cửa, tác giả không thể trở về, mà cục diện căng thẳng như vậy trong mấy năm nay vẫn liên tiếp diễn ra.

Đương nhiên, lợi thế lớn nhất từ trước tới nay của Triều Tiên vẫn là vị trí địa - chính trị đặc biệt, bị cuốn giữa bốn nước Trung, Nhật, Hàn, Nga và thêm cả Mỹ - một quốc gia ở cách đại dương luôn dõi theo. Tuy nhiên, nếu Kim Jong-un muốn đưa Triều Tiên ra khỏi sự cô lập thì phải tận dụng các nguồn lực khác nhau. Nước này cần tham gia nhiều hơn vào các hoạt động hòa giải, hợp tác với các nước xung quanh để tạo nên cốt lõi của trung tâm thương mại đa phương khu vực Đông Bắc Á. Chắc chắn viễn cảnh này sẽ đáng để quốc tế mong đợi.

Bùi Đông Hưng

Tổng thuật từ nhiều nguồn:

http://www.wantchinatimes.com/news-subclass-cnt.aspx?id=20120422000011&cid=1202

http://www.resourceinvestor.com/2005/11/01/china-expanding-steel-industry-in-north-korea

http://www.scmp.com/business/commodities/article/1358724/chinese-businessmen-seek-profitable-opportunities-north-korea

http://www.country-data.com/cgi-bin/query/r-9562.html

http://countrystudies.us/north-korea/48.htm

http://www.mining.com/chinese-miners-crucial-to-opening-of-north-koreas-economy-34770/

http://minerals.usgs.gov/minerals/pubs/country/2010/myb3-2010-kn.pdf


Scroll To Top