Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HYANGKA ( HƯƠNG CA ) TRONG TAM QUỐC DI SỰ ( PHẦN 8 )

Đăng ngày:

Bài Hương ca thứ mười và mười một xuất hiện trong câu chuyện về Đâu suất ca [1]của nhà sư Wol Meong ( Nguyệt Minh ).

Truyện kể rằng:

Ngày mùng 1 tháng 4 năm Canh Tý (năm 760), tức năm thứ 19 đời vua Cảnh Đức, có hai mặt trời cùng xuất hiện suốt cả mười ngày mà không lặn.

Quan coi thiên văn tâu rằng:

- Mời nhà sư có nhân duyên tán hoa công đức[2] thì mới hóa giải được tai ương này.

Vì thế, nhà vua cho lập đàn thanh khiết ở điện Triều Nguyên rồi ngự giá tới lầu Thanh Dương chờ đợi nhà sư có nhân duyên tới. Bấy giờ, nhà sư Nguyệt Minh đang đi trên con đường phía Nam giữa cánh đồng. Nhà vua liền sai người vời gọi rồi ra lệnh mở đàn và viết bài cầu nguyện. Nhà sư Nguyệt Minh tâu:

- Thần tăng thuộc nhóm Quốc tiên nên chỉ biết hương ca chứ không thông thạo  Phạn thanh[3].

Nhà vua nói:

- Đã xem quẻ chọn được nhà sư có nhân duyên thì dùng hương ca cũng được.

Nhà sư Nguyệt Minh bèn làm bài Đâu Suất ca rồi hát. Nội dung như sau:

Hôm nay tại đây, tán hoa ca, ta hát,

Hoa kia hỡi! Hãy bay vút lên cao,.

Mang theo đức tin của tấm lòng thành,

Dâng lên đức Phật!

Bài ca này được giải nghĩa như sau:

Hôm nay, ở Long Lâu, hát Tán hoa ca,

Gửi tới mây xanh một nhành hoa.

Tấm lòng ngay thẳng biểu lộ chân thành,

Đại tiên gia ở Đâu Suất Thiên, viễn thỉnh!

Một lát sau, chuyện lạ của mặt trời biến mất. Nhà vua vui mừng, ban cho một hộp trà và 108 viên tràng hạt bằng thủy tinh. Bấy giờ, bỗng có một đồng tử, dáng vẻ thanh nhã quỳ xuống, nhận bưng trà và tràng hạt theo cửa nhỏ phía Tây đi ra.Nhà sư Nguyệt Minh ngỡ đó là sứ giả của nội cung; nhà vua cho là người tháp tùng Pháp sư nhưng nhìn kỹ ra thì không phải như vậy. Nhà vua rất lấy làm lạ, sai người đuổi theo thì đồng tử biến vào trong tháp của nội viện, trà và tràng hạt đặt ở phía trước tượng Phật Di Lặc vẽ ở bức tường phía Nam. Điều đó đủ biết Nguyệt Minh chí đức và chí thành, có thể cảm động đến đức Phật như vậy đó! Trong triều ngoài nội ai ai cũng biết chuyện này, nhà vua càng kính trọng nhà sư Nguyệt Minh, lại tặng cho một trăm tấm lụa để biểu thị tấm lòng trọng vọng.

Nhà sư Nguyệt Minh từng vì cô em gái mất mà làm bài hương ca tế vong hồn em. Bỗng nhiên, một trận cuồng phong nổi lên cuốn giấy tiền bay mất về hướng Tây.

Bài hương ca như sau:

Đạo trời có tử có sinh,

Em muốn ở cõi trần mà không đặng.

Em đi đây một lời chẳng nói,

Mà lặng lẽ từ bỏ nhân gian.

Như chiếc lá lìa cành,

Theo gió thu trôi dạt

Không biết đến nơi nào.

Cùng một cành, một chiếc lá đã rơi,

Than ôi! Mong tới ngày gặp em nơi cực lạc!

Ta dốc lòng tu đạo, đợi ngày đó mà thôi.

Nguyệt Minh thường ở chùa Tứ Thiên Vương, giỏi thổi sáo, từng có đêm trăng sáng, tiếng sáo bay ra tận đường lớn trước cửa, mặt trăng ngừng chuyển động, dừng lại nghe. Nhân có chuyện như vậy mà con đường đó được đặt tên là Nguyệt Minh và nhà sư cũng bởi chuyện đó mà trở nên nổi tiếng.

Theo Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX, những câu chuyện trên có liên quan tới tác giả này mang đậm sắc thái thần bí so với các câu chuyện khác.

Những câu chuyện thần bí như vậy xoay quanh nhà sư Nguyệt Minh đã khắc họa được diện mạo của khách phong lưu, tự do, phiêu lãng. Nhà sư Nguyệt Minh cũng giống như nhà sư Trung Đàm có tín ngưỡng Di Lặc, tín ngưỡng có khuynh hướng cải cách hiện thực mạnh nhất trong tư tưởng Phật giáo và cũng tin vào tinh thần Hoa – rang. Nhưng, trước khi gọi Nguyệt Minh là nhà sư thì đúng hơn phải gọi là người làm thơ, ngâm thơ hay. Tính độc đáo của bài thơ Tế Vong muội ca có lẽ không thể không liên quan đến khí chất ấy của nhà sư. Tế Vong muội ca là bài hương ca đã khai thác được tính chất trữ tình cao nhất. Bài ca này so với các bài hương ca khác từ lâu không những được đánh giá là độc đáo mà ý thơ được diễn giải rất mạch lạc. Sự cảm động mà bài ca này đem lại khiến cho bất kể ai trong cõi nhân gian đều có nỗi niềm bi ai đối với cái chết, đã thể hiện được nỗi niềm biết sợ đối với thế giới chưa biết.

Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Theo:Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.

Komisook – Jungmin – Jung Byung Sul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX, Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung biên dịch và chú giải, 2006, Nxb Đại học Quốc gia Hà nội.



[1] Đâu suất ca: Bài ca cầu Phật. (ND)

[2] Tán hoa: dâng hoa niệm Phật; công đức: một hành vi có tâm có đức theo giáo lý nhà Phật.

[3] Phạn thanh: tức Phạn bối, chỉ bài hát ca ngợi đức Phật, ý nói việc niệm Phật bằng tiếng Phạn.


Scroll To Top