Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HYANG CA (HƯƠNG CA) TRONG "TAM QUỐC DI SỰ" (Phần 5)

Đăng ngày:

Bài Hương ca thứ sáu thuộc câu chuyện Vũ Vương

Truyện kể rằng:

Moo Wang[1] (Vũ Vương), vị vua thứ 30 của Bách Tế có tên là Jang (Chương). Mẫu thân của nhà vua dựng nhà bên bờ ao phía Nam kinh thành sống một mình và qua lại với rồng trong ao sinh ra Chương. Hồi nhỏ, ông có tên là Seo Dong (Thự Đồng)[2], tính tình khí khái, hằng ngày đào khoai lang bán để kiếm sống nên người trong nước gọi bằng cái tên đó. Nghe nói, Seon Hwa (Thiện Hoa), có cách gọi khác là Thiện Hóa, công chúa thứ ba của Jin Pyeong Wang (Chân Bình vương) Tân La vô cùng xinh đẹp, Thự Đồng cắt tóc, vào thành Tân La chia khoai lang cho bọn trẻ và kết thân với chúng. Sau đó, sáng tác bài hát bảo bọn trẻ hát. Bài đồng dao lan khắp kinh thành, truyền vào cung cấm, bá quan ra sức khuyến nghị nhà vua đày công chúa tới nơi xa. Khi công chúa ra đi, Hoàng hậu cho một hũ vàng làm lộ phí. Công chúa đang trên đường đến nơi bị đày, Thự Đồng xuất hiện, vái chào và nói sẽ đi theo chăm sóc công chúa. Công chúa không biết người đó từ đâu đến, nhưng cảm thấy phấn khởi bởi cuộc gặp gỡ tình cờ, nên đồng ý cho đi theo và tình cảm đến lúc nào không hay. Sau này, khi biết tên của người đó là Thự Đồng, công chúa càng tin vào điềm báo trong bài đồng dao. Bài đồng dao như sau:

THỰ ĐỒNG DAO (서동요)

Nàng Thiện Hoa công chúa,

Tình lén với Thự Đồng.

Khi màn đêm buông xuống,

Lén lút đến gặp chàng.

(Lý Xuân Chung dịch)

Thự Đồng dao là một trong những bài Hương ca được sáng tác theo thể bốn câu, mang hình thức ca dao dân ca. Vì vậy, Thự Đồng dao được coi là bài Hương ca bốn câu cổ nhất trong các bài Hương ca.

Trong xã hội Tân La, các thứ bậc mang tính giai cấp được phân theo sự xuất thân rất nghiêm ngặt. Thự Đồng dao là bài ca phản ánh ước mơ cháy bỏng, niềm khát khao hy vọng của những người dân nghèo Tân La về tình yêu qua việc nhà vua Bách Tế (Thự Đồng chính là Bách Tế vương) chủ trương tìm cách gặp công chúa Thiện Hoa. Bối cảnh của câu chuyện cũng hoàn toàn mang tính hư cấu lãng mạn, bởi trong thực tế, những người dân có thân phận thấp kém như Thự Đồng thì không thể kết duyên với công chúa như Thiện Hoa.

Về thân thế của Vũ Vương cũng có nhiều thuyết liên quan. Ở vùng Ik San thuộc tỉnh Cheonlabuk-do cũng có truyền thuyết về sự xuất thân của Vũ Vương cho rằng, ông là con trai của rồng sống trong ao. Bắc sử của nhà Đường Trung Quốc lại chép, Vũ Vương là con trai của Wui Deok Wang (Uy Đức Vương) Bách Tế, từng được cử làm sứ thần sang Trung Quốc. Theo Hậu Chu thưVạn tính thống phổ cho rằng, Vũ Vương là con trai của một quan lại Boo Yeo (Phù Dư). Theo Tam Quốc sử ký, Bách Tế Vũ Vương (580-641), là con trai của Beop Wang (Pháp Vương), lên ngôi năm 600, sau khi vua cha băng hà.

Từ sau khi ông lên ngôi năm 600, Bách Tế thường xuyên xảy ra chiến tranh với Tân La nhằm giành lại phần lãnh thổ đã bị mất trước đó, điển hình là cuộc tấn công năm 627 nhưng bất thành do sự can thiệp của nhà Đường. Mặt khác, để chế ngự sự Nam tiến của Goguryo (Cao Cú Lệ), ông đã thực thi chính sách triều cống với nhà Tùy Trung Quốc và tấn công Cao Cú Lệ hai lần trong thời gian trị vì. Sau khi nhà Đường thay thế nhà Tùy, ông vẫn kiên trì triển khai chính sách ngoại giao thân thiện bằng việc cử sứ thần sang nhà Đường.

Trong thời gian trị vì, chính sách củng cố vương quyền, nâng cao vị thế quốc gia luôn được VũVương chú trọng với việc không ngừng tăng ngân sách cho quân đội, tu sửa hoàng cung Sa Bi (Tứ Bỉ) năm 630. Nhiều công trình văn hóa gắn với tên tuổi của ông hiện là di sản văn hóa của Hàn Quốc như chùa Mireuk (chùa Di Lặc: năm 629), chùa Wang Heung (Vương Hưng) và Goong Nam Ji (Cung Nam Trì: năm 634).

 

 

Phan Thị Oanh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Theo:

  1. 1. Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.
  2. 2. Hyang–ca (hương ca), sự lãng mạn và bi ai của người Shilla, “Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX”, Komisook – Jungmin – Jung Byung Sul, biên dịch và chú giải: Jeon Hye Kyung, Lý Xuân Chung; 2006, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. 3. http://ko.wikipedia.org

 



[1] ) Có thuyết cho rằng Moo Wang (Vũ Vương) này không phải là Vũ vương thứ 30. TS. Lee Byoung Dong cho rằng do viết mà không biết từ đồng nghĩa dị tả của Moo Nyoung (Vũ Ninh) nên cho đó là Vũ Ninh vương thứ 25. Mặt khác, Tam quốc sử ký, Bách Tế bản ký đều chép tên cúng cơm của Vũ vương là Jang (Chương), là con trai của Pháp vương, lên ngôi khi Pháp vương băng hà.

[2] ) Nghĩa là chú bé bán khoai. Bách Tế vương thuở nhỏ nhà rất nghèo, hàng ngày phải đi bán khoai lang kiếm sống nên mọi người gọi là Thự Đồng.


Scroll To Top