Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HYANG KA ( HƯƠNG CA ) TRONG TAM QUỐC DI SỰ ( PHẦN 9 )

Đăng ngày:

Bài Hương ca thứ mười hai xuất hiện trong câu chuyện về Huệ tinh ca (Bài ca sao chổi) của nhà sư Yung Cheon ( Dung Thiên ), Thời Chân Bình Vương.

Truyện kể rằng:

Có ba Hoa lang là Đệ ngũ Cư Liệt lang, Đệ lục Thực Xứ lang (còn gọi là Đột Xứ lang) và Đệ thất Bảo Đồng lang muốn đi chơi núi Kim Cương (còn gọi là núi Phong Nhạc) thì thấy sao chổi phạm vào Tâm Đại tinh.[1] Các Hoa lang nghi ngại về chuyện đó nên muốn dừng chuyến đi. Bấy giờ, nhà sư Dung Thiên làm bài ca và hát lên thì sao chổi lập tức biến mất. Quân Nhật Bản rút về nước. Thế là họa biến thành phúc, nhà vua biết tin cả mừng liền cho phép các Hoa lang đi du ngoạn núi Kim Cương.

Bài ca đó như sau:

Ngước nhìn tòa thành Can Đạt Bà [2]từng du ngoạn,

Bên bờ biển phía Đông xưa,

Thấy vùng biên cương đốt lửa.

Báo rằng giặc Oa đã tới.

Nghe nói, ba chàng Hoa lang du ngoạn trên non,

Trăng cũng miệt mài tỏa sáng.

Nhưng, ngước nhìn sao sáng dẫn lối,

Có người bảo rằng: Kìa sao chổi!

A…! Trăng đang là là phía dưới,

Có sao chổi nào hợp cảnh này chăng?

Qua câu chuyện và bài Hương ca, ta có thể thấy rõ  một số vấn đề sau:

Một là, người xưa, dù là ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản hay Hàn Quốc, thậm chỉ ở phương Tây đều cho rằng, sao chổi xuất hiện là điềm báo không tốt lành, là điềm gở của một quóc gia, một triều đình. Ở đây, thực tế đã diễn ra như vậy! Quân giặc Oa ( Nhật Bản) đã tiến sát biên cương, các ụ đốt lửa đã phóng hỏa báo tin cho triều đình biết điều đó.

Hai là, lực lượng Hoa lang đã trở thành lực lượng quân sự nòng cốt và hùng mạnh ở thời kỳ này. Các chiến binh Hoa lang lập nhiều công trạng trong việc thống nhất giang sơn về một mối, lập nên một nước Tân La hùng mạnh đã trở thành các tướng lĩnh thân cận của nhà vua và họ sẵn sàng dừng chuyến du ngoạn núi Kim Cương khi đất nước sắp có họa ngoại xâm.

Ba là, núi Kim Cương được đề cập ở đây là một địa điểm du ngoạn của các Hoa lang đã cho thấy sự linh thiêng và vẻ đẹp hùng vĩ của nó đã được người Hàn Quốc từ xa xưa ngưỡng vọng, chứ không phải đến tận bây giờ, khu du lịch núi Kim Cương được mở ra do sự thỏa thuận giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, được coi là biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc nên người Hàn Quốc mới tới thăm quan du lịch.

Trước khi tên núi Kim Cương xuất hiện ở bài này thì trước đó đã xuất hiện ở Quyển 1; Phần thứ nhất; Câu chuyện về Nữ vương Chân Đức trong Tam quốc di sự có ghi: “Ở Tân La có bốn vùng đất thiêng. Mỗi khi luận bàn việc lớn, quần thần đều tập trung tại đây. Nếu làm vậy, việc tất thành. [Vùng đất thiêng] Thứ nhất là Cheong Song San (Thanh Tùng Sơn) ở phía Đông, thứ hai là Woo Ji San (Ô Tri Sơn) ở phía Nam, thứ ba là Pi Jeon (Bì Điền) ở phía Tây và thứ tư là Keum Kang San (Kim Cương Sơn) ở phía Bắc.”

Bốn là, sức mạnh về mặt tâm linh của Phật giáo và uy lực mang tính ma thuật của nhà sư thời Tân La khi tụng niệm những bài Hương ca được phản ánh một cách siêu hiện thực. Người Tân La đương thời luôn luôn tin vào sức mạnh siêu nhiên của đức Phật và cầu Phật giải thoát cho. Đức tin này còn kéo dài tới tận thời Koryeo. Khi quân Mông Cổ xâm chiếm Koryeo, triều đình Koryeo chạy ra đảo Kang Hwa, chỉ lo việc khắc lại bộ kinh Tam tạng, cầu xin đức Phật cứu giúp mà không lo việc chống ngoại xâm.

Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Theo:

Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.

 

 

 



[1] Tâm Đại tinh là tên một vì sao có vị trí trung tâm trong nhị thập bát tú.

[2] Tiếng Phạn là Gandharva – nagara, là nhạc thần, một trong Thiên long bát bộ, phụ trách âm nhạc trong cung điện của thần linh .(ND)


Scroll To Top