Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HYANG KA (HƯƠNG CA) TRONG “TAM QUỐC DI SỰ” (Phần 6)

Đăng ngày:

Bài Hương ca thứ 7  trong cuốn “Tam quốc di sự” thuộc câu chuyện “Đức Phật đại bi nghìn tay chùa Bun Hwang (Phấn Hoàng) làm sáng mắt cho đứa trẻ mù”.

Nội dung câu chuyện như sau:

Có đứa trẻ tên là Hy Minh, con của một bà mẹ sống ở huyện Hán Kỳ, thời Cảnh Đức Vương, lên 5 tuổi thì bỗng dưng bị mù. Một hôm, bà mẹ ôm con tìm đến bức vẽ Thiên Thủ Đại Bi[1] ở bức tường phía Bắc, là tả điện bên trái chùa Phấn Hoàng. Ở đây, bà mẹ hát để cầu nguyện cho con thì mắt đứa trẻ sáng lại.

Bài hát đó chính là bài Hương ca có tên là Đảo Thiên Thủ Đại Bi ca (도천수대비가), nội dung như sau:

Xin quỳ gối,

Chắp hai tay.

Dâng lời cầu,

Lên Quán Âm Thiên Thủ.

Ngài có một ngàn tay,

Ngài có một ngàn mắt,

Xin bớt đi một cái,

Cho kẻ không có con mắt nào.

Ôi, nếu như ban phúc cho con,

Lòng từ bi đó rộng lớn biết bao!

Tác giả ghi chép lại câu chuyện và bài Hương ca trên đã có một bài thơ ca ngợi rằng:

Cưỡi ngựa tre, thổi sênh lá, chơi bên đường,

Mà bỗng dưng một sớm kia, đôi mắt xanh bị mù.

Nếu như Bồ Tát từ bi không rủ lòng thương,

Tiễn hoa liễu với tế xuân[2] không biết sẽ bao lần.

 

 

Bài Hương ca thứ 8  trong cuốn “Tam quốc di sự” thuộc câu chuyện “Nhà sư Yang Ji (Lương Chí) vung gậy”.

Nội dung câu chuyện như sau:

Quê hương và tổ tông của nhà sư Yang Ji (Lương Chí) không thể biết rõ, chỉ biết là bắt đầu có manh mối từ thời Thiện Đức Vương.

Cái gậy nếu treo cái bị vào thì sẽ tự bay đến nhà thí chủ vừa lắc vừa kêu. Thí chủ biết sẽ bỏ chi phí cúng tế vào trong cái bị, nếu bị đầy thì cái gậy sẽ bay trở về. Vì thế, người ta gọi ngôi chùa mà nhà sư Lương Chí ở là chùa Tích Trượng.

Nhà sư Lương Chí rất kỳ bí, khó ai có thể hiểu được như việc nêu trên. Ngoài ra, nhà sư còn thông đạt nhiều kỹ nghệ đa dạng, sự tinh thông thì không ai bì kịp. Nhà sư giỏi thư pháp, viết chữ đẹp. Tượng Linh Diệu Trượng Lục và Thiên Vương cùng với ngói điện tháp cũng như Bát bộ thần tướng dưới chân tháp ở chùa Linh Diệu, hay như tượng Chủ Phật tam tôn và Tả hữu Kim cương thần ở chùa Pháp Lâm[3] đều do một tay nhà sư làm. Nhà sư Lương Chí tự tay viết lên tấm biển tên chùa là “Pháp Lâm tự” và “Linh Diệu tự”, lại đẽo khắc đá làm thành tháp nhỏ, đắp 3.000 tượng Phật đem đặt giữa chùa để cúng tế. Khi làm tượng Trượng Lục của chùa Linh Diệu, nhà sư tự nhập thần định[4] và trong trạng thái chính thụ, không có tạp niệm để nặn đất nên nam nữ trong thành tranh nhau vừa đi vừa lấy đất đắp lên. Có bài Phong dao[5] như sau:

Tới đây, tới đây nào,

Thật là đáng buồn!

Thật là tội nghiệp!

Chúng ta tới để làm công đức nào.

Cho đến bây giờ, người dân ở đây khi giã gạo hay làm việc đều hát bài này.

Đây chính là bài Hương ca có tên là Phong dao (풍요).

Tác giả ghi chép lại câu chuyện và bài Hương ca trên đã bình luận:

- Pháp sư Lương Chí là bậc đại nhân có tài đức hoàn hảo nhưng có thể sống giấu mình trong những tài nghệ vụn vặt.

Và tác giả cũng làm một bài thơ, rằng:

Lễ xong, gậy trước phúc đường nhàn rỗi,

Lặng lẽ nghiêng mình trước Phật thắp hương.

Kinh đọc hết không còn gì làm nữa,

Đắp tượng Phật rồi, cầu nguyện chắp hai tay.

 

Nguyễn Thị Thắm

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Trích dịch từ cuốn “Tam quốc di sự” (Bản tiếng Hàn), Kim Won Jung, Nxb Mineum, 2007, tr.374~375, tr.445~447.

 

 

 



[1] Hình ảnh Quán Thế Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt giải thoát nỗi thống khổ của chúng sinh, đưa tất cả ước nguyện thành hiện thực.

[2] Chỉ lễ tế mùa xuân vào ngày Mậu nhật thứ năm sau khi lập xuân.

[3] Chùa nằm ở Gyeongju.

[4] Đặt lòng mình trong sự cảnh giới và suy ngẫm một cách yên tĩnh.

[5] Chỉ bài hát ngầm thức tỉnh, giác ngộ mọi người.


Scroll To Top